Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:50 (GMT +7)

Kinh tế – Xã hội Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2023: Tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung

VNTN- Sáng 29/6, Cục Thống kê Thái Nguyên tổ chức họp báo công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023. Tham dự có đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan. 

Quang cảnh buổi họp báo

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraina; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sự phục hồi chậm và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước… tác động và ảnh hưởng nặng nề đến người dân.

Ở trong nước, nền kinh tế chịu tác động từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng… ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong quý I/2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi do nhu cầu tiêu dùng giảm sút nhưng nhờ tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở, linh hoạt của chính quyền các cấp nên sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng dương. Khu vực dịch vụ có sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 không rơi vào trạng thái tăng trưởng âm như một số tỉnh có quy mô công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam…

Bước sang quý II, sản xuất công nghiệp - vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do thị trường tiêu thụ sụt giảm, số lượng đơn hàng chưa có dấu hiệu tích cực nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 3 tháng liên tiếp gần đây giảm sâu so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng ổn định; các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục đạt tăng trưởng khá nên nhìn chung kinh tế của tỉnh trong quý II nói riêng và 6 tháng đầu năm 2023 nói chung mặc dù chưa có sự bứt phá nhưng cũng đạt được những kết quả khá tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng chí Hoàng Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên thông tin một số vấn đề cơ bản về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh đến các cơ quan báo chí

Một số kết quả cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 5,17% so với cùng kỳ (mục tiêu cả năm là 8%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt xấp xỉ 405 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch năm; tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 20,92 tỷ USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ (riêng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 13,3 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ và bằng 37,9% kế hoạch năm); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 8.273 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch năm và tương đương 87% so với cùng kỳ…

Ngoài ra, các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ và bằng 51,3% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 33.468,5 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, bằng 52,3% kế hoạch năm...

Tình hình xã hội, đời sống của người dân cơ bản ổn định; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; hoạt động giáo dục được triển khai theo đúng kế hoạch...

Tại buổi họp báo, đại diễn lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh đã giải đáp một số vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm. Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục Thống kê đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp: Động viên các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp khu vực FDI thực hiện theo tiến độ đầu tư tạo ra sản phẩm mới; phục hồi và phát triển sản xuất nhằm tăng doanh thu; Các ngành, các địa phương theo lĩnh vực quản lý cần bám sát tình hình thực tế, chủ động tham mưu kịp thời các cấp có thẩm quyền đưa các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực…

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy