Khi chuỗi ngày bình yên bị đe dọa
VNTN - Kết thúc tháng 7/2021, thế giới đã ghi nhận 197.912.842 người nhiễm, 4.222.242 người tử vong vì COVID-19. Còn tại nước ta, chỉ tính từ 27/4 đến nay (03/8), Bộ Y tế đã công bố có 165.339 ca nhiễm, 1.881 trường hợp đã tử vong. Những con số đó cho thấy mức độ nghiêm trọng và tốc độ lây lan đến “chóng mặt” của đại dịch COVID-19 trong lần thứ 4 bùng phát trở lại này.
Bởi vậy, khi trên địa bàn xã Tân Khánh, huyện Phú Bình xuất hiện chùm ca bệnh với 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã khiến cho chuỗi ngày bình yên ở Thái Nguyên bị đe dọa. Với phương châm “thần tốc, quyết liệt, truy vết nhanh, cách ly kịp thời, xét nghiệm rộng”, huyện Phú Bình nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung đang nỗ lực, chạy đua với thời gian triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
“Thần tốc, quyết liệt” ứng phó với chùm ca bệnh ở Tân Khánh
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên và tiếp đó là 5 ca bệnh là F1 của ca bệnh đầu tiên, rất nhiều cuộc họp chỉ đạo chống dịch đã được diễn ra ngay trong đêm. Các cuộc xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, khử khuẩn cũng được thực hiện ngày đêm… Bám sát các hoạt động chỉ đạo của huyện Phú Bình trong những ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy, các phương án phòng, chống liên tục được huyện điều chỉnh cho thấy tính chất phức tạp của đợt dịch lần này. Cụ thể, sáng ngày 27/7, ngay sau khi phát hiện bệnh nhân là chị V.K.N, thường trú tại tỉnh Hậu Giang, đến xóm La Muôi, xã Tân Khánh (Phú Bình) từ nhiều ngày trước được xác định dương tính với SARS-CoV-2, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Phú Bình đã lập tức khoanh vùng, lập 9 chốt kiểm soát phong tỏa chặt chẽ 2 xóm La Muôi và La Tú; phun thuốc khử khuẩn địa bàn 2 xóm trên; tập trung truy vết các trường hợp liên quan đến F0; triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả người dân ở 2 xóm; thống kê chi tiết số lượng công nhân trên địa bàn 2 xóm. Đêm cùng ngày, phương án thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng trên địa bàn toàn xã Tân Khánh.
Một người dân xã Tân Khánh chưa kịp trở về nhà khi xã có quyết định cách ly theo Chỉ thị 16.
Một ngày sau, trên địa bàn xã tiếp tục phát hiện thêm 5 trường hợp là F1 của bệnh nhân V.K.N có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện ra quyết định áp dụng cách ly xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 thêm 3 xóm của xã Tân Kim, gồm: Quyết Tiến, La Đao và La Đuốc (giáp ranh với xã Tân Khánh). Xã Tân Kim cũng thành lập 4 chốt kiểm soát tại 3 xóm nằm trong diện giãn cách. Toàn bộ người dân các xóm nằm trong vùng phong tỏa được xét nghiệm SARS-CoV-2. Cũng liên quan đến ca bệnh của xã Tân Khánh, từ 12 giờ ngày 28/7, huyện Đồng Hỷ cũng đã chính thức cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xóm Bảo Nang và một số hộ dân của xóm Tân Thành (trên trục đường 269C), thuộc xã Tân Lợi. Thiết lập các chốt kiểm soát, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khu vực, địa bàn phong tỏa. 6 hộ dân tại tổ 13, phường Túc Duyên T.P Thái Nguyên cũng được UBND thành phố ra quyết định phong tỏa tạm thời vì đây là khu vực có 1 trường hợp là F1 liên quan đến ca bệnh V.K.N. Lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên đã phun khử khuẩn nhà của gia đình trường hợp F1 và các hộ dân xung quanh, đồng thời lập 3 chốt phong tỏa các hộ gia đình có trường hợp F2. Đêm 28/7, UBND huyện Phú Bình tiếp tục ban hành Quyết định phong tỏa và thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xóm Náng, xã Nhã Lộng bắt đầu từ 00 giờ ngày 29/7. Qua truy vết, đây là địa phương có 3 trường hợp F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 tại xóm La Muôi, xã Tân Khánh.
Cho đến chiều 1/8, huyện Phú Bình ghi nhận bệnh nhân thứ 8 liên quan đến chùm ca bệnh này đều ở xóm La Muôi, xóm Hải Minh được bổ sung vào danh sách cách ly xã hội của xã Tân Kim.
Xe chuyên dụng của Quân khu 1 phun khử khuẩn trong khu vực phong tỏa.
Ông Dương Ngọc Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Khánh thông tin: Kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn xã, toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức xã được yêu cầu ở lại trụ sở UBND để thực hiện công tác chống dịch và để kịp thời ứng phó khi có các tình huống phát sinh. Xã đã được Quân khu 1 phun khử trùng tiêu độc khoảng 70ha diện tích đất có nhà ở, công trình trụ sở, đất giao thông trên địa bàn.
Liên tiếp dự các cuộc họp nhanh tiếp thu chỉ đạo của tỉnh và chủ trì các cuộc họp tại huyện, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, ông Dương Văn Hưng cho biết: Để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, hiện nay, cùng với việc kịch hoạt 5 khu cách ly tập trung của huyện với sức chứa trên 1.000 trường hợp, chúng tôi yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục rà soát để thành lập thêm mỗi xã, thị trấn từ 1-2 khu cách ly tập trung, quy mô từ 30-50 giường/khu; đồng thời yêu cầu các địa phương kiện toàn lại các tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng. Cùng với đó, theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, chiều 28/7, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày đối với ông Nguyễn Anh Võ, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn xã.
Theo chân Ban Chỉ đạo kiểm tra, khảo sát tại vùng phong tỏa, hầu hết người dân đều chấp hành tốt quy định của Chỉ thị 16. Các gia đình đều cửa đóng, then cài đảm bảo việc cách ly giữa gia đình với gia đình. Do được tuyên truyền thường xuyên, kịp thời nên nhìn chung tâm lý người dân khá ổn định.
Lực lượng chốt chặn chốt tại các khu vực phong tỏa kiên quyết không cho người và phương tiện ra, vào khu vực phong tỏa, cách ly.
Bà Nguyễn Thị Vượng, xóm La Tú, xã Tân Khánh chia sẻ: Ban đầu khi biết thông tin xóm giáp ranh có ca F0, chúng tôi cũng rất lo sợ, nhưng sau đó có xe tuyên truyền lưu động, người dân chúng tôi được làm xét nghiệm nên cũng yên tâm dần. Tôi dặn các con, cháu thực hiện tốt việc ở trong nhà và tin tưởng vào cách chống dịch của chính quyền.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn phát sinh. Đối với xã Tân Khánh, hay một phần của xã Tân Kim nằm trong vùng phong tỏa, việc đảm bảo đồ ăn, thức uống cho người dân không phải là vấn đề, bởi đa phần các hộ đều có thể tự cung, tự cấp. Nhưng, việc duy trì hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây là vùng chăn nuôi trọng điểm của huyện. Với tổng đàn gia cầm trên 500.000 con, đàn lợn trên 7.000 con, nhu cầu về lượng thức ăn chăn nuôi của người dân trên địa bàn xã Tân Khánh cần khoảng 60 tấn/ngày. Vậy nhưng, trong những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi đã không thể vận chuyển hàng vào vùng phong tỏa.
Trước nhu cầu cấp thiết đó, huyện Phú Bình đã chỉ đạo địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho bà con bằng cách cho phép các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi từ những vùng không có dịch vận chuyển đến các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn xã. Sau đó, xã bố trí phương tiện và cử lực lượng hỗ trợ đưa thức ăn chăn nuôi đến từng hộ gia đình và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân quá lớn, phương tiện của xã có hạn nên lượng thức ăn chăn nuôi đưa vào vùng phong tỏa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện, xã đang tiếp tục bố trí thêm phương tiện, lực lượng để hỗ trợ đưa thức ăn chăn nuôi vào vùng phong tỏa, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ trong những sắp ngày tới.
Nhu cầu về thức ăn chăn nuôi tạm thời được tháo gỡ nhưng tại đây, khoảng 400 tấn gia súc, gia cầm đã đến thời kỳ xuất chuồng. Không được phép đưa ra ngoài tiêu thụ, thiệt hại về kinh tế cho người nông dân là không nhỏ. Liên hệ với lãnh đạo xã Tân Khánh, chúng tôi được biết, hiện xã đang xin ý kiến chỉ đạo của huyện và của tỉnh để tháo gỡ khó khăn này.
Bà Dương Thị Luận, xóm Cả, xã Tân Khánh lo lắng: Gà, vịt đã đến ngày xuất chuồng, có nuôi thêm chúng cũng gần như không tăng trọng lượng. Trong khi đó, mỗi ngày, đàn gà, vịt 2.500 con của gia đình tôi ăn hết 15 bao cám, chi phí thức ăn phát sinh khoảng 4,1 triệu đồng/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 2 tuần nữa thì tiền bán gà, vịt của gia đình tôi không đủ để trả tiền cám cho đại lý.
Toàn tỉnh “căng mình” ngăn chặn dịch
Trước nguy cơ chỉ một chút lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn bất cứ khi nào, phá vỡ những thành quả trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh trước đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sáng 28/7, Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp khẩn với một số thành viên BCĐ phòng, chống dịch của tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Phú Bình để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm nhanh chóng dập ổ dịch tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình. Trong ngày 28/7, Sở Y tế và các ngành, địa phương căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý, phụ trách.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xóm La Muôi, xã Tân Khánh.
Cùng với đó, việc xét nghiệm sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm được tiến hành ở các khu nhà trọ cho người lao động, sinh viên, nhất là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, TX. Phổ Yên, huyện Phú Bình; các cụm dân cư có người liên quan đến các ca bệnh COVID-19 mới phát hiện tại tỉnh.
Hơn lúc nào hết, các địa phương trên toàn tỉnh, nhất là những địa bàn giáp ranh với vùng có dịch đang “căng mình” siết chặt công tác kiểm soát người ra vào tỉnh. Ngay cả việc đi lại của người dân giữa các địa phương có nguy cơ cao cũng được nâng mức cảnh giác. Tại nhiều chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid, mặc dù thời tiết oi nóng, song việc đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra phiết xét nghiệm COVID-19, chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ liên quan theo quy định của những người lưu thông qua chốt vẫn được các lực lượng làm việc tại chốt nghiêm túc thực hiện không bỏ qua bất kỳ một trường hợp nào với bất cứ lý do gì. Do không đảm bảo các điều kiện vào tỉnh theo quy định, nhiều người dân buộc phải quay đầu xe.
Cùng với đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương lập các chốt đóng, chặn các lối ra vào khu công nghiệp Điềm Thụy. Theo đó, UBND TX. Phổ Yên tiến hành thành lập chốt kiểm soát, chống dịch bệnh COVID-19 tại cổng Tây Nam KCN- Khu A (phía đường gom); UBND huyện Phú Bình thành lập chốt kiểm soát, chống dịch bệnh COVID-19 tại cổng chính KCN - Khu A (hướng Bắc giáp đường ĐT.266) nhằm kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào KCN. Tất cả các phương tiện của các công ty, nhà máy có hoạt động tại KCN đều phải đăng ký và logo nhận diện mới được đi qua chốt.
Bắt đầu từ ngày 29/7, TX. Phổ Yên đã cho toàn bộ chợ trên địa bàn của xã, phường giáp ranh với huyện Phú Bình tạm dừng hoạt động để phòng, tránh dịch. Còn các chợ không giáp ranh trực tiếp với huyện Phú Bình, TX. thực hiện phát phiếu đi chợ cho công dân. Một tuần, mỗi gia đình sẽ có 3 phiếu vào chợ. Đồng thời, lập 17 chốt kiểm dịch tại 7 chợ trên địa bàn các xã, phường, gồm: Trung Thành, Đông Cao, Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái, Phúc Tân và Ba Hàng. Các chốt kiểm dịch trong chợ được bố trí lực lượng dân quân, công an viên, trưởng xóm/tổ trưởng tổ dân phố... thực hiện nhiệm vụ đo thân nhiệt, tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện đeo khẩu trang và chấp hành các biện pháp phòng dịch khác theo khuyến cáo của Bộ Y tế... khi ra vào chợ.
Việc phải có phiếu và đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch mới được vào chợ dù có bất tiện hơn thông thường nhưng đa số người dân đều tỏ ra đồng tình và nghiêm túc thực hiện. Cũng với tinh thần này, đến nay, UBND huyện Phú Bình cũng đã cho dừng hoạt động của 7/13 chợ trên địa bàn huyện.
Đến nay toàn huyện Phú Bình đang duy trì 9 chốt cấp huyện và gần 40 chốt cấp xã.
Trước việc xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nâng cấp độ phòng, chống dịch, trong đó có việc tăng cường hoạt động của các tổ tự quản phòng, chống dịch tại cộng đồng... Toàn tỉnh hiện có 2.336 tổ COVID-19 cộng đồng/2.336 xóm, tổ dân phố (đạt 100% số, xóm tổ dân phố) và 178 tổ cơ động phòng, chống dịch Covid tại 178 xã, phường, thị trấn với trên 15 nghìn thành viên. Thành viên của mỗi tổ COVID-19 cộng đồng là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố; công an viên và dân phòng; thôn đội trưởng và dân quân; y tế thôn bản; đại diện một số đoàn thể…
Những diễn biến của dịch bệnh hiện nay là rất khó lường, có thể trên địa bàn sẽ còn ghi nhận những ca bệnh mới. Nên, bên cạnh sự quyết liệt của các cấp, ngành, yếu tố quan trọng hơn hết quyết định thành bại của công tác phòng, chống dịch vẫn là ý thức của người dân. Bởi vậy, sự tuân thủ tuyệt đối những khuyến cáo của ngành y tế, trở thành nhân tố tích cực trong giám sát ở cộng đồng của mỗi người dân sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc phòng, chống và đẩy lùi đại dịch này. Bên cạnh đó, người dân ở các vùng phong tỏa, cách ly cũng đang rất mong ngành chức năng liên quan sớm có thêm những giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân duy trì và ổn định hoạt động sản xuất.
Sa Mộc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...