Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
07:49 (GMT +7)

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ: Lạc quan, không chủ quan

Lạc quan bởi dự báo GDP năm 2022 có thể tăng đến 8%, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không thể chủ quan bởi nhìn đâu cũng thấy áp lực lạm phát, người dân và doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn.

Trong 9 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) của tỉnh Thái Nguyên đạt 673,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa, nguồn: Congthuong.vn.

Kết quả và dự báo đều lạc quan

Cuối tháng 9 vừa qua, khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội của năm 2022 và kế hoạch năm 2023, cũng là lúc Tổng cục Thống kê công bố các con số đầy lạc quan.

Đó là, kinh tế tăng trưởng vượt dự báo với kết quả Quý III 13,67%, còn 9 tháng đạt 8,83%, đều thuộc diện cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2022, ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, (đóng góp 54,17%). Sự phục hồi và phát triển kinh tế giữa các vùng, miền và địa phương khá đồng đều.

Bên cạnh GDP, còn có 13/15 chỉ tiêu khác của cả năm 2022 được dự báo sẽ đạt và vượt con số Quốc hội giao: GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 4.075/3.900 USD; Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) ước đạt 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Chỉ tiêu duy nhất không đạt mục tiêu đề ra là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (ước thực hiện 3,8 - 4,3%, kế hoạch là 5,5%).

Bên cạnh kinh tế, kết quả đáng ghi nhận của năm 2022, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn thể hiện qua nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng lên trong chính các cấp ủy Đảng và lan tỏa trong xã hội. Có sự chuyển biến về tư duy, quan điểm đối với lĩnh vực văn hóa từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.

Lĩnh vực này cũng đã có sự đổi mới tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế chính sách góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường. Xác định phương châm lãnh đạo, thực thi nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 của ngành văn hóa là “Quyết liệt hành động, Khát vọng cống hiến”; thực hiện Chủ đề năm 2021 là “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được hưởng thụ thật”, Chủ đề năm 2022 là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

Tuy nhiên, cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng báo cáo về kinh tế, xã hội trình Quốc hội cũng nhận định: Phát triển văn hoá chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chưa trở thành một động lực để đất nước phát triển bền vững. Trong công tác tham mưu, chưa làm rõ được vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội để lan tỏa những giá trị sức mạnh mềm của văn hóa trong toàn hệ thống chính trị.

Nhận diện nhiều hạn chế, yếu kém ở các lĩnh vực khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2023 nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế, xã hội chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.

Trong 15 chỉ tiêu chủ yếu được dự kiến cho năm sau, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6% - dù đây là chỉ tiêu duy nhất được dự báo không cán đích trong năm nay.

Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tiến hành thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch năm 2023. Nguồn: media.quochoi.vn/

Đừng gieo niềm tin về màu hồng sớm quá

Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, mới nhìn thì con số tăng trưởng GDP của 9 tháng và tháng 9 khá lạc quan. Nhưng nhìn kỹ thì cũng không phải lạc quan lắm, bởi lẽ xuất phát điểm từ mức tăng trưởng rất thấp của năm ngoái. "Nếu trước đây chúng ta tăng trưởng khoảng hơn 6%, năm sau cũng tăng 6% thì là chuyện bình thường. Nhưng năm ngoái chỉ có 2,6% thôi, năm nay tăng 8% thì thực ra cũng chỉ tăng khoảng 6% . Hay quý 3 năm ngoái -6%, năm nay quý 3 tăng trên 13% thì thực sự cũng chỉ tăng khoảng 6%. Tóm lại, đó không phải là con số để chúng ta quá vui mừng về thành tựu kinh tế. Tất nhiên, trong bối cảnh khó khăn mà duy trì đà như vậy cũng là nỗ lực cố gắng", ông Lộc phát biểu trong phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Chính phủ cần tiếp tục khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Nguồn: Chinhphu.vn

Đặt trong áp lực lạm phát thì ý nghĩa của tăng trưởng càng cần được nhìn nhận thực chất hơn, theo một số ý kiến khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo phản ánh, qua tiếp xúc cử tri và từ thực tế thì thấy những nhóm mặt hàng thiết yếu đều tăng cao như lương thực thực phẩm, xăng dầu và nguyên liệu những ngành hàng chủ lực như nông nghiệp… tăng rất cao.

"Vấn đề đặt ra là nên chăng xem xét lại cách tính CPI tác động thế nào đến đời sống người dân và doanh nghiệp, hoặc nên chăng lập nhóm các mặt hàng thiết yếu, qua đó phản ánh chính xác hơn để có cách điều hành phù hợp", ông Bảo nêu vấn đề.

Điều hành phần thảo luận tại phiên thẩm tra, ông Bảo đề nghị các vị đại biểu phân tích, đánh giá xu thế lạm phát sẽ tăng cao trong thời gian tới. "Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất 1%, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng, khoảng 24.000 đồng/1 USD, đây cũng là áp lực tác động đến tăng giá vì nền kinh tế của ta là nền kinh tế mở. Một số mặt hàng năng lượng cũng tăng cao. Rồi điện là sản phẩm tiêu dùng và cũng là một trong những đầu vào quan trọng của nền kinh tế đã lỗ 16.000 tỷ trong những tháng đầu năm, đây là áp lực tăng giá cùng giá xăng dầu, là thách thức lớn về áp lực lạm phát", ông Bảo nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến lưu ý, xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, có thể tác động tiêu cực tới các nước. Ngoài ra FED tăng lãi suất, dòng tiền sẽ quay ngược trở lại, thị trường Việt Nam trước kia hấp dẫn thì giờ sẽ không còn nữa.

"Từ giờ cuối năm và có thể sang năm khó khăn còn chồng chất. Tôi mong muốn có thể những việc đã làm thì kết quả đạt tốt, nhưng nhìn nhận cái này “vừa phải” thôi. Ví dụ, CPI dự báo đạt mục tiêu 4%, thì người dân khó tin lắm. Thà rằng mình thận trọng nói “xám” một chút, để cuối năm tốt hơn thì tốt hơn giờ nói hồng mà cuối năm tình hình xấu đi thì nhìn nhận thực tế không được, mà lại gây mất niềm tin. Tôi rất mong muốn, báo cáo cần bổ sung thêm cảnh báo, dự báo “mạnh hơn nữa”. Đừng gieo niềm tin về màu hồng sớm quá", ông Tiến bày tỏ quan điểm.

Từ góc nhìn chuyên gia ngân hàng, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa XIV phân tích, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng. Thị trường vốn 2 - 3 năm qua có sự thay đổi nhưng quá nhỏ và quá dễ bị tác động, sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh thì thị trường vốn gần như suy sụp.

Tăng trưởng kinh tế mà một thị trường vốn còn mỏng manh, nhỏ, èo uột như vậy thì cũng là rủi ro, ông Quốc Anh nhấn mạnh và mong Chính phủ quan tâm để thị trường này minh bạch, rõ ràng, là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiến kế để nền kinh tế "tự tiến bộ"

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh: điều hành của một Chính phủ tốt là nên hướng tới những vấn đề mang tính cốt lõi để cho xã hội, cho nền kinh tế dựa vào nền tảng đó mà tự vận hành và tự tiến bộ.

Cụ thể, một nền kinh tế tốt khi mà các giao kết hợp đồng dân sự được thực hiện một cách dễ dàng và dễ dàng được tuân thủ. Để làm được như thế thì cần chuẩn hóa dữ liệu về mặt tài sản để làm sao chỉ bằng một vài động tác rất đơn giản sẽ có được dữ liệu minh bạch về tài sản của từng tổ chức và các cá nhân.

Khi thực hiện minh bạch về tài sản, kết hợp với thanh toán không dùng tiền mặt và gắn với việc tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản thì sẽ có một xã hội thượng tôn pháp luật và cơ quan quản lý sẽ thực hiện thuận lợi hơn. Và từ nền tảng đó thì nền kinh tế sẽ tự vận hành đi lên.

Ngoài ra, một Chính phủ tốt thì cải cách hành chính phải liên tục được tiệm tiến. Quá trình cải cách hành chính trong thời gian vừa qua cũng đang rất tốt, đặc biệt ở phía công dân và chính quyền cấp dưới. Tuy nhiên cải tiến trong cải cách hành chính vẫn chỉ là tương tác, phản biện giữa các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan tổ chức khác với cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu Thịnh bày tỏ mong muốn là trong năm 2023, việc giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là giữa cấp chính quyền địa phương với Chính phủ nên được công khai trên môi trường mạng, cho xã hội theo dõi đánh giá.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy