Lại được mùa trên đất dự án “treo… non”
Trong số 38 ha đất nằm trong Dự án Hồng Long - thuộc xóm Đông Sinh và xóm Ấm, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên thì có trên 34 ha là đất hai lúa một màu, nằm cạnh kênh cấp 2 hồ Núi Cốc, còn lại là đất vườn tạp, thổ cư, đường xá và nghĩa địa. Tính đến tháng 6/2018 này, đã qua ba vụ lúa và hai vụ màu, người dân nơi đây được mùa trên đồng đất thuộc Dự án Hồng Long, đây cũng là vụ được mùa lớn nhất so với những vụ trước.
Được mùa lúa
Nhìn đồng lúa vàng trĩu bông, có nhiều lá đứng còn xanh, ông Đặng Văn Thưởng, Bí thư chi bộ xóm Đông Sinh khoe: “Nhờ quyết đoán của cấp ủy, chi bộ và sự tích cực của cán bộ đoàn thể trong xóm, sự đồng lòng vào cuộc của bà con nông dân nên mới có vụ lúa thứ ba được mùa trên đất Dự án Hồng Long đấy nhà báo ạ. Vụ này, bét ra chúng tôi cũng đạt năng suất lúa bình quân 180 kg thóc/1 sào. Ông Nhỡ ở tổ Giữa có ruộng gần xóm Ấm cho biết lúa của nhà ông còn đạt 2 tạ/sào. Đó là chưa kể 1/3 số diện tích này cấy bằng giống lúa 225 cho năng suất tới trên dưới 2,5 tạ/sào. Lúa năm nay chắc hạt lắm. Riêng Đông Sinh chắc chắn thu được 120 tấn thóc trên diện tích 24 ha”. Vừa nói, ông vừa ngắt vài bông lúa, chỉ cho tôi xem từng hạt thóc mẩy.
- Nhiều người bảo Dự án này “thối” rồi, có phải không ông Thưởng? Tôi hỏi.
- Không. Nếu “thối” thì chúng tôi đã chủ động sản xuất và thắng lợi còn lớn hơn nhiều. Ví dụ: Cán bộ ở Đông Sinh chúng tôi không dám động viên bà con làm vụ đông vì nó là mùa khô, dễ xây dựng đường xá, nhà cửa của bên Dự án nên chỉ để nhân dân tự động sản xuất, thế mà vụ đông xuân vừa rồi nhiều gia đình cũng thu hàng triệu tiền ngô và nhiều gia đình bán được dăm bảy tạ cà xanh, cà pháo, dưa chuột, su hào trên đất Dự án. Cánh ô tô đến tận đầu xóm buôn hàng mấy chục tấn đi Hà Nội chứ không ít đâu. Lại nữa, bà Đàm Thị Thao - Chi hội trưởng Chi hội nông dân Đông Sinh, xin đưa vài ba hécta lúa giống, ô mẫu năng suất cao vào khu ruộng “cái cơm” ở phía dưới nghĩa địa kia, nhưng không thể làm. Biết là sẽ ăn to, song phải đầu tư lớn, nhỡ cánh Hồng Long trở lại thật vào giữa vụ thì lỗ, vì Hồng Long chỉ hứa đền bù sản lượng bình thường hàng năm, nếu họ lấy đất khi mình đã gieo cấy thì mất toi.
- Thế bây giờ Dự án Hồng Long vẫn bị “treo” à?
- Vâng - ông Thưởng đáp lời. Về lí mà nói thì các gia đình có đất nằm trong Dự án Hồng Long đã kí kết, thậm chí còn nhận tờ khai, nhận giấy thông báo chờ… lĩnh tiền, rồi giao đất. Giấy Thông báo có chữ kí của Tổng Giám đốc và con dấu đỏ chót. Chỉ có điều, bên Dự án chưa giải ngân đồng nào. Tuy nhiên, khi ở xóm có người qua đời, Hồng Long vẫn cử người về thăm viếng và hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi đám (kể cả 5 đám đi hỏa táng trong thời gian qua). Vì vậy, có một lão nông ở đây đã ví thế này: Dự án Hồng Long ở quê tôi như một cô gái đẹp đã được dạm ngõ, rồi ăn hỏi đàng hoàng, có lần đã ngỏ lời xin cưới. Thế mà, nhà trai lại bỏ lửng… Tuy vậy, vốn là cô gái đứng đắn có bản lĩnh, chung tình nên cô vẫn sống vui vẻ, làm ăn chăm chỉ, chờ nhà trai chuẩn bị đủ điều kiện để tổ chức cưới. Bằng không, thì nhà trai phải có lời xin lỗi hẳn hoi…
Tiếp xúc với Trưởng xóm Đông Sinh, tôi được biết: Đã thành thói quen, khi chuẩn bị vào vụ, bà con vẫn phải tổ chức dọn mương, phát bờ rồi làm đất thật nhuyễn. Thời tiết thất thường nên lãnh đạo xóm đặc biệt coi trọng thông báo lịch gieo trồng, định kỳ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho mạ, cho lúa như những ngày chưa có Dự án vào. Nhiều gia đình đổi công cho nhau, tổ chức hội giúp những hộ neo bấn, gia đình gặp khó khăn nên việc gieo cấy nhanh gọn, đúng thời vụ. Chi hội nông dân cung ứng vật tư phân bón kịp thời. Hơn nữa, ngay tại xóm cũng có hai cửa hàng dịch vụ phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc. Điều quan trọng là nhờ được tập huấn nên ai cũng biết chăm bón lúa màu đúng lúc, đúng cách theo từng giai đoạn của cây trồng.
Bà Đàm Thị Thao, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nói chuyện như một cán bộ kỹ thuật thực thụ: - Giá lúa giống lai 225 đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giống lúa khác. Nhưng nó “đắt xắt ra miếng”. Ba vụ nay, nhiều bà con ở Đông Sinh đã quen dùng. Giống này đẻ khỏe, bông dài, hạt mẩy, kháng bệnh tốt, chất lượng gạo ngon. Có điều, nó đòi hỏi phải được chăm sóc tốt. Chi hội nông dân đã cung ứng đủ 20 tấn phân các loại cho bà con ngay từ đầu mùa, cuối vụ mới thu tiền và người mua không phải trả lãi. Qua vụ gặt, cho thấy những gia đình bón lót mỗi sào 20 kg phân vi sinh làm cho lúa bén rễ nhanh, chắc cây. Khi lúa tới thì con gái, được bón thúc đủ mỗi sào 1,5 kg đạm để lúa đẻ tập trung. Lúa chuẩn bị làm đòng lại được bón bổ sung 5 kg phân tổng hợp, kết hợp với phòng trừ sâu bệnh tốt. Do đó, một phần ba diện tích ruộng ở khu Dự án “treo… non” cấy bằng giống lúa lai 225 đã thu tới 250 kg thóc/1 sào (tăng hơn giống lúa khác 50 đến 70 kg/1 sào).
Bà Khoát, Trưởng ban công tác Mặt trận ở xóm Ấm còn cho biết thêm:
- Nhà bà Tiến có 6 sào lúa trên đồng Dự án, sát với đồng Đông Sinh, vụ này cũng không chịu thua kém; vừa qua bà thu về gần tấn tư thóc, sớm nhất làng. Năm nay, máy gặt gom thóc vào một chỗ chứ không để rải rác ở đầu bờ như mọi năm nên “nhàn lắm”.
Qua câu chuyện với bà con, tôi được biết: Riêng xóm Đông Sinh có nhiều người đi làm công nhân ở Nhà máy Vòng Bi, Samsung, Điềm Thụy cũng như những doanh nghiệp nhỏ lẻ khác, rồi tranh thủ đi buôn hoa quả, buôn thịt lợn… nhưng do tiếc đất nên vẫn cố kham mỗi hộ dăm bảy sào ruộng. Ai cũng bảo nhà nông mà có đủ thóc ăn, thóc để chăn nuôi là tốt rồi. Tiền làm ra từ rau màu, chăn nuôi; tiết kiệm từ đi làm công nhân, từ chợ búa, lúc nào cũng rủng rỉnh. Chả thế hai năm qua, mặc dù tranh thủ cấy lúa, trồng màu trên đồng đất Dự án “treo… non”, người dân Đông Sinh vẫn dư dật lương thực, thực phẩm. Nhờ vậy, năm 2016 dân Đông Sinh làm thêm 10 nhà cao tầng; Năm 2017 lại có thêm 11 căn hộ nữa “mọc” lên, nhiều căn hộ còn mang dáng dấp biệt thự tại thôn quê, như nhà ông Trần Văn Lâm, Đỗ Văn Thăng, Đào văn Kiên… Một số nhà đã sắm ô tô du lịch. Mấy năm nay, nhờ chăm chỉ hay lam hay làm, biết tính toán, người dân Đông Sinh như được đổi đời. Nghèo như gia đình ông Minh Thanh bây giờ cũng có con biết lái ô tô, có con học xong đại học, lại có việc làm đàng hoàng và có cả nhà mái bằng. Nếu nơi đây Dự án Hồng Long thực hiện đúng kế hoạch (nghĩa là năm 2018 đã có một số hạng mục đi vào sử dụng) thì Đông Sinh đã sớm trở thành xóm Đô thị hoành tráng của thời kì đổi mới rồi.
Được cả mùa hoa
Thăm Đông Sinh, tôi còn thấy nơi đây chẳng phải chỉ được mùa gieo trồng lúa, màu mà còn được mùa cả về mở rộng đường trục của xóm và được mùa trồng hoa trên đất “dự án treo… non”, làm cho bộ mặt Đông Sinh càng có nhiều khởi sắc, đúng như câu hát: “Mời về thăm xóm Đông Sinh, thăm hồ sóng lượn đường mình thắm hoa…”
Khi hỏi về việc mở rộng đoạn đường cửa Đình, ông Đặng Văn Trường- Chi ủy viên, Trưởng Ban công tác Mặt trận kể:- Hai bên lề con đường liên xóm (phần đất thuộc địa phận Đông Sinh) vốn lồi lõm, thường xuyên cỏ mọc um tùm, mất quá nhiều công tổng vệ sinh. Thấy vậy, ông Đàm Văn Hưng, Tổ trưởng “Tổ đảng viên 76” ở Đông Sinh đã đề xuất với cấp ủy và Ban quản lý xóm xin phối hợp với chi hội CCB và một số nhà tài trợ tại chỗ ủng hộ vốn, góp công để mở rộng đoạn đường bê tông từ cửa Đình tới Đồng Bát rộng thêm 80 phân, cho hai ô tô tải tránh nhau thoải mái, với số kinh phí gần 80 triệu đồng. Phần đất còn lại, chi hội phụ nữ đã bỏ ra trên một trăm công và gần 3 triệu đồng mua giống hoa về trồng. Thế là vụ xuân vừa qua, 300m đường trục của làng đã mở rộng xong, lại có hoa tô điểm làm cho cảnh làng thêm rực rỡ. Khi làm, mọi người bảo nhau: Đường ta ta cứ kiến thiết để đi lại cho thoải mái; Hoa của ta, ta cứ trồng cho đẹp xóm làng. Biết đâu khi Hồng Long vào tiếp lại ưng ý với con đường này mà xin mua. Sau khi trồng hoa, hầu như người dân nào cũng có ý thức chăm sóc, nhất là sau những lần mưa bão…
Hiện nay, đã bước vào vụ làm mùa, chưa thấy Nhà đầu tư về giải ngân, thu đất nên lãnh đạo hai xóm lại vận động bà con khẩn trương làm đất gieo mạ vụ mùa 2018, quyết tâm giành vụ lúa thứ tư thắng lợi trên đất Dự án “treo… non”. Nếu “chẳng may”, Hồng Long về đòi đất theo tinh thần Dự án thì bà con sẵn sàng trả cho họ bất kỳ thời điểm nào và vui vẻ nhận tiền đền bù vốn cũng như công gieo trồng, theo tinh thần đã cam kết trong thư trước đây của Tổng Giám đốc Công ty Hồng Long. Ông Thưởng còn nhấn mạnh: - Vì việc lớn trong thời kỳ đổi mới của đất nước, chúng tôi luôn luôn ủng hộ Dự án, không hề so đo tính toán. Mong sao Nhà đầu tư Hồng Long sớm triển khai tiếp Dự án để Đông Sinh và xóm Ấm chúng tôi được góp phần đưa Thị xã Phổ Yên lên Thành phố trong tương lai, càng sớm càng hay.
Văn Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...