Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
15:48 (GMT +7)

Khi hành vi xâm hại trẻ em được khoác vỏ bọc văn hóa

VNTN - Dù lần đầu tiên họp trực tuyến, tuần qua, Quốc hội khóa 14 vẫn trải qua một ngày đầy cung bậc cảm xúc, khi tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Mỗi kỳ họp, Quốc hội chỉ chọn một chuyên đề để giám sát, và hoạt động này luôn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Chưa cần đi vào những vụ việc gây rúng động dư luận thời gian qua thì những con số mang tính cảnh báo nghiêm trọng như nhận xét của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đã khiến nhiều đại biểu day dứt. Từ báo cáo của Đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên), đại biểu Trần Thị Hiền điểm qua những con số đau đớn: Sáu tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em, một số địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai trong mười địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

"Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương có số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất (13 em), thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)", đại biểu Hiền nói. Nhưng, theo nhiều đại biểu thì những con số thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về tình hình xâm hại trẻ em. Rồi những vụ án đau lòng với vô số hình thức xâm hại trẻ em được đại biểu nêu trước nghị trường, từ xâm hại tình dục, bạo hành dã man về thể xác cho đến tra tấn về tinh thần... Song, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), dù các hành vi xâm hại trẻ em đã được soi rọi qua nhiều lăng kính quy định pháp luật, các vụ xâm hại được đưa ra công luận và xử lý tới cùng, song vẫn còn nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại mà một trong số đó vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy nhưng chưa được nhìn nhận trong báo cáo giám sát lần này, vì có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa. Ông Nhân lấy ví dụ, khi cậu bé mới 4 tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong một game show trên truyền hình, liệu có người xem nào đặt câu hỏi: ở đây, phải chăng đã có hành vi xâm hại trẻ em? Việc làm cho một đứa trẻ vừa lên 4 phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác và clip đó tồn tại với thời gian được hàng triệu người xem trên mạng xã hội, đó có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em đã được định nghĩa trong Luật Bảo vệ trẻ em? - ông Nhân đặt vấn đề. Kể tên hàng loạt chương trình khác trên sóng truyền hình quốc gia, vị đại biểu Bình Dương nhận xét, đó không đơn thuần là sự bùng nổ các game show thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị phi đạo đức. Khi những người có trách nhiệm để những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ học cách sống cạnh tranh hơn thua để bước lên ngôi vị cao nhất và tự bào chữa cho hành vi đó bằng một lý lẽ đầy thành tích là tạo thêm sân chơi cho trẻ em, đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình, đại biểu Nhân phân tích. Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi, ông Nhân tâm tư. Tiếp tục phát biểu, ông Nhân nói, ở góc nhìn khác, tác phẩm điện ảnh mà cảnh nóng của cô bé 13 tuổi trong một bộ phim từng gây tranh cãi cũng là một điển hình cho lớp vỏ của văn hóa. Thật khó khăn khi nhắc lại câu chuyện này, một cô bé 13 tuổi chưa thể nào nhận thức hết những nguy hiểm của hành vi đó, nhưng chắc chắn ê kíp sản xuất và người thân của cô bé phải biết: tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của đứa trẻ có thể bị tổn hại. Nhận thức đầy đủ hơn về xâm hại trẻ em, đó có lẽ là thông điệp mạnh mẽ từ nghị trường. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong một lần phát biểu khi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội đã "nói rất thật lòng" là: nhận thức và hiểu biết về pháp luật liên quan đến việc xâm hại trẻ em còn chưa chuẩn xác ở mọi cấp và nhiều người dân. Luật Trẻ em quy định xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức tổn hại khác. Thử hỏi bao nhiêu người trong xã hội hiểu đúng việc này?, Phó Thủ tướng từng phát biểu với Đoàn giám sát của Quốc hội.

 

Nhiều trẻ có trải nghiệm đau buồn trên mạng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cảnh báo về nguy cơ xâm hại trẻ em trên mạng khi Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 64 triệu người dùng, chiếm 66% dân số. Trong đó 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 và mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Đại biểu Thủy nhấn mạnh, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Nếu như các vụ xâm hại ở ngoài xã hội thì chỉ một vài người chứng kiến, vụ việc xâm hại nếu bị đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời. Sau đó, đại biểu dẫn vụ án xảy ra tại Đà Nẵng, với thủ đoạn đăng tin cần tuyển lao động với mức lương cao trên mạng xã hội, 5 đối tượng đã tiếp cận bé gái 15 tuổi tại căn hộ thuê ở quận Sơn Trà, sau đó là cho tiền, dụ dỗ bé gái biểu diễn tình dục và live stream phát trực tiếp trên mạng xã hội có thu phí và đã thu hút nhiều triệu người xem clip đó.

VĨNH AN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy