Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
03:19 (GMT +7)

Lại chuyện xưng hô

VNTN - “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, điều đó bao giờ cũng đúng. Tuy nhiên, thời hiện đại - hình như chả mấy người quan tâm đến sự nói năng trong giao tiếp. Vậy nên mới có chuyện khiến mấy cụ cao tuổi ở phố tôi phải bực dọc. Hôm nay, nhân buổi sinh hoạt chi hội tan sớm, các cụ rẽ vào nhà cụ Tài uống trà, rồi dốc bầu ấm ức với nhau.

Cụ Tứ nổ phát súng đầu tiên:

- Các cụ xem chúng ta đều là bậc cao niên, lại đang dự hội nghị của chi hội người cao tuổi, ấy thế mà Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường đến dự lại xưng hô “kính thưa các anh các chị”, thật là... vô lí. Ý ông ta muốn nói chúng ta là bậc anh chị của ông ta nhưng xưng hô kiểu ấy nghe như chúng ta chỉ là bậc con cháu ông ta vậy. Bực thật!

- Tôi cũng thấy vậy. Cụ Sơn có đầu húi cua xen vào. Tôi thấy bây giờ họ quá lơ đãng với cách xưng hô, ngay trong chi hội ta cũng rất vô tư. Như ông Tuấn mỗi lần đi đường gặp tôi cũng chỉ khẽ gật đầu hỏi: Sơn đấy à. Kiểu này tuy chẳng có gì sai, gọi tên không cũng thân mật tựa bạn bè ngang vai phải lứa. Nhưng xem ra nó à uôm vì ông ta còn kém tuổi tôi.

Cụ Tạo người bé choắt, cười hở mấy cái răng vẩu vàng xỉn:

- Ôi dào, đã là gì, khối cụ già mà còn lốp bốp. Mấy ông bạn học ngày xưa mới chán, gặp nhau cứ tao tao mày mày, gọi cả tên bố tên mẹ, biệt danh theo kiểu học trò xưa như: Phú lỉnh (hay trốn học), Tiến Bắc (mẹ tên là Bắc)… các cháu ở nhà nghe thấy ông bà gọi nhau như thế chúng cứ tủm tỉm cười. Thân mật nhưng phải có văn hóa chứ, để làm gương cho trẻ noi theo.

- Đó là các cụ với nhau, cụ Trịnh người gầy nhom lắc lư cái đầu tròn như gáo dừa giờ mới lên tiếng, còn chưa bực bằng bọn trẻ. Thằng con rể vừa cưới con gái út mình mấy tháng. Nó đến chơi gọi mình là ông. Các cụ xem, nó chưa có con thì nó gọi thay con sớm như thế có đúng không. Tôi bảo các con cứ gọi là bố, bao giờ có con thì gọi là ông thay cho cháu. Nó cười bảo: “Con cứ gọi dần đi là vừa bố ạ”. Bọn con trai, con gái túm năm, tụm ba đều gọi cụ khốt, bà bô, chán thật.

Một cụ đứng dậy, tay vung lên, hóa ra cụ Tĩnh nguyên phó giám đốc sở:

- Các cụ nói còn chưa “cay” bằng tôi. Hôm rồi tôi có việc đến công đường. Đến cầu thang thì gặp một lãnh đạo đã từng cùng làm việc một thời với tôi, mà trước đó ông ấy còn là cán bộ cấp dưới của tôi. Thấy người quen cũ, tôi thân mật chào, còn giơ tay ra bắt. Ông ta dương mắt như không nhận ra, không thèm chào lại, cổ họng phát ra tiếng ờ... ờ... đặc quánh như bị khối u vòm họng vậy. Cái kiểu kênh kiệu khinh người như thế các cụ thấy có “cay” không!

Thấy xem ra không khí tranh luận ngày một căng, mà không có hồi kết, nhỡ có cụ tăng huyết áp thì gay, tôi đứng lên xin có ý kiến:

- Thưa các cụ, em vừa về hưu, vừa được kết nạp vào Hội. Ở đây em ít tuổi nhất, em có ý kiến thế này. Xưng hô vốn là một nét văn hóa trong xã hội, phạm vi này rất rộng và phong phú. Ta bàn với nhau có tới “nghìn lẻ một đêm”. Thôi thì trong mỗi gia đình cách xưng hô thế nào, với xóm giềng thế nào, ta phải dạy con cháu để chúng biết đường xưng hô, thể hiện sự kính trọng, thân mật mà không sáo rỗng, bình đẳng mà không xem thường. Ta vừa phát huy văn hóa truyền thống vừa học nét văn minh các nước tiên tiến phải không các cụ.

Nghe tôi nói, các cụ đều cười, nhưng ra chiều vẫn còn chưa yên tâm. Có lẽ, “bài học vỡ lòng” này lại phải được bổ túc lại cho một số đối tượng, để không còn những nỗi khó chịu mà tôi vừa được chứng kiến từ các cụ cao tuổi phố tôi.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước