Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:40 (GMT +7)

Làm người… nhạy cảm

VNTN - Này, biết tin gì chưa, cái Như khóa này được vào quy hoạch cán bộ đấy.

-Eo ơi, mới đi làm có chục năm, tiến bộ ghê nhỉ?

-Bì sao được, nó thuộc diện nhạy cảm mà.

-À ừ nhỉ, thế thì có gì để nói nữa đâu.

Mọi người dừng bàn tán ngay khi tấm biển “nhạy cảm” được giơ ra. “Nhạy cảm” trở thành chiếc đũa thần hữu hiệu, hóa giải mọi thắc mắc chỉ trong “một nốt nhạc” dù người nói có khi không hiểu nghĩa thực của từ này.

Sau cuộc họp làm quy hoạch, Như là người kém vui nhất. Lựa lúc chỉ có hai chị em trong phòng, Như hỏi tôi:

-Chị thấy em là người thế nào? Em muốn chị nhận xét thẳng thắn về em.

Không ngần ngừ, tôi bảo:

-Em có nghiệp vụ vững, tác phong làm việc chuyên nghiệp, lại được đào tạo bài bản, quan hệ với đồng nghiệp hài hòa…

-Vậy theo chị em có xứng đáng được vào quy hoạch không?

-Xứng chứ. Theo tiêu chuẩn là xứng. Theo quy trình là đúng - Tôi khẳng định.

Như buồn buồn:

-Nói thật với chị, em buồn vì cố gắng của mình không được mọi người ghi nhận. Có được thành tích, khen thưởng gì lại bảo trường hợp “nhạy cảm”, là con ông cháu cha thì được cất nhắc là “tất lẽ dĩ ngẫu”.

Tôi hiểu hoàn cảnh của Như, em về công tác tại cơ quan chục năm nay và được đánh giá là cán bộ giàu năng lực. Năm năm trước, lãnh đạo cũ chuyển đi, lãnh đạo mới về lại là… chú ruột của Như. Nhiều người nhìn Như bằng con mắt khác. Người thì tỏ ra thân thiết hẳn, rủ ăn sáng, hát hò, đi chơi chỗ nọ chỗ kia; người thì e dè ngại ngần không còn gần gũi như trước; người bỗng xa lánh vì sợ mang tiếng “thấy người sang bắt quàng làm họ”.

Cũng từ đó, mỗi lần Như được sếp tuyên dương, được thưởng, được cử đi học, tập huấn, bồi dưỡng… là y như rằng có người bình luận “trường hợp nhạy cảm mà lị”.

Hôm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ họp bổ sung quy hoạch, 100% cấp ủy viên đề nghị đưa Như vào quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ và chức danh phó phòng nghiệp vụ nhiệm kỳ tới. Thế là sáng nay, cơ quan ồn lên bàn tán, mọi ý kiến cuối cùng quy về hai từ “nhạy cảm”.

Người khổ sở vì nằm trong diện “xê ô xê xê” (con ông cháu cha) như trường hợp của Như không ít. Tôi có người bạn làm việc dưới quyền của… bố. Anh bảo, mình luôn luôn xin bố là đừng bao giờ khen thưởng, tuyên dương, ca ngợi… con. Bởi vì, dù lúc ấy bố có gọi con là đồng chí thì mọi người vẫn hiểu rằng đó là bố và con. Anh tâm sự: Mình bị áp lực kinh khủng. Đi đâu, giới thiệu về mình, các đồng nghiệp cũng “quàng” theo một câu “con của đồng chí X, thủ trưởng đơn vị”. Chịu không nổi cảnh nằm trong cái “bóng” của bố, anh xin ra ngoài làm doanh nghiệp tư nhân, cho dù cái suất biên chế nhà nước của anh bao người mơ không được.

Trong cơ quan nhà nước, cái cảnh bố, mẹ, cô, chú làm lãnh đạo có con, cháu làm nhân viên không hiếm, hay nói cách khác là khá phổ biến. Cũng có “hậu duệ” coi đó là thế mạnh, làm ăn chớt chát, đòi hỏi bổng lộc hơn người, con đường thăng tiến như diều gặp bão. Nhưng phần nhiều họ có lòng tự trọng, muốn được đồng nghiệp đánh giá công tâm, đi lên bằng thực lực của chính bản thân mình.

Nhìn nhận con người hãy bằng những thứ họ có, như thế mới là công bằng. Còn quy họ vào chỗ “nhạy cảm” để phủ nhận sạch trơn cũng là một dạng của đố kỵ, ghen ăn tức ở, cần lên án

 

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước