Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
23:16 (GMT +7)

Khoa học, Công nghệ – tiềm năng và thành tựu

Chỉ dẫn địa lý vùng chè Tân Cương góp phần gia tăng giá trị sản phẩm. Trong ảnh: Sao chè bằng phương pháp thủ công

 VNTN - Được đánh giá là tỉnh có tiềm lực về Khoa học và Công nghệ (KH&CN), những năm qua, công tác quản lý nhà nước về KH&CN, về sở hữu trí tuệ, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… của Thái Nguyên đã gặt hái được không ít thành tựu.


Sự quan tâm, đầu tư và thành tựu

Soi chiếu lại khoảng thời gian 3 năm vừa qua có thể thấy tỉnh đã ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo và cụ thể hoá các quy định của trung ương trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Đây là những định hướng lớn và dài hạn cho hoạt động KH&CN của tỉnh đến 2025, tầm nhìn đến 2030.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh đã ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật, 17 nghị quyết, quyết định, kế hoạch mang tính chiến lược và 13 quyết định công bố, bãi bỏ danh mục thủ tục hành chính, quy trình nội bộ trong lĩnh vực KH&CN

Ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN nhận định: 5 năm gần đây (từ 2016 - 2020) so sánh các vùng trong toàn quốc, từ Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long thì vùng Miền núi phía Bắc nguồn kinh phí dành cho KH&CN tương đối thấp. Nhưng trong tương quan 14 tỉnh Miền núi phía Bắc thì Thái Nguyên là tỉnh đi đầu, là tỉnh dành nguồn kinh phí cho KH&CN cao nhất. Điều này cũng tương ứng với tiềm lực KH&CN trên địa bàn tỉnh và tương ứng với các hoạt động KH&CN của tỉnh. Ngoài ra, trong 5 năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai rất nhiều hoạt động KH&CN có sự tham gia phối hợp, hỗ trợ của Bộ KH&CN thông qua các nguồn kinh phí khác.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh có 83 đề tài, dự án KH&CN được phê duyệt và triển khai thực hiện. Trong đó, có 62 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, 5 dự án KH&CN thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025, 1 nhiệm vụ KH&CN cấp thiết tại địa phương, 15 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về bảo tồn nguồn gen.

Các nhiệm vụ KH&CN đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các nhiệm vụ KH&CN đã nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới, tạo ra được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, mang lại giá trị kinh tế lớn.Nhiều dự án đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh phải kể đến như: Ứng dụng KH&CN phát triển mô hình trồng cây dược liệu Cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả, Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ Cá Lóc đầu nhím, Nuôi Cá tầm Xibêri khai thác trứng thương phẩm, Gây trồng mộ số loài lan rừng có giá trị kinh tế cao và Lưu giữ, chăm sóc các loài lan rừng đã thu thập tại tỉnh…

Trong lĩnh vực y dược, các nghiên cứu KH&CN cũng góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân trong khám chữa bệnh. Một số nghiên cứu ứng dụng tiêu biểu như: Ứng dụng kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ điều trị sỏi thận tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trên bệnh nhân chuyển phôi đông lạnh có niêm mạc tử cung mỏng hay Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trung mô (từ mô mỡ tự thân) trong điều trị thoái hoá khớp gối nguyên phát…

Bên cạnh đó, những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn thời gian qua đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Trong đó có một số ứng dụng cụ thể: Nghiên cứu, xây dựng mô hình tiếp cận thông tin chính sách của người dân trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu, biên tập Atlat địa lý địa phương phục vụ dạy học trong các trường phổ thông; Phát triển giáo dục STEM ở tỉnh theo định hướng chuyển đổi số đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh…

Đàn ngựa được nuôi tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (Thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Còn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, các nhiệm vụ KH&CN đã hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu biểu có: Nghiên cứu thiết kế bộ điều khiển thông minh hệ thống điện đa nguồn ứng dụng cho các trang trại chăn nuôi; xây dựng hệ thống ảo hoá đám mây phục vụ lưu trữ dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu tỉnh hay Ứng dụng công nghệ VR xây dựng mô hình tham quan Khu Di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915” trong xu thế chuyển đổi số…

Kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN còn hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Với những kết quả nổi bật trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Thái Nguyên được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng một số giải thưởng: Năm 2020, tỉnh được nhận Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác thu hút, hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; năm 2021 đạt giải thưởng “Thành phố thông minh lĩnh vực Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Đánh giá cao hoạt động trong sở hữu trí tuệ của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Qua nắm bắt tình của các địa phương, có thể thấy trong thời gian vừa qua Sở KH&CN Thái Nguyên đã dành sự quan tâm đến việc tuyên truyền phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện sở hữu trí tuệ. Hiện nay trên cả nước có hơn 100 chỉ dẫn địa lý, chè Tân Cương Thái Nguyên là một trong 5 chỉ dẫn địa lý đầu tiên được bảo hộ ở Việt Nam. Nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên cũng là nhãn hiệu tập thể được đăng ký từ sớm không những ở Việt Nam mà còn được đăng ký bảo hộ ở nhiều nước trên thế giới..

Tiềm lực KH&CN trên địa bàn

Ngoài sự chủ động nêu trên, Thái Nguyên còn được đánh giá là tỉnh có hạ tầng phục vụ phát triển KH&CN tương đối đồng bộ với cơ sở vật chất - kỹ thuật của các tổ chức KH&CN, các trường đại học, cao đẳng. Cùng với đó là hệ thống đo lường, phòng thí nghiệm, hạ tầng thông tin, các trung tâm ươm tạo khởi nghiệm đổi mới sáng tạo…

Một trong những tiềm năng lớn nhất là trên địa bàn tỉnh có Đại học Thái Nguyên, là trung tâm đào tạo lớn gồm 7 trường đại học thành viên (Kỹ thuật Công nghiệp, Sư phạm, Y - Dược, Nông lâm, Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông), 4 đơn vị đào tạo thuộc và trực thuộc (Trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trung tâm Đào tạo từ xa), 3 đơn vị đào tạo khác (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang) và 6 đơn vị phục vụ đào tạo nghiên cứu khoa học (Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Số, Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Ươm tạo - Khởi nghiệp và Cung ứng nhân lực).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên và Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở Thái Nguyên).

Đây chính là nơi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Không những vậy, Đại học Thái Nguyên không chỉ là nơi đào tạo mà còn là một trung tâm nghiên cứu lớn, quan trọng, trong đó có nghiên cứu về công nghệ. Điều này nếu được phát huy tốt sẽ đặc biệt có ý nghĩa, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là ở thời điểm tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, thu hút được các tập đoàn lớn vào đầu tư như hiện nay.

Khoa học và công nghệ đã tạo ra những đột phá trong phát triển sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình trồng Nho Hạ đen trên địa bàn huyện Đồng Hỷ

Đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có 28 tổ chức KH&CN, trong đó 21 tổ chức KH&CN công lập, 7 tổ chức KH&CN ngoài công lập bao gồm các lĩnh vực: Kỹ thuật công nghệ, nông nghiệp với 17 tổ chức; xã hội nhân văn 9 tổ chức và y dược với 2 tổ chức ngoài công lập.

 Ngoài ra, trên địa bàn còn có hệ thống tổ chức KH&CN do các cơ quan Trung ương thành lập. Đó là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Viện Y dược học cổ truyền Thái Nguyên, Viện Kinh tế và Du lịch vùng Đông Bắc (do Liên hiệp các Hội hoa học Kỹ thuật Việt Nam thành lập) và các tổ chức KH&CN là các cở sở giáo dục Đại học.

Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN, nhiều ngành, doanh nghiệp đã tự huy động các nguồn vốn khác nhau để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tế sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới nhằm tận dụng các tiềm năng sẵn có và thế mạnh của địa phương.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên cũng đang từng bước hình thành khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, hệ thống các phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm chất lượng và kiểm định, hiệu chuẩn đo lường đã được đầu tư trong thời gian qua khá đầy đủ và cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn.

Khối các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng trong phát triển lĩnh vực Khoa học và Công nghệ của tỉnh

Đặc biệt HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Trại Thực nghiệm của Trung tâm phát triển KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ với diện tích dự kiến 3.82 ha, tổng kinh phí dự kiến là 49.998 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.

Với những tiềm năng, lợi thế kể trên, cùng với sự phát triển KH&CN có định hướng của tỉnh, sẽ có ngày càng nhiều mô hình ứng dụng KH&CNmới được xây dựng thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy