Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:08 (GMT +7)

Kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng sẽ chặt chẽ hơn?

VNTN- Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới nhất quy định chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được thành lập, hoạt động điện ảnh theo đăng ký kinh doanh.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh

Tiếp tục kỳ họp thứ ba, Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án đã được cho ý kiến từ kỳ họp thứ hai và dự kiến được thông qua trong kỳ họp thứ ba này.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp trước, một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh. Một số vị đại biểu đề nghị quy định trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim, trong đó có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt, cảnh báo cũng như công cụ cho người xem báo cáo vi phạm, tăng cường công cụ kiểm soát đối với trẻ em.

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ngăn chặn truy cập phim vi phạm, gỡ bỏ phim vi phạm trên không gian mạng cũng là góp ý của đại biểu ở kỳ họp trước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án giao chủ thể phổ biến phim thực hiện tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta hiện nay, là xu hướng chung trên thế giới và thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, khả thi của phương án tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng, tăng cường quản lý nội dung phim phù hợp với chủ trương, chính sách của nước ta cũng như bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, Điều 21 dự thảo Luật được thiết kế lại, quy định cụ thể, chặt chẽ về các chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng.

Theo đó, dự thảo Luật quy định chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được thành lập, hoạt động điện ảnh theo đăng ký kinh doanh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, chủ thể phổ biến phim phải tự phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; hoặc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại phim theo trình tự, thủ tục tại Luật.

Dự thảo Luật cũng đã quy định nhiều cơ chế, biện pháp chặt chẽ để tăng cường kiểm soát, quản lý, ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm phổ biến trên không gian mạng: bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng, tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam; tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông; quy định Nhà nước tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để kiểm soát, kiểm tra, xử lý phim vi phạm.

 Trên cơ sở quy định tại dự thảo Luật và pháp luật có liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh nói chung, phổ biến phim trên không gian mạng nói riêng bảo đảm nghiêm minh, đủ sức răn đe, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Về vấn đề phân loại đối với phim có yếu tố chính trị, quốc phòng, an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế, khi chưa thực hiện thẩm định cấp phép phân loại phim, rất khó xác định phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng.

Thảo luận tại Quốc hội, vẫn có ý kiến đề nghị đối với phim chiếu rạp thì được cấp phép, phim phổ biến trên không gian mạng cũng phải cấp phép để bảo đảm bình đẳng, hay nói cách khác là cần tiến hành tiền kiểm với dịch vụ OTT.

Dùng quyền tranh luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần giao chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng, không phân biệt đó là OTT trong nước hay là OTT xuyên biên giới tự phân loại, chịu trách nhiệm phân loại và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.

Đây là phương án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đồng tình với phương án hậu kiểm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu

Vẫn lo lắng, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đề nghị lần sửa đổi này, làm thế nào để Luật bắt đầu có hiệu lực thì các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem nói riêng và hàng chục triệu người nói chung là bài toán tiền kiểm hay hậu kiểm mà Quốc hội phải hết sức cân nhắc và chịu trách nhiệm đến cùng trước quyết định của mình.

Đại biểu Nhân phân tích, nếu như các nền tảng Google, Facebook, Tiktok âm thầm theo dõi, định vị, thay đổi tâm thức người dùng từ khi gõ phím, tìm kiếm đến việc ghi âm các cuộc thoại, phân tích thông tin chứa đựng trong đó đến các thao tác tưởng chừng vô hại như những like, share, thả tim trên các dòng trạng thái thì việc cung cấp các dịch vụ phim ảnh qua các nền tảng xuyên biên giới cũng là một cách thức tấn công vào tâm thức con người bằng những tư tưởng sai lệch về giá trị văn hóa được lồng vào những câu chuyện tưởng chừng chỉ mang tính chất giải trí.

Hồi âm ý kiến đại biểu, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho biết ngoài quy định tại Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì nội dung phim phát hành trên mạng còn được quản lý bằng Nghị định 72 cũng như Luật An ninh mạng. Và các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng bình đẳng như nhau, ông Vinh khẳng định.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội cho ý kiến, có thể thông qua tại kỳ họp này.

Vĩnh An

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy