Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
15:30 (GMT +7)

“Đoán”  bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

VNTN - Rất có thể cả hai thành viên Chính phủ đang "quản" hai vấn đề nóng rực là tài chính và tiền tệ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.

Theo nghị trình kỳ họp thứ tư của Quốc hội, ba ngày từ 16 đến 18/11 tới đây sẽ là thời gian của các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đây bao giờ cũng là nội dung hấp dẫn nhất của các kỳ họp, nhất là khi cơ chế tranh luận được mở ra từ đầu nhiệm kỳ này, cho phép đại biểu có thể "chen ngang" để bày tỏ sự không đồng tình và "phản biện" với phần trả lời của người trả lời trực tiếp.

Chính vì thế mà sự chuẩn bị cho hoạt động này thường được bắt đầu từ rất sớm. Ở kỳ họp đang diễn ra, sau phiên khai mạc vài ngày Tổng thư ký Quốc hội đã gửi văn bản đến các đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến đề xuất về vấn đề chất vấn. Đến ngày 1/11 đã có 59 đoàn hồi âm, đề xuất 115 nhóm vấn đề.

Tổng hợp các đề xuất này cho thấy các vị đại diện cho dân muốn "truy" trách nhiệm ở nhiều "điểm nóng" trên hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, tư pháp...

Có hai bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Kiểm toán nhà nước không nhận được bất cứ đề xuất nào, còn lại các bộ, ngành, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều có vấn đề cần chất vấn, theo đại biểu.

Nếu "đo" độ nóng thuần tuý qua số lượng đoàn đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến thì Bộ trưởng Y tế dẫn đầu, sau đó đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương...

Một phiên chất vấn tại Quốc hội khoá 14.

Nhưng, như nhiều lần Tổng thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giải thích, ý kiến từ các đoàn chỉ là một trong nhiều tiêu chí để chọn người chất vấn: kiến nghị của cử tri, cân đối hài hoà lĩnh vực, cân nhắc sự xuất hiện của các vị trong diện phải trả lời chất vấn... Và với giới hạn thời gian 3 ngày, trừ một  vị trí "cứng" là phó thủ tướng hoặc Thủ tướng đăng đàn sau cùng thì mỗi kỳ họp cũng chỉ có 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành được chọn để trả lời chất vấn trực tiếp.

Nhìn vào những tiêu chí trên thì các vị đã đăng đàn từ đầu nhiệm kỳ, gồm bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá- thể thao và du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư có thể sẽ không vào danh sách chính thức.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể mới nhậm chức mươi ngày chắc cũng sẽ không nhiều "cơ hội".

Để cân đối lĩnh vực, có thể một trong hai vị Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ là lựa chọn khả thi. Trong số các thành viên Chính phủ chưa xuất hiện ở "ghế nóng" lần nào từ đầu nhiêm kỳ này thì rất có thể Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ lọt vào danh sách để các vị đại biểu cân nhắc. Có thể khác nhau về mức độ, song chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ luôn nằm trong sự lo lắng của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Bởi nợ công đã chạm trần, trong khi ngân sách - như ví von của một vị đại biểu - thì dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng không nuôi nổi bộ máy đang được cho là quá cồng kềnh. Lĩnh vực ngân hàng thì luôn nhức nhối với không ít "đại án" tham nhũng, thất thoát, với sự thua lỗ "khủng" và dự báo sẽ còn thua lỗ nhiều ngàn tỷ từ các "ngân hàng 0 đồng", rồi dự kiến tăng trưởng tín dụng thêm 3% vào những tháng cuối  năm cũng khiến đại biểu "bất an"...

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng là nhân vật "nặng ký" khi có đến 30 lượt đoàn đề xuất chất vấn với 9 nhóm vấn đề. Trong đó có những nội dung từng được tranh luận nhiều chiều trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội. Như chế độ lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 (bị giảm 10% vì không có lộ trình) khi đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi...

Người đứng đầu ngành thông tin - truyền thông, theo một số vị đại biểu cũng là lựa chọn đáp ứng nhiều tiêu chí. Có đến 6 đoàn đề xuất chất vấn về công tác quản lý các cơ quan truyền thông, hoạt động báo chí, nhất là việc quản lý, kiểm soát và xử lý các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, báo điện tử, quảng cáo, thực trạng và giải pháp. Ngoài ra, vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp do Bộ quản lý cũng được đại biểu quan tâm.

Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, trên cơ sở đề xuất từ các đoàn đại biểu, Ban thư ký sẽ họp cùng đại diện Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội lựa chọn danh sách các vị dự kiến trả lời chất vấn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó sẽ gửi danh sách 5 vị để đại biểu Quốc hội chọn 4 người lên "ghế nóng".

Vì thế, những phân tích trên vẫn chỉ là "đoán". Rất có thể sẽ có những ngoại lệ trong lựa chọn danh sách, khi mà có những lĩnh vực dù người đứng đầu đã đăng đàn kỳ trước, nhưng kỳ này vẫn rất cần xuất hiện để trả lời những chất vấn về trách nhiệm đã trở nên quá "nóng".

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy