Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:52 (GMT +7)

Không sao đâu mà…

VNTN - Trong cuộc sống, có những câu nói đem đến cảm giác thật dễ chịu. “Không sao đâu mà…” là một trong số ấy. Hai người xa lạ va chạm nhẹ trên đường, một cái xua tay cùng nụ cười xởi lởi: “không sao đâu mà” có tác dụng xoa dịu mọi căng thẳng, thậm chí đem đến một mối quan hệ mới. Trẻ con đùa nghịch, thậm chí “phang nhau” đến sứt đầu mẻ trán, nếu người lớn ứng xử rộng lượng, xuê xoa kiểu “không sao đâu mà” sẽ không chỉ khiến “việc nhỏ hóa không có gì” mà còn góp phần giáo dục con cái về bài học ứng xử ở đời. Tuy nhiên, không phải lúc nào câu thần chú kia cũng mang ý nghĩa tích cực… Năm trước, bà Hoa và bà Lanh cùng bị bệnh phải điều trị trong bệnh viện. Hàng xóm thân thiết, lại cùng nằm một khoa, một phòng nên hai bà cứ như hình với bóng. Cả tuần nằm viện, bà Hoa để ý thấy cô Vân, cháu dâu bà Lanh đang bụng mang dạ chửa mà ngày nào cũng ghé qua thăm nom, chuyện trò, có khi ngồi chơi cả buổi. Có cụ trong phòng cẩn thận, lo cho em bé nên nhắc nhở: - Cháu dâu có lòng với bà là quý lắm, nhưng đang bầu bí, hạn chế đến đây con ạ. Kẻo rồi nhiễm virus thì lại khổ mình, khổ con. Cô gái trẻ tươi cười đáp lại: - Ôi, không sao đâu cụ ạ, con khỏe như voi, chả nghén ngẩm gì, đi lại nhiều cho dễ đẻ! Nghe vậy, bà Lanh cốc đầu cháu vì tội “trứng khôn hơn vịt”, nhưng thâm tâm thì mừng lắm vì kén được cháu dâu hiền thảo. Bà Hoa cũng nức nở khen cô gái “có mồm có miệng” bởi thời buổi này, kiếm đâu ra đứa thích ngồi cả ngày mà tiếp chuyện với mấy ông bà già. Sau lần ấy, bà cháu xóm giềng lại càng thêm thân thiết, nhất là sau khi Vân sinh thằng cu kháu khỉnh, cũng cùng lứa với đứa cháu ngoại bà Hoa. Sớm sớm chiều chiều, hội mẹ bỉm, bà sữa đẩy xe, lắc bình ra sân tập thể chuyện trò, vui đáo để. Vân vẫn vô tư, hay nói hay cười, bình tĩnh nuôi con với câu cửa miệng “không sao đâu mà” kể cả khi thằng bé sốt cao co giật, khóc nghẹn hay ngã bươu đầu. Nhưng có vài lần, sự đơn giản hóa mọi vấn đề cũng khiến mọi người không đồng ý. Ấy là khi cu Thóc lên sởi, Vân vẫn bế nó sang hàng xóm bất chấp nguy hiểm cho con mình và nguy cơ lây nhiễm cho các em bé khác. Cô cũng vô tư “nhá cơm” đúng kiểu truyền thống để bón cho con mình, và tiện tay đút luôn vào miệng em bé bên cạnh cùng lời lý giải: “Em khỏe như voi, không sao đâu mà”. Lần khác, có người khách xa đến nhà, đã cẩn thận đánh tiếng rất to để nhờ canh con chó dữ, nhưng Vân vẫn ở trong xua tay “không sao đâu mà” cho đến lúc con chó xồ ra mà cắn người be bét. Đáng ra thì vị khách kia vẫn có thể thông cảm bởi chuyện bị chó cắn vốn không hiếm ở xứ ta, song khi thấy “nạn nhân” lo lắng muốn nhờ cô chở lên bệnh viên tiêm phòng, thì Vân vẫn cực kỳ bình bĩnh mà tươi cười cùng điệp khúc: “Không sao, không phải tiêm cho hại người, tốn của, chó nhà em… em biết”. Và lời động viên “không sao” khi ấy đã châm lửa cho cơn giận của người khách bởi theo anh, đó là sự dễ dãi một cách quá đà, vô trách nhiệm với tính mạng của người khác. Thế mới thấy, ở đời mọi chuẩn mực ứng xử đều phải được đặt trong những hoàn cảnh cụ thể với giới hạn cho phép của nó. Cô Vân đã quá đơn giản trong cách nghĩ, cách sống, luôn thấy “không sao” dù trong hoàn cảnh “có sao” nhất. Trong những ngày đại dịch vừa qua quyết định sự thành bại trong cuộc chiến chống dịch, rất may chúng ta cũng xác định rất rõ một trong những nguyên nhân để dịch bùng phát từ thói quen “dễ tính” kiểu của cô Vân, mà ngăn chặn. Và chắc hẳn không người Việt nào còn dám chủ quan tuyên bố “Corona ư, không sao đâu mà!”.

HIỂU MAI

     

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước