Ký sự người viễn xứ (phần II)
Nước Pháp - lan man những con đường...
Cuộc sống tiếp tục với những thăng trầm vui buồn và tôi cũng bắt đầu hòa nhập được với môi trường sống trên xứ Gaulois và “nhăm nhe” muốn thực hiện ước mơ thời xưa của mình. Tôi muốn trở thành dịch giả. Những kiến thức mà tôi học được ở trường đại học bên Việt Nam thực sự mà nói thì hết sức sơ đẳng để có thể thực hiện được công việc này, nghề này, do vậy tôi ghi tên theo học tiếp tại trường Đại học danh tiếng Sorbonne, chuyên ngành Văn học so sánh. Nhưng trước đó tôi đã tìm hiểu để có thể chuyển đổi bằng đại học mà tôi đã có được tại Hà Nội. Tôi say mê trong các môn học Văn, tò mò trong các môn học chung mà tôi còn chưa được làm quen khi học tại quê nhà. Càng học mới càng thấy những kiến thức mình đã có chẳng thấm vào đâu so với cả đại dương mênh mông mà mỗi thầy cô tại đây đang góp phần khiến cho chúng rộng lớn thêm… Tôi thích phương pháp giảng dạy của các giáo sư Pháp. Một số đến lớp mà không hề đem theo giáo án. Mỗi buổi học được họ coi như một buổi thảo luận. Chủ đề thầy ra được tất cả sinh viên thảo luận và thầy đồng ý với tất cả các đáp án, miễn sao đáp án đó logich và có lập luận chặt chẽ, cho dù là phản đề. Thầy chỉ dành 15 phút cuối giờ để tổng hợp lại các ý kiến. Nhưng khi thi thì hết sức nghiêm túc, có khá nhiều giám thị nên không ai có thể quay cóp! Nhưng cũng có những môn thi thầy cô cho phép đem tài liệu vào tra cứu… Những môn đó cần sự tư duy độc lập thực sự của sinh viên, những ai quen thói học vẹt thì khó có thể qua được “cửa ải” này!
Vườn Luxembourg
Tại đây, tôi cũng có dịp làm quen với nhiều bạn nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ khắp mọi miền trên thế giới. Có bạn đến từ châu Âu “hàng xóm” với Pháp, nhưng cũng có rất nhiều đến từ những vùng xa xôi mà tôi còn chưa từng nghe tên quốc gia ấy. Họ đa phần đều dễ mến và ham học. Họ tận dụng khoảng thời gian trên giảng đường để trau dồi những kiến thức được thầy cô giảng giải với niềm hi vọng khi trở lại quê hương sẽ lại chuyển giao cho các học trò của mình. Rất đông trong số họ đều phải đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho học tập, tôi rất quí các bạn thuộc nhóm này. Qua họ, tôi hiểu thêm về văn hóa tập tục của các vùng Bắc Âu hoặc Phi châu xa xôi và họ rất hứng khởi kể cho tôi nghe những gì liên quan đến truyền thống quê hương họ và không quên mời tôi khi có dịp thì ghé thăm. Những mối quan hệ này đã giúp tôi rất nhiều trong nghiệp viết văn sau này. Nhưng cũng không ít người đến ghi tên trong trường đại học để có cớ làm giấy tờ lưu trú và tìm cách ở lại Pháp, trong đó có một số là người Việt Nam.
Trong phần này, tôi mạn phép không nêu tên một số nhân vật chính, nhưng tôi muốn bạn đọc tại Việt Nam chẳng nên coi Pháp hay châu Âu là thiên đường! Kiếm tiền dễ như đi hái lá! Nơi nào thì cũng cần sự cố gắng và cần cù làm việc. Tôi vẫn tin và thẩm thấu câu “đói cho sạch, rách cho thơm”, ai cũng xứng đáng một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó! Nhất là khi ta sống viễn xứ, dù sao cũng ít nhiều là “đại diện” cho dân tộc ta trước bạn bè quốc tế… Thế nên có lẽ suốt đời tôi sẽ khó quên cuộc hội thoại sau:
- Thế tức là chị có giấy tờ đàng hoàng rồi, vậy chị còn đi học để làm gì?
Bức tường Tình yêu tại Quận 18 Paris
Tức thời tôi đã không hiểu ngay câu hỏi đó, nhưng sau khi hiểu ra thì tôi buồn, khá buồn! Nhưng thôi, mỗi người một ý nguyện và có những tham vọng riêng, chẳng nên tìm hiểu sâu và bắt bẻ nhau làm gì. Tôi hăm hở lao vào một biển trời văn học Pháp và thế giới. Tôi thích các môn chung với kiến thức tổng hợp và các môn riêng thì chuyên sâu vào ngành chọn của một người. Tôi cũng giữ được nhiều kỷ niệm của thời kỳ này. Tôi còn nhớ hôm đó học về Lịch sử châu Âu (ngành Văn học so sánh tôi chọn gồm Pháp - Đức - Anh), khi giáo sư giảng về cuộc chiến tranh Thế giới thứ I và thứ II, những khó khăn và khổ ải mà nước Pháp và dân tộc Pháp phải chịu đựng, thì hết sức tự nhiên, tôi giơ tay xin được đặt câu hỏi: “Tại sao nước Pháp đã phải chịu những vận hạn qua chiến tranh như vậy mà họ còn tiến hành chiến tranh tại Việt Nam?”. Tức thì, Giáo sư đã trả lời rằng: những gì là phi nghĩa sẽ phải chịu những hậu quả và kết thúc cuộc chiến tranh 9 năm ở Đông Dương, Pháp đã đại bại như thế nào thì tất cả những ai quan tâm đến lịch sử Pháp cũng đã biết rồi! Giáo sư nói, thầy cũng rất quan tâm đến Đông Dương và lịch sử của Việt Nam, thầy hẹn tôi sẽ có cuộc trao đổi riêng về vấn đề này. Giờ nghĩ lại thời khắc ấy, tôi vẫn không biết là mình có hồ đồ hay không? Chỉ biết rằng mỗi khi không hiểu bài, tôi đều mạnh dạn hỏi thầy cô. Vậy là các bạn khác, cũng không hiểu bài như tôi nhưng không dám “bày tỏ ý nguyện”, lại nhờ tôi và kết cục là họ đã có được một cua phụ đạo miễn phí của các giáo sư.
Hồi mới sang Pháp, tôi bị quay cuồng giữa các tinh thần, quan điểm và ý tưởng. Giữa những gì tôi học được tại Việt Nam và những gì tôi đang chứng kiến tại đất nước có danh tiếng Đệ nhất Dân chủ, thật không dễ dàng gì. Bởi hàng tuần hàng tháng, nhất là vào các dịp lễ trọng đại của Việt Nam, lại có những Hội đoàn nhóm họp, giăng cờ biểu ngữ trống giong cờ mở trong các khu người Việt… Họ tuyên bố những điều trái ngược với những gì tôi đã học và lưu giữ được về chế độ cầm quyền ở Việt Nam với những hình ảnh và các bài diễn văn thật khó chấp nhận đối với một người yêu quê hương như tôi! Rồi dần dần, tôi cũng không còn sốc với các cảnh ấy. Hơn nữa, thời gian trôi, chính sách mở cửa đón tiếp khách du lịch của Việt Nam đã trở nên thông thoáng hơn, nhiều bạn Pháp và Việt Kiều đã về nước và khám phá sự thay đổi khả quan của Việt Nam, và cũng bởi các Hội đoàn Pháp không còn hỗ trợ tiền để các nhóm người kia tổ chức lễ hội theo ý của họ nữa, nên những buổi hô hào như vậy đã giảm hẳn người đến xem và giờ đây chỉ còn rất ít, vài chục người nhóm họp và cũng nhanh chóng bị cảnh sát Pháp giải tán…
Bên cạnh đó, tôi cũng rất buồn khi thấy một số người Việt lê lết trước các quán hàng trong quận XIII, hát những bài hát thê lương, hoặc ủ ê để xin tiền!
Rồi một lần tôi cảm thấy choáng váng khi truyền thông Pháp đưa tin về một số người gốc Việt Nam đã tham gia trồng cần sa ở miền Nam nước Pháp và bị bắt, họ chắc chắn sẽ bị truy tố, tôi cũng không biết số phận những con người đó sau ra sao… Pháp là một quốc gia dân chủ, nhưng luật pháp của họ cũng rất nghiêm. Tôi vẫn luôn tự nhận mình là người phụ nữ may mắn! Dạo mới sang, tôi chỉ “luẩn quẩn” trong phạm vi gia đình và các giới tri thức Việt và Pháp mà chưa có dịp tiếp cận tầng lớp bình dân, cả Pháp lẫn Việt. Chỉ sau này, khi làm báo tôi mới thực sự đi sâu vào giới này. Cộng thêm hồi còn ở Việt Nam, nhìn các Việt Kiều Pháp hồi hương, tôi thấy họ lịch lãm, sang trọng và có học thức do vậy trong mắt tôi, cộng đồng Việt Kiều tại Pháp, nhất là Paris, ắt hẳn đều có cuộc sống khá giả, nên tôi khá ngỡ ngàng khi phát hiện cũng có không ít người Việt sống bất hợp pháp tại đây. Họ sống khá đông trong các căn phòng chật chội, ngủ ngay trên nền nhà! Họ thường làm các công việc như nấu ăn, trông em, làm móng tay, làm đầu, bồi bàn và thợ xây. Họ rất ít bắt chuyện với người lạ, ngay cả khi được hỏi! Điều khiến tôi bất bình đó chính là các ông bà chủ, hoặc người Việt hoặc người Trung Quốc đã đối xử với họ rất nghiệt ngã và cầm hết giấy tờ nhân thân của những người làm... Nhiều lúc tôi cố lân la hỏi chuyện, họ đưa mắt về phía ông bà chủ và ra hiệu nếu nói nhiều sẽ bị ông bà chủ cắt cổ… Nhưng nếu ông bà chủ này mà bị phát hiện, họ sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí bị truy tố.
Nhưng tất cả, theo tôi, đó chỉ là một vài con sâu nên không thể đại diện cho một vườn rau xanh tươi của cộng đồng kiều bào tại Pháp. Đa phần, người Việt sống kín đáo, cần cù và ham học hỏi, hòa mình vào đời sống xung quanh và tôn trọng luật pháp. Trong mắt người bản xứ, người Việt Nam vẫn được họ yêu mến và quí trọng.
Điều khiến tôi xúc động hơn cả là mỗi khi trong nước gặp khó khăn, bà con kiều bào đều chung tay tổ chức những buổi quyên góp trợ giúp. Khi thì vì nước ngọt Trường Sa, lúc khác lại vì bà con miền Trung bị bão lũ… Những dịp lễ tết hoặc các sự kiện lớn trong năm, tất cả đều đồng lòng góp công sức và tụ tập rất đông. Nhưng thời gian trôi, hình như xuất hiện điều gì đó mai một mà khó nói thành lời. Trước đây (tôi nghe các cô bác kể lại, và cả tôi cũng tận mắt chứng kiến trong những năm đầu mới sang Pháp làm dâu), các tiết mục văn nghệ thường là “cây nhà lá vườn”, tức bà con tụ tập hàng tuần để cũng nhau tập các tiết mục văn nghệ và có sự đóng góp của một số các ca-nhạc sỹ sinh sống tại Pháp. Những buổi văn nghệ đó rất đông. Tôi còn nhớ Hội trường lớn ở trụ sở Unesco thường chật cứng! Thế rồi những năm gần đây, ban lãnh đạo Hội Người Việt Nam tại Pháp thường mời các ca sỹ nghệ sỹ chuyên nghiệp từ trong nước sang, với chi phí không hề nhỏ…đương nhiên tính chuyên nghiệp khi đó cao hơn, lượng thành viên Việt Kiều tham gia giảm đi, nhưng không phải vì thế khán giả đến xem chương trình đông hơn. Một số cô bác “lão làng” tâm sự với tôi rằng họ khá buồn, bởi có những điều không thể mua được bằng tiền. Các buổi tập văn nghệ kia theo tôi nghĩ, với các cô bác có lẽ không hẳn chỉ đơn thuần là tập văn nghệ mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ hàn huyên tâm sự, trao đổi với nhau những câu chuyện “tình làng nghĩa xóm”, hoặc thảng như được cùng nhau hát vang những bài ca quê hương lúc hào hùng, khi sâu lắng… những bài ca nhắc nhở người viễn xứ rằng họ vẫn còn có một quê hương đâu đó để trở về, rằng quê hương luôn mở rộng vòng tay chờ đón những đứa con phương xa…
Người Việt ở Paris biểu tình chống Trung Quốc
Chưa khi nào tôi được chứng kiến cảnh bà con kiều bào Paris và Pháp đoàn kết gắn bó nhường ấy, tất cả đều bỏ qua mọi hiềm khích trái ngược về những chính kiến xưa cũ để cùng nhau, tay trong tay, ấm áp và kiên quyết như những lần đồng lòng biểu tình hòa bình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam tại Paris. Quảng trường Con Người tại quận XVI và Bức tường Hòa bình tại Quận VII. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên tay mỗi người và ai nấy đều ngân vang ca khúc Nối vòng tay lớn hoặc Quốc ca của Việt Nam. Những dòng biểu ngữ China Out (Trung Quốc cút khỏi), China get out of Việt Nam' Sea, (Trung Quốc cút khỏi lãnh hải của Việt Nam). Viet Nam n'est pas une province de Chine (Việt Nam không phải là một tỉnh của Trung Quốc… Solidarité (Đoàn kết gắn bó), Boycotte les produits chinois (Bài trừ sản phẩm Trung Quốc)… Trong mỗi cuộc biểu tình hòa bình như vậy, theo luật pháp của Pháp, vẫn có cảnh sát giám sát, nhưng những “công bộc dân” ấy đứng rất xa đoàn biểu tình, ánh mắt họ thân thiện… Cảnh tượng thật xúc động khiến tôi không phải không chạnh lòng nghĩ đến đồng bào mình trong nước. Tôi cũng gặp và nói chuyện với nhiều bạn quốc tế, dù chưa từng đến Việt Nam mà chỉ qua những trang sử hào hùng một thời của Việt Nam nhưng cũng đến tham gia cùng chúng tôi, và trên tay họ cũng phấp phới lá cờ đỏ sao vàng và dải băng rôn nhỏ với hàng chữ “Tôi yêu Việt Nam” quấn ngang trán họ. Hoặc có những bạn Pháp đã từng làm việc hoặc đã từng đến Việt Nam, thì họ đã bỏ cả ngày và đi hàng trăm kilomet để đến hòa mình với không khí đầy nhiệt huyết thấm đẫm màu cờ đỏ sao vàng của Dân tộc Việt.
Tại Pháp, tôi tránh nói chuyện chính trị với những người tôi chưa quen biết sâu. Tôi coi tất cả những người Việt là đồng bào mình. Có những cô bác đến mấy chục năm không về Việt Nam, và khi nói chuyện với tôi, trong họ vẫn là hình ảnh của Việt Nam trong những năm 1960 hoặc 1970, thậm chí là 1980, tức là rất đói kém, rất lạc hậu… Và trong họ ẩn chứa một nỗi niềm nhớ quê hương đến khắc khoải, chúng lộ ra cả trong lời nói và ánh mắt, nhưng họ lại bị giằng xé bởi một mối hận nào đó mà tôi phần nào hiểu được. Tôi cố gắng giải thích cho họ và nhắc lại câu ngạn ngữ “Quan nhất thời, dân vạn đại”, các bác nên về, Mẹ quê hương luôn mở rộng vòng tay đón các bác, rằng các bác nên về một lần để tận mắt chứng kiến cảnh quê hương thay đổi ra sao… Chắc giọng nói của tôi có sức thuyết phục, thế là một số cô bác đã về thăm lại quê nhà sau mấy chục năm xa cách. Họ hồ hởi kể cho tôi nghe những cảm giác của họ khi quay lại Paris… Ấy là chuyện của hơn một chục năm về trước.
Người viễn xứ chắc có nhiều chuyện để kể, vui buồn lẫn lộn! Hạnh phúc cho ai đó vẫn tin tưởng vào dân tộc mình vào quê hương mình để có một chốn để về! Tôi tin đồng bào tôi, chính họ chứ không ai khác đã làm nên những trang sử vẻ vang, dựng nên những chiến công trấn động địa cầu. Còn những chuyện khác, chỉ là nhất thời. Cái gì thái quá thì sẽ tự hủy diệt, đó là qui luật tất yếu.
Hiệu Constant
Phần I
Những người bạn Pháp thân thiện
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...