Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
11:40 (GMT +7)

Khơi dậy thế giới sáng tạo của thiếu nhi

VNTN - Cuộc sống của chúng ta thiếu vắng yếu tố nghệ thuật thì sẽ trở nên buồn tẻ biết bao, vậy nhưng nhiều người đến nay vẫn cho rằng môn mỹ thuật trong nhà trường là môn học phụ.

Quá trình học mỹ thuật sẽ giúp các em thiếu nhi không chỉ lĩnh hội những kiến thức thực tiễn mà còn phát triển năng lực sáng tạo của cá nhân, bồi đắp thị hiếu, năng lực cảm thụ thẩm mỹ... dưới sự dẫn dắt của người thầy sẽ giúp các em mở ra một thế giới mới, một thế giới sáng tạo đầy màu sắc bằng trí tưởng tượng của mình.

Học sinh Trường tiểu học Chùa hang 1 đang trang trí tạo hình
Học sinh Trường tiểu học Núi Voi  (thành phố Thái  Nguyên) trang trí tạo hình trong giờ mỹ thuật

Cùng với đức, trí, thể thì giáo dục thẩm mỹ là một trong những con đường hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Mỹ thuật là một môn học có nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ cho học sinh – một trong những yếu tố cần thiết giúp các em hình thành và phát triển nhân cách toàn diện để trở thành những con người của thời đại mới.

Thông qua bộ môn mỹ thuật, năng lực quan sát, khả năng tư duy hình tượng, tính sáng tạo của học sinh được phát triển. Các em biết cảm nhận cái đẹp và hơn thế nữa là tạo ra cái đẹp không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người xung quanh. Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật của thiếu nhi nhằm tìm ra những hạt nhân tốt cho hoạt động phong trào của nhà trường, cũng là bước thuận lợi cho các em trong việc chọn ngành học sau này khi các em trưởng thành.

Môn mỹ thuật trong chương trình giáo dục

Tác phẩm “Nhà của em” của em Thủy Tiên (5 tuổi), Trường Mầm non Núi Voi
Tác phẩm “Nhà của em” của em Thủy Tiên (5 tuổi), Trường Mầm non Núi Voi

Trong các trường Tiểu học, THCS, mỹ thuật là môn học bắt buộc, bộ môn này đã được đưa vào các trường tiểu học từ những năm 1987 trên cả nước. Nhiều em thiếu nhi được phát hiện có năng khiếu mỹ thuật thông qua các bài tập trên lớp, các bài vẽ của các em thể hiện tư duy thẩm mỹ tốt, sáng tạo, đặc biệt là các cuộc thi vẽ tranh trong và ngoài trường có tác động không nhỏ tới hoạt động học mỹ thuật. Đối với những em có giải thì đây là nguồn khích lệ động viên rất lớn để giúp các em thêm say mê môn học này.

Năng khiếu nghệ thuật được ẩn dưới một lớp vỏ ẩn sâu trong tâm thức của con người, dạng mầm mống của năng lực được biểu hiện trong lao động sáng tạo. Những mầm ấy có thể phát hiện nhanh chóng, bứt phá lên hoặc dần bị trôi vào quên lãng do hoàn cảnh xã hội và nhiều yếu tố khách quan mang lại.

Năng khiếu mỹ thuật được tập trung ở một số điểm: có óc quan sát nhạy bén, giàu trí tưởng tượng, phát hiện nhanh và đúng các đặc điểm của đối tượng, nhìn nhận sự vật qua những tương quan chứ không phải những chi tiết riêng lẻ vụn vặt, nhớ hình tượng tốt, giỏi so sánh...

Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nhận thức của thiếu nhi đó là trí tưởng tượng. Nhiều bức tranh của các em làm cho họa sĩ phải sửng sốt về vẻ đẹp và sự sáng tạo hồn nhiên thông qua cách sử dụng ngôn ngữ của mỹ thuật là đường nét, màu sắc và hình khối. Với vốn kiến thức nhận biết từ môi trường xung quanh kết hợp với tư duy mạnh dạn, nhiều bức tranh có màu sắc táo bạo, tác động trực tiếp mạnh mẽ vào thị giác, gây ấn tượng tới người xem.

Những hình ảnh mà các em sử dụng tạo nên những hình tượng khá rõ nét, thể hiện được suy nghĩ của các em về vấn đề các em quan tâm. Nhưng không vì thế mà mất đi vẻ hồn nhiên trong sáng của các em thể hiện qua cách nhìn hình, và đường nét dù còn vụng về.

Nếu như ở tuổi nhỏ, tưởng tượng của các em mang màu sắc hồn nhiên, ngây thơ, từ đó có thể xây dựng được những hình ảnh ngộ nghĩnh, thì lên học ở những lớp cao hơn, sự tưởng tượng phát triển không tách rời lý tính. Tư duy của các em là tư duy trực quan hình tượng và tư duy thực tiễn hành động cụ thể. Vì vậy, xem tranh của các em, chúng ta thấy lấp lánh màu sắc, vang động âm thanh, đậm nét những hình dáng.

Từ các tác phẩm của các em, hình ảnh sự vật bên ngoài được phản ánh không còn được giữ nguyên mà chúng được cải biến, nhào nặn qua hoạt động của trí tưởng tượng, thông qua ba phương thức chủ yếu là: thêm yếu tố mới vào sự vật vốn có, khi thì thêm vào những bộ phận, khi thì thêm những hình mới mẻ, sinh động về cuộc sống; xác lập những liên tưởng, đó là những mối quan hệ giữa sự vật đang được tri giác với những biểu tượng trực quan đã giữ lại trong trí nhớ; tính nhạy bén và đa dạng, nhân hóa, cường điệu hóa, có khi phóng đại kích thước vốn có của sự vật nhằm biểu hiện cảm nghĩ của mình trước hiện thực.

Các hoạt động của các em như vẽ, chép tranh, trang trí báo tường, các giờ học hiện nay cũng sử dụng bộ môn mỹ thuật để xây dựng các sơ đồ tư duy để dễ nhớ, dễ học chính là những hoạt động thúc đẩy việc học tập và sáng tác về nghệ thuật, lúc đó năng khiếu càng được phát huy với những nét độc đáo, sáng tạo, gắn với cá tính, giới tính của mỗi em.

Muốn hiểu được bức tranh đẹp, ngoài vốn liếng mà các em thu được từ thực tế mà các em quan sát được, kết hợp với sự học tập ở trường, các em muốn thưởng thức còn phải hiểu tổng thể và yếu tố cơ bản trong mỹ thuật: đường nét, màu sắc, cách pha màu, bố cục, kỹ thuật thể hiện, tiếng nói, ngôn ngữ của mỹ thuật. Hình ảnh của các em giàu tính nhạc, chúng được tạo nên bởi bố cục các em sắp xếp trong tranh, những mảng màu các em đặt tạo nên một nhịp điệu trong mỹ thuật.

Để tạo điều kiện cho tưởng tượng của các em phát triển, các phụ huynh, thầy cô giáo cần tổ chức các hoạt động thích hợp với từng lứa tuổi của các em, tạo cho các em những cảm hứng, nảy sinh những nhu cầu mới và hoạt động sáng tạo, đồng thời có những biện pháp kịp thời để khuyến khích các tài năng trẻ thơ.

Thực tế giảng dạy mỹ thuật tại Thái Nguyên

Quang cảnh Triển lãm Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX, năm 2023. Ảnh: Quang Khải
Quang cảnh Triển lãm Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX, năm 2023. Ảnh: Quang Khải

Trong những năm qua, bộ môn mỹ thuật được triển khai vào chương trình giảng dạy cấp tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các bài học được thực hiện theo sách giáo khoa, sách hướng dẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, giáo viên các trường đa số được đào tạo đúng chuyên ngành, kết quả học tập của các em thiếu nhi được theo dõi và kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, đáp ứng được mục tiêu của môn học đề ra, giúp các em hiểu được về cái đẹp của mỹ thuật truyền thống, mỹ thuật hiện đại và sáng tạo các tác phẩm đẹp. Ngay trong năm học 2023 – 2024, nhiều em thiếu nhi ở Thái Nguyên đạt giải cao và tặng bằng khen, giấy khen tại các cuộc thi do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Đối với bộ môn mỹ thuật tại các trường ở thành phố được đầu tư bài bản về đồ dùng học tập chuyên dùng, có nhiều trung tâm mỹ thuật được mở ra, tác phẩm thể hiện đa chất liệu để các em được thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, một số trường cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn, giáo viên các môn khác sang dạy kiêm nhiệm, chưa bắt kịp được với các bài học mới; đồ dùng học tập thiếu, các em tự trang bị nên còn hạn chế trong chất liệu sáp màu.

Mặt khác, đa số các lớp ở trường cũng như tại các trung tâm năng khiếu chủ yếu tập trung vào bồi dưỡng, nhưng ít khi nói đến phương pháp phát hiện các điểm mạnh và đặc biệt là năng khiếu của thiếu nhi. Để có được phương pháp tốt cần tập trung vào một số điểm: giáo viên sẽ chú ý quan sát thông qua đường nét, màu sắc để thấy sự sáng tạo của thiếu nhi; thực hiện các phương pháp trắc nghiệm sắp xếp các hình cơ bản một cách sáng tạo để đánh giá năng lực sáng tạo, các em có nhiều hình đẹp sẽ thể hiện có năng khiếu rõ nét; sử dụng phương pháp suy đoán để biết được tính sắc sảo của thị giác, kỹ năng và hứng thú của mỹ thuật,…

Một số trường hợp, các em chưa được phát hiện do quá trình dạy học còn “gò” các bài tập theo quy tắc, giáo viên dạy chưa chuyên sâu,… đã khiến việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật cho thiếu nhi còn nhiều hạn chế.

Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật cho thiếu nhi

Sự hình thành và phát triển năng khiếu mỹ thuật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con người. Trong đó trí tuệ và tình cảm, vốn sống và ước mơ, ý nghĩ và hành động kết hợp với nhau hài hoà. Vì vậy, ngay từ tuổi thơ các em cần được tham gia vào nhiều mặt hoạt động của cuộc sống, đó chính là điều kiện để hình thành nhân cách lành mạnh, hơn nữa đối với người vẽ tranh – cuộc sống hiện thực là nơi cung cấp chất liệu để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật.

Học sinh Tiêu Yến Hoa Lê, Trường THCS Quang Trung giành giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh và Triển lãm Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX, năm 2023 với tác phẩm “Xây dựng T.P Thái Nguyên giàu đẹp”. Ảnh: Quang Khải
Học sinh Tiêu Yến Hoa Lê, Trường THCS Quang Trung giành giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh và Triển lãm Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX, năm 2023 với tác phẩm “Xây dựng T.P Thái Nguyên giàu đẹp”. Ảnh: Quang Khải

Năng khiếu mỹ thuật, một cấu trúc rất cơ động, nó luôn luôn biến đổi và phát triển. Cho nên một em thiếu nhi có năng khiếu mỹ thuật trong thời thơ ấu, điều đó không khẳng định được rằng sau đó lớn lên sẽ trở thành họa sĩ có tài vì năng khiếu chưa phải là tài năng mà chỉ là dấu hiệu của tài năng đang được phát triển để dần hoàn thiện. Nhưng từ năng khiếu đến tài năng là cả một tiến trình lâu dài, có khi quanh co, thậm chí năng khiếu có thể mất đi hoặc chuyển sang bộ môn khác. Dù ở trường hợp nào thì việc sớm bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật cho thiếu nhi là việc làm bổ ích cho sự phát triển của trẻ.

Để bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật cho thiếu nhi trước tiên là tổ chức những hoạt động sao cho có thể kích thích những thành phần tâm lý đó được hình thành và phát triển ở các em. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng phải được giải quyết đồng bộ ở mọi bậc học, ngành học trong hệ thống giáo dục.

Muốn cho năng khiếu mỹ thuật của trẻ phát triển thuận lợi, một mặt phải chú trọng bồi dưỡng năng khiếu, nhưng mặt khác cũng làm cho những khả năng khác cùng phát triển nhịp nhàng tạo thành cái nền cho năng khiếu mỹ thuật phát triển tốt đẹp. Có nghĩa là phải đạt việc bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật trong sự phát triển con người toàn diện.

Từ thực tế giảng dạy và bồi dưỡng mỹ thuật cho thiếu nhi có năng khiếu trong những năm qua, tôi nhận ra rằng “thiên bẩm” hết sức quan trọng. Song trên thực tế, không có một tài năng thiên bẩm nào tự nó có thể đi đến thành công. Bởi thế, vai trò của người thầy cũng hết sức quan trọng, người thầy thật sự phải có tâm huyết với nghề nghiệp, luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, có uy tín trong ngành nghề về phương pháp dạy học, có khả năng thẩm mỹ tốt, nằm bắt được tâm lý của lứa tuối thiếu nhi, hết mực yêu thương học trò và cả những hứng thú.

Tuy vậy, người thầy không được áp đặt cho lứa tuổi thiếu nhi vì lứa tuổi này rất nhạy cảm với thế giới xung quanh, nên khuyến khích trẻ làm thật tốt. Tâm hồn, tri thức và những gợi mở của người thầy sẽ được cụ thể hóa qua từng tác phẩm sáng tạo của học trò. Việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu mỹ thuật cho thiếu nhi luôn là yếu tố hàng đầu để có được thành công. Bên cạnh đó việc giáo dục thẩm mỹ có mục đích mang tính nhân đạo, bởi vì nó góp phần vào việc giáo dục nhân cách phát triển hoàn thiện, hài hòa cho con người, đánh thức được tiềm năng của mỗi cá nhân.

Đứng trước nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, tác động chuyển biến của kinh tế thị trường, những cảm xúc thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ đang có những chuyển biến khó kiểm soát. Để hoàn chỉnh khái niệm xây dựng con người mới, giáo dục thẩm mỹ nói chung và giáo dục bộ môn mỹ thuật cho lứa tuổi thiếu nhi cần được xem là một nhiệm vụ chiến lược trong hoạt động giáo dục của nhà trường, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa đạo đức – trí tuệ - thể chất và thẩm mỹ trong sự phát triển con người. Cần khuyến khích các em bộc lộ cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ cá nhân một cách độc lập, sáng tạo mà không theo một khuôn mẫu, công thức sẵn có hoặc định kiến của đám đông và đặc biệt lưu tâm đến năng lực sáng tạo của thiếu nhi.

Xã hội ngày càng phát triển, giáo dục thẩm mỹ càng trở nên cần thiết và trở thành một phần rất lớn trong giáo dục con người mới – con người toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Nguyễn Thị Yến Nga

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy