Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
06:43 (GMT +7)

Kì họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII: Thêm những chính sách mới, đảm bảo an sinh xã hội

VNTN - Diễn ra từ 11 đến 13/7, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua 13 Nghị quyết quan trọng, trong đó có những nội dung hướng đến vấn đề an sinh xã hội.


Các Nghị quyết liên quan tới cơ chế, chính sách của tỉnh được thông qua tại Kì họp lần này gồm: Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư; Quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; Điều chỉnh và bổ sung một số nội dung mức chi phục vụ các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, tuyển sinh, thi THPT Quốc gia và các cuộc thi thuộc ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh; Điều chỉnh mức thu học phí năm 2018 - 2019. Trong đó, hai Nghị quyết thuộc nhóm an sinh xã hội là: Hỗ trợ tiền ăn cho trường Phổ thông Dân tộc nội trú và Quy định hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt bảo hiểm y tế).

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết tại kỳ họp   Ảnh: X.H

Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo cho đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, đã góp phần tích cực trong việc giúp học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện một số chế độ chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số còn những khó khăn nhất định, trong đó có chế độ ăn của học sinh dân tộc nội trú. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 06 trường dân tộc nội trú thuộc tỉnh quản lý (01 trường THPT và 05 trường THCS) với quy mô học sinh được giao theo quyết định hàng năm của UBND tỉnh. Những học sinh dân tộc nội trú đang được hưởng mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở, theo quy định tại Thông tư liên tịch số109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 25/9/2009. Số tiền này được nhà trường sử dụng cho việc tổ chức bữa ăn hàng ngày cho các em với mức chi trung bình là 33.500 đồng/ngày, bao gồm ba bữa: sáng, trưa, tối (cả chi phí chất đốt: ga, than, củi).

Do cơ cấu tiền lương của nước ta còn thấp, chỉ số giá tiêu dùng của địa phương lại tăng giảm không đồng đều, do đó mức học bổng mà học sinh các trường dân tộc nội trú được hưởng là hạn hẹp, chưa đáp ứng được thành phần dinh dưỡng. Từ thực tế đó, trong điều kiện cho phép, Tỉnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các trường dân tộc nội trú nhằm cải thiện chế độ dinh dưỡng, góp phần đảm bảo điều kiện học tập và phát triển trí tuệ, thể lực cho các em.

Số tiền hỗ trợ được trích từ ngân sách của tỉnh. Mức hỗ trợ sẽ bằng 20% mức tiền lương cơ sở/tháng/học sinh và được hưởng 10 tháng/năm. Đối với học sinh đầu cấp và cuối cấp thì hưởng theo số tháng thực học. Thời gian được hỗ trợ bắt đầu từ 01/8/2018. Với mức hỗ trợ này, cộng với số học bổng đang được hưởng, mỗi tháng các học sinh sẽ được nhà trường cung cấp các bữa ăn tương ứng với 100% mức lương cơ sở. Mức tăng tuy không nhiều nhưng chất lượng bữa ăn sẽ được cải thiện, chế độ dinh dưỡng của các em sẽ được đảm bảo hơn. Đây là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm của Tỉnh nhằm mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ quan tâm đến giáo dục đào tạo, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng luôn được quan tâm. Quy định về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) do UBND trình, đã được HĐND thông qua tại kì họp này. Theo đó, người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT) được quy định tại khoản 2, điều 1 của Quyết định số 59/2015/QĐ/TTG, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ 30% mức đóng thẻ BHYT từ ngân sách của tỉnh. Thời gian được hỗ trợ từ ngày 01/1/2019.

Thực tế, hộ nghèo thiếu hụt đa chiều, về bản chất nếu theo cách đo lường thu nhập trước đây, đều là hộ cận nghèo và là những hộ khó khăn nhất trong nhóm hộ cận nghèo. Dù thu nhập có cao hơn hộ nghèo, nhưng họ thiếu hụt nhiều chiều khác nên được xếp vào diện nghèo để được hỗ trợ nhiều hơn, giúp đối tượng này thoát nghèo nhanh hơn và bền vững. Theo quy định hiện hành, đối tượng này đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, trong khi hộ cận nghèo lại đang được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT (70% kinh phí TW và 30% kinh phí địa phương). Chính sách này được ra đời xuất phát từ yêu cầu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và từ thực tế việc xây dựng chính sách đảm bảo 100% người nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, tạo sự công bằng, không có sự khác biệt khi thực hiện việc hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác với người thuộc hộ cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh và công bằng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 574 người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ cơ bản khác (không bị thiếu hụt BHYT), đang được ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức đóng BHYT. Năm 2018, UBND tỉnh đã trích số tiền khoảng 125 triệu đồng, kết dư từ kinh phí dành cho khám chữa bệnh chưa dùng hết năm 2016, để hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho những trường hợp này. Sau khi được HĐND thông qua, từ năm 2019, tỉnh sẽ trích từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thường xuyên cho họ. Đây là một chính sách nằm trong chủ trương chung của trung ương, của tỉnh với những tác động tích cực, phù hợp, nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 59/2015/QĐ/TTG, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Các tiêu chí về thu nhập

a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

2. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin.

b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

 

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy