Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:24 (GMT +7)

Kỳ họp tới trình Quốc hội chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội

VNTN- Từ 15 giờ ngày 11/11, thành viên Chính phủ thứ tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Các đại biểu trong phiên họp chiều 11/11

Ông cũng là vị Bộ trưởng kinh tế duy nhất đăng đàn trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, nhưng đã có kinh nghiệm trả lời từ nhiệm kỳ trước của Quốc hội.

Làm rõ kế sách phục hồi kinh tế

Nhóm vấn đề Quốc hội chọn để chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò tổng tham mưu về kinh tế, vì thế Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cần giải đáp được thực trạng nền kinh tế hiện nay ra sao, kế sách nào để xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch.

Trong 5 phút báo cáo trước khi trực tiếp trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, phức tạp của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp thực tiễn trong ngoài và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển, khả năng của đất nước. Người đứng đầu ngành kinh tế tổng hợp mong nhận được ý kiến, đề xuất sâu sắc, tâm huyết của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình để trình cấp có thẩm quyển xem xét sớm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025... Đây là những quyết sách quan trọng và là căn cứ để các cấp, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng báo cáo, trước tác động của dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ đã chia sẻ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức quốc tế để tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí duy trì sản xuất và góp phần ổn định đời sống người dân khi dịch được kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các chính sách đã ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, sớm khắc phục khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023

Phần trả lời chất vấn trực tiếp, trả lời đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về kinh nghiệm quốc tế khi thực hiện các gói hỗ trợ trong đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thế giới có quyết sách nhanh, gói hỗ trợ quy mô lớn bất chấp kỷ luật, kỷ cương về tài chính. Họ cũng chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách. Họ thống nhất quyết định rất nhanh, thực hiện rất dễ và chuyển làm ngay. Do đó, những nước này sau khi được tiêm phủ vaccine, có kế hoạch phục hồi kinh tế và các gói hỗ trợ thì có tốc độ tăng trưởng và hồi phục kinh tế rất nhanh.

Bộ trưởng dẫn chứng như Mỹ đã bỏ 27,9% GDP, chấp nhận tăng nợ công thêm 21 điểm phần trăm, đẩy tỷ lệ nợ công của Mỹ lên 133% GDP. Tương ứng, Trung Quốc tăng 6,1%, tăng thêm nợ công 9,7% điểm phần trăm, tổng nợ công đến nay 66,8%...

Các nước này đều tăng cho chi cho y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình có thu nhập thấp. Phương thức là cấp phát bằng tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện, chi trả chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn giảm thuế phí cho thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân... cho một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, Bộ trưởng trình bày.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, họ còn hỗ trợ dòng tiền cho một số ngành và lĩnh vực ưu tiên, đầu tư cho hạ tầng. Riêng Mỹ đầu tư 1.200 tỷ USD ngân sách cho hạ tầng để phục hồi và kích thích tăng trưởng dài hạn. Chính sách tiền tệ, họ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, tăng tín dụng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, ưu đã thuế...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

Trả lời đại biểu về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà Bộ đang được giao để nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sau khi tiếp thu ý kiến chuyên gia và căn cứ tình hình thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, Bộ đã đưa ra một số quan điểm.

Thứ nhất là chương trình hỗ trợ phục hồi phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các hỗ trợ cho cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, 5 năm; kế hoạch đầu tư công, tài chính công 5 năm; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...

Chương trình cũng tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ và phối hợp đồng thời, tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu tiêu dùng nội địa; giữa các chính sách, giải pháp, gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo khả thi, hiệu quả, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế...

Theo Bộ trưởng, Bộ dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua sẽ nếu Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục vào đầu giờ sáng 12/11, sau đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết thúc 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy