Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:30 (GMT +7)

Khi nông sản trở thành di sản

Đối với những người khách du lịch châu Âu, khi đi du lịch đến một vùng đất dù rất nhỏ họ thường bắt đầu bằng việc thăm bảo tàng, không gian văn hóa của vùng đất đó, trước tiên để tìm hiểu được văn hóa và lịch sử của vùng đất. Đó là lý do giải thích cho sự dày đặc của hệ thống bảo tàng, không gian văn hóa ở Châu Âu…

Quang cảnh Không gian văn hóa Trà Tân Cương (TP. Thái Nguyên) khi tác giả đến thăm vào một ngày cuối Thu năm 2022

Một ngôi làng nhỏ hay một thành phố lớn, nơi nào cũng có một không gian văn hóa là nơi giới thiệu và bảo tồn những nét văn hóa và lịch sử của vùng đất. Không chỉ có giá trị tinh thần, bảo tàng, không gian văn hóa còn có giá trị kinh tế chủ đạo khi quảng bá, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng và trở thành di sảncủa vùng như một cách quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng, tạo niềm tin yêu với sản phẩm và sự gắn bó với mảnh đất.

Ở Việt Nam ngày nay, những bảo tàng, không gian văn hóa cũng đang dần được chú trọng và phát triển. Trong chuyến hồi hương hồi cuối tháng Mười vừa qua, tôi đã được đến thăm một trong những không gian văn hóa khá ấn tượng. Vào một buổi chiều mùa thu rộn nắng, theo chân một nhà báo Thái Nguyên trong vai khách du lịch, tôi lên vùng chè Tân Cương. Phải nói rằng đó là một chuyến đi hoàn toàn bất ngờ mà anh bạn nhà báo dành cho tôi nên tôi hoàn toàn không có sự chuẩn bị như thường làm trước mỗi chuyến du lịch, những hiểu biết của tôi về vùng đất Tân Cương chỉ dừng lại ở món trà “Tôm Nõn Tân Cương” mà cha tôi vẫn thường uống. Cũng chính từ sự bất ngờ đó lại mở ra những điều bất ngờ khác.

Con đường từ thành phố Thái Nguyên về Tân Cương rất gần, mươi phút ngồi xe trôi qua rất nhanh, câu chuyện của chúng tôi chủ yếu tản mạn quanh công việc và cuộc sống và tôi quên luôn mục đích của chuyến đi. Vậy nên khi chiếc xe dừng trước một quảng trường giữa một vùng đất thưa thớt người ở đối diện với những quả đồi phủ xanh những cây chè đã khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Anh bạn nhà báo giới thiệu với tôi nơi đây chính là “Không gian văn hóa trà Tân Cương”, một bất ngờ mà anh muốn dành cho tôi vì anh biết tôi rất quan tâm đến di sản với tư cách là một chuyên viên di sản văn hóatại cộng hòa Pháp.

Những công trình văn hóa mang tính chất bảo tồn và quảng bá di sản của một vùng luôn tạo cho tôi những cảm hứng.Cũng phải nói thêm rằng, tôi đã từng tham gia vào việc xây dựng một số các bảo tàng với mục đích bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa truyền thống làm nên lịch sử của một số vùng đất trong đó phải kể đến “Ngôi nhà của đại thi hào Victor Hugo” tại thành phố Besançon, một thành phố nằm cạnh biên giới Thụy Sĩ, vì thế tôi hiểu những giá trị tiềm năng về văn hóa và kinh tế mang lại của những công trình bảo tồn cho những người dân địa phương thông qua việc quảng bá di sản của vùng đến những người khách du lịch. Vậy nên khi đứng trước Không gian văn hóa trà Tân Cương, tôi đã rất hào hứng, hóa ra trà Tân Cương không chỉ là nông sản đặc biệt của vùng mà còn là một di sản. Bởi khi xây dựng cho sản phẩm một không gian văn hóa riêng, những người sản xuất ra nó đã thừa nhận chúng như một di sản cần phải bảo vệ và quảng bá rộng rãi.

Một“trà nương” kiêm hướng dẫn viên đang pha trà mời khách tại Không gian văn hóa trà Tân Cương

“Không gian văn hóa trà Tân Cương” là công trình được UBND tỉnh đầu tư xây dựng, khánh thành và đi vào hoạt động nhân dịp Thái Nguyên tổ chức Festival Trà quốc tế đầu tiên năm 2011(nay giao cho Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên quản lý). Công trình nằm trên diện tích 2,6 ha bao gồm nhà trưng bày, lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà, không gian thưởng trà và sân lễ hội ngoài trời. Theo như lời giới thiệu của anh bạn nhà báo nói với tôi, nơi đây lưu giữ những tài liệu và hiện vật liên quan đến trà theo dòng chảy của lịch sử, đồng thời tôn vinh và thúc đẩy nghề trồng chè phát triển. Anh cũng bảo với tôi “đến Thái Nguyên mà không đến Tân Cương, không đến với văn hóa trà thì có nghĩa là chưa đi hết Thái Nguyên”. Tôi khẽ mỉm cười, chắc tại anh là nhà báo nên rất biết cách quảng bá!

Nhưng ngay từ những cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào “Không gian văn hóa trà Tân Cương”, tôi đã phải thừa nhận rằng người Tân Cương đã rất biết cách “đối xử” công bằng với đặc sản của vùng khi dành riêng cho cây chè một vị thế rất đáng trân trọng.Với lối kiến trúcmang đậm tính Á Đông, ngay từ sân lễ hội,công trình tạo cảm giác an yên, thoáng đạt của vùng văn hóa chè. Đón chúng tôi ở cửa ra vào, cô hướng dẫn viên người Tân Cươngđưa chúng tôi đi qua các không gian trưng bày phác họa lại sự hình thành và phát triển của cây chè trên vùng đất Tân Cương. Là một người gốc Thái Bình và rời Việt Nam đi lập nghiệp tại châu Âu từ khi còn rất trẻ, lịch sử của vùng đất Tân Cương đối với tôi hoàn toàn xa lạ và vì thế cuộc viếng thăm càng thú vị.

Trong chuyến đi, tôi còn được tìm hiểu về kĩ thuật sao chè tại HTX Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) và thưởng thức những chén trà thơm nức tại đây. Ảnh : Trần Thép

Cô gái Tân Cương kể cho chúng tôi nghe những câu chuyệnvới rất nhiều chi tiết mà chỉ những người con của vùng đất mới có thể biết tường tận, cách sao chè, cách nẩy chè… Tất cả những điều mà một khách du lịch tò mò muốn biết về đặc sản của vùng dẫn họ đi từ sự ngạc nhiên đến yêu mến sản phẩm và nâng niu chúng như chính những người sản xuất ra chúng. Cái hay của công tác bảo tồn và quảng bá đặc sản của vùng chính là ở chỗ có thể biến sự tò mò của khách thành tình yêu dành cho sản phẩm.Cuộc du thăm của chúng tôi được kết thúc bằng việc đi thăm vườn chè, một dạng hoạt độngmô phỏng cuộc sống sản xuất của vùng chè, một hoạt động trải nghiệm đơn giản phù hợp với mọi lứa tuổi.

Trong vai một người hái chè với những vật dụng cần thiết, chúng tôi bước vào vườn chè và cho dù chỉ mang tính chất “check-in” để có “bằng chứng” khoe với bạn bè trên cõi mạng, thì trải nghiệm này cũng mang lại những kỷ niệm tương đối thú vị với tôi. Được tận mắt nhìn những gốc chè có niên hiệu hàng chục năm tuổi và thậm chí là hàng trăm năm, bất cứ người khách du lịch nào cũng hiểu ngay rằngcây chè Tân Cương không chỉ là đặc sản nông sản mà chúng trở thành những di sản truyền thế hệ của vùng.

Tác phẩm “Ấm trà tri kỷ” đã xác lập kỷ lục Guinness là bộ ấm trà gắn gốm lớn nhất Việt Nam. Đây là điểm “check-in” thú vị mà du khách không thể bỏ qua.

Chúng tôi kết thúc cuộc viếng thăm sau hơn một giờ, khoảng thời gian lý tưởng cho một cuộc viếng thăm không gian văn hóa của vùng để giữ chân du khách, chúng tôi rời đi với những ấn tượng khá sâu sắc về cây chè Tân Cương. Tôi có hứa với anh bạn nhà báo sẽ viết một bàivới tư cách một chuyên viên di sản về không gian văn hóa này nhưng trước đó tôi đã thú nhận với anh, Tân Cương đã rất khôn ngoan trong cách đối xử với đặc sản của họ, bây giờ cây chè Tân Cương có thể tự hào trở thành di sản nông sản của vùng và truyền tải ngoài văn hóa ẩm thực còn có cả lịch sử phát triển của vùng đất này.

Một di sản chỉ có giá trị khi nó có thể tồn tại bền vững cùng thời gian, đồng thời phải góp phần phục vụ lợi ích của cộng đồng cả về kinh tế và tinh thần. “Không gian văn hóa trà Tân Cương” đang làm rất tốt điều đó, biến nông sản thành di sản, một sự khôn ngoan mang tầm chiến lược. Và tất nhiên, như rất nhiều du khách, chuyến tham quan sẽ kết thúc thực sự với việc mua bán những đặc sản của vùng, một cách quảng bá văn hóa mang lợi ích kinh tế bền vững.

Quyên GAVOYE

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 11 giờ trước