Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
08:22 (GMT +7)

Kí ức về mùa xuân 1975 đại thắng

VNTN - Cuối tháng 12 năm 1974, kết thúc đợt quy tập liệt sỹ hy sinh ở Lào, tôi có quyết định điều động về Sư đoàn 316 đang đóng quân và huấn luyện ở Tân Kỳ, Nghệ An.

Chia tay với những người bạn Lào thân yêu sau bao năm gắn bó chiến đấu bên nhau bao kỷ niệm cũ ùa về ngập tràn trong lồng ngực. Đoàn xe quân vận chở đầy bộ đội chạy qua những bản Lào thân thương, những người mẹ, người chị, người em họ đứng chật hai bên đường với những cái vẫy tay ngập ngừng lưu luyến ngậm ngùi.

Tôi xin phép đơn vị về qua nhà vài ngày để động viên mẹ tôi, vì nghe nói từ ngày báo tử em tôi, mẹ suy sụp lắm. Tôi mang cả súng ngắn, một hộp nào là Huân chương, Danh hiệu Chiến sỹ thi đua, danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ để về khoe với mẹ cho mẹ được tự hào con mẹ nay đã trở thành chỉ huy quân giải phóng.

Vừa về đến nhà gặp mẹ, sau phút mừng mừng tủi tủi, tôi đã ào đi thăm khắp các nhà anh chị, bà con họ hàng, làng xóm. Nhìn thấy tôi vui tươi, mạnh khỏe, ai cũng vui mừng, ngưỡng mộ.

Chưa kịp khoe hộp “thành tích” với mẹ thì mẹ đã gọi tôi lại và bảo:

-Mẹ chuẩn bị cưới vợ cho anh.

Tôi nghe như trời sập xuống.

Mẹ lại bảo, giọng quả quyết:

-Mẹ chẳng biết anh nghỉ được bao nhiêu ngày nhưng thầy u đã chuẩn bị đầy đủ rồi, gạo đã xay, rượu đã nấu, lợn to đã ở trong chuồng, trầu cau đã chuẩn bị đủ cả anh không phải lo gì hết. Anh em họ hàng, mẹ đã mời chỉ cần anh đồng ý là xong ngay.

Tôi để ý thấy mọi u buồn tiều tuỵ ngày nào của mẹ biến đi đâu mất, thay vào đó là hình ảnh của một bà mẹ đảm đang chu đáo và đầy quyết đoán. Tôi nghĩ, chỉ cần cái  gật đầu của tôi, thì có lẽ mẹ tôi sẽ sống đến trăm tuổi.

Không muốn để mẹ buồn tôi từ tốn hỏi: Thế con lấy ai hở mẹ? Con đã có người yêu đâu mà lấy vợ.

Mẹ bảo: Mẹ gạn hỏi cho con cô Hoa ở làng Tân Ấp em anh Bình, người cùng đơn vị với con ấy.

Tôi giãy nảy: Ôi mẹ ơi! Hôm qua con vừa nhận cô ấy là em gái lúc mang quà và thư của anh Bình về cho gia đình, hôm nay lại hỏi làm vợ thì xấu hổ chết mất.

Mẹ tôi quyết liệt: Em gái rồi em yêu chẳng phải tốt lắm sao!

Chỉ còn 4 ngày nữa thôi tôi phải có mặt ở đơn vị. Tôi suy nghĩ, nếu không lấy vợ thì ai sẽ nuôi bố mẹ tôi đây? Anh chị em thì đã ở riêng lại nghèo túng, các cháu đều nhỏ dại lại mồ côi, bố chúng nó đều đã hy sinh ở chiến trường… Sợ mẹ buồn, tôi gật đầu đồng ý.

Đám cưới đông vui được diễn ra ngay sau đấy. Hôm vợ tiễn tôi ra ga Phổ Yên, dọc đường đi cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng rực rỡ hai bên đường, từng đoàn người tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, họ giương cao biểu ngữ Quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Vợ chồng tôi hòa vào dòng người hớn hở đi ra mặt trận. Tôi động viên vợ: Em ở nhà nuôi thầy u chờ ngày anh về, em thấy đấy ngày thống nhất non sông chắc chẳng còn xa nữa.

Đoàn tàu rời ga lao vun vút về phương Nam. Vợ tôi đứng đấy lẻ loi giữa dòng người đưa tiễn. Tôi thương vợ vô cùng! Dù không được giây phút nào tìm hiểu về nhau, song vợ chồng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Vợ tôi đã giữ đúng lời hứa khi tiễn chồng ra mặt trận là chăm sóc bố mẹ già và chờ đợi tôi suốt ba cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, mặt trận Tây nam Tổ quốc và khi đã có ba mặt con vẫn tiễn tôi lên biên giới phía Bắc. Trong cuộc sống đời thường lúc khó khăn cũng như khi thành đạt vợ chồng tôi luôn đồng hành để vượt lên tất cả. Tôi thầm cảm ơn mẹ đã có con mắt tinh đời.

Vừa về đến đơn vị, chúng tôi được lệnh tập hợp toàn Sư đoàn. Trước hàng quân trùng điệp, Đại tướng Văn Tiến Dũng nắm lấy tay thượng tá Đàm Văn Ngụy - Sư đoàn trưởng, giơ lên cao: 316 phải là quả đấm thôi sơn của Bộ, đánh dập đầu quân nguỵ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, các đồng chí có quyết tâm không?

Cả đoàn quân hô vang như sấm dậy: Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!.

Sau buổi gặp mặt ấy cả đơn vị vỡ oà không khí vui tươi rạo rực. Gặp tôi, các chiến sỹ trẻ đều hỏi: Thủ trưởng ơi! Bao giờ thì đi chiến đấu? Tôi nói: Bí mật! Sắp rồi!

Lệnh sư đoàn quán triệt toàn đơn vị cấm trại. Thư từ, ảnh, vật kỷ niệm đóng gói ghi địa chỉ để tại đơn vị. Bộ đội khi ra khỏi doanh trại phải có lệnh của tiểu đoàn trưởng. Quân số các đơn vị phải thường trực 100% sẵn sàng đợi lệnh. Tư trang, vũ khí trang bị được cấp phát đầy đủ, đơn vị báo động kiểm tra liên tục. Không khí chờ đợi, căng thẳng bao trùm toàn đơn vị.

Đại đội của tôi được biên chế 4 trung đội gồm 160 chiến sỹ, có 3 trung đội bộ binh và 1 trung đội hỏa lực. Hôm nhận lệnh đi chiến đấu, đơn vị đã để lại tiểu đội nữ hậu cần cấp dưỡng tại doanh trại, phục vụ đợt tân binh mới.

Đơn vị tôi hầu hết là lính Nghệ An và Hà Tây, chỉ có 5 anh là đủ 20 tuổi đang là sinh viên các trường Đại học Vinh, còn lại toàn 16, 17 tuổi (họ đi bộ đội trước một, hai năm nên gọi là lính tạm ứng). Còn nhớ hôm mới về đơn vị, “thằng” Nguyễn Tài Thục em út của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ hỏi tôi, giọng coi thường: Anh gầy yếu, xanh xao thế kia liệu có leo được Trường Sơn không? Tôi trả lời: Để rồi xem. Mấy thằng đồng hương của nó nói: Mày chết rồi! Đại đội trưởng của đơn vị ta đấy, ông ấy là dũng sỹ diệt Mỹ, nghe nói đánh nhau hăng lắm! Thằng Thục tần ngần: Choa chẳng sợ, để rồi xem.

Vì câu hỏi của thằng Thục, hôm tập khoa mục Đại đội bộ binh vận động đánh địch đổ bộ, tôi đưa rất nhiều tình huống bộ đội phải mang vác đầy đủ vũ khí trang bị, lại phải vận động hết quả đồi này đến vạt rừng kia, khiến nhiều chiến sỹ mệt lả đi. Đã hơn 11 giờ trưa, trời khu 4 nắng như đổ lửa, tôi hỏi Thục:

- Thế nào, tôi và cậu ai tụt lại Trường Sơn đây?

Nó thở không ra hơi:

- Chết mất! Mệt quá thủ trưởng ơi! Thủ trưởng hộ em cái bao gạo này, không có em tụt mất.

Tôi mỉm cười, nhấc bao gạo lên vai.

Cũng từ hôm ấy, tôi lấy nó lên làm liên lạc. Nhiều đêm ngủ mê nó đái dầm ướt cả lưng tôi. Tôi có ngờ đâu 5 năm sau, nó ở Campuchia về đã lại là đại đội trưởng giống như tôi ngày ấy.

Ngày đi chiến đấu đã đến. Toàn sư đoàn bí mật nhưng rầm rộ vô cùng với 500 xe pháo lên đường. Đoàn quân ấy xuyên đường 9 - Hạ Lào qua Sit chung cheng Ka ra chê, đất nước Campuchia tươi đẹp. Đoàn quân đi tạo thành những đám mây bụi trắng đục ngoằn ngoèo giữa dải Trường Sơn xanh biếc. Đến nơi tập kết, đơn vị tôi hành quân bộ bí mật áp sát Buôn Ma Thuột chờ lệnh ra đòn sấm sét.

Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Đội hình chiến đấu của Trung đoàn 174 anh hùng với những tấm gương sáng chói của các anh La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đèo Văn Khổ… và những chiến công chói lọi như Đông Khê, Đồi A1 Điện Biên Phủ. Và chiến dịch Nậm Bạc 1968, chiến dịch Cù Kiệt 1969 - 1970, Húa Mường - Hủa Phăn, đến Phu Keng - Long Chẹng và chiến dịch Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng  Lào đã khiến kẻ thù khiếp đảm.

Ngày 10/3/1975, sau những trận pháo kích dữ dội như sấm rền của quân ta theo sau những chiếc xe tăng dũng mãnh, đơn vị tôi tiến vào khu Mai Hắc Đế, ngụy quân Sài Gòn dùng hết sức tàn lực kiệt để chống đỡ với những trận ném bom và phi pháo dữ dội vào đội hình tiến công của quân ta nhưng chúng không thể nào ngăn cản được sức tiến công dũng mãnh của các chiến sỹ Trung đoàn 174. Sau hơn một ngày chiến đấu ác liệt, đến 10h30 phút ngày 11/3/1975, cờ giải phóng của Trung đoàn đã tung bay trên Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.

Sau hơn 10 ngày địch dùng toàn bộ các lực lượng hòng đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng tất cả các cánh quân đổ bộ của chúng đều lọt vào các trận địa phục kích của quân ta và bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Ở các nơi khác, từ 21 đến 29/3, ta giải phóng Huế - Đà Nẵng.

Nằm trong đội hình chiến đấu của quân đoàn 3 với khí thế thần tốc thần tốc hơn nữa, Trung đoàn tiến công như vũ bão giải phóng Trung Hưng, Phước Lý tiêu diệt lực lượng vòng ngoài của địch. Từ các hướng, các cánh quân tiến về Sài Gòn, ngày 26/4 chiến dịch được mang tên Bác bắt đầu, cho đến 30/4/1975 thì kết thúc thắng lợi.

Ngày 30/4/1975, người dân Sài Gòn nô nức xuống phố đón chào Đoàn quân Giải phóng.

(Nguồn: caobang.gov.vn)

Trong ngày vui chiến thắng, giữa trời Sài Gòn trong xanh, phố phường rợp cờ hoa, nhìn lại anh em trong đơn vị tôi chỉ còn non nửa quân số, chúng tôi ôm nhau khóc, khóc vì sung sướng, khóc vì những chiến sỹ thân yêu của tôi không còn đến ngày toàn thắng, họ đã ngã xuống cho mùa xuân đại thắng này.

Dương Mạnh Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy