Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
10:45 (GMT +7)

Khi lòng dân đồng thuận

Sau sáp nhập, xóm Quyết Tiến, xã Phú Tiến, huyện Định Hóa, được hình thành. Xóm mới với gần 200 hộ dân. Số hộ đông gấp đôi xóm cũ, người dân trong xóm gồm nhiều dân tộc như Tày, Mông, Sán Chỉ, Mường... song việc của thôn xóm không những không gặp khó khăn mà còn như được tiếp thêm sức mạnh. Đó là sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng.

Cán bộ gương mẫu

Cầm trên tay danh sách của những địa phương, xóm bản được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen trong việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2022, tôi quyết định sẽ đến Phú Tiến của huyện Định Hóa.

Trong trí nhớ của tôi, nhiều năm trước khi tôi đến các xóm 6, 7 và 8 của xã đều là những xóm rất khó khăn. Thế nên, có thể nằm trong danh sách số ít các xóm được vinh danh như này quả là điều khiến tôi tò mò.

Địa điểm đầu tiên tôi chọn ghé thăm là khu vực hồ Cần Húc (đây là hồ cung cấp nước tưới tiêu cho phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xóm). Sở dĩ tôi chọn đến đây trước bởi đây là khu vực khó khăn nhất, nhì trong xóm. Người dân vẫn gọi đây là khu "khỉ ho cò gáy".

Diện tích đất tuy rộng, khí hậu trong lành, nhưng để vào được đây chỉ có một đường mòn nhỏ. Trong lần tôi đến đến chừng 6 - 7 năm về trước, cả dãy đồi thoai thoải, mênh mông chẳng có gì nhiều ngoài cây tạp và các bụi cây xương rắn. Có người khi đó đã ao ước, đến một ngày những bụi cây xương rắn kia sẽ nhường chỗ cho các vườn cây ăn quả.

Đón tôi ở đầu đường rẽ vào hồ Cần Húc, bà Nguyễn Thị Bình, người đã có thâm niên làm trưởng xóm 14 năm nay chỉ tôi tấp xe, dựng sát vào lề đường để đi bộ. Trong suy nghĩ của tôi khi đó vẫn hình dung ra con đường bé tẻo teo năm nào đang đón tôi phía trước.

Vừa đi được mấy bước chân, tôi đã nghe tiếng máy chạy ầm ì phía  trước. Bà Bình cất tiếng bảo: Hôm nay, xóm đổ nốt đoạn đường bê tông còn lại, vướng máy móc nên mình phải đi bộ. Tôi “à” lên một tiếng đầy bất ngờ. Hóa ra, lý do mà chúng tôi phải đi bộ không phải là vì con đường cũ mà vì lý do này.

Lách người qua chiếc máy trộn bê tông và xe tải, trải dưới chân tôi là con đường cấp phối rộng chừng 4m. Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Nguyễn Kiên Cường, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trần Văn Hùng, Thanh tra nhân dân đang giám sát việc thi công đường.

Những cán bộ gương mẫu là đầu tàu cho người dân học tập, noi theo

Bà Bình vui vẻ cho biết: Đường vào hồ giờ đã được mở rộng và đổ bê tông, xe ô tô có thể đi lại dễ dàng. Mỗi khi có việc của xóm, Ban Công tác Mặt trận gần như chẳng vắng mặt ai bao giờ. Ai cũng coi việc chung như việc của gia đình mình nên mọi thứ đều rất trôi chảy.

Nhờ sự đồng lòng đó, bà con trong xóm đều tin tưởng và ủng hộ mọi kế hoạch tập thể đưa ra. Mấy năm trở lại đây, xóm đã làm được 7 nhánh đường bê tông với chiều dài khoảng 5km.

Ngạc nhiên hơn nữa là những bụi cây xương rắn ven đường đã nhường chỗ cho nào mít, na, nhãn, ổi cao đến bụng người lớn. Tôi quay sang bà Bình hoan hỉ: Vậy là mong mỏi một ngày những đồi cây dại sẽ biến thành đồi cây ăn quả của mình đã sắp thành hiện thực rồi.

Bà Bình tươi rói: Thành rồi Nhà báo ạ. Đồi rậm rạp, bà con làm từ trong ra. Chỗ cây này là mới trồng còn ở phía trong kia, cây đã cho thu hoạch rồi. Năm vừa rồi, vườn cây cả trăm gốc của gia đình bà Hà bói quả. Bà ấy không bán, mà chở cả xe ô tô quả đi mời bà con khắp xóm ăn thử. Quả ngon lắm.

Người dân cần cù

Người mà Trưởng xóm Nguyễn Thị Bình nhắc tới là bà Nguyễn Thị Hà. Cả một khu đất rộng với nhiều cây xanh mướt mát đang bói quả. Đang cho đàn gà cả trăm con đẹp như tranh ăn, bà Hà dừng tay giới thiệu: vườn cây này, gia đình bà bắt đầu trồng từ 5 năm trước, với 100 cây hồng xiêm, xoài Đài Loan, hơn 500 gốc mít Thái, gần 100 gốc hồng giòn Bắc Kạn, nhãn, na mỗi loại hơn 100 gốc nữa đều đã cho thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Hà bên vườn hồng xiêm đang bói quả

Bà Hà chia sẻ, khi bắt đầu, mỗi ngày đi phát cây dại có khi chỉ được một khoảnh rộng bằng cái nia, gai cào sứt sát, rớm máu tay, toạc vai áo là chuyện bình thường. Bởi vậy, có muốn cũng không làm dược gì nhiều. Từ khi có đường, viêc đi lại, thuê máy móc phát dọn cũng dễ dàng hơn. Tôi luôn nghĩ, thành quả mình có được hôm nay một phần cũng là nhờ có con đường được mở rộng. Mà con đường đó là công sức của cả xóm, không của riêng ai nên những trái cây đầu vụ ngon nhất tôi muốn mới bà con cùng thưởng thức.

Tôi trộm nghĩ, có tập thể cán bộ xóm nhiệt tình, trách nhiệm, người dân sống chan hòa, không chỉ biết nghĩ cho mình thế thì xóm được vinh danh là điều dễ hiểu. Đang mải mê nghĩ, bước chân tôi hơi khựng lại lúc nào không hay, tưởng đâu mình đang lạc vào khu du lịch sinh thái nào đó.

Con đường bê tông còn trắng màu xi măng mới sạch tinh tươm, 2 bên là những hàng cau thẳng hàng tăm tắp, phía trước mặt là bãi cỏ rộng, giữa bãi cỏ ấy là một ngôi nhà sàn êm đềm trong nắng sớm. Đàn gà thau tháu màu lông sặc sỡ đang thong dong nhặt cỏ dưới gốc mấy cây vú sữa… cách đó không xa là hồ Cần Húc.

Nhiều đàn gà được nuôi theo hình thức chăn thả

Cảnh vật đẹp đến nao lòng, từ trong nhà sàn, chủ nhà - chị Võ Thị Chung bước xuống mới khách lên nhà uống nước. Trong nhà có đầy đủ hệ thống camera, loa đài… Hóa ra đây là nơi gia đình chị đang kiến thiết. Có đường đi thuận tiện, hàng ngày chị Chung chỉ vào chăn đàn gà và kiểm tra vườn cây ăn quả với hàng trăm gốc mít, na, hồng xiêm rồi lại trở ra nhà đang ở ngoài trung tâm xóm. Tại đó gia đình chị còn có một xưởng gỗ ép với hàng chục nhân công lao động…

Từ hồ Cần Húc trở ra, tôi được bà Bình đưa đến thăm nhà văn hóa xóm vừa mới kịp hoàn thành còn thơm nguyên mùi vôi vữa. Tại đây, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Nguyễn Kiên Cường và Thanh tra nhân dân Trần Văn Hùng cũng đang có mặt đã kiểm tra và thu dọn một số vật dụng trong khuôn viên Nhà văn hóa rộng hơn 1.400m2.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, để có được nhà văn hóa rộng rãi, khang trang, với đủ diện tích sân chơi thể thao, mỗi hộ dân trong xóm đã đối ứng số tiền 2 triệu đồng. Các đoàn thể, hộ kinh doanh trên địa bàn xóm cũng tích cực đóng góp, ủng hộ. Đến nay, số tiền đầu tư làm nhà văn hóa xóm đã vượt trên 750 triệu đồng.

Nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang, rộng rãi

Trưởng xóm Nguyễn Thị Bình tâm sự: Có lẽ động lực lớn nhất để những người như chúng tôi kiên tâm lo việc xóm làng được chính là nhờ sự ủng hộ hết mình của bà con trong xóm. Mọi chủ trương, kế hoạch định ra đều nhận được sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo xóm và khi triển khai lại nhận được sự hưởng ứng của nhân dân.

Ngoài chung tay xây dựng hạ tầng thôn xóm, người dân còn chú trọng phát triển kinh tế. Nếu như năm 2021, cả xóm còn 31/192 hộ nghèo, thì cuối năm 2022 này số hộ nghèo đã giảm được hơn một nửa, chỉ còn 15 hộ.

Phát huy thế mạnh đất nông, lâm nghiệp, bà con trong xóm tích cực trồng rừng và cây kinh tế khác. Toàn xóm hiện có 80 ha rừng, 24 ha đất cấy lúa và 18 ha chè đang cho thu hái.

Đến nay, xóm đã hình thành và phát triển 4 xưởng chế biến lâm sản. Trong đó, có 2 xưởng ván ép và 2 xưởng gỗ băm. Cùng với đó còn hàng chục xưởng xẻ. Đặc biệt, trong xóm đã thành lập được 2 hợp tác xã (HTX) là HTX Vững Tiến với sản phẩm chủ lực là thịt hun khói và lạp sườn và HTX Bình Hồng chuyên sản xuất ván ép. Từ đây, đã tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương.

Nhiều lao động địa phương đã có việc làm nhờ các HTX, các xưởng chế biến gỗ tại xóm

Kinh tế khá giả, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng phát triển. Chi hội Người cao tuổi, Phụ nữ đều có các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt thường xuyên. Xóm có đội văn nghệ xung kích sẵn sàng biểu diễn trong những sự kiện, các ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng, với nhiều thành viên nòng cốt, nhiều tiết mục phong phú như múa sạp, hát then…

Tôi tâm đắc với chia sẻ chân thành của Bí thư Chi bộ Nguyễn Thanh Tuấn: Xóm làng tôi phát triển được là nhờ đoàn kết và không có người lười.

Câu nói mộc mạc đó mà có tính khái quát thật đủ đầy. Sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng sẽ tạo ra sức mạnh to lớn và đúng như lời thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy