Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:22 (GMT +7)

Khi mái ấm không còn sau bão lũ

Cùng với một số tỉnh miền núi phía Bắc, Thái Nguyên vừa trải qua một trận lũ lụt khốc liệt nhất trong vài chục năm trở lại đây, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống của người dân. Chúng tôi về xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, nơi có 5 gia đình đang phải đối mặt với tình cảnh mất đi ngôi nhà cả gia đình đang sinh sống. Nhiều người trong số họ là hộ nghèo hoặc mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Khó khăn chất chồng khi họ không còn chốn an cư.

Ngôi nhà sàn chỉ còn lại những cái chân cột
Ngôi nhà sàn chỉ còn lại những cái chân cột

Clip: Gia cảnh của gia đình anh Ma Quang Huy

1. Đêm 9/9, ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Ma Quang Huy ở xóm Khuôn Cướm bị đất đá trên đồi sạt xuống, tràn vào lấp kín tầng trệt, không còn khả năng khắc phục. Xóm làng đến giúp cưa từ phần cột còn hở trên mặt đất rồi nhấc nóc nhà sang phần đất bên cạnh cho vợ chồng Huy tạm thời tá túc.

Gương mặt mệt mỏi của Huy càng nặng trĩu nỗi ưu tư khi ngồi trước căn nhà không còn nguyên vẹn của mình. Chiếc khăn màn thường được dùng cho em bé sơ sinh được buộc trên cổ Huy để che không cho bụi bám vào vết thương sau phẫu thuật.

Anh Ma Quang Huy được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vòm họng từ 4 năm trước
Anh Ma Quang Huy được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vòm họng từ 4 năm trước

Huy được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng từ 4 năm trước, phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản. Cổ của Huy được tạo một lỗ khí để thở. Trước bụng Huy được gắn ống xông để truyền thức ăn.

Nhà ở kế bên, bà Hoàng Thị Xuyên, mẹ đẻ của Huy không cầm được nước mắt khi kể về hoàn cảnh gia đình: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, năm 2016 em nó lấy vợ và ra ở riêng, sau đó đi lái máy xúc được một thời gian thì phát hiện ra bệnh. 4 năm nay lấy bệnh viện làm nhà. Thương con mình bao nhiêu lại càng thương con dâu bấy nhiêu. Chúng còn quá trẻ. Đã thế đầu năm nay, chồng tôi lại bị tai nạn trong lúc đi kéo đường dây cáp trên Lạng Sơn, phải cưa bỏ một chân và nửa người phía sau của ông ấy nhằng nhịt vết thương.

Phần phía trên của ngôi nhà được hàng xóm cưa khỏi chân cột bị đất vùi lấp, nhấc sang bên cạnh làm nơi ở tạm cho vợ chồng Huy
Phần phía trên của ngôi nhà được hàng xóm cưa khỏi chân cột bị đất vùi lấp, nhấc sang bên cạnh làm nơi ở tạm cho vợ chồng Huy

Kể đến đây, bà Xuyên không nói thêm được nữa, mắt bà ầng ậc nước, bặm chặt môi để tiếng nấc không thoát ra ngoài. Ngồi trên chiếc xe lăn, với một bên chân phải cắt bỏ đến tận hông, ông Ma Văn Tuấn – bố Huy gương mặt thất thần, không nói lời nào.

Ngôi nhà cấp 4, đơn giản hết mức của bố mẹ Huy cũng đang làm dang dở. Bà Xuyên cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên trước đây hai vợ chồng bà tự chắt bóp, góp nhặt từng viên gạch rồi tự xây nhà. Nhưng tai họa ấp xuống với chồng bà khi ngôi nhà còn chưa kịp hoàn thành. Bà Xuyên lo, rồi tới đây vợ chồng Huy biết lấy gì để duy trì cuộc sống và chữa bệnh. Ngay cả 2 sào lúa duy nhất cũng đã bị nước lũ nhấn chìm.

2. 7 miệng ăn trong gia đình trông cả vào sức vóc nhỏ bé của người phụ nữ năm nay đã trong 50 tuổi là gia cảnh của vợ chồng chị Trần Thị Hằng và anh Vũ Văn Hiểu ở xóm Bản Héo.

Nghe tin nhà các con bị sập, mẹ chị Hằng, anh Hiểu lo lắng chống gậy xuống thăm con
Nghe tin nhà các con bị sập, mẹ chị Hằng, anh Hiểu lo lắng chống gậy xuống thăm con

Lúc tôi tới, đống đổ nát từ ngôi nhà sàn của anh chị đang được đốt dọn trên nền đất bùn vẫn ngập tới mắt cá chân. Từng vầng khói bay lên hiu hắt đến quặn lòng. Trên nền đất vương vãi ít quần áo rách cũ và ít phên tre dập gãy. Hôm  vụ sạt lở, may nhờ cây khế sau nhà đổ xuống, đập vào chiếc téc nước bằng inox phát ra tiếng động mạnh mới giúp gia đình anh chị kịp thoát thân. Chiếc téc nước cứu cả gia đình chị Hằng cũng là phần quà dành cho hộ nghèo như gia đình chị được tặng trước đó.

Vợ chồng con trai của anh chị mới sinh người con thứ 2 chưa đầy 2 tháng
Vợ chồng con trai của anh chị mới sinh người con thứ 2 chưa đầy 2 tháng

Cả nhà hiện đang phải sống tạm bợ trong chiếc lán từng là cái chuồng trâu cũ được xóm giềng dựng hộ, chắn nắng mưa bằng cách quây bạt xung quanh. Một tấm bạt khác được căng ra chỗ đất trống làm nơi nấu nướng. Chỉ cần một cơn gió khẽ thổi qua cũng có thể làm tắt bếp. Trong lán, cháu nội chị Hằng ngằn ngặt khóc, không biết vì thiếu sữa hay vì lạ lẫm với “căn nhà” tối tăm bất đắc dĩ của gia đình.

Clip: Gia cảnh của gia đình chị Trần Thị Hằng và anh Vũ Văn Hiểu

Là hộ nghèo lâu năm, tiền đong gạo, mua thức ăn, thuốc men, trả khoản lãi vay ngân hàng của cả nhà lâu nay chủ yếu trông cả vào việc chị Hằng đi phát cỏ keo thuê vì anh Hiểu sức khoẻ yếu không thể làm việc nặng. Con gái chị còn đang đi học, con dâu chị phải chăm con nhỏ. Cả nhà, con trai chị là người duy nhất biết đi xe máy nên phải đảm nhận việc đưa đón con đi học, không thể đi làm xa, lâu lâu ai có việc gì cần bốc vác thì tranh thủ xin làm được vài công.

Ngôi nhà của gia đình anh chị chỉ còn là một đống đổ nát
Ngôi nhà của gia đình anh chị chỉ còn là một đống đổ nát

Chị Hằng cho biết, từ hôm bão lũ sập nhà, gia đình chị được chính quyền địa phương, cán bộ xã, xóm và một số tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ cho thực phẩm, quần áo và một số đồ dùng thiết yếu khác. Dù không bị đói trong những ngày qua, nhưng mong mỏi lớn nhất và cũng là nỗi lo thắt ruột gan nhất của tất cả các thành viên trong nhà là làm sao cất lại được ngôi nhà mới.

3. May mắn thoát chết trong gang tấc là những gì mà các thành viên trong gia đình ông Trần Đình An và bà Nguyễn Thị Ngâm cùng ở xóm Bản Héo phải trải qua.

Khi mái ấm không còn sau bão lũ
Ngôi nhà sàn bị đẩy đi xa vài chục mét xuống khi đổ sập

Ngôi nhà sàn là chốn an cư của cả gia đình ông bà chỉ còn là một đống đổ nát sau trận mưa, bão vừa qua. Tấm bạt lớn phủ lên trên vài cây tre gác vội là nơi hàng xóm giúp ông bà làm nơi trú mưa, tránh nắng khi nhà mất. Nhưng do quá nóng, đứa cháu nội mới 1 tuổi của ông bà quấy khóc nhiều, cả nhà đành nhặt nhạnh những tấm ván còn vương lại, nhờ anh em hàng xóm ghép thành một gian để trú ngụ tạm thời.

Bà Ngâm chỉ tay về phía những các cây bị vật đổ rạp xuống kể: Nhà tôi ở mãi chỗ cái thân cây trắng trắng kia (cách đống đổ nát của ngôi nhà chừng 20m). Sau nhà tôi không có ta luy cao nên không bao giờ nghĩ có thể xảy ra trường hợp đất ụp xuống nhà. Hôm ấy là đêm, ông nhà tôi đi ra sau nhà nhìn thấy mấy cái cây động động bất thường nên hô nhà sắp sập và bảo tôi gọi con dậy. Tôi chỉ vừa kịp gọi cháu, chạy ra đến cửa là đất đã ập vào hết gầm sàn và thúc vào lưng của ngôi nhà. May sao hôm ấy con dâu và cháu tôi lại về ngoại chơi, chứ có con nhỏ thì không thể chạy nhanh thế được.

Đường vào nhiều gia đình ở Yên Trạch hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do sạt lở
Đường vào nhiều gia đình ở Yên Trạch hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do sạt lở

Tài sản bị vùi lấp hết, chó cũng chết, hôm sau nhà tôi phải đi mượn từ con dao đến bộ quần áo để mặc. May nhờ chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ, chúng tôi mới có đồ ăn, thức uống và đến nay đã đủ quần áo mặc.

Clip: Gia cảnh của gia đình ông Trần Đình An và bà Nguyễn Thị Ngâm 

Khó khăn lắm, năm 2022 nhà bà mới ra được khỏi danh sách hộ nghèo, giờ nhà mất nguy cơ tái nghèo với gia đình là điều khó tránh được. Nhưng nỗi lo lớn nhất của cả gia đình trước mắt là làm sao để dựng lại ngôi nhà mới.

4. Giữa trưa nắng chang chang, sực lên mùi bùn sau lũ, ông Nguyễn Công Lạ xóm Khuôn Lặng vẫn thẫn thờ đứng nhìn cơ ngơi mà cả cuộc đời vợ chồng ông gây dựng giờ đây chỉ còn là đống đổ nát.

Ông Nguyễn Công Lạ  thất thần bên căn nhà đổ nát của gia đình mình
Ông Nguyễn Công Lạ thất thần bên căn nhà đổ nát của gia đình mình

Ngôi nhà xây khang trang đã bị đất ở quả đồi sau nhà sạt xuống phá nát hoàn toàn. Từng mảng tường nát vụn vùi lẫn trong lớp bùn bầy hầy, ngổn ngang.

Tường nhà tôi là tường xây 20 đấy, thế mà nó thúc một cái, tan tành hết cả - ông Lạ kể.

Clip: Gia cảnh của gia đình ông Nguyễn Công Lạ

Ông Lạ tiếc nuối chỉ, chỗ này là phòng ngủ của mấy bà cháu, chỗ này là phòng ngủ của thằng con tôi. Chỗ này tôi đặt cái ti vi, chỗ này là tôi để toàn bộ giấy tờ quan trọng… Giờ bị chôn vùi hết cả rồi. Hôm trước có bộ đội đến giúp lôi được mấy bao thóc lên, còn những đồ đạc khác thì bị đất và tường vỡ nát vùi sâu, chẳng có thứ gì còn có thể lành lặn được.

Hiện tại, vợ chồng ông Lạ, cùng người con trai cả và các cháu sang ở nhờ nhờ người con trai thứ ở gần đó. Nhưng ông Lạ chưa thể yên tâm vì nhà của con trai thứ ông, đất cũng đã sạt xuống sát chân tường sau nhà.

Ngôi nhà xây kiên cố chỉ còn là đống đổ nát
Ngôi nhà xây kiên cố chỉ còn là đống đổ nát

Mới có vài ngày mà mái tóc ông Lạ như bạc thêm đến vài phần, vợ ông – bà Nguyễn Thị Tươi cũng quần ống thấp ống cao cứ trèo lên hết mô đất này đến mảnh tường khác. Biết là không còn cứu vớt được gì nhưng xót công, tiếc của bà chẳng thể nào ngồi yên được.

Rời nhà ông Lạ, chúng tôi phải đi qua một cánh đồng lúa, lòng đường chỉ nhỉnh hơn một gang tay người lớn. Ngoái đầu nhìn lại, tôi khẽ rùng mình bởi quả đồi sau lưng nhà ông Lạ đầy những vết đất đỏ xé toạc màu xanh của cây cối ngoằng nghoèo, nhằng nhịt như trực chờ lao xuống.

5. Để xe lại bên đường, chúng tôi theo chân đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Yên Trạch và Trưởng ban công tác mặt trận xóm Đồng Quốc đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Sang.

Hiện trường ngôi nhà của gia đình anh Hoàng Văn Sang
Hiện trường ngôi nhà của gia đình anh Hoàng Văn Sang

Dưới tấm bạt căn tạm không có gì ngoài chiếc giường cũ kỹ. Ngôi nhà sàn là nơi sinh sống của vợ chồng anh và người con trai út đã bị đổ sập hoàn toàn.

Tại vị trí nền ngôi nhà cũ vương vãi đồ dùng đã hỏng là chiếc tivi dày bịch đời cũ, chiếc đài cát-sét méo mó, vài cái xô đựng nước vỡ nham nhở. Bà con trong xóm giúp gia đình anh dỡ cái mái nhà cũ chưa bị vùi lấp để phủ lên trên lán tạm.

Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Yên Trạch (bên trái) thăm hỏi, động viên gia đình anh Hoàng Văn Sang
Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Yên Trạch (bên trái) thăm hỏi, động viên gia đình anh Hoàng Văn Sang

Từ nhà con trai về, anh Sang khó nhọc lê từng bước chân yếu ớt vào trong lán. Sinh năm 1970, mặc dù vẫn còn trong độ tuổi lao động song cơn tai biến xảy ra hồi tháng 7 vừa qua đã khiến một nửa người bên trái của anh gần như không còn cử động được.

Clip: Gia cảnh của gia đình anh Hoàng Văn Sang

Trước đây, vợ chồng anh ở nhà chăm bẵm một sào ruộng lúa gần nhà và chăm sóc rừng cây. Nhưng những chuyện không may cứ ào ập tới. Anh Sang vừa được ra viện hơn một tháng thì mưa bão gây sập nhà. Đám ruộng lúa đang xanh tốt bị đất đá vùi lấp gần như hết. Bao hy vọng trông vào 1 ha rừng thì hiện tại trên 70% diện tích rừng của gia đình cũng bị sạt lở.

Ruộng lúa của gia đình anh Sang bị đất đá vùi lấp phần lớn
Ruộng lúa của gia đình anh Sang bị đất đá vùi lấp phần lớn

***

Dù cơn bão đã qua, nhưng những gì nó để lại là những nỗi đau chưa thể xoa dịu. Những gia đình mất nhà cửa như ở Yên Trạch không chỉ đang phải đối mặt với việc bắt đầu lại từ con số không, mà có lẽ là từ con số âm khi gánh nặng bệnh tật, nợ nần và khó khăn chồng chất.

Vậy, bao giờ họ mới được an cư lại? Trong ánh mắt của bà con nơi đây, có sự tuyệt vọng, nhưng cũng có hy vọng le lói vào những tấm lòng hào hiệp, sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng. Những ngôi nhà có thể mất đi, nhưng tình người sẽ là nơi trú ngụ cuối cùng. Hơn bao giờ hết, họ cần sự chung tay từ cả xã hội để một lần nữa được sống trong mái ấm vững chắc, để niềm hy vọng lại một lần nữa nảy mầm trên mảnh đất đầy gian truân này.

Kim Ngân

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy