VNTN - Hà Giang, tỉnh miền núi biên giới cực bắc nơi địa đầu Tổ quốc cũng là một trong những tỉnh nghèo nhất nước ta. Với địa hình chủ yếu là đá dốc, nơi đây không chỉ khó khăn về đất canh tác mà còn vô cùng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất.
Nỗi khát truyền đời của đồng bào vùng cao đã dần vơi bớt nhờ 30 hồ treo được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định đầu tư trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang tháng 3/2007. Năm 2015, gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Hà Giang chủ trương làm thêm 319 hồ treo tại 4 huyện vùng cao, xóa khát cho trên 53 ngàn người dân vùng cao nguyên đá.
Cơ cực nỗi khát
Sự hùng vĩ cùng cảnh sắc vô cùng độc đáo của cao nguyên đá Hà Giang đã thúc giục tôi nhiều lần đến với miền địa đầu Tổ quốc. Cách đây vừa tròn mười năm, trong chuyến công tác về huyện Đồng Văn, trên xe máy chở tôi, anh cán bộ ngành Văn hóa còn chở thêm hai chiếc can loại 20 lít đầy tràn. Tôi vô cùng ngạc nhiên, mang rượu lên vùng cao đã là chuyện lạ, nhưng lời giải thích càng đáng kinh ngạc hơn:
- Là nước thôi, nhà báo ạ. Tỉnh có văn bản yêu cầu cán bộ về huyện, về xã công tác phải mang theo nước sinh hoạt để hỗ trợ cho cơ sở.
Đường lên vùng cao thật gian truân, thêm hai can nước nặng, chiếc xe càng lắc lư chao đảo. Xe hầu như chỉ bám mặt đường bằng một bánh. Mỗi khi leo dốc, bánh trước dựng đứng như làm xiếc, khi đổ dốc, đuôi xe lại như bị ai đó nghịch ác nhấc bổng lên. Phía sau xe, can nhựa róc rách như một dàn nhạc nước dù miệng can đã vặn chặt còn cẩn thận cuốn thêm mấy lượt túi ni lông.
Lần đầu tiên, tôi nhận ra sự quí giá vô ngần của giọt nước. Điều ấy càng khẳng định khi suốt dọc con đường Hạnh Phúc uốn lượn trên cao nguyên đá, đâu đâu tôi cũng gặp người dân rồng rắn cõng can nhựa đi tìm nước. Ở mỗi hốc đá, chỉ cần có dòng nước nhỏ ri rỉ chảy là có người kiên nhẫn ngồi “chắt” nước. Đồ đựng nước là can nhựa, đủ kích cỡ từ loại 5 lít đến loại 20 lít, phù hợp với sức mang của từng người “cõng nước”.
Nhịn ăn mấy bữa vẫn được nhưng nhịn nước một ngày thì chết mất. Thế nên cả người già, người trẻ, người lớn, người bé đều tự giác đi tìm lấy nước. Không hiếm những cụ già còng lưng, chống gậy lê từng bước lần xuống sông Miện, sức chỉ cõng được nửa can nước rồi lại ngược về đỉnh trời, không khác gì con rùa cực nhọc.
Đến ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn, sự khát càng thấy rõ. Các cơ quan Văn phòng Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân huyện gương mẫu tiết kiệm nước sinh hoạt để dành nước cho dân. Nước đặc biệt ưu tiên cho ăn uống, cán bộ các ngành, giáo viên các trường phải “nhịn” tắm giặt, tranh thủ ngày nghỉ hoặc dịp về vùng thấp công tác mới được thoải mái vệ sinh thân thể.
Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy Vàng Phái Ly của xã Thài Phìn Tủng, chép miệng ngao ngán:
- Nguồn nước khan hiếm nên bà con phải dậy từ hai, ba giờ sáng để đi lấy nước sinh hoạt từ trên các vách núi đá chảy rỉ xuống ven đường. Chỉ có một số ít thanh niên có xe máy, còn phần lớn người già, trẻ em đi bộ thôi, trẻ con 7, 8 tuổi là biết cõng can đi tìm nước rồi, ngoài nước sinh hoạt còn cần nước cho gia súc uống. Cây thiếu nước chết thì còn trồng được cây khác thay chứ bò lợn không để chết được. Trẻ đang ở trường cũng bị bố mẹ gọi về đi lấy nước, trường cũng thiếu nước phải cử học sinh cõng can đi khắp mọi nơi lấy về.
Nói về “cái nước”, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khi đó là ông Sùng Đại Hùng, chia sẻ:
- Huyện phải thuê xe chở nước đến tận trung tâm xã để cấp cho bà con. Mặc dù là một trong những nơi có lượng mưa lớn nhất trong cả nước, nhưng vì địa hình là núi đá vôi và đá tai mèo khả năng trữ nước trên núi đá kém, vì thế mà hạn hán quanh năm, dân luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác. Nhiều năm, tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng, ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện phải trích ngân sách hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các trường học, các cơ quan mua nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Nước ở vùng cao đúng là “quý như vàng”, mỗi mét khối nước có giá từ 150 đến 200 ngàn đồng. Xe tải tư nhân chở đến bán, mỗi hộ tiết kiệm hết mức cũng tốn khoảng 700 nghìn đồng/tháng mới đủ nước dùng cho nhu cầu tối thiểu, còn nhiều hơn cả tiền mua ngô mua gạo trong vài tháng. Vì quá đắt đỏ, nên nước dùng cho sinh hoạt của người dân lại chủ yếu trông vào “nước Trời”. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lao động chính của các gia đình phải chia nhau đi bộ hàng chục km để lấy nước về để ăn, còn tắm giặt thì gần như không. Thiếu nước, đồng bào không chỉ thiếu thốn trong sản xuất nông nghiệp mà còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Hồ treo Cán Tỷ (xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) - một trong những kỳ quan của cao nguyên đá Hà Giang.
Ông Sùng Đại Hùng cũng giải thích thêm, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ nên đời sống đồng bào vùng cao được nâng cao rất nhiều, đường xe máy, điện lưới quốc gia về tận trung tâm thôn bản, mỗi hộ dân đều được đảm bảo “mái nhà, bể nước, con bò”. Cái khó cái khổ của vùng cao lúc này nghiêm trọng nhất là thiếu nước. Theo ước tính của lãnh đạo các huyện vùng cao, hàng ngày có tới cả vạn hộ dân sống ở những triền núi cao, xa nguồn nước đã phải đi xa từ 3 đến 20 km để cõng nước về sử dụng. Bao đời nay, đồng bào vùng cao nguyên đá luôn mơ ước được hoá giải cơn khát trong mỗi mùa khô.
Treo nước đỉnh trời
Đầu xuân này, trở lại cao nguyên đá Hà Giang, vẫn một làn mưa bụi li ti như làn sương mỏng, chỉ đủ ẩm đất để gieo hạt. Những khe đá bên đường, nước cũng kịp tụ từng giọt tí tách. Tuyệt nhiên không còn thấy hình ảnh những chiếc can nhựa và người ngồi như hóa đá đợi từng giọt nước cho đến khi đầy can. Gặp lại người quen, Vàng Phái Ly vô cùng hồ hởi khoe chiếc hồ treo của xã:
- Thật là thần kỳ, có ai mà tin được tận đỉnh trời cũng có hồ đầy ắp nước. Ông bà mình bao đời có mơ cũng không dám. Nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ treo nước giữa trời để đồng bào không phải đi đâu xa, không phải vất vả đêm hôm lần mò tìm giọt nước.
Giọt nước mắt vui mừng trên khóe mắt, Vàng Phái Ly kể, vẫn là sử dụng tiết kiệm nhưng không phải dè sẻn từng giọt nữa. Không phải cử người đi lấy nước suốt ngày, người lớn lo lao động, trẻ con lo đến trường học chữ. Có nước về bản, trồng cây rau cũng nhiều hơn, chăn nuôi cũng nhiều hơn. Người già được nghỉ ngơi không phải đi bộ vài chục km đường đèo dốc cõng nước về nữa. Lượng nước hồ đáp ứng cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã và cả các xã lân cận.
Nói đến hồ treo, thực chất đó chỉ là một cái vũng hứng nước thấm chảy từ trên núi xuống. Nhiều đời qua, đồng bào đã có kinh nghiệm trong việc tìm nguồn nước và tích trữ nước trong các hốc đá. Người ta tìm những chỗ sau mùa mưa vẫn còn nước chảy ra khe, kẽ đá, lấy đất sét đầm nền, trát kín mạch hốc đá phía dưới để trữ nước. Câu chuyện về tìm mạch nước, san phẳng hàng ngàn mét khối núi đá vôi, cõng hàng trăm tấn nguyên vật liệu lên vùng cao để xây dựng được một chiếc hồ treo đã tiêu tốn không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi của các nhà khoa học, những người thợ và người dân vùng đá...
Đề tài nghiên cứu khoa học "Hồ treo cấp nước cho các vùng khan hiếm nước của tỉnh Hà Giang" được đề xuất và thực hiện bởi phòng Địa kỹ thuật - Viện Địa chất (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) từ năm 1998 do Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Vũ Cao Minh làm chủ nhiệm, đã tính toán công nghệ hồ treo có thể cung cấp cho mỗi người dân trên cao nguyên 150 lít nước/ngày.
Tiến sĩ Vũ Cao Minh cho hay:
- Cách tạo hồ trên vùng cao núi đá thực sự khó khăn. Khó nhất là chọn vị trí và khắc phục dạng địa hình tự nhiên để tạo ra dạng hồ theo thiết kế, thứ hai là tìm giải pháp chống mất nước sao cho vừa kinh tế vừa hiệu quả, đạt được sự ổn định và bền vững, ngoài ra còn phải tính đến khả năng cấp nước tự chảy từ hồ về nơi sử dụng tiện lợi cho dân, nhất là nơi chưa có điện lưới. Muốn vậy cần lợi dụng các dạng địa hình tự nhiên sẵn có như thung lũng trũng thấp, thung lũng, phễu, các hố sụt, các bề mặt xâm thực san bằng, mài mòn để đặt hồ. Trên nền đó chỉ cần cải tạo đơn giản như nổ mìn phá đá, đào san gạt là hình thành hồ chứa. Còn giải pháp chống mất nước chọn sao cho hợp lý và an toàn nhất để giữ được nước. Do hồ thường nằm trong các khu vực có cấu trúc địa chất phức tạp địa hình lủng củng như đá đổ, đá lăn, đá tai mèo, hang hốc, sụt lún, đứt gẫy với mức độ phong hóa rất khác nhau, vì thế giải pháp chống thấm mất nước cho lòng hồ để đơn giản dùng vải địa kỹ thuật, tại vị trí trọng yếu có thể dùng bê tông hoặc bê tông cốt thép kết hợp sử dụng các chất chống thấm đặc biệt. Chúng tôi đã tiến hành tìm vị trí có nguồn nước ngầm vách núi ở từng xã bằng phương pháp địa bức xạ - “tia đất” và chọn địa điểm xây hồ. Sau đó đo trắc địa, kiểm tra địa chất công trình địa điểm dự kiến xây hồ và bước tiếp theo là thiết kế.
Trên cơ sở đó, năm 2002, tỉnh Hà Giang đã triển khai thăm dò và xây dựng thử nghiệm hồ treo Sà Phìn tại bản Sà Phìn B xã Sà Phìn huyện Đồng Văn, dung tích khoảng 3.000 mét khối. Việc thử nghiệm hồ Sà Phìn thành công đã tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục đề xuất xây dựng công trình hồ treo Tả Lủng vào năm 2005 tại xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc. Hồ có dung tích 3 vạn mét khối. Những người xây dựng đã phá, nổ hơn 1.000m3 đá vôi, hàng chục giếng, hang ngầm có đường kính từ 0,5 đến 1m, sâu từ 5-10m được san lấp và gia cố. Xây dựng đập chắn nước cao 5m, rộng 3m, dài hơn 50m bằng đá tảng.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang tháng 3/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định đầu tư cho Hà Giang 30 hồ chứa nước với kinh phí 137 tỷ đồng. Nhiều hồ chứa nước đã hoàn thiện kịp thời giải quyết cơn khát của đồng bào trong mùa khô. Đến năm 2014, gần 100 hồ treo đã được hoàn thành với kinh phí gần 1,1 ngàn tỉ đồng. Lợi dụng địa hình tự nhiên, mỗi hồ treo được thiết kế mang hình dáng khác nhau, nơi mang hình trái tim, hình chiếc lá, chiếc khác lại thuôn dài hoặc vuông vức. Trong số “hoa hậu” có thể kể đến: Hồ Sà Phìn (Đồng Văn) có hình trái tim được thiết kế rất thẩm mỹ, hồ Tả Lủng (Mèo Vạc) được tạo dáng vầng trăng khuyết, hồ Pài Lủng (huyện Mèo Vạc) có hình lục lăng, giống y một mặt nhẫn đá quý được chế tác tinh xảo, hồ Cán Tỷ (Quản Bạ) vuông vắn như một mặt gương phản chiếu bầu trời. Các hồ hầu hết nằm ở độ cao trên 1.000m, gọi luôn theo tên địa phương cho dễ nhớ.
Theo đánh giá của tỉnh Hà Giang, Chương trình hồ chứa nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc là một chương trình đặc biệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt từ bao đời nay cho đồng bào một cách ổn định, lâu dài và bền vững. Các hồ chứa nước đã mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế-xã hội, là cơ hội làm thay đổi cuộc sống của người dân, cải thiện cuộc sống đồng bào vùng cao, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, góp phần ổn định chính trị vùng biên cương đất nước. Năm 2015, tỉnh phấn đấu xây thêm 319 hồ, giải quyết cơ bản vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt cho 70% dân số ở 4 huyện này.
Giờ đây, lên cao nguyên đá, hình ảnh ấn tượng nhất là tấp nập người xách nước, người giặt giũ, trẻ em vui đùa, tắm gội bên những chiếc hồ treo chứa nước trông như những viên ngọc bích khổng lồ nổi bật trên nền đá. Hồ treo không chỉ xóa tan cơn khát truyền đời của người vùng đá mà còn tô điểm cho vẻ đẹp hùng vĩ của miền địa đầu Tổ quốc.
Lưu Thị Bạch Liễu
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...