Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
22:12 (GMT +7)

Khổ chiến trên trận tuyến chống ma túy

Triệt phá thành công 2 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, thu giữ 300 bánh heroin và gần 600 viên ma túy tổng hợp (số lượng lớn nhất nhì cả nước trong thời điểm từ năm 2013 - 2015), là hai trong số những chuyên án xuất sắc của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) - Công an tỉnh Thái Nguyên. Trên trận tuyến chống ma túy nóng bỏng và khốc liệt ấy, ghi dấu tinh thần sẵn sàng dấn thân, mưu trí, bản lĩnh của các cán bộ, chiến sĩ PC04, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.


 

Từ 14 bánh heroin vô chủ…

Ngày 08/12/2013, trên xe khách mang biển kiểm soát 26B - 000.35 chạy tuyến Sơn La - Thái Nguyên có nhận chuyển một thùng cam. Về đến Thái Nguyên, tới điểm trả hàng nhưng nhà xe không tài nào liên lạc được với người nhận và người gửi. Nghi ngờ có gì đó bất thường, nhất là khi hàng hóa gửi từ Sơn La về đã có nhiều trường hợp ma túy được cất giấu trong thùng rau, chè,… hòng che mắt lực lượng chức năng, nhà xe đã trình báo lực lượng chức năng. Sau khi tiến hành kiểm tra, phát hiện bên trong thùng giấy có chứa cam và 14 bánh heroin.

Phòng PC04 được UBND tỉnh khen thưởng đột xuất khi phá thành công chuyên án 213-K.

Từ 14 bánh heroin vô chủ này, Phòng PC04 xác định đây có thể là một đường dây vận chuyển, mua bán ma túy số lượng lớn; các đối tượng sau khi bị “hụt” số lượng ma túy này (tương đương gần 3 tỉ đồng) chắc chắn sẽ tiến hành làm lại để “gỡ” vốn. Trước đó, vào tháng 9/2013, qua nắm tình hình địa bàn và thực hiện công tác vận động quần chúng cá biệt, đồng chí Hoàng Đức Tùng, Trưởng phòng đã thu được nguồn tin về nhóm đối tượng có biểu hiện mua bán, vận chuyển heroin với số lượng lớn, hoạt động đã nhiều năm. Nhóm đối tượng này chuyên cung cấp ma túy số lượng lớn từ tỉnh ngoài vào Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng Đông Bắc để tiêu thụ. Kết hợp với các thông tin trước đó về đường dây tội phạm ma túy ẩn, thường xuyên vận chuyển ma túy từ Sơn La, Hòa Bình về Thái Nguyên, đi Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn tiêu thụ, các cán bộ, chiến sĩ trinh sát Phòng PC04 đã tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, thu thập tài liệu. Qua đó nắm được nhân thân, lai lịch và các biểu hiện hoạt động phạm tội của nhóm đối tượng này, mà nổi lên là hai cái tên: Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1973; thường trú tại xóm Luông, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) và Ngọ Văn Thành (sinh năm 1974; thường trú tại tổ 11, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên).

Đến chuyên án 213-K

Qua điều tra ban đầu về diễn biến hoạt động của nhóm đối tượng Khoa và Thành, xác định có dấu hiệu về đường dây, tổ chức tội phạm lớn, hoạt động phạm tội rất phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự tại địa phương; được sự nhất trí của Giám đốc Công an tỉnh, chuyên án 213-K được xác lập, do đồng chí Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra làm Trưởng ban, đồng chí Hoàng Đức Tùng làm Phó ban thường trực.

Ngay sau đó, các tổ trinh sát được lệnh tỏa đi các tỉnh nhằm xác minh làm rõ về lai lịch, các mối quan hệ làm ăn của các đối tượng. Song, các đối tượng này có rất nhiều chiêu trò để đối phó với lực lượng chức năng, các trinh sát phải mất cả năm trời theo dõi, đeo bám chúng qua nhiều tỉnh thành, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, lần mò vào từng miền rừng núi xa xôi, thậm chí có đồng chí phải dấn sâu vào hang ổ tội phạm để thu thập chứng cứ, khai thác thông tin…

Đồng chí Trần Sơn Tùng - một trong số những trinh sát trẻ được cử tham gia chuyên án, nhớ lại những tháng ngày rong ruổi khắp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình… để làm nhiệm vụ: “Trong quá trình trinh sát, anh em phải đi lại mất rất nhiều thời gian, công sức, gần như không có khái niệm ngày nghỉ hay lễ tết. Việc cá nhân, việc gia đình đều phải gác lại hết để bám tuyến, bám địa bàn, theo dõi nhất cử nhất động của các đối tượng. Thường xuyên là những chuyến công tác 2, 3 tuần liên tục, hay đi thông từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, cả tuần, cả tháng con không nhìn thấy mặt bố.

Dù biết được tên tuổi hai đối tượng nhưng để xác minh đầy đủ thông tin về chúng là vô cùng khó. Bởi các đối tượng thường ẩn mình rất kĩ, tính phòng bị và cảnh giác rất cao. Trong quá trình trinh sát, cái khó nhất là đặc trưng vùng miền, nếu mình ngụy trang không khéo là bị phát hiện ngay. Mặt khác, các đối tượng thường hoạt động về đêm, rất dễ bị mất dấu. Nhất là đi trên mạn Sơn La sương mù dầy đặc, tầm nhìn bị hạn chế, xe ôtô chỉ có thể chạy với vận tốc khoảng 5km/h; gặp hôm trời mưa đường trơn trượt nữa thì gần như bò trên đường, việc theo dấu đối tượng vì thế mà càng khó khăn. Trong khi đó, chỉ cần một sơ suất nhỏ, hay hình ảnh trinh sát bị lộ là có thể đổ bể cả chuyên án”.

Sau nhiều tháng ăn chực nằm chờ, thường xuyên cải trang theo dõi ngày đêm, các tổ trinh sát đã cơ bản nắm chắc được hoạt động và di biến động của các đối tượng trong đường dây tội phạm. Ban chuyên án xác định đây là một đường dây vận chuyển, mua bán ma túy rất lớn, có tổ chức chặt chẽ. Khi vận chuyển, chúng sử dụng thủ đoạn gửi “hàng” qua các ô tô khách liên tỉnh Sơn La - Thái Nguyên; thường để lẫn ma túy vào các loại hàng hóa như gạo, ngô, hoa quả… Quá trình gửi, ở đầu trên chúng thường thuê người gửi và gửi ở nhiều đoạn đường, trên nhiều xe khác nhau, nên nhà xe không xác định được chính xác người gửi, đặc điểm, quy luật gửi ra sao. Khi “hàng” được vận chuyển, chúng bố trí người giám sát. Nếu có khả năng bị phát hiện sẽ bỏ “hàng”, còn an toàn đến Thái Nguyên thì cử người của đường dây, hoặc thuê xe ôm ra lấy. Những đối tượng chính thường không trực tiếp cầm, giữ, vận chuyển ma túy.

Nếu phải trực tiếp tiến hành vận chuyển ma túy, các đối tượng sẽ sử dụng ô tô cá nhân, di chuyển chủ yếu về đêm và thường đi từng đoàn từ 2, 3 đến 5 chiếc. Trong đó, có chiếc đi đầu để trinh sát nắm tình hình. Chúng sử dụng xe không chính chủ, đã mua qua bán lại nhiều lần và thường mang biển số Hà Nội, dễ mua dễ bán. Bởi mỗi chiếc xe chỉ dùng một lần, sau mỗi chuyến trót lọt chúng sẽ bán luôn. Quá trình vận chuyển thường hay đổi lái xe và biển số, di chuyển số ma túy cất giấu trên xe nhằm tránh sự chú ý, phát hiện của lực lượng chức năng. Đặc biệt là thường xuyên giữ liên lạc, cứ 15 - 20 phút gọi điện thoại một lần, không gọi tự ngầm hiểu đã bị bắt, đối tượng còn lại sẽ bỏ trốn ngay. Vì vậy chúng sử dụng nhiều điện thoại, nhiều sim rác, chủ yếu là loại điện thoại đen trắng thay sim dễ, khởi động máy nhanh, pin khỏe, sóng khỏe, nghe gọi dễ dàng, thuận tiện thao tác khi lái xe…

Có thể nói, khó khăn nhất trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phá án là xác định được đối tượng phải đang trực tiếp vận chuyển ma túy và không đem theo vũ khí, chúng phải chủ quan nhất thì phá án mới thành công. Ngày 21/8/2014, có nguồn tin chính xác hai đối tượng Thành và Khoa sẽ trực tiếp vận chuyển một số lượng lớn heroin (khoảng 100 bánh) từ Sơn La về Thái Nguyên rồi đưa đi Cao Bằng, Lạng Sơn để tiêu thụ. Nhận thấy thời cơ chín muồi, Ban chuyên án quyết định cho phá án.

Đêm 21/8/2014, trên đường cao tốc hướng Hà Nội - Thái Nguyên, Thành và Khoa mỗi người điều khiển một xe ô tô. Thành đi trước khoảng 3km để cảnh giới cho Khoa chở “hàng” theo sau. Cả hai đều “chơi” ma túy đá nhằm tăng sức chạy một mạch không ngừng nghỉ, cũng là để tăng độ “liều” nếu chẳng may “đụng” phải lực lượng chức năng. Ban chuyên án đã huy động lực lượng mai phục tại KM 144, Quốc lộ 1B thuộc xóm Đồng Danh, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương.

Xác định phải bỏ qua đối tượng Thành, bởi nếu chặn xe thì ngay lập tức Khoa sẽ biết mà bỏ chạy hoặc phi tang “hàng”. Phương án rải chông được vạch ra. Song cái khó là chông không được đặt sẵn vì có thể nhìn thấy được từ xa, dễ bị lộ. Vì vậy buộc phải để đối tượng đến nơi mới bật chông, khiến chúng bị bất ngờ, trở tay không kịp. Phương án này đòi hỏi phải tính toán chính xác về thời điểm, không thể bật chông sớm hoặc muộn hơn dù chỉ vài giây.

Đúng 1 giờ sáng ngày 22/8/2014, hai chiếc xe của các đối tượng đi qua KM 144, Quốc lộ 1B thì gặp một chiếc xe tải “hỏng” giữa đường, chỉ chừa lại một khoảng trống nhỏ cho các xe đi qua. Xe của Thành vừa lách qua, xe Khoa đi tới thì trúng điểm mai phục. Một bánh xe đẹn phải chông bị thủng lốp, song sẵn có “doping” trong người, Khoa vẫn điên cuồng nhấn ga tháo chạy. Nhưng chỉ được 3km thì bị các chiến sĩ áp sát và khống chế. Thu giữ trong xe 2 bao tải có 100 bánh heroin và 179 viên ma túy tổng hợp. Ngay khi Khoa bị bắt, Thành cắt liên lạc và bỏ chạy về hướng Bắc Giang, song đến mạn Phú Bình (Thái Nguyên) thì bị lực lượng chức năng chặn bắt, phải tra tay vào còng số 8.

Chuyên án 215-M và kế hoạch tác chiến ngày cận Tết

Triệt phá thành công chuyên án 213-K, các trinh sát tiếp tục phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Sơn La qua địa bàn Thái Nguyên lên các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ. Qua xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu, xác định đối tượng Phạm Văn Thảo (sinh năm 1980; thường trú tại xóm 6, xã Tân Dương, Định Hóa, Thái Nguyên) hiện đang có hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn trên tuyến Sơn La - Thái Nguyên - Lạng Sơn - Bắc Kạn - Cao Bằng, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh, xảo quyệt. Phòng PC04 đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, xác lập chuyên án 215-M.

Lực lượng chức năng đang tiến hành cân trọng lượng 200 bánh heroin thu giữ được tại chuyên án 215-M.

Để thu thập tài liệu, chứng cứ phạm tội, theo dõi và nắm bắt quy luật hoạt động của đối tượng Thảo cùng đồng bọn, trong nhiều tháng ròng, hàng chục cán bộ trinh sát phải tỏa đi khắp các địa bàn trên các tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 3 và các đường liên tỉnh, liên huyện các tỉnh từ biên giới Sơn La về đến Cao Bằng. Do đối tượng hoạt động trong đường dây đã lâu năm, có mối quan hệ rộng, phức tạp, gia đình lại có nhiều họ hàng thân quen trên các tỉnh giáp biên giới, nên chúng rất dày dạn kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi, đối phó, chống trả, tiêu hủy vật chứng khi bị phát hiện, bắt giữ. Điều này khiến quá trình đấu tranh của các trinh sát gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi thu thập được đầy đủ thông tin về hoạt động phạm tội của Thảo, xác định được thời điểm đối tượng này sẽ vận chuyển một lượng lớn heroin từ Sơn La về Thái Nguyên rồi đi Cao Bằng và qua biên giới, Ban chuyên án họp bàn, quyết định phá án.

Thái Nguyên vào đêm, trên tuyến cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội (Quốc lộ 3 mới) vẫn ồn ào những chiếc xe container, xe tải nặng lầm lũi chạy qua, thi thoảng vài chiếc ô tô con xé gió lao vun vút. Bên một làn đường cao tốc (đoạn tổ 4, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên), chiếc xe tải đang chạy bất ngờ quay ngang đường, chắn ngay phía trước một ô tô con 5 chỗ mang biển kiểm soát 29S - 5036. Tiếp đó, các xe ô tô khác lao lên từ phía sau áp sát khiến chiếc xe 5 chỗ bị “khóa” cứng. Từ hai bên ta-luy đường, những bóng đen mật phục chờ lệnh đồng loạt ập vào. Nhanh như cắt, kính xe ô tô 5 chỗ bị đập vỡ, chiếc chìa khóa bị đoạt khỏi ổ, 2 đối tượng trong xe bị bẻ quặt tay, ghì chặt, không kịp “đút tay túi quần” lôi vũ khí nóng.

2 giờ 15 phút, phương án tác chiến chuyên án 215-M vào đêm 16 rạng sáng ngày 17/02/2015 (tức đêm 28 rạng sáng ngày 29 Tết Giáp Ngọ) đã thành công. Bắt giữ quả tang hai đối tượng đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là Phạm Văn Thảo và Lê Văn Hoát (sinh năm 1983), thu giữ 200 bánh heroin và 377 viên ma túy tổng hợp. Thời điểm 2015, đây là số lượng ma túy bắt giữ được lớn nhất nhì trong cả nước.

Hai đối tượng Phạm Văn Thảo (bên trái) và Lê Văn Hoát (bên phải) khi bị bắt giữ.    (Nguồn ảnh do lực lượng chức năng cung cấp)

***

Với chiến công lập được ở hai chuyên án 213-K và 215-M, tập thể và nhiều cán bộ, chiến sĩ Phòng PC04 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công (các hạng Nhất, Nhì, Ba); được Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen.

Những điều kể trên chưa đủ để nói hết về sự dấn thân, vất vả, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an nói chung, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng trong cuộc chiến ngăn chặn “cái chết trắng”. Nhưng cũng đủ để hiểu phần nào về một trận tuyến đầy cam go và thách thức. Cảm phục và tin yêu các anh - những người luôn sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thiệt thòi, đổ máu, và cả những mất mát, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân!.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục