Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
07:38 (GMT +7)

Ký ức của người Chiến sĩ thi đua ái quốc được gặp Bác Hồ năm xưa

VNTN- Ngày 13/3/1960, một ngày hội lớn của tỉnh. Hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi trong ngày hội đó, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào.

Tại Hội nghị, Bác Hồ hỏi thăm anh Phạm Trung Pồn bị mù cả hai mắt  nhưng có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ (13/3/1960). Ảnh tư liệu lịch sử.

Cùng ngày, Người còn đi thăm Trường Trung học Lương Ngọc Quyến, Bệnh viện Khu Việt Bắc; thăm Trường Thiếu nhi vùng cao Khu Tự trị Việt Bắc, công trường xây dựng Khu Gang thép, công trường xây dựng Nhà máy điện Thái Nguyên và dự Hội nghị Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa Khu Tự trị Việt Bắc.

Ở xóm Làng, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình có cụ Dương Văn Tọa là người được gặp Bác Hồ trong Hội nghị tuyên dương Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa và Chiến sĩ thi đua Khu Tự trị Việt Bắc tổ chức vào hôm đó. Với dáng người quắc thước, tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ  vẫn khoẻ mạnh, mắt tinh, tai thính, trí nhớ minh mẫn. Khi nói chuyện về lần được gặp Bác Hồ, ký ức của cụ lại ùa về.

Cụ Dương Văn Tọa sinh năm 1931 trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nền nếp, gia giáo. Người cha thân sinh ra cụ là một người giỏi chữ Nho, đã viết chữ cho hoành phi, câu đối, cuốn thư cho đình làng Úc Kỳ vào năm Giáp Thân (1944) khi dân làng tu bổ, tôn tạo đình.

Chân dung cụ Dương Văn Tọa
Chân dung cụ Dương Văn Tọa

Lớn lên, năm 17 tuổi cụ tham gia Thiếu sinh quân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cụ Tọa là chiến sĩ Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, cụ là bệnh binh được phục viên về địa phương.

Cụ Tọa kể lại: Tháng 8/1958, lúc đó phong trào là Hợp tác hoá ở xã Hồng Phong (nay là xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình) bắt đầu thực hiện. Tôi tích cực hoạt động trong xây dựng phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp ở địa phương, làm Tổ trưởng Tổ đổi công. Tổ của tôi có 13 hộ gia đình cùng với Tổ đổi công của ông Dương Văn Viên có 12 hộ gia đình. Đến năm 1959, vào vụ Đông, hai Tổ đổi công sáp nhập làm một, có 25 hộ. Vụ Đông thu hoạch xong, lúc này xóm Làng còn 24 hộ và đã làm đơn tự nguyện xin vào Hợp tác xã (HTX). Khi thành lập, HTX xóm Làng, làng Úc Kỳ, xã Hồng Phong là HTX đầu tiên của huyện Phú Bình (sau trở thành HTX điển hình của huyện trong phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp) với 52 hộ do ông Dương Văn Viên làm Chủ nhiệm, tôi làm Phó Chủ nhiệm.

Đến năm 1960, cả làng Úc Kỳ vào Hợp tác xã gọi là HTX nông nghiệp Hồng Kỳ. Lúc đó tôi còn kiêm làm cả Bí thư chi đoàn Thanh niên xã, tham gia nhiều phong trào như: Thửa ruộng 5 tấn, Giải phóng đôi vai… Tôi đi vận động thanh niên tự đóng hàng trăm chiếc xe cút kít và xe quệt dùng để chuyên chở, phục vụ sản xuất. Phong trào làm thuỷ lợi cũng rất mạnh mẽ. Lúc đó, chúng tôi đã huy động hàng ngàn thanh niên làm đập thuỷ lợi đắp mương để chạy máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm hoàn toàn bằng thủ công không có máy móc thay thế. Các phong trào Thanh niên của xã Hồng Phong sôi nổi lắm. Phong trào làm phân xanh mang tên “Cờ hồng trên núi Ngọc” được thanh niên tích cực hưởng ứng mang lại lợi ích không nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, được đồng chí Nguyễn Tiên Phong là Bí thư Đoàn Thanh niên tỉnh Thái Nguyên về thăm, động viên, khích lệ. Ngoài ra, còn nhiều phong trào nổi bật khác, như: Cày 51, Cấy thẳng hàng, Cánh đồng 5 tấn…  đều do thanh niên ở địa phương làm.

Gia đình cụ Tọa là gia đình gương mẫu, đã hiến 4 mẫu ruộng, 2 con trâu làm công hữu khi vào HTX. Bản thân cụ Tọa cũng là người hăng hái tham gia phong trào thanh niên của địa phương. Tất cả lòng nhiệt tình, những cống hiến, thành tích ấy đã được cấp trên suy tôn là Thanh niên tích cực lao dộng xã hội chủ nghĩa, rồi Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 1959, Chiến sĩ Thi đua ái quốc năm 1960.

Ngày 13/3/1960 là một ngày lịch sử không bao giờ quên trong cuộc đời của cụ Tọa khi được gặp Bác Hồ. Cụ Tọa kể lại: Chúng tôi được cán bộ của Tỉnh Đoàn đón lên từ chiều hôm trước. Khoảng 5 giờ sáng đã trở dậy ăn sáng. Ăn xong đưa chúng tôi đến Hội nghị. Hôm đó, hội nghị được tổ chức tại khu Hội trường lợp bằng lá cọ của Khu Tự trị Việt Bắc ở Bảo tàng Văn hoá các dân tộc bây giờ. Tôi và các anh em đang ngồi ở hàng ghế dài phía sau ghế đại biểu. Mọi người ai cũng mong chờ Bác Hồ tới. Không rõ lúc ấy khoảng mấy giờ, chỉ thấy bỗng có tiếng ồn ào nói Bác đến! Bác đến! Cả Hội trường ai cũng đứng dậy để muốn nhìn thấy Bác. Tôi đứng ở hàng ghế thứ hai gần sân Hội trường nhìn rõ ngay thấy Bác đi cùng với đồng chí Chu Văn Tấn – Bí thư Khu ủy Việt Bắc, đồng chí Lê Đức Chỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên và đồng chí cận vệ đeo túi dết cùng chiếc bình tông đựng nước.

Những kỷ vật luôn được cụ Dương Văn Tọa nâng niu lưu giữ.

Tôi nhìn thấy Bác Hồ đi rất nhanh nhưng dáng vẻ ung dung, thư thái. Khi đến gần Hội trường Bác giơ tay vẫy chào mọi người, ra hiệu mời mọi người cứ ngồi xuống. Cả Hội trường im phăng phắc gần như không có một tiếng động nhỏ. Ngay sau đó Bác hỏi: “Các cháu có biết ngày hôm nay là Hội nghị gì không? Có người đứng dậy nói: Cháu thưa Bác, hôm nay là ngày Hội nghị Thanh niên tích cực Lao động xã hội chủ nghĩa ạ! Bác liền nói: Hôm nay là ngày Hội nghị tuyên dương Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa và Chiến sĩ thi đua Khu Tự trị Việt Bắc. Bác còn nói: Tích cực lao động xã hội chủ nghĩa là siêng năng, chăm chỉ làm việc công.

Sau đó Bác Hồ gọi đích danh ba cháu lên ngồi gần Bác. Bất ngờ được Bác Hồ quan tâm, nên chúng tôi luống cuống xúc động. Anh Đặng Đình Sinh ngồi giữa, dáng cao to hơn bèn xốc nách tôi và Phạm Trung Pồn  đứng dậy tiến lên hàng ghế đầu được tiếp xúc gần với Bác Hồ. Anh Pồn chưa kịp ngồi, Bác Hồ đã gọi: Cháu Pồn lên đây với Bác. Thế là có người mang ghế ngồi lên. Tôi nhìn rõ Bác nắm cả hai tay anh Pồn rồi đeo Huy hiệu Thanh niên tích cực xã hội chủ nghĩa cho anh Pồn. Còn tôi và anh Đặng Đình Sinh đeo huy hiệu từ hôm lên Tỉnh Đoàn. 

Ai cũng cảm thấy xúc động, có người nức nở khóc vì cảm mến trước tình cảm của Bác. Và Bác bắt đầu trò chuyện. Bác nói về mục đích của việc xây dựng phong trào Hợp tác xã nông nghiệp: có vào hợp tác xã nông nghiệp thì mới phát triển được sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp, cũng như “ba cây chụm lại” thì mới thành công, thì mới có thể có đủ cơm no, áo mặc. Bác Hồ nêu gương một số chiến sĩ thi đua toàn quốc như anh Đặng Đình Sinh, là Phó Chủ niệm Hợp tác xã Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đã có nhiều thành tích trong phong trào vận động nhân dân vào Tổ đổi công làm hợp tác hoá nông nghiệp; anh hùng Trương Văn Nho là Chủ nhiệm HTX Cầu Thành xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ lập nhiều thành tích trong phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc phát triển nông nghiệp ở huyện Đại Từ; anh Phạm Trung Pồn là người dân tộc, tuy bị mù cả hai mắt nhưng đã có thành tích sáng chế ra máy tuốt lúa giúp bà con nông dân giảm sức nặng trong việc thu hoạch lúa… Trong số các Chiến sĩ thi đua ái quốc của tỉnh Thái Nguyên có 2 người là Dương Văn Tọa và Dương Văn Viên đều người xã Hồng Phong, huyện Phú Bình đã lập nhiều thành tích trong phong trào sản xuất phát triển HTX nông nghiệp đưa phong trong trào Hợp tác hoá ở địa phương.

Các đại biểu nghe như nuốt từng lời Bác Hồ căn dặn: các cháu Thanh niên là lượng lượng trẻ có nhiều điều kiện để công hiến sức trẻ của mình để cùng nhân dân xây dựng làm giàu đẹp cho quê hương, cho địa phương. Tuy đạt được những thành tích là những Chiến sĩ thi đua ái quốc các cháu phải phát huy truyền thống đó hơn nữa để không ngừng cống hiến sức trẻ tài năng của mình cho quê hương.

Bác nói chuyện khoảng 30 phút sau đó Bác dời đi để tới thăm một số đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh. Bác đi rồi nhưng tiếng hô “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” vẫn còn vang vọng mãi. Các đại biểu người nào cũng cảm thấy còn luyến tiếc và tự nhủ tại sao không được nghe Bác trò chuyện nhiều hơn nữa.

Với cụ Dương Văn Tọa khi ấy cũng vô cùng xúc động, không cất nên lời. Lòng dặn lòng, cụ nguyện khắc cốt ghi tâm từng lời Bác nói, từng lời Bác dạy trong suốt cuộc đời của mình. Cứ thỉnh thoảng cụ lại đem những kỷ vật của ngày được gặp Bác và những chiếc huy hiệu đã được tặng để kể với con cháu mình về một hồi ức đầy tự hào, không bao giờ quên.

“Đồng bào Thái Nguyên gồm nhiều dân tộc và sẵn có truyền thống đoàn kết. Nay càng phải đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết giữa các dân tộc, giữa đồng bào lương và giáo. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm việc gì cũng thành công. Như thế là đồng bào Thái Nguyên góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Trích Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, đồng bào tỉnh Thái Nguyên ngày 13/3/1960. Nguồn: “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ”.

 

Sau thời gian cống hiến tuổi trẻ ở địa phương, cụ Tọa được cấp trên bố trí công tác ở Tỉnh Đoàn. Sau thời gian đó, được cử đi học, rồi lại chuyển sang công tác ở Liên đoàn Lao động tỉnh và cho đến năm 1972 nghỉ chế độ. Người bạn đời của cụ ở cùng làng, hai cụ có 7 người con, 6 gái, một trai. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng cụ Tọa vẫn tích cực tham gia vào các tổ chức xã hội ở địa phương. Đặc biệt trong Hội người cao tuổi, cụ luôn gương mẫu, luôn có bản lĩnh, có phẩm chất đạo đức của một người cán bộ cách mạng được nhiều người kính trọng.

Chúc cụ Tọa luôn luôn mạnh khoẻ, luôn giữ trong trong mình một bầu nhiệt huyết của một Chiến sĩ thi đua ái quốc ở một miền quê giàu truyền thống cách mạng, xứng với lời dặn của Bác ở Hội nghị: “phải ra sức phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tiến bộ mãi mãi”.

Đình Hưng – Huy Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy