Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
13:43 (GMT +7)

Kỳ diệu tranh khảm

VNTN - Nghệ thuật khảm (mosaic), dưới đây xin gọi là tranh khảm vì nó giống như một bức tranh, là nghệ thuật trang trí thủ công cổ xưa nhất trong mỹ thuật thế giới. Mặc dù ra đời cách đây hàng nghìn năm, vào thời của những nền văn minh đầu tiên trên trái đất, song nó vẫn thịnh hành và được yêu thích đến ngày nay. Mỗi tác phẩm có những vật liệu và kết cấu vô cùng vững chắc, hình thức dễ làm và nội dung hấp dẫn. 


Khác với tranh dùng màu, sơn hay mực vẽ, tranh khảm được làm bằng chính các mảnh ghép vụn của những vật liệu có sẵn để tạo thành hoa văn-họa tiết, là những viên sỏi, đá nhiều màu, có kích cỡ giống nhau; những mảnh xương, ngà voi, đất nung (sau này là gốm sứ), thủy tinh, vỏ sò, vỏ trứng, gỗ và kim loại… Nói chung là mọi vật cứng rắn, trơn nhẵn, có vân hoa sặc sỡ, lấp lánh. Tranh khảm cũng không nằm trong khung thông thường mà được gắn trực tiếp vào bề mặt khảm, từ các bức tường, mặt sàn tới các lối đi, đồ vật để cho đụng chạm, dẫm đạp mà không hề suy chuyển, theo thời gian trở thành một loại tranh có sức sống vĩnh hằng. Trong các cuộc khảo cổ những công trình kiến trúc xa xưa, người ta luôn tìm thấy những bức khảm giữa đống đổ nát, cho thấy khả năng chịu đựng vô địch của chúng.

Loại hình mỹ thuật độc đáo của nhân loại

Ở mọi triều đại xưa nay, dân gian đều thích làm tranh khảm để trang trí, tạo vật dụng lạ mắt phục vụ đời sống hàng ngày. Mỗi bức khảm luôn gắn liền với cuộc sống, những phát hiện mới của con người trong việc xây dựng hình ảnh làng nước, kiến trúc và tôn giáo. Nó như một công cụ truyền bá văn hóa, chính trị và nghệ thuật, và thường xuất hiện ở nơi tập trung và thu hút cộng đồng như: các nhà thờ, quảng trường, công viên, bến bãi... Người Sumeria là dân tộc đầu tiên đã biết tới tranh khảm. Từ 5000 năm trước, họ đã dùng những viên đất nhỏ nặn hình nón để đắp vào cột nhà, vách nhà; dùng đá màu và ngà voi nhằm trang trí các đền thờ. Sau người Sumeria, người Ai Cập cổ cũng lấy gạch màu ốp lên tường. Họ biết chế khá nhiều màu và thường phết màu cho mỗi viên gạch rất nổi bật. Tuy nhiên, phải tới 2600 năm trước, nhờ người Hy Lạp cổ, tranh khảm mới thật sự phát triển, có kỹ thuật và chủ đề phong phú. Thay vì dùng đất, họ đã ghép những viên sỏi thành họa tiết, và cắt nhỏ chúng làm những mẩu vụn vuông vức hoặc tam giác đều đặn, gọi là các hạt khảm (tesserae), giúp việc chắp dán được êm ái và mịn khít. Họ cũng bắt đầu dùng thủy tinh nhiều màu để tăng hiệu quả thẩm mỹ và dựng các mô típ chính. Dùng gốm sứ từ các loại gạch vụn làm đường viền hoặc họa tiết. Có thể nói, từ khi có thủy tinh, tranh khảm đã bước sang một kỷ nguyên mới kỳ thú và lôi cuốn hơn. Song quan trọng nhất ở thời điểm này là sự xuất hiện của những bức tranh nền. Từ Hy Lạp cổ trở đi, rất nhiều triều đại đều thích xây dựng tranh sàn. Sở dĩ như vậy vì chúng ít bị đổ vỡ hơn so với tranh tường khi mà các công trình bị sụp xuống. Đến nay, phần lớn tranh khảm cổ xưa còn lại của thế giới đều là tranh sàn. Tiếp nối Hy Lạp cổ, La Mã là đế chế đã đưa tranh khảm không những thịnh hành ở Italia mà còn lan khắp thế giới. Từ Rome, chúng đã tới Địa Trung Hải, Bắc Phi, châu Á và châu Âu. Một đặc điểm nổi bật của tranh là ngoài những họa tiết hình học - hoa lá, đã thấy các hình tượng thần thoại và sinh hoạt vui chơi, với rất nhiều mảng miếng, đường nét biến chuyển nhịp nhàng biểu thị cho sự cầu kỳ của nghệ thuật. Đặc biệt tranh khảm còn được xuất hiện ở cả hai nơi, một có tính chất trần tục là các nhà tắm khắp thành phố và một có tính chất linh thiêng là các thánh đường, tu viện Kitô giáo. Người La Mã có rất nhiều sáng tạo quan trọng trong kiến trúc đô thị, trong đó có hệ thống các nhà tắm cho mọi người tắm rửa - thư giãn, và để làm đẹp chốn sinh hoạt có tính chất riêng tư ấy, họ đã vẽ lên quanh nó một thế giới thần thoại vô cùng sinh động, đưa lại một cuộc sống như chốn thần tiên. Thường thấy nhất là hình ảnh của các vị thần như Apollo, Neptune, Dionysos, các nàng thơ Muses, bốn mùa, chim thú, cảnh săn bắn, hoa văn kỷ hà và biểu tượng. Ngược lại, những Kitô hữu đầu tiên tới La Mã lại bị cấm đoán truyền giáo, không có chỗ ở mà bị dồn vào những căn hầm chật hẹp. Tại đây, họ đã tạo ra những bức khảm, khắc họa kinh thánh, và khi Kitô giáo được công nhận thì hàng loạt nhà thờ mọc lên với những bức khảm đồ sộ chứa hình ảnh Thiên Chúa. Giáo hội đặc biệt thích dùng vàng bạc, thủy tinh và đá quý tạo tác những tác phẩm nghệ thuật. Họa sĩ đã gắn vàng, bạc vào sau những mảnh kính, biến nó trở thành các tấm gương, soi bóng và phản chiếu lung linh như thể ánh sáng của Chúa. Cứ hai mảnh kính lại kẹp một lá vàng và dán vào vị trí quan trọng của tranh như đầu, cổ, tay nhân vật như là các vương miện hoặc chuỗi ngọc. Thường thấy các thủy tinh đỏ, vàng, xanh dương và nước biển. Trong đó đẹp nhất là thủy tinh đỏ. Nếu không có thủy tinh đỏ, cẩm thạch và đá vôi sẽ được sơn đỏ để thay thế.

Cuối thời La Mã, tranh khảm đã tới châu Á, Trung Đông và đạt cực thịnh suốt thời Byzantine. Từ đây cho đến Trung Đại và Phục Hưng, nó đã bùng nổ và trở nên quen thuộc ở mọi nước. Cũng vì thế, Byzantine được gọi là kỷ nguyên của tranh khảm. Sau thời Phục Hưng nó có suy giảm, nhường chỗ cho các loại tranh khác, song đến thế kỷ 20 lại phát triển như trước. Ở Trung Đông, tranh khảm được thấy trên những giáo đường Hồi giáo và Do Thái như Umayyad Mosque Damascus, Dome of Rock Jerusalem,… với những họa tiết chủ yếu là hình học, thư pháp và kinh thánh. Tranh vẫn thiên về tính trừu tượng, hoa mỹ nhiều hơn là hiện thực và có sự lặp lại ấn tượng.

Phát triển lâu bền, rộng khắp

Về phương pháp dựng tranh, đại thể có các kiểu sau: Opus regulatum là kỹ thuật khảm dạng lưới, được dùng để làm nền cho tranh và các hình học phát triển đều đặn cả về bề dọc lẫn ngang. Opus tessellatum ngược lại là lối khảm so le, chỉ cho sự vật đi theo một hướng. Nó cũng được dùng tạo nền và thường có hai màu đen trắng đối lập - tái lặp hấp dẫn. Cả hai đều ít gây chú ý mà để người xem tập trung vào đối tượng chính. Opus vermivulatum là cách khảm đường nét bay lượn vòng quanh sự vật hoặc làm bóng đổ của nó, với mục đích nhấn mạnh, gây hiệu ứng hào quang. Opus musivum cũng là cách tạo vòng tròn, song như một điểm gợn sóng trên mặt hồ cho sự tỏa lan. Khi nhìn vào đây, có cảm tưởng mọi thứ xao động. Opus paladanium là sự sắp xếp tự do các hạt to nhỏ và dạng khác nhau; thay vì hàng lối, nó cho ra các họa tiết bung tỏa ngẫu hứng. Opus sectile lại là kỹ thuật “rập khuôn” khi dùng một số mảnh ghép lớn để dựng tranh. Chỉ cần một vài mảnh đã có thể thấy tác phẩm thế nào. Khi áp dụng kỹ thuật này, họa sĩ sẽ không phải lo lắng đến việc cắt gọn hạt đá mà tùy ý sắp đặt - sáng tác. Opus circumactum là kiểu khảm các hạt theo hình quạt, bán nguyệt. Nó cũng được dùng làm nền và tạo cho tranh nhịp điệu uyển chuyển. Opus fluctum là cách làm những hình sim, con sóng hay cơn gió, ở các điểm giao nhau thường dùng hạt nhỏ hình tam giác giúp uốn lượn - bồng bềnh. Opus spicatum là kiểu họa tiết hình chữ chi, xương cá gắn xuống lòng đường. Để xây dựng tranh này, người ta gắn các viên gạch có đỉnh nhọn, liên hoàn xuống đất. Ngoài ra, còn thấy các kỹ thuật như Opus signinum, Opus strictum, Opus drostleum, Opus variatum… Và đặc biệt là kiểu khảm mini (siêu nhỏ) với mỗi centimét chứa hàng nghìn hạt đá nhằm làm trang sức hoặc vật cầm tay. Đây là một kỹ thuật khó, thuộc về cẩn ngọc, đã có từ thế kỷ 18 và yêu cầu họa sĩ phải nhẫn nại, tinh tế. Để kết dính các hạt với nhau, ngày xưa thường dùng vữa hồ và đến thế kỷ 20 là keo dính và xi măng. Dù là gì thì nó cũng khiến cho bức tranh vững chãi, tồn tại lâu đời. Thành phố New York (Mỹ) là nơi có các nhà ga tàu điện ngầm chứa nhiều tranh khảm ấn tượng. Vào đầu các năm 1990, họa sĩ - kiến trúc sư Squire Vickers đã là người đầu tiên khảm tranh gốm sứ vào các bức tường nhằm trang trí nơi này. Kế tục ông, họa sĩ Liliana Porter cũng là người tiên phong có tranh kính đẹp mắt. Hiện có tới 226 bức khảm tuyệt diệu ở các nhà ga New York. Một trong đó là câu chuyện về cô bé Alice ở xứ sở thần kỳ. Italia luôn là thành phố đưa ta về với những khung cảnh cổ xưa và linh thiêng nhất với những bức khảm Byzantine. Phần lớn đều tập trung tại các nhà thờ như St. Mark của Venice. Ở đây, không chỉ lưu giữ những bức khảm chủ đề Thiên chúa đẹp nhất mà còn lớn nhất lên tới 8.000 mét vuông. Hoặc như thánh đường Basilica Monreale Sicily có những bức tranh về Chúa Trời và vua Norman William II mà mật độ hạt ghép lên tới hơn 100 triệu hạt; thánh đường Santa Prassede Rome cũng là nơi có nhà nguyện duy nhất mà tường, cột, nóc, mái phủ toàn tranh khảm, khắc họa cuộc đời Đức Chúa và các tông đồ.

Mosaic Hy Lạp

Một thành phố nữa được mệnh danh là xứ sở của tranh khảm, là Barcelona (Tây Ban Nha). Do Barcelona là quê hương của kiến trúc sư Antoni Gaudi - người đề xướng ra phong cách khảm đồng loạt mà từng hàng ghế, lan can, tường nhà, thánh thất lẫn công viên, tượng đài nơi đây đều được khảm sành sứ, tạo nên một đặc điểm riêng. Ở thành phố Charters (Pháp) cũng có một ngôi nhà và khu vườn bằng tranh khảm đẹp nhất thế giới. Công trình mang tên Maison picassiette là tác phẩm của họa sĩ Raymond Isidore. Từ năm 1930 - 1964, ông đã tạo được một vương quốc riêng từ những gì xung quanh gồm hàng triệu mảnh bát đĩa và kính vỡ. Từ cổng đi vào, sẽ gặp vườn hồng - những bức tranh màu hồng đặc tả hoa quả và hình học, và ở đầu kia là vườn xanh với các bức khảm sóng nước êm ái. Không chỉ có tranh tường, Rio de Janeiro (Brasil) còn là thành phố có các bức khảm đặc sắc được làm cầu thang đi giữa các khu nhà. Ví dụ như cầu thang Escadaria Selaron, gồm 215 bậc gốm sứ màu vàng, xanh, đỏ. Toàn bộ dài 125 mét, nối hai phố Joaquim - Pinto Martins và được lát hơn 2.000 viên gạch từ 60 quốc gia, trong đó có 300 viên tô màu thủ công. Tại Việt Nam, trong cả nghìn năm, tranh khảm cũng đã xuất hiện ở các cung điện, lăng tẩm, đền chùa, dưới rất nhiều mảng sứ, gốm, trai, ngọc và đá quý. Người Việt còn cực kỳ khéo tay trong việc tạo dựng các con vật, đồ vật khảm đá và trai huyền ảo. Thành phố Hà Nội hiện đang giữ kỷ lục Guinesss về bức khảm dài nhất trái đất, mang tên Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Đây là công trình nghệ thuật chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và được họa sĩ-nhà báo Nguyễn Thu Thủy cùng đồng nghiệp hoàn thành vào ngày 5/10/2010. Tranh dài xấp xỉ 3,85 kilômét, cao trung bình 1,7 mét, gồm nhiều phân khúc khắc họa những giai kỳ lịch sử, thắng cảnh, con người Việt Nam và quốc tế.

Bằng sự phát triển liên tục, tranh khảm đã chứng minh được những giá trị trân quý và là một loại hình mỹ thuật độc đáo của nhân loại.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy