Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
15:28 (GMT +7)

Lạc giữa “mê cung” kit test

VNTN- “Cẩn thận bạn nhé, kit test đểu bán đầy! Nhà có người F1, tôi đi mua ba lần thì hai lần hình như dính test đểu, không rõ nguồn. Mà mua tại quầy thuốc có tiếng. Giờ loạn kit test rồi, chẳng biết thế nào mà lần…”. Theo cảnh báo một người bạn chúng tôi đã thâm nhập thị trường bán kit test nhanh của TP Thái Nguyên.

Người dân chờ test COVID-19 ở các phòng khám tư khiến “chợ thuốc” càng tấp nập

Đi mua nhanh kẻo hết

Trời lạnh thấu xương nhưng không khí tại “chợ thuốc” - khu vực các cửa hàng dược ở cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên rất “nóng”. Trong hai ngày 20 và 21 số ca mắc COVID-19 mới trên toàn tỉnh tăng nhanh (gần 4.000 ca) khiến cho người dân hoang mang. Mọi người đổ xô đi tìm mua que xét nghiệm nhanh COVID-19 và đi test dịch vụ khiến cho những tuyến phố có các cửa hàng thuốc lúc nào cũng đông nghịt. Gương mặt ai cũng lộ vẻ lo lắng.

Bà Phạm Thị Yến bước ra từ một cửa hàng thuốc, tay lễ mễ những sản phẩm phòng chống COVID-19. Lộ rõ vẻ vui mừng, bà cười chia sẻ như vừa cất được một gánh nặng: May quá xuống đây mua được ngay. Bà Yến cho biết, nhà bà ở Ngã ba Bờ Đậu (Phú Lương), trên đó đã “cháy” test nhanh nên bà phải xuống tận thành phố tìm. Bà đã mua được một loạt các sản phẩm như: xịt mũi, dầu cao, thuốc long đờm… đặc biệt là test nhanh với giá 80.000 đồng/ que. Dù nhà bà chưa hề có F0 nhưng thấy bảo “cháy” hàng bà cứ mua phòng cho ăn chắc.

Sáng 24/2, tôi dạo một vòng các cửa hàng thuốc ở những tuyến đường như: Dương Tự Minh, Ga Thái Nguyên, Bến Tượng thấy hầu như đều có bán que xét nghiệm COVID-19 với đa dạng chủng loại - khoảng hơn chục loại que xét nghiệm của các hãng khác nhau, mặc dù trước đó ngày 21/ 2 sản phẩm này “cháy hàng”, vô cùng khan hiếm. Giá bộ xét nghiệm cũng có sự quá biến động nhanh từ 65.000 - 100.000 đồng/que xét nghiệm tùy loại.

Tại hiệu thuốc 312, đối diện Bệnh viện Trung ương, một trong những cửa hàng uy tín nhất của Thái Nguyên về giá, nhân viên Trần Minh Anh cho biết: “Mấy ngày hôm nay các sản phẩm phòng chống COVID-19 tăng cao, khách dồn dập lắm. Họ ầm ầm tìm mua các loại sản phẩm như tăng đề kháng, thuốc ho, siro ho, khẩu trang… và đặc biệt là que xét nghiệm COVID-19. Hiện nhà em không còn que test. Nhà em hết hàng từ hôm 20, hiện vẫn chờ hàng về. Giá sản phẩm này cũng tăng nhanh. Lúc đầu nhà em bán 63, sau đó lên 65 rồi 70 nghìn đồng/ que. Em thấy giá của nhà em là bình ổn nhất so với thị trường rồi”.

Khách mua que test nhanh ở một của hàng tại Ngã tư Đồng Quang

Chúng tôi vào một cửa hàng lớn trên đường Lương Ngọc Quyến. Cửa hàng này khá nổi tiếng vì sự đa dạng của các sản phẩm thuốc tân dược. Hỏi nhân viên cửa hàng về kit test thì được thông báo hiện hàng vẫn “cháy” và chỉ còn bán một loại. Chúng tôi mua một sản phẩm test với giá 80.000 đồng và được nhân viên xác minh có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép.

Khi vào một loạt các cửa hàng thuốc khu vực này chúng tôi thực sự hoa mắt vì có khá nhiều sản phẩm kit test, các chủ cửa hàng giới thiệu và đều khẳng định là có trong danh mục. Dù trước khi đi khảo sát chúng tôi đã đọc và có trong tay tên dăm chục loại sản phẩm kit test của Bộ Y tế cấp phép, nhưng đứng trước sự đa dạng sản phẩm của các cửa hàng đưa ra, chúng tôi như lạc vào “ma trận”, không thể phân biệt nổi đâu là sản phẩm được và không được cấp phép. Và điều lạ lùng là có không ít nhân viên, hoặc các chủ quầy thuốc hầu như tỏ thái độ khá lúng túng, khó chịu khi chúng tôi đề cập đến vấn đề cấp phép cho sản phẩm.

Nhân viên Trần Minh Anh đang hướng dẫn khách sử dụng các sản phẩm phòng, chống COVID-19

Nhân viên còn hiểu không rõ về sản phẩm, và những mập mờ...

Ở một cửa hàng thuốc đường Bến Tượng, chị bán hàng đứng tuổi tiếp chúng tôi với thái độ khá dè dặt. Sau khi đưa ra thông báo còn hàng, chị tiếp thị mập mờ: Một loại tét mũi, một loại tét họng em lấy loại nào? Một loại của Nhật một loại Hàn Quốc. Đưa em xem nào? Không… có lấy thì lấy không phải xem. Nhà này bán hàng tiêu chuẩn quốc gia rồi, không phải hàng trôi nổi bán bạt mạng như bên kia. Đây nhá loại que ngậm em đưa vào họng chỉ quét hết một lượt là có kết quả. Đưa em xem nào? Không xem, có nhìn thấy đâu mà xem. Mua hàng thì phải xem chứ? Đây là hàng chu - lai (Trueline COVID-19 Ag Rapid Test) của Nhật (thực tế hàng chu - lai của Việt Nam).

Chị đưa ra một sản phẩm khác cho tôi. Chúng tôi vờ dùng điện thoại chụp ảnh sản phẩm, chị khó chịu ra mặt. Nhờ chị đưa nốt mấy sản phẩm còn lại chị nhất định không đồng ý. Với lý do, không mua cứ xem vớ vẩn, chị tỏ ra rất tức giận để đuổi khách.

Khách mua test nhanh và các sản phẩm phòng, chống COVID-19 ở một cửa hàng đường Ga Thái Nguyên

Tại một cửa hàng lớn khá uy tín gần Ngã tư Đồng Quang khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì một nữ nhân viên thật thà: Cửa hàng em có bán hai loại kit test dùng test mũi và nước bọt. Loại của Mỹ do Hàn Quốc sản xuất thì có trong danh mục còn loại test của Đức thì không có nhưng vẫn đều chuẩn hàng.

Đường Ga Thái Nguyên, đây cũng là nơi tập trung khá nhiều quầy thuốc. Húng hắng ho như đang bị cúm tôi vào một cửa hàng gần Ga Đồng Quang. “Nhà có mấy loại kít - tét em ơi?  Nhiều loại, anh lấy loại nào? Là những loại nào, có trong danh mục không em, cho anh xem hết đi! Em còn hai loại thôi. Hàng xịn chu - lai và loại của Vũ Hán Trung Quốc, anh lấy loại nào?” Tôi đề nghị xem sản phẩm, cô bán hàng đưa ra hai loại và tiếp thị: Anh lấy hàng xịn chu - lai này này, tám mươi nghìn. Thấy khách chụp sản phẩm cô bán hàng khẳng định: Loại này giờ hiếm không có hàng đâu, em chỉ còn hộp này, em để lại cho nhà dùng đấy!

Sang cửa hàng đối diện, sau khi xem sản phẩm, tôi hỏi: Loại la - bô (SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test Kit của Labnovation) Trung Quốc này có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép không em? Cô bán hàng lúng túng… không có… Các anh phải lấy cái bi - ô của Hàn Quốc ấy thì mới có. Nhưng loại đấy em lại hết sạch rồi. Loại này em mang về còn một hộp vừa bán vừa để nhà dùng. Hàng xách tay hả em, tôi hỏi. Không em vẫn lấy qua các bạn Trình dược viên đấy chứ, cô nhân viên tỏ vẻ thật thà.

Đi một số cửa hàng trong tuyến phố và cùng một số cửa hàng đường Dương Tự Minh, Đê Nông Lâm… thì đều có bán sản phẩm test nhanh và đa dạng về chủng loại nhưng giá đều khá cao và vẫn có những dấu hiệu đáng ngờ trên.

Biến động khôn lường và “bài” để “né”

Không chỉ sôi động mà trong những ngày này thị trường kit test ở Thái Nguyên đầy những biến động bất thường. Còn nhớ sáng ngày 21/2 dạo một vòng thành phố rất nhiều các cửa hàng thuốc đều lắc đầu, báo “cháy” test nhanh, thế nhưng chỉ ngay ngày hôm sau kit test lại có bán đầy đủ, nhưng giá thì khá cao. Và đặc biệt nó biến động tới mức có những cửa hàng nhân viên thú thật là hàng không có trong danh mục nhưng khi chúng tôi về tra trong bảng danh mục 69 loại kit test nhập khẩu được Bộ Y tế cấp phép thì vẫn có tên tại bảng này. Có lẽ do thị trường biến động nhanh nên người bán cũng không cập nhật kịp được và chắc chắn mặt hàng đó có trong danh mục hay không.

Những ngày lặn lội ở thị trường kit test chúng tôi nhận ra: Hình như không phải tất cả các cửa hàng tân dược bày bán kit test thì đều được cấp phép bán sản phẩm này, hoặc rất có thể có những cửa hàng nhập hàng tại các nơi không có hoá đơn. Theo như lời Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ nhà thuốc Kim Thoa, một nhà thuốc có tiếng tại Ngã ba Mỏ Bạch: Thủ tục để đăng ký bán sản phẩm này không hề đơn giản. Để được bán kit test phải có các quy định như: Kho bảo quản có diện tích phù hợp với chủng loại và số lượng trang thiết bị y tế được bảo quản, phương tiện vận chuyển… Các cửa hàng nhập sản phẩm này cũng phải nhập từ những nơi có hoá đơn. Mà hiện nay đa số không có hoá đơn, nếu cố tình nhập bán bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất cao nên hiện tại cửa hàng chị chưa nhập bán kit test.

Trong vô số những cửa hàng chúng tôi đã tới thì có nhiều cửa hàng có những dấu hiệu đáng ngờ như: cảnh giác với người mua sản phẩm này; lúng túng, lo lắng, chỉ đưa ra sản phẩm và giấu vỏ hộp; không đồng ý cho chụp sản phẩm… Và đặc biệt, khi hỏi mua với số lượng lớn các cửa hàng đều chủ động: hàng đang “cháy”, chỉ còn vài sản phẩm mua về để nhà dùng. Có thể đây chính là “bài” để “né” khi các cơ quan chức năng tìm đến.

Trong thời gian qua số ca mắc tăng nhanh, kit test với các tiêu chí rẻ, nhanh và hiệu quả nên người dân có tâm lý chủ động sử dụng để xác định khả năng nhiễm bệnh, nhiều người còn lạm dụng sử dụng test nhanh, thấy lo lắng là test… khiến thị trường các sản phẩm phòng chống COVID-19 có nhiều biến động bất thường. Lợi dụng tình hình đó rất có thể các tư thương nhập khẩu phân phối và kinh doanh mặt hàng này đã gom hàng tạo sốt ảo rồi đẩy giá, gây hoang mang cho dân chúng, hậu quả là người nghèo và những người nhóm F thiệt thòi nhất.

Trước tình trạng trên đề nghị các cơ quan chức năng có những biện pháp kịp thời để ổn định thị trường kit test cũng như các sản phẩm phòng chống COVID-19.  Ngoài ra rất cần hướng dẫn tuyên truyền cách phòng chống, cập nhật kịp thời và có ảnh chi tiết các sản phẩm kit test trong danh mục Bộ Y tế quy định; danh sách các nhà thuốc được kinh doanh mặt hàng này… để người dân nhận biết được, đỡ hoang mang, lo lắng trong phòng chống dịch từ đó có cách phòng chống hiệu quả nhất.

Người dân cũng cần biết test nhanh không phải là tất cả; phải có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc nguồn lây, vùng dịch tễ, triệu chứng… thì làm test nhanh mới cho giá trị và kết quả chính xác, còn không có yếu tố dịch tễ, xét nghiệm nhiều lần sẽ thêm lãng phí.

Minh Quang

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy