Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
04:00 (GMT +7)

Kỷ niệm về một bức vẽ chân dung

Chuyến đi thực tế do Hội VHNT tỉnh tổ chức thăm suối Kẹm La Bằng dưới chân Tam Đảo tháng 5/2022 cho tôi một cơ hội quý để nghiên cứu vẽ chân dung họa sĩ nổi tiếng Lê Anh Vân. Không chỉ tài hoa về hội họa, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam còn là người thầy trực tiếp giảng dạy của rất nhiều các họa sĩ Thái Nguyên đã từng học tại đây.

“Họa sĩ và tác phẩm”, kích thước: 80cm x 90cm. Tranh được Hội Mỹ thuật Việt Nam duyệt trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 27, năm 2022

Tại Lớp tập huấn Mỹ thuật năm 2022 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cho anh chị em họa sĩ Thái Nguyên, ông cùng họa sĩ Lê Trọng Lân (nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành hội họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã dành nhiều tâm huyết, truyền cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ trong đó có tôi về nhiều góc nhìn trong sáng tác hội họa như: cảm xúc giữa cái thật biến hóa trong cách điệu nghệ thuật mà vẫn giữ được cái gốc về hình họa, cái đẹp được chắt lọc qua lăng kính nghệ thuật, đưa nghệ thuật về với đời sống thực hôm nay… Cảm phục trước tài năng của hai người thầy, ngồi trên xe đi thực tế tôi không ngần ngại đã xin phép được nghiên cứu, ghi hình các thầy để chuẩn bị cho những tác phẩm chân dung mình sắp thực hiện.

Sau chuyến đi, dù bận công việc nhưng lúc rảnh rỗi tôi vẫn miệt mài cùng cây cọ và những mảng màu còn vẹn nguyên xúc cảm với bức vẽ “Họa sĩ và tác phẩm” đã được định hình trong đầu trước đó về bố cục.

Chân dung họa sĩ Lê Anh Vân hiện dần qua từng nét phác họa. Tôi nghiên cứu và làm nổi bật gương mặt đẹp, vẻ lãng tử của thầy. Họa sĩ Lê Anh Vân nổi lên ở phần chính trong bức họa với bộ quần áo cũ cùng mũ phớt rộng vành màu xám bụi, đôi mắt tinh anh sau cặp kính râm nâu nhạt, mái tóc dài thoáng nhẹ, vòng tay vạm vỡ như không tuổi. Phía sau chân dung ông tôi vẽ hình tượng thiếu nữ trong tác phẩm “Tắm” mà tôi thích nhất khi tôi xem các tác phẩm nổi tiếng của ông.

Với bút pháp hiện đại, khỏe khoắn thoảng chút Tây trong tranh của Lê Anh Vân như các bức: “Chân dung vùng cao”, “Chiến lũy”, “Không gian tĩnh”, “Trở về”,… giới mỹ thuật Việt Nam cho rằng ông đã đi trước một bước tới vài năm ở thời kỳ đổi mới để khẳng định vị trí hàng đầu về những tác phẩm lớn. Tuy vậy, khi xây dựng tranh “Họa sĩ và tác phẩm” tôi vẫn thích lựa chọn tác phẩm “Tắm” ông vẽ năm 2007. Với lối “hình họa khô” (dessin sex) một gạch nối hình họa “mềm” cổ điển và hình họa “cứng” hiện đại. Tác phẩm “Tắm” ở phía sau như làm tôn lên sự sang trọng của bức vẽ.

Sau khi chốt bố cục của tác phẩm là hình tượng nhân vật chính thầy Vân cùng yếu tố phụ là một phần bức tranh “Tắm” làm nền bằng các lớp màu nhẹ lên toàn bộ tác phẩm, tôi chụp lại bức vẽ và tranh thủ gửi hình xin ý kiến thầy giáo họa sĩ Lê Trọng Lân. Khi xem ảnh xong thầy Lân nhắn tin khen, bố cục hợp lý và giống thầy Vân lắm; đồng thời ông cũng góp ý mấy điểm cần chú ý xử lý khi đẩy sâu bức tranh cho vững và đẹp hơn về hình họa. Lời khen của nhà giáo họa sĩ Lê Trọng Lân như tiếp thêm nghị lực để tôi hoàn tất tiếp tác phẩm!

Thế là những lớp màu từ nhạt đến đậm dần cứ dày dặn theo dòng chảy của cảm xúc - lúc trầm lắng, lúc thăng hoa tuôn trào qua những nét cọ cho tới khi chốt lại cùng những nét nhấn định hình cùng những mảng màu nhẹ nhòa trong không gian hình nền đến độ vừa đủ. Tranh vẽ xong cũng là lúc hoàn tất cho việc chuẩn bị ra mắt công chúng vào dịp Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 27, năm 2022 tại thành phố Thái Nguyên.

Với tôi “Hoạ sĩ và tác phẩm” dù vẫn còn hạn chế nhưng được ra đời như một kỷ niệm đẹp về sự ngưỡng mộ và trân trọng những họa sĩ lớn đã cống hiến hết mình trên con đường nghệ thuật.

Văn Thao

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục