Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:16 (GMT +7)

Không chỉ là chuyện chuyến đi

VNTN - Y hẹn, chiếc ô tô 16 chỗ ngồi sang trọng từ từ đỗ lại, đón tôi đi Hà Nội. Lên xe, tôi ngạc nhiên nhìn quanh, sao vắng ngắt thế này?

Trưởng đoàn trả lời câu hỏi của tôi, giọng buồn buồn:

- Nhiều người không đi, thành ra thuê xe to mà có dăm người, phí tiền quá.

- Mình không điều chỉnh kế hoạch kịp hả bác? Tôi hỏi.

- Trở tay sao kịp. Cách đây hai ngày tôi nhắn tin một lượt hỏi có “chốt” đi không, tất cả đều ô kê, vậy mà sáng nay thì mỗi người một lý do, nhưng tôi chắc nhiều người ngại do trời mưa to.

Chuyến đi này đã được chúng tôi chuẩn bị từ nửa tháng trước. Lúc đăng ký, ai cũng hồ hởi, quyết tâm, vì lâu lâu không được đi chơi xa với nhau, hơn nữa lại có “mạnh thường quân” ở Hà Nội lo ăn uống, người khó khăn về tài chính cũng có thể tham dự. Trưởng đoàn thuê xe, đăng ký suất ăn về Hà Nội, những tưởng mọi việc sẽ tốt đẹp, vậy mà…

- Tôi vừa gọi điện về Hà Nội, nhà hàng không cho báo lại đâu, “quả” này tha hồ cỗ thừa mứa, xấu mặt với người đãi. Thật mời ăn chơi mà cũng khổ.

Chuyện về chuyến đi hôm nay khiến tôi nhớ lại cách đây chưa lâu, đơn vị tôi tổ chức chuyến thâm nhập thực tế vùng Tây Bắc. Gần 30 người đăng ký tham gia. Ban tổ chức thuê xe ô tô 29 chỗ ngồi, đặt nơi ngủ, thuê người hướng dẫn đến một số điểm theo kế hoạch. Hôm khởi hành, trời trở rét đậm. Điện thoại của trưởng đoàn liên tục có người gọi báo… không đi. Rốt cuộc, chiếc xe 29 chỗ lên đường với… 3 người trên xe. Nghe trưởng đoàn trên đường đi gọi điện xin lỗi chỗ đặt ăn, chỗ đặt ngủ, chỗ hướng dẫn viên mà thương trưởng đoàn, mà càng thêm giận những người thất hẹn.

Lại có lần, tôi gặp cảnh dở khóc dở cười khác. Chiếc xe chật ních vì một số người mang thêm bạn bè, con cái, vợ/chồng mà không báo trước. Vậy là một loạt phát sinh ngoài kế hoạch. Nào là phải ngủ ghép, trẻ con quấy làm người có tuổi mất ngủ; nào là có người tách đoàn đi theo gia đình; nào là có người đòi chia tiền sinh hoạt cho dễ, cứ rối tinh rối mù. Đến nỗi, có người tuyên bố sẽ không bao giờ đi cùng cơ quan nếu đi theo kiểu này.

Những cảnh trên sẽ không xảy ra nếu mỗi người biết tôn trọng tổ chức của mình. Đi chơi/ công tác thành đoàn đông người cũng là tham gia vào một tổ chức, cần phải tôn trọng kỷ luật của tổ chức đó. Ví như cần đăng ký rõ số người, đóng góp chi phí nếu cần thiết, đến điểm hẹn đúng giờ. Nếu có việc đột xuất không thể tham gia được thì cần báo lại sớm để người có trách nhiệm điều chỉnh về phương tiện, hậu cần cho phù hợp.

Cái kiểu thích thì đi, không thích thì thôi, chỉ quan tâm đến bản thân khi tham gia các hoạt động tập thể như trên đã bộc lộ cách cư xử thiếu văn hóa của một số người. Đáng buồn hơn, có người không biết mình đã gây ra rắc rối, tốn kém cho các thành viên khác của đoàn, nên cứ thản nhiên “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” hết lần này đến lần khác.

Để tránh tình trạng “nói lời rồi lại nuốt lời”, thiết nghĩ, ngoài nhắc nhở phê bình, nên có cơ chế phạt người làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung, hoặc “lọc” ra những người có “truyền thống” thất hứa mà cảnh giác, miễn mời họ tham gia các hoạt động tập thể.

Những biện pháp cứng rắn đó biết đâu sẽ góp phần sửa được thói quen tùy tiện, chỉ biết mình của không ít người hiện nay.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước