Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
16:39 (GMT +7)

Khi giới trẻ làm thiện nguyện

VNTN - Trong mỗi con người, hướng thiện là bản năng. Nhưng đôi khi, mầm thiện cần được đánh thức, theo một cách nào đó…

Từ những chiến dịch “gây bão”

Mùa đông 2018 ấm áp hơn, bởi nhiều câu chuyện nhân văn cảm động. Ngày 15/12, hàng triệu người Việt vỡ òa hạnh phúc trước chiến thắng vinh quang của đội bóng nước nhà, và trong những giây phút thiêng liêng ấy, khán giả còn rơi nước mắt khi xem Điều ước thứ 7 với câu chuyện về cậu bé 4 tuổi được gặp các siêu nhân mơ ước của em là cầu thủ Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng. Tôm nhỏ bé bị u não, nhưng đã kiên cường chống chọi với tử thần qua 16 lần xạ trị, hai lần đại phẫu thuật, một tháng hôn mê. Em đã làm được những điều phi thường bất chấp mọi lời tiên đoán khắc nghiệt, như U23 Việt Nam lập kỳ tích ở Thường Châu. Đồng hành với bé Tôm là người mẹ dũng cảm, chị Hà - người phụ nữ có nụ cười đẹp mê hồn, dù đôi mắt luôn ngập nước. Suốt 45 phút của chương trình, không ai nói lời bi thiết, không có những cụm từ gây đau đớn thường đi kèm với bệnh ung thư, nhưng sự cảm động vẫn thấm thía vào trái tim từng khán giả.

Bé Tôm rạng rỡ khi được gặp các cầu thủ mình yêu mến. Ảnh: Điều ước thứ 7.

Tôm và mẹ Hà được Đài Truyền hình biết đến, bởi trước đó không lâu, hai mẹ con cũng đã làm lay động mạng xã hội với bộ ảnh photovoice “24 giờ của Tom” - tác phẩm của nhiếp ảnh gia Kim Bánh trôi nước kể về một ngày của bệnh nhi ung thư cùng bao thổn thức giằng xé trong tâm can những người làm cha, làm mẹ.

Chụp ảnh về đề tài bệnh nhân, vẽ tranh, sơn tường cho không gian bệnh viện là niềm say mê của nhiều nghệ sĩ trẻ, khi họ nhận ra rằng, đối với những con người đang chịu dày vò thể xác, nỗi đau cần được xoa dịu bằng những sự trợ giúp tinh thần. Bệnh viện Quân đội 108 được coi như cơ sở khám bệnh hiện đại, văn minh bậc nhất khu vực, không phải chỉ bởi trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến mà còn bởi sự nhân văn trong cách ứng xử. Ai từng đến đây hẳn sẽ không thể quên không gian ấn tượng ngay tại tiền sảnh với những người nghệ sĩ tình nguyện chơi dương cầm, giúp bệnh nhân chữa lành “tâm bệnh”.

Cũng từ cảm xúc dành cho những bệnh nhân hiểm nghèo, cuối tháng 11, một chiến dịch truyền thông nhân ái thu hút hàng ngàn người tham gia khiến cụm từ “hoa hướng dương” bỗng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam. Đó là cuộc vận động đăng status hình hoa hướng dương - loài hoa biểu tượng cho nghị lực của các bệnh nhi ung thư, để quyên góp 30 ngàn đồng cho chương trình Ước mơ của Thúy. Gần 5.5 tỷ đồng được trao tặng có thể không lớn so với đóng góp của nhiều nhà hảo tâm từ trước đến nay, song điều ý nghĩa nhất của chiến dịch này là nó giúp cho nhiều người biết đến Ngày hội Hoa hướng dương, quan tâm đến những em bé trọng bệnh, và hiểu rằng, có những điều nhân văn được thực hiện theo cách thức thật giản dị.

Hành trình thiện nguyện: giá trị cũ, tư duy mới

Thời chiến quốc, Mạnh Thường Quân nổi danh nghĩa hiệp. Phàm là những người tìm đến xin tá túc đều được cung phụng đầy đủ, ít nhất cũng có cơm ăn, áo mặc. Một lần, phát hiện trong nhà gần hết tiền lương, ông sai Phùng Hoan - một trong số 3.000 thực khách, xuống ấp Tiết đòi nợ. Nhưng đến nơi, thấy những người mắc nợ đều là dân nghèo, Phùng Hoan đã tự ý ra lệnh đốt sạch sổ nợ và bố cáo rằng: “Mạnh Thường Quân cho vay nợ không phải vì lợi lộc mà muốn để mọi người mưu sinh, lập nghiệp”. Biết tin, Mạnh Thường Quân hết sức tức giận, nhưng sau đó, khi ông bị gièm pha thất thế, chính người ấp Tề lại đón ông, dâng cơm rượu, nhắc chuyện ân nghĩa trước kia…

Điển tích trên lý giải nguồn gốc từ Mạnh Thường Quân, chỉ những người có tấm lòng rộng rãi, cứu giúp thiên hạ. Trong truyền thống, việc thiện nguyện thường được thực hiện theo cách của Mạnh Thường Quân và Phùng Hoan, nghĩa là mở lòng, rộng cửa tiếp đãi người khó, chu cấp không cần hoàn lại. Ngày nay, cách làm từ thiện đã dần thay đổi, ở đó, ai cũng có thể làm điều nhân nghĩa, không nhất thiết phải là “Mạnh Thường Quân”.

Thay bằng tiềm lực kinh tế, những người làm thiện nguyện hiện đại đã nắm trong tay vũ khí tối ưu, đó là nền tảng tri thức, công nghệ thông tin và sức sáng tạo bất tận. Đã qua rồi thời kỳ mà hoạt động từ thiện chỉ gói gọn trong những cách thức đơn giản như: nộp tiền ủng hộ, mua tăm tình thương, góp gạo tặng áo… Điểm lại hoạt động cộng đồng thời gian qua, có thể thấy sự bùng nổ của những ý tưởng nhân ái, đa phần được thực hiện bởi những nhóm bạn trẻ. Đó là Suger với dự án Đường đến tri thức (Route to the knowledge), dạy học "một-kèm-một" tại các mái ấm, Beauty Mind VN chăm sóc tâm lý; Biệt đội SOS Sài Gòn sẵn sàng hỗ trợ tất cả mọi người khi gặp trường hợp khẩn cấp. Xà phòng hy vọng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều khách sạn với kế hoạch hướng dẫn cộng đồng tái chế, xử lý xà phòng dư thừa, góp phần cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường. Các thành viên “Rạp phim 300k” mang trên vai hành trang là một chiếc máy chiếu, nước ngọt, bắp rang bơ, rong ruổi trên những cung đường xa xôi, đưa một miền kí ức đã qua trở lại với tụi trẻ hiện tại. Trong góc nhìn của các bạn trẻ, từ thiện không cần đao to búa lớn, mà đơn giản chỉ cần “gom góp mảnh vui nhỏ làm thành hạnh phúc lớn” như khẩu hiệu của nhóm thiện nguyện nổi tiếng Sunbox. Ở phạm vi khu vực, hai cô gái trẻ Nguyễn Thị Uyên và Trần Quỳnh Như đã giành quán quân trong đấu trường Sáng tạo trẻ châu Á 2017 với ý tưởng về hoạt động cộng đồng thú vị. Đối mặt với đề bài về vấn đề trẻ em nhập cư ở Thái Lan, Chi và Uyên đã sử dụng sự tương đồng trong việc mất kết nối ảo khi người dùng truy cập Wi-fi và sự mất kết nối thật với cộng đồng của các em nhỏ nhập cư trái phép nơi đây. Khi người dùng truy cập vào Wifi tại các địa điểm công cộng, một thông báo giả về việc kết nối thất bại hiện lên, cùng với đó là đoạn phim về việc mất kết nối của những trẻ em nhập cư trái phép tại Thái Lan và kêu gọi mỗi người dùng ủng hộ 1 USD. Đơn giản nhưng có tác động sâu sắc đã giúp đại diện Việt Nam giành giải cao trong cuộc thi danh giá này.

Bệnh nhi Phương Anh, quê ở Khánh Hòa, điều trị tại khoa nội ung bướu vệ tinh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, được chương trình “Ước mơ của Thúy” tổ chức sinh nhật tại giường bệnh. Nguồn: www.tin247.com

Nhiều nhà hoạt động xã hội cùng chung quan điểm: dự án thiện nguyện của giới trẻ có sức hấp dẫn, lan tỏa xuất phát từ sự thay đổi tư duy. Thay bằng “tư duy từ thiện” truyền thống, các nhóm đều có thiên hướng công tác xã hội. Ở đó, không còn cảm giác cho - nhận, ban ơn, cũng không nhất thiết phải tạo dựng thông điệp bằng những hình ảnh, thông tin cào xé vào cảnh ngộ nhân vật. Họ được tiếp cận tri thức, tập huấn về kỹ năng, để kêu gọi ủng hộ bệnh nhân ung thư mà không bao giờ phải chạm tới những cụm từ gây đau đớn như “giai đoạn cuối”, “vô phương cứu chữa”, ủng hộ trẻ em vùng cao mà không phải “trưng” những bức hình lấm lem, tội nghiệp của chúng trước cộng đồng xã hội.

Khi cảm hứng được khơi gợi

1.200% là con số kỳ diệu phản ánh tỷ lệ gia tăng của số người đăng ký hiến tạng, sau khi cô bé Hải Anh ra đi, tặng lại cuộc đời đôi mắt. Chắc hẳn, lúc gật đầu đồng ý với mẹ “tặng lại ánh sáng cho các bạn khác”, em không thể biết mình đã để lại cho cuộc đời một điều vĩ đại như thế. Quyết định hiến tạng không dễ dàng đối với con người, nhất là ở một nền văn hóa coi trọng tín ngưỡng như Việt Nam. Nhưng từ việc làm của Hải Anh và gia đình em, hàng nghìn người đã thay đổi nhận thức, đem đến cơ hội sống cho nhiều nghìn người khác. Đó là minh chứng cho sức mạnh của nguồn cảm hứng. Nhân chi sơ tính bản thiện, mầm thiện luôn có trong con người như một thứ bản năng, song không phải lúc nào nó cũng được khơi dậy. Bởi thế, những dự án nhân ái vì cộng đồng chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, nếu nó gợi được cảm hứng trong xã hội. Làm từ thiện thời đại 4.0 đòi hỏi ở người khơi nguồn tâm huyết cùng sự sáng tạo, dựa trên sự thấu hiểu tâm lý cộng đồng. Có thể lạc quan tin rằng, tuổi trẻ Việt Nam có thể làm nên nhiều điều ý nghĩa, khi sức sáng tạo hòa nhịp cùng cảm hứng nhân ái.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy