Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:41 (GMT +7)

Khi ta hy vọng chính là ta hạnh phúc

Sáng nay (25/2), tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã diễn ra một triển lãm đặc biệt do Hội Văn học nghệ thuật và Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên phối hợp tổ chức, với sự hưởng ứng nhiệt liệt của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nói triển lãm đặc biệt, vì lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Nguyên, với mục đích nâng đỡ tinh thần cho những người bệnh và tri ân các thầy thuốc nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. “Hy vọng” là tên cuộc triển lãm với 100 bức ảnh, bao gồm 72 bức chụp tại chỗ và 28 bức về phong cảnh, con người Việt Nam. "Hy vọng" thực sự đang đem lại những niềm vui, niềm hy vọng mới cho nhiều người!

                                                                                                                               VNTN

Khi ta hy vọng chính là ta hạnh phúc

VNTN - Tôi gõ vào google từ khóa “Triển lãm ảnh tại bệnh viện” và thật kinh ngạc khi không thu được một kết quả nào. Điều đó có nghĩa là, việc làm của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cùng các nhà nhiếp ảnh Thái Nguyên đến thời điểm này là đầu tiên và duy nhất trong cả nước.

Phải đâu bệnh viện chỉ có nỗi đau và nỗi buồn; phải đâu bệnh viện chỉ có mùi thuốc và tiếng rú của còi xe cứu thương. Tôi đã nghĩ như vậy khi đứng lẫn vào khán giả đến xem một triển lãm kỳ lạ, lần đầu cả họ và tôi bắt gặp: Triển lãm về công việc bệnh viện và được tổ chức trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Hai kỹ thuật viên Trung tâm Huyết học truyền máu là Trịnh Phương Thảo và Nguyễn Thị Huệ chậm rãi đi xem hết 100 bức ảnh ở đây. Hai em vui lắm, nói cười bình xét rôm rả. Họ bảo: Đây là sự lạ, vì chưa bao giờ được xem triển lãm ở ngay sân cơ quan như thế này.

Gật gù ngắm kỹ từng bức ảnh, bà Bạc Thị Dậu và chồng là ông Bùi Duy Chuyền (tổ 11 phường Quang Trung) tâm đắc: “Chân thực lắm chị ạ, đây là công việc thường ngày của thày thuốc, phản ánh qua góc nhìn nhiếp ảnh lại có sự độc đáo, cảm xúc riêng”. Hỏi chuyện, tôi biết bà Dậu trước đây làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức, đã về hưu gần 20 năm. Bà bảo: Thỉnh thoảng trở lại đơn vị, tôi thấy nhiều thay đổi, hôm nay vô tình được xem Triển lãm, tôi thấy đây là việc làm thật thiết thực kỷ niệm 61 năm Ngày Thày thuốc Việt Nam (27-2).

Từng tốp, từng tốp, người xanh xao ốm yếu, người trầm tư, người sôi nổi… ai cũng lạ lẫm và háo hức trước món quà chân tình của các nhà nhiếp ảnh Thái Nguyên gửi đến mọi người cùng thông điệp: Hãy Hy vọng.

Tác phẩm "Ân cần" - ảnh: Khắc Thiện

Tại khuôn viên Triển lãm, bác Phạm Văn Hạp (70 tuổi), bệnh nhân khoa Ung bướu chỉ cho tôi ân nhân của bác: Đấy, người mổ cho tôi là ông Trung, trưởng khoa Ngoại đang đứng kia. Tôi ung thư đại tràng và ung thư gan di căn, nằm ở Bệnh viện từ tháng 7-2015. Con nó đưa về Hà Nội, nhưng họ bảo phải nộp trước 40 triệu mới được nhập viện. Tôi vào Bệnh viện này, được mổ và điều trị tích cực. Giờ tôi ăn khỏe, ngủ ngon, lững thững đi chơi, thấy triển lãm thích quá. Tôi cũng xem nhiều triển lãm rồi đấy, nhưng chưa bao giờ lại thấy tổ chức ở bệnh viện thể này. Ảnh chụp đẹp và chân thực lắm. Người bệnh chúng tôi hiểu thêm công sức của thày thuốc chị ạ…

Tác phẩm "Bé khỏe rồi" - ảnh: Nguyễn Lê Phương

Để có triển lãm này, người nêu ý tưởng là… tôi.

Chuyện rằng, cách đây tròn 1 năm, tôi đi công tác các tỉnh phía Nam, dừng chân ở Đà Nẵng 3 ngày. Thành phố được mệnh danh “đáng sống nhất Việt Nam” này đã chiếm trọn cảm tình của tôi. Một địa chỉ tôi tìm đến để tận mắt chứng kiến tấm lòng nhân hậu của người Đà Nẵng là Bệnh viện Ung thư - nơi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo đầu tiên trong nước. Điều tôi xúc động là ở đây người nghèo không chỉ được cho ở, cho ăn, chữa bệnh mà còn được nâng đỡ về tinh thần từng li từng tí. Chi tiết nhỏ như những bức tranh, ảnh treo ở hành lang cùng những câu danh ngôn về niềm tin và hy vọng để khích lệ người bệnh. Tôi đã ghi vào sổ tay một số câu đề dưới các tác phẩm đó: “Mỗi ngày có thể không phải là ngày tốt nhưng chắc chắn có điều gì đó tốt đẹp mỗi ngày. Vì vậy, hãy mỉm cười và đón nhận ngày mới với thái độ hào hứng tích cực”; “Hãy tự tay mình mở cánh cửa ngày mới, cánh cửa của niềm tin, hy vọng”; “Hãy yêu đời, lạc quan, không ngừng yêu cuộc sống, hãy trân trọng những phút giây mà cuộc sống cho ta”... Tôi hỏi quản lý Bệnh viện thì được biết đó là kết quả của Dự án “Một bức tranh - Nhiều niềm hy vọng” được Đà Nẵng tổ chức sau khi khảo sát ý thích của bệnh nhân. Các nghệ sĩ với trái tim thiện nguyện đã mang tác phẩm của họ đến, in những câu châm ngôn vào đó và treo lên tường hành lang khu vực điều trị để “chiều” người bệnh. Tôi nghĩ về quê hương mình, các nghệ sĩ Thái Nguyên giàu tâm thiện lắm chứ, họ sẵn lòng mang công sức tặng người bệnh không một chút lăn tăn tính toán, họ hoàn toàn có thể làm được như Đà Nẵng. Trở về nhà, tôi lân la đặt vấn đề với một số người, ai cũng “ô kê” sẵn sàng mang ảnh, góp tiền đóng khung treo tường bệnh viện cùng tôi, nhưng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu, đành viết một bài nhỏ nói lên tâm tư của mình.

 May thay, bài báo của tôi đã chạm vào trái tim nghệ sĩ - đồng thời là những người lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Đặc biệt người “phất cờ” quả quyết là nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Lời hiệu triệu của nhà thơ đã được đông đảo người cầm máy của Hội tham gia. Từ nhà nhiếp ảnh cao niên như bác Nguyễn Minh Xuyết (74 tuổi) đến một số bạn trẻ lần đầu tham gia sân chơi vì cộng đồng này.

 Đáng quý hơn, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và các thày thuốc ở đây đã lập tức đồng cảm xúc, họ mở rộng cửa các khoa, phòng của Bệnh viện, đón hàng chục nghệ sĩ đến chớp từng khoảnh khắc công việc thường ngày, ghi nhận tâm tư tình cảm của bệnh nhân.

Hơn 200 bức ảnh ra đời từ đó. “Hạt” ý tưởng của tôi đã gặp “đất lành” để nảy mầm kết nụ từ đó.

Tác phẩm "Lạc quan" -  ảnh: Việt Hùng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên bày tỏ: Chúng tôi khát khao được cảm thông, chia sẻ. Công việc của cán bộ y tế thầm lặng và đầy bất trắc vì liên quan đến tính mạng con người. Bởi thế, khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đặt vấn đề, chúng tôi rất đồng tình. Đây là cơ hội cho chúng tôi nói về nghề, để nhiều người hiểu và cảm thông với công việc của mình. Và quan trọng nữa là mang lại niềm vui, hy vọng giúp người bệnh cùng chúng tôi “đánh giặc ốm” nhanh “thắng” hơn.

Suy nghĩ của ông Nguyễn Thành Trung cũng là tâm tư của bác sĩ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện: Chúng tôi làm tốt 1.000 việc không ai biết đến, nhưng chỉ 1 việc sơ sẩy là bị đánh giá, thậm chí chỉ trích, cũng thấy buồn. Những tấm ảnh ở Triển lãm hôm nay là sự chia sẻ, làm ấm lòng các bác sĩ và bệnh nhân ở đây.

Hy vọng - chủ đề của Triển lãm ảnh đã mở ra nhiều hy vọng khác: Hy vọng trái tim nghệ sĩ đập mạnh hơn với đời thường; hy vọng nghệ thuật phục vụ nhiều hơn cuộc sống; hy vọng cuộc đời còn nhiều hạt yêu thương được sinh sôi.

Khi ta hy vọng chính là ta hạnh phúc.

Và tôi thấy mình hạnh phúc!

Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh và đại diện tác giả tặng tác phẩm cho Ban Giám đốc Bệnh viện

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy