Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
20:48 (GMT +7)

Lại chuyện xung quanh mâm cỗ

VNTN - Bài “Sao bắt tay lắm thế” đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 28, ra ngày 12-7-2016, sau khi được facebook lan truyền, đã có nhiều người vào com - mần chia sẻ suy nghĩ của họ về “nạn” bắt tay trong khi ăn cỗ. Hóa ra, nỗi khổ cho người “bị” bắt tay không chỉ ở chỗ bàn tay kia nhơm nhớp thức ăn. Nhiều người còn có cách bắt tay… kì dị làm kinh hồn người khác.

Chị Th. kể: Có người bạn thường ngày tôi thấy khá đứng đắn, chừng mực, thế mà sau mấy chén rượu, anh ta trong khi bắt tay tôi còn gãi gãi vào lòng bàn tay đầy ẩn ý. Từ đấy tôi nhìn con người này với ánh mắt khác. Bạn L. thì tâm sự: Mình có sở thích đeo nhẫn, nhiều lần bị “các ông” cầm tay bóp thật lực, nhẫn nghiến vào tay đau phát khóc. Thật kinh hãi, không hiểu họ muốn thể hiện sức mạnh gì bằng cách bóp tay phụ nữ?

 Từ cái bắt tay thông thường sau mỗi lần mời nhau uống rượu, bia, có nơi còn “phát triển” thành cách uống “khát vọng” (choàng tay qua cổ nhau mà uống); cách uống “giáp thân” (hai thân người áp vào nhau); cách uống “giáp tí” (chắc mọi người đã hiểu). Chưa kể, còn có người lợi dụng để ôm, hôn người khác giới.

Nhân đà chuyện bắt tay, chị K. còn phàn nàn một “vấn nạn” khác, cũng khủng khiếp không kém. Đó là nạn “chém gió” và “phun mưa” vào mâm cỗ. Không ít người khi mang cốc/chén đến mâm người khác để uống thì nói năng rất dài. Thêm hơi bia rượu nên họ phát ngôn hăng lắm, khiến nước bọt “phun” vào thức ăn và mặt mọi người rào rào. Chị Th. kể: Mỗi lần có người sang mâm là mình lấy tay bịt miệng bát ăn cơm lại, nhưng hình như không ai hiểu hành động của mình. Thậm chí có lần mình nói thẳng “anh ơi, ngoài trời mưa gió đủ rồi, anh không cần làm mưa nữa đâu”, thế mà ông ấy vẫn vô tư chém gió.

Người viết bài này không ít lần “được” hứng “mưa” từ các diễn giả không mời. Trong mớ âm thanh ầm ĩ hỗn độn của đám cưới, nhiều người vẫn cố “gào” câu chuyện vô bổ, tung hô, đánh bóng tên tuổi bản thân một cách kệch cỡm. Khổ thân những gương mặt và món ăn không được che đậy ở gần cái mồm của những người ấy. Chả nhẽ, sau khi họ đi mâm khác thì thực khách đứng dậy ra về? Nên đành mà nuốt trong nỗi “ghê ghê, sợ sợ”.

Nhân chuyện này mà kể thêm một chuyện khác. Một lần tôi được mời dự đám cưới tổ chức giữa mùa hè. Khỏi phải nói là nóng bức, khó chịu đến thế nào. Các bàn tiệc kê xít vào nhau, ghế mâm nọ dúi vào ghế mâm kia. Mỗi lần động cựa, đứng lên ngồi xuống thật là khó khăn. Ấy thế mà vẫn có người lách đến đề nghị cả mâm “cụng” ly. Trong số ấy có một người đàn ông tóc dài lết bết, mặt mũi lem nhem, móng tay cáu bẩn, tự nhận là bác của chú rể đến “cảm ơn” cả mâm. Người này sao mà lắm mồ hôi, áo ướt sũng, trên mặt từng giọt to bằng hạt ngô thi nhau chảy. Và tôi, bất đắc dĩ phải chứng kiến hình ảnh những giọt mồ hôi to tướng rơi vào đĩa xôi để ngay đầu bàn. Dời bàn cỗ sau đó ít phút, tôi mấy lần định nói chuyện này cho người bạn (tổ chức đám cưới) của mình. Nhưng rồi lại thôi. Vì bạn ý có mỗi đứa con, ít cơ hội mà rút kinh nghiệm. Hơn nữa, nói về cái tóc, móng tay, mồ hôi… lại sợ mang tiếng là “thánh soi”. Nhưng quả thực, mỗi lần nghĩ lại chuyện ấy tôi lại… rùng mình.

Các cụ đã dạy: Sạch nhà thì mát, sạch bát ngon cơm. Chuyện bắt tay, phun mưa, phun mồ hôi quy cho cùng vẫn là chuyện sạch.

Nhưng hơn ý nghĩa sạch về vệ sinh, phòng bệnh, nó còn mang nghĩa sạch về văn hóa và giao tiếp nữa.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước