Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
03:46 (GMT +7)

Kiến tạo xã hội trong trạng thái bình thường mới

Đại dịch COVID-19 làm cả thế giới chao đảo, có thời điểm một số quốc gia gần như bị tê liệt. Nhiều ngành kinh tế rơi vào khủng hoảng, không ít công ty buộc phải cắt giảm nhân sự, sản xuất cầm chừng và đứng trên bờ vực phá sản. Số người mắc bệnh liên tục gia tăng khiến ngành y tế nhiều nước quá tải, trang thiết bị và thuốc men điều trị không đủ đáp ứng dẫn tới tỷ lệ tử vong cao. Đại dịch đã làm ảnh hưởng và gây hậu quả nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực trên qui mô toàn cầu, trong đó có đời sống vật chất, tinh thần của con người.


Thời gian vừa qua Việt Nam chúng ta ứng phó rất tốt với đại dịch. Khi hàng loạt quốc gia đang phải gồng mình chống chọi dịch bệnh, nền kinh tế suy thoái trầm trọng, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Từ giữa quí II năm nay, làn sóng dịch bệnh mới bùng phát và lây lan nhanh chóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam, buộc chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt, khẩn trương phòng chống dịch.

Thời điểm hiện tại tuy dịch bệnh lan rộng ra cả nước, nhưng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong giãn cách, cách ly diện rộng đã được dỡ bỏ. Các ngành kinh tế như hàng không, du lịch, vận tải hành khách… từng bước phục hồi. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian phải giảm nhịp độ sản xuất, hoặc đình trệ do việc xuất nhập khẩu hàng hóa, vật tư nguyên liệu gặp khó đã trở lại sản xuất ổn định. Việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân hoàn toàn thông thoáng giữa các tỉnh và không còn gặp phiền hà. Tùy điều kiện cụ thể từng địa phương học sinh đã có thể đến trường.

Tỉnh Thái Nguyên suốt một thời gian dài không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh và giữ vững “vùng xanh”, giờ đây trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số điểm nóng với số F0 xuất hiện không hề nhỏ. Số liệu thông tin cập nhật cho thấy không chỉ một vài điểm trong khu công nghiệp mà đã rải rác phát hiện tại các huyện, thành thị.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi chưa có lượng vaccine bao phủ trên toàn cầu và tìm ra loại thuốc đặc trị hữu hiệu, đại dịch chưa thể ngay lập tức chấm dứt. Đề phòng sự quay lại của đại dịch với các làn sóng tiếp theo bằng nhiều biện pháp là hết sức cần thiết.

Việt Nam chúng ta nguồn lây nhiễm luôn tiềm ẩn, bởi các ngành kinh tế cần có số lượng đông đảo cán bộ quản lý, chuyên gia và công nhân người nước ngoài đến làm việc, đồng thời phải tiếp nhận người Việt từ nước ngoài trở về. Trong cộng đồng mầm mống dịch bệnh vẫn có khả năng âm ỉ lây lan. Không thể lấy lý do kiểm soát dịch bệnh để đóng cửa với thế giới. Chúng ta phải từng bước mở cửa cho hoạt động du lịch và đón khách quốc tế.

Chính vì vậy việc Chính phủ đề cập tới sự thay đổi về các hoạt động, quan hệ xã hội và hành vi con người, tập trung triển khai nhiều giải pháp “sống chung với đại dịch” trong “trạng thái bình thường mới” là một quyết sách linh hoạt, khoa học.

Tranh: Trần Lâm

“Bình thường mới” là trạng thái mà tại đó đất nước vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế với những chính sách thích hợp ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra. Mục tiêu lấy phục hồi và phát triển kinh tế là trung tâm, con người là nền tảng cho phát triển bền vững. “Trạng thái bình thường mới” cũng đặt ra nhiều vấn đề phải định hình lại cách sống, cách làm việc và kết nối của con người trong xã hội.

Chính phủ đề ra các nguyên tắc phải quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống xã hội: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, từng thời điểm.

Các nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng: “trạng thái bình thường mới” không đơn thuần là thay đổi hiện trạng vận hành bấy lâu nay. Đây là một quyết sách mang tính đột phá thay thế cách chống dịch từng thực hiện bằng những giải pháp linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh, tập trung kiến tạo để xã hội phát triển năng động thích ứng với nhiều rủi ro khác. Trạng thái này cũng đồng thời giúp chúng ta nhìn nhận và tái cấu trúc hệ thống xã hội, tổ chức lại sản xuất. Nguồn nhân lực, nguyên liệu và khách hàng tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, không còn bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch thụ động. Trong sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp cũng bắt buộc phải tính đến nhiều yếu tố để có phương án mang tính chiến lược. Đơn cử như công ty có bệnh nhân F0, một số “mắt xích” trong guồng máy đi chữa trị, sản xuất của công ty vẫn không bị ảnh hưởng. Trường hợp cả công ty bị phong tỏa, mọi hoạt động vẫn có thể diễn ra trong một chu trình khép kín.

Với nhiều tính năng, ứng dụng "C-ThaiNguyen" là công cụ để kết nối chính quyền và người dân, doanh nghiệp tại Thái Nguyên. Nguồn: thainguyen.dcs.vn

Không chỉ áp dụng riêng cho một số lĩnh vực, “trạng thái bình thường mới” tạo cơ hội cho mọi tổ chức, cá nhân khôi phục các hoạt động cả trong và ngoài nước. Nơi có dịch bệnh thực hiện phong tỏa trong phạm vi hẹp để khoanh vùng dập dịch và cho mở cửa với mức độ hợp lý. Thay vì lập các chốt kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh, thành phố và thống nhất biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc, từng địa phương có thể áp dụng sáng tạo nhiều hình thức quản lý người trở về từ vùng dịch. Vừa qua tỉnh Thái Nguyên thành lập các điểm hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch, thực hiện khoanh vùng khi phát hiện F0, khẩn trương điều tra truy vết, tổ chức xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao và giãn cách phạm vi hẹp, không gây xáo trộn nhiều tới cuộc sống của các hộ dân khác là những cách làm hiệu quả, nhân văn.

“Trạng thái bình thường mới” cũng là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân nâng cao khả năng sử dụng thiết bị công nghệ và tận dụng tối đa các thành tựu về công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Nhiều hoạt động trước đây phải tập trung, nay chuyển sang hình thức online. Người tiêu dùng cũng dễ dàng mua sắm qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngành giáo dục đào tạo tùy điều kiện cụ thể địa phương tổ chức cho học sinh, sinh viên học trực tiếp, hoặc trực tuyến. Nhân viên các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp được phép làm việc từ xa… Đơn cử trong lĩnh vực văn học nghệ thuật: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã nhanh nhạy, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Không thể tổ chức được Ngày Thơ Việt Nam, Hội phát động Cuộc thi thơ online với chủ đề “Tổ quốc và Mẹ” thu hút hàng nghìn tác giả từ mọi miền Tổ quốc. Cuộc thi “Đọc từ trái tim” trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử qua hai vòng thi cũng có gần 100 thí sinh tham gia. Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi và Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí bằng hình thức trực tuyến cũng quy tụ được trên 150 học viên từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhân kỉ niệm 190 năm thành lập tỉnh, Hội tổ chức Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”. Chỉ trong thời gian ngắn đã có gần 100 tác giả gửi bài tham dự. Gần đây chương trình đọc các tác phẩm dự thi cũng đang diễn ra sôi nổi trên trang điện tử của Tạp chí và các trang diễn đàn của Hội. Do không thể tập trung đông hội viên, một số Chi hội đã phân nhỏ thành từng tốp đi thực tế sáng tác và đã lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Gần đây nhất, một số Chi hội cũng đã thực hiện họp tổng kết đánh giá nhiệm vụ của năm bằng hình thức online. Hoạt động trong “trạng thái bình thường mới” không hẳn là một tiêu chí đánh giá cán bộ hội viên, nhưng nó cho thấy vai trò trách nhiệm và trình độ năng lực của mỗi người trong thực hiện nhiệm vụ.

Chương trình Chào xuân mới 2022 của Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh. Ảnh: Quang Khải

Trong nhiều giải pháp vận hành “trạng thái bình thường mới”, ý thức của con người là hết sức quan trọng. Bài học của vài quốc gia được nhìn nhận như hình mẫu kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng chỉ vì một bộ phận dân chúng lơ là chủ quan dẫn tới dịch bệnh bùng phát trở lại. Duy trì trạng thái làm việc, lao động, phát triển kinh tế xã hội với một tinh thần mới, nghĩa là phải thay đổi nhiều thói quen cũ để thích nghi với điều kiện mới và hình thành thói quen mới như đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn, thực hiện 5K và mọi khuyến cáo y tế.

Không gian sinh tồn của chúng ta đứng trước nhiều nguy cơ của đại dịch. Bối cảnh mới đòi hỏi toàn bộ hệ thống xã hội, mỗi tổ chức, cá nhân phải năng động và có khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Lời giải cho kiến tạo xã hội trong “trạng thái bình thường mới” hẳn không quá khó, nếu mọi người cùng biết cách ứng xử để từng bước hình thành các giá trị văn hóa mới cho hôm nay và mai sau.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy