Khi cha cũng là “mẹ hiền”
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6
VNTN - Thiếu vắng người phụ nữ kề bên cùng san sẻ gánh nặng gia đình, một mình họ phải gồng gánh trên vai trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ; cứ âm thầm nỗ lực, âm thầm hy sinh để cho các con những hành trang tốt nhất vào đời.
Nỗi đau mất vợ
Đã gần 60 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Hiền (xóm Vàng, xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên) vẫn đi làm thợ xây. 21 năm gắn bó với công việc nhọc nhằn, đẫm mồ hôi này cũng là 21 năm ông chịu cảnh gà trống nuôi con. 24 năm trước, vợ ông mắc bệnh tim, một trong những biến chứng tàn khốc nhất của bệnh viêm đa khớp gây ra. Chứng kiến những cơn đau cứ ập đến rồi đi, âm thầm bào rút sức lực vợ, ông Hiền chạy vạy khắp nơi, nghe đâu có thuốc hay thầy giỏi là tìm tới. Vậy mà, người vợ mới 35 tuổi đời của ông vẫn không qua khỏi. Sau 3 năm chịu đựng sự đau đớn hành hạ, bà ra đi để lại cho ông 3 đứa con nheo nhóc. “Cố mãi mới xây được cái nhà, ở còn chưa ráo mùi vữa, bà ấy đã phải đi viện suốt 9 tháng rồi mất!”. Ngước nhìn di ảnh vợ, ông Hiền nói thêm: “Bà ấy ra đi đúng tròn 10 năm chúng tôi lấy nhau. Nó như một cái mốc khắc ở trong lòng vậy”.
Không đằng đẵng 3 năm như ông Hiền, nhưng 3 tháng sống trong cảnh nơm nớp vợ có thể ra đi bất cứ lúc nào là khoảng thời gian đau đớn đến vật vã với ông Phạm Văn Hùng (tổ 3, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên). Người ta bảo: đàn ông không dễ rơi nước mắt, họ chỉ khóc khi cảm thấy bản thân vô cùng bất lực, không thể làm gì ngoài việc khóc cho vơi đi. Đó đúng là những gì mà ông Hùng (lúc ấy 44 tuổi) đã phải trải qua. Căn bệnh u não đến với vợ ông như cái “án tử” từ trên trời rơi xuống. Mới hôm trước bà còn khỏe mạnh cùng con gái lớn bay vào miền Nam thăm ngoại, hôm sau ông đã nhận tin vợ phải nằm viện cấp cứu. Nghe bác sĩ Trưởng khoa thâm niên hơn 30 năm trong nghề lắc đầu “gia đình mang chị về sống với chồng con ngày nào hay ngày ấy”, ông như người chết lặng, nước mắt đàn ông cứ chảy dài. Đón vợ về, không đặng nhìn vợ chờ chết, Tây y “bó tay” thì ông tìm đến Đông y, cứ thế lặn lội lên tận vùng sâu vùng xa, tìm thầy lang cắt thuốc cho vợ. Vậy mà trời chẳng thương, chỉ cho vợ ở bên ông và con thêm 3 tháng rồi mất. 4 năm đã qua giờ nhớ lại hình ảnh vợ lúc bệnh, ông vẫn còn đau đớn: “Vợ tôi không ăn uống được gì. Đến uống sữa cũng không nổi. Cứ bón vào lại trào ra. Những ngày đó tôi buồn lắm, toàn lặng lẽ khóc một mình, thấy bản thân vô dụng quá, không làm được gì cho vợ!”.
Còn với thầy giáo Mai Văn Cẩn (51 tuổi, Phó Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên), cách đây 11 năm, nỗi đau mất vợ ập đến với thầy giữa niềm vui đón con gái chào đời mới 3 ngày tuổi. Vợ thầy mất vì sản giật sau sinh. “Ai cũng mong cầu hạnh phúc. Nhưng không phải mọi thứ ta đều làm chủ được”, lời thầy Cẩn nhẹ nhàng sao nghe như có tiếng xót xa, đau đớn bên trong. Trước khi mang thai, thấy vợ có biểu hiện bị ngất, không yên tâm, thầy đã đưa vợ về Hà Nội kiểm tra, xét nghiệm nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Vậy mà sinh xong, sang ngày thứ ba vợ thầy bị lên cơn sản giật, phải ra đi mãi mãi. Trước cái mất đột ngột của vợ, thầy Cẩn tưởng như ngã khụy, nhưng chính bản thân thầy đã không cho phép mình được yếu đuối: “Lúc mẹ mất, con trai lớn Mai Minh Căn mới 5 tuổi. Con ngây thơ lắm, cứ luôn miệng nhắc về mẹ khiến tôi cảm thấy rất đau lòng. Dẫu vậy, bản thân luôn tự trấn tĩnh, rằng mình cần phải vượt qua nỗi đau để thay cả phần vợ nuôi dạy các con!”.
Thầy Mai Văn Cẩn luôn quan tâm, sát sao trong việc học của con
Nhọc nhằn, vất vả, hy sinh…
Ngày vợ ông Hiền mất, tiền nợ xây nhà còn chưa trả hết, cộng thêm tiền vay mượn lo điều trị cho vợ suốt thời gian dài, kinh tế trong nhà gần như kiệt quệ. Con cái còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi chơi, đứa lớn lớp 4, đứa thứ lớp 1, còn thằng út mới 2 tuổi. Biết không thể trông vào mấy sào ruộng, ông Hiền đi làm thợ xây. “Lúc đó khốn khó, nợ nần chồng chất nhưng tôi vẫn nghĩ, phải cho các con ăn học đầy đủ, chúng nó đã thiệt thòi mất mẹ rồi!”. Ý nghĩ thương con ấy là động lực để ông làm việc quần quật cả ngày không biết mệt. Chỉ thấy đuối sức lúc các con ốm đau, nhất là thằng út còn chưa hết tuổi sài đẹn. Những đêm thức trắng trông con sốt cao, một mình lọ mọ lau người, chườm trán cho con, lòng nóng như lửa đốt, lại nghĩ “giá như vợ còn sống”, để rồi đêm lại càng dài, lòng lại càng buồn. Lúc con bệnh nặng, ông Hiền phải lóc cóc đạp xe mấy chục cây số đưa con đi viện. Vẫn một mình hớt ha hớt hải, ngược xuôi lo liệu mọi việc, chăm sóc cho con. Cực vô cùng nhưng cũng chẳng dám than nửa lời.
Đã 21 năm vợ đi xa, xong mỗi khi nhắc đến vợ, ông Nguyễn Văn Hiền không khỏi buồn đau.
Mẹ mất 3 năm, cô con gái lớn học cấp 2 đã biết động viên bố lấy vợ. Anh em họ hàng cũng nhiều lần thúc giục, mai mối nhưng ông Hiền đều gạt phắt: “Gia cảnh mình nghèo khó, lấy thêm vợ người ta có chịu được không? Có thương nổi con mình không? Các con đã khổ vì không có mẹ, lại để chúng nó lâm cảnh dì ghẻ con chồng thì tội lắm!”. Hạnh phúc với ông giờ chỉ là các con. Hỏi kỉ niệm về các con mà ông nhớ nhất, ông bảo: “Kỉ niệm về chiếc tivi!”. Đó là chiếc tivi đầu tiên trong nhà, ông mua cho các con năm 2001. Chiếc tivi 16 inch, giá 2,6 triệu - được mua đúng bằng số tiền công nửa năm trời đi xây. Người ngoài nhìn vào nghĩ ông đã khó khăn, cái ăn chẳng đủ, còn bày đặt mua tivi. Nhưng chỉ có ông mới hiểu niềm vui của các con có giá chừng nào. “Mang chiếc tivi về, nhìn các con sung sướng nhảy lên reo to, thấy sự cực nhọc nửa năm trời đằng đẵng chẳng là gì cả!” - đến giờ, cảm xúc về ngày hôm đó vẫn vẹn nguyên trong ông.
Nguyễn Quốc Hưng, cậu con trai út ngày nào mẹ mất còn bé tí nay đã là chàng thanh niên 23 tuổi. Từng thi đỗ đại học Sư phạm Thái Nguyên, được học bổng ngay năm học đầu tiên nhưng Hưng lại phải nghỉ học giữa năm thứ hai để về làm công nhân gần nhà, có thời gian chăm sóc bố ốm đau. “Ngày em còn đi học, nhiều lần về ngang qua chỗ bố làm. Trời nắng hầm hập, nhìn bố đứng xây, mồ hôi đẫm áo, thương bố mà chẳng giúp được gì. Chỉ nghĩ phải học thật giỏi, lớn lên có tiền phụng dưỡng bố. Nhưng khi hai chị lấy chồng, em đi học xa nhà, bố một thân một mình đến ngất phải nằm viện, em nhận ra học giỏi hay có nhiều tiền cũng không bằng ở bên chăm sóc bố”. Đó là lời nói thật tâm của một người con có hiếu, được lớn lên bởi sự yêu thương, dạy dỗ của một người cha đã chịu bao nhọc nhằn, hy sinh vì con.
Không còn nhỏ như các con ông Hiền và thầy Cẩn, lúc vợ mất, hai con ông Hùng (lớp 9 và lớp 6) đã đủ lớn để cảm nhận nỗi đau mất mẹ. Nó tác động ghê gớm đến tâm tư tình cảm của hai đứa trẻ. Sợ thiếu tình thương, sự ân cần, chỉ bảo,… các con sẽ vấp ngã, ông Hùng quyết định nghỉ làm dưới Hà Nội, kiếm công việc ở Thái Nguyên để được gần các con. Hàng ngày, từ 4 giờ sáng ông nhận chạy xe tải giao chăn ga gối đệm quanh thành phố. Tất tả chạy xe, khuân vác hàng hóa, ăn vội cái gì lót dạ, 7 giờ sáng ông lại có mặt nhận làm bảo vệ đến 10 rưỡi trưa, tối lại từ 7 giờ đến 10 rưỡi đêm. Vất vả là vậy nhưng ông không bao giờ kể công hay than vãn gì. Ngay cả việc bản thân không khỏe, mắc bệnh viêm tụy, đã mổ cách đây mấy năm, song năm nào cũng tái đi tái lại phải nằm viện đôi, ba lần. Vậy mà mỗi lúc bụng đau quằn quại ông vẫn cố chịu một mình, không nói với các con sợ chúng lo lắng, ảnh hưởng học tập, chỉ khi nào nặng quá, buộc phải vào viện ông mới cho các con hay.
Hiểu được đàn ông không dễ gì nuôi dạy con cái, nhất là với cô con gái lớn đang tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi và nhạy cảm. Ở tuổi này con rất cần có mẹ để thắc mắc, tâm sự vậy mà nay chỉ có cha, biết bao điều thầm kín chẳng thể sẻ chia. Ông Hùng lựa chọn vừa làm cha làm mẹ lại vừa làm bạn của con. Ông quan tâm, để ý đến con từ những việc rất nhỏ như nắm rõ lịch kinh nguyệt của con; nhẹ nhàng, tâm lý nhắc con sắp “tới ngày” đã mua đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân chưa; dặn con ý tứ trong đi lại, hoạt động; chăm lo cả chuyện ăn uống, nghỉ ngơi vì mỗi lần “đến tháng” con thường rất mệt, bụng đau, chẳng muốn ăn uống gì.
Nhắc tới ông Hùng, bà Mai Thị Lan (tổ 11, phường Đồng Quang) sống sát nơi ông Hùng làm việc) không khỏi cảm phục: “Cảnh gà trống nuôi con vất vả vậy. Đàn ông bốn mấy năm mươi vẫn còn trẻ. Thế mà nhắc chuyện lấy thêm vợ ông ấy đều gạt đi. Bảo giờ chỉ nghĩ lo cho các con thôi!”.
Dù đang độ trung niên (48 tuổi) song ông Phạm Văn Hùng chẳng nghĩ tới chuyện đi bước nữa, chỉ một lòng lo nghĩ cho các con.
Nỗ lực định hướng cho con
Vợ mất khi con gái Mai Hà Chi còn đỏ hỏn, nhà ngoại thương bèn đón cháu về chăm bẵm. Đến năm Chi 2 tuổi, thầy Cẩn xin phép bà ngoại đón con về để bố con, anh em được bên nhau. Thầy tâm niệm, con cái có hai điều cha mẹ phải chăm lo là sức khỏe và học hành. Là đàn ông, không thạo việc chăm con nên thầy gắng tìm tòi, bổ sung kiến thức qua sách báo, Internet, những chương trình tư vấn sức khỏe cho trẻ trên tivi. Bận công tác giảng dạy, song thầy vẫn dành thời gian tự trồng rau xanh, cây ăn quả, nuôi gà… làm nguồn cung cấp thức ăn sạch cho các con. Thầy còn hình thành cho con thói quen chăm tập thể dục, thể thao. Căn 8 tuổi, Chi 5 tuổi đã được thầy dạy bơi. Những ngày hè, thầy cho hai em đến nhiều bể bơi trong thành phố, để các con được giao lưu, tiếp xúc với nhiều bạn, học cách bạo dạn, tự tin.
Là nhà giáo, với thầy con cái cũng như học trò, “tiên học lễ, hậu học văn”. Thầy muốn rèn luyện những đức tính tốt cho con. Đơn giản từ lời ăn tiếng nói đến học cách tiết kiệm, học tính tự lập. Trò chuyện với khách, bé Chi vui vẻ, hoạt bát, nói năng tự tin, song câu nào câu nấy cũng một dạ hai vâng. Nói chuyện tiết kiệm, thầy chia sẻ: “Nói bạn đừng cười khi nhà tôi vẫn hứng nước mưa sinh hoạt. Nhà có 3 bình trên 100 lít, nước mưa hứng trong đó, để cắn, bụi lắng xuống, nước trong vắt thì múc dùng. Tôi muốn các con học cách tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất như thế”. Hỏi chuyện dạy con tính tự lập, thầy chỉ cười: “Đồ dùng điện tử trong nhà rất rẻ, khi hỏng cho các con mày mò, tự sửa. Đơn giản như cái đồng hồ không chạy, các con biết là hết pin, mua pin về để các con tự thay, rồi dần dần sang những đồ phức tạp hơn các con cũng sửa được. Hay khi làm những công việc vặt, tôi luôn để các con quan sát, nhìn và làm theo. Cả hai đứa đều 7 - 8 tuổi đã biết nấu cơm, tự dọn dẹp nhà cửa”.
Được định hướng từ nhỏ, rằng chịu khó học hành, tương lai nghề nghiệp sẽ an toàn hơn so với việc thất học, nên Căn và Chi luôn có ý thức tự học. Thầy tâm sự: “Bản thân may mắn ở môi trường sư phạm, có điều kiện chăm lo việc học của các con. Ngoài những môn có thể giảng giải cho con, những môn khác, nếu có khó khăn gì tôi cũng nhận được ngay sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp”. Cả Căn và Chi đều có thành tích học tập rất tốt. Chi đang học lớp 6; 5 năm tiểu học đều là học sinh giỏi xuất sắc. Riêng Căn năm vừa qua (lớp 9) đạt 2 giải Nhì môn Sinh cấp thành phố và cấp tỉnh, sau đó em cũng thi đỗ chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. “Năm vừa rồi cứ như là được mùa. Cây cối trong nhà thi nhau ra quả. Cây xoài sai trĩu trịt. Cây mít đúng mùa quả đầu tiên ra 3 trái rất to. Ba bố con cứ đùa nhau, 3 trái mít ấy tượng trưng cho 2 giải Nhì và thi đỗ trường Chuyên của Căn”, thầy Cẩn vui vẻ nói, trong ánh mắt lộ rõ niềm vui và niềm tự hào về con.
Chia sẻ lý do không đi bước nữa, thầy trải lòng: “Cũng rất nhiều người ngỏ ý tác hợp, giới thiệu, nhưng tôi không muốn mạo hiểm. Sợ lấy người ta nhưng không mang lại hạnh phúc cho họ, gây đau đớn cho cả hai và cả cho các con”.
***
Thiếu mẹ là nỗi bất hạnh, thiệt thòi lớn với mỗi đứa con; vắng vợ là nỗi buồn, niềm đau với mỗi người chồng. Nhưng cả ba người đàn ông trên đều gắng vượt lên buồn đau, xây nên một mái ấm gia đình trọn vẹn nhất có thể cho các con. Để làm được điều đó, chỉ có thể nhờ vào tình yêu thương con vô điều kiện, tất cả vì các con, dành dụm tình cảm bù đắp cho con kể cả những ham muốn, nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc riêng của mình. Những người cha như ông Hiền, ông Hùng và thầy giáo Cẩn, trong tình cảm của những người con và của cộng đồng, họ luôn là những người cha đáng khâm phục.
Xin chúc những nhân vật của tôi luôn dồi dào sức khỏe và đón một cuộc đời phía trước thật nhiều niềm vui bởi họ đã không ngừng nỗ lực trong cuộc đời mình.
Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...