Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:27 (GMT +7)

Khẩn cấp chặn dịch

VNTN - Và cái điều không mong muốn đã đến với người chăn nuôi lợn ở Thái Nguyên. Chỉ sau một đêm, gia đình ông Thạo và hàng trăm hộ chăn nuôi ở vùng vừa công bố có dịch đã trở thành tay trắng. Hàng chục tỷ đồng của nông dân bị vùi chôn theo đàn lợn. Tiếc của, chủ hộ chăn nuôi như người mất hồn, khóc tức tưởi...

Sau Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Điện Biên, Hòa Bình có dịch tả lợn châu Phi, ngày 7/3 vừa qua, Thái Nguyên chính thức bị đứng vào danh sách vùng có dịch. Trước đó, người chăn nuôi lợn Thái Nguyên đã phải “nín thở”, cầu mong thứ bệnh mà nhân loại chưa tìm được thuốc chữa được chặn lại từ bên ngoài các cửa ngõ vào tỉnh.

Nhưng điều không mong muốn vẫn đã đến với người chăn nuôi. Và Thái Nguyên trở thành tỉnh thứ 10 chính thức bị nhiễm dịch. Ổ dịch được phát hiện tại đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Thạo, xóm Giữa, xã Úc Kỳ (Phú Bình). Ông Thạo cho biết: Khi thấy đàn lợn biếng ăn, lười vận động, tôi đã báo cáo ngay với cán bộ chăn nuôi thú y về tình trạng đàn lợn của gia đình. Ngày 5/3, cán bộ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đại diện chính quyền địa phương đã có mặt, lập biên bản về tình trạng biểu hiện bệnh của đàn lợn gồm 52 con, trong đó có 5 lợn nái, 1 lợn thịt và 46 lợn con, với tổng trọng lượng hơn 1,3 tấn. Toàn bộ số lợn của gia đình được thực hiện tiêu hủy ngay vào ngày hôm sau. Các biện pháp tiêu độc khử trùng được thực hiện lập tức; mẫu xét nghiệm được chuyển đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Kết quả có 8/10 mẫu dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Cán bộ chức năng thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Chỉ sau một đêm, gia đình ông Thạo và hàng trăm hộ chăn nuôi ở vùng công bố có dịch tại các tỉnh miền Bắc trở thành tay trắng. Hàng chục tỷ đồng của nông dân bị vùi chôn theo đàn lợn. Tiếc của, chủ hộ chăn nuôi như người mất hồn, khóc tức tưởi. Không buồn sao được khi đàn lợn - cả một gia tài lớn bỗng đốc chứng bỏ ăn, rồi đồng loạt lăn ra chết... Dịch tả lợn Châu Phi đang âm thầm phát tán qua đường vận chuyển vật nuôi, qua thức ăn thừa từ thịt lợn và nhiều đường lây truyền khác.

Ông Nguyễn Văn Phụng, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi chăn nuôi lợn rừng ở quy mô nhỏ, tổng đàn có hơn 30 con, dù địa phương chưa xuất hiện dịch, nhưng rất lo lắng. Cùng ở xã Linh Sơn, ông Lê Văn Khánh, xóm Khánh Hòa có quy mô chăn nuôi lợn hơn 1.000 con/lứa lại như “ngồi trên đống lửa”. Ông thở dài: Trang trại chăn nuôi của gia đình thực hiện rất bài bản về phòng tránh dịch bệnh, nhưng chưa bao giờ tôi lo lắng cho đàn lợn của mình như những ngày này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không giấu nổi sự lo lắng: Thái Nguyên vừa dẹp xong bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn, giờ lại đến dịch tả lợn châu Phi.

Theo cảnh báo của cơ quan chức năng: 100% số lợn khi mắc dịch tả lợn châu Phi đều bị chết rất nhanh. Như vậy, sẽ thật khó lường trước được thiệt hại nếu dịch bệnh này phát tán trên diện rộng. Nỗi lo mất nghiệp vì bệnh dịch bao trùm lên nhiều làng quê, bởi những tháng đầu năm 2019, dịch bệnh theo nhau đổ lên đầu người chăn nuôi. Chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 1 đến giữa tháng 2, trên địa bàn tỉnh có 65 hộ, 30 xã thuộc các huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Hậu quả là gần 900 con lợn, với tổng trọng lượng gần 50 tấn buộc phải tiêu hủy. Thiệt hại nhìn thấy tương đương với số tiền gần 2 tỷ đồng. Chưa kể thiệt hại do các hộ chăn nuôi lợn phải bỏ chuồng để vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

Ông Mai Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) chia sẻ: Bệnh lở mồm long móng xảy ra có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nhưng thôi không nhắc lại, do dịch này đã dập xong, không phát sinh lợn mắc bệnh mới từ hơn 20 ngày nay. Song với ngành chức năng thì đó là một bài học, là kinh nghiệm để chúng tôi và người chăn nuôi tiếp tục bước vào đợt chặn dịch tả lợn châu Phi có kết quả tốt hơn.

Toàn bộ các loại phương tiện đi ra, vào xã Úc Kỳ (Phú Bình) đều được phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn lợn hơn 680.000 con. Chăn nuôi ở quy mô trang trại có hơn 400 hộ, trong đó có hàng chục trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và trang trại an toàn dịch bệnh; 54 cơ sở sản xuất giống lợn, gồm hơn 1.000 con lợn đực giống, trong đó 169 con khai thác tinh để thụ tinh nhân tạo, còn lại chủ yếu phối giống trực tiếp trong vùng chăn nuôi nông hộ và tại các gia trại chăn nuôi. Nhờ chăn nuôi lợn, nhiều nông dân thu được tiền tỷ mỗi năm.

Theo ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Thái Nguyên quyết tâm chặn dịch, bảo vệ an toàn cho đàn lợn của người nông dân. Tất cả các cơ quan chức năng cùng vào cuộc; mọi cán bộ chuyên môn phải làm việc hết mình; các hộ chăn nuôi tự giác, không giấu bệnh… Hiện tỉnh đã đề ra các giải pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan, phát sinh dịch trên toàn địa bàn; đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo cho các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện mọi biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ: Trong phòng, chống dịch bệnh, chính quyền địa phương và chủ hộ chăn nuôi là người chặn dịch hiệu quả nhất. Chính vì vậy mà cơ quan chức năng luôn quan tâm, tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, triệu chứng của bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó nhận thức về mức độ nguy hiểm từ dịch bệnh của cán bộ địa phương và người chăn nuôi được nâng cao…

Qua tìm hiều chúng tôi còn được biết: Để nhiệm vụ chặn dịch tả lợn châu Phi có kết quả, những ngày gần đây các cấp, ngành của tỉnh, trực tiếp là đội ngũ cán bộ chăn nuôi và thú y từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường bám địa bàn, nắm bắt diễn biến chăn nuôi của từng hộ, chủ yếu là các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn. Đã có 540 lượt thú y viên cơ sở và chủ hộ chăn nuôi lợn tại 9 huyện, thành phố và thị xã được tập huấn về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Hệ thống thú y viên cơ sở được duy trì, tăng cường hoạt động. Từng thú y viên cơ sở được giao nhiệm vụ phối hợp với hộ chăn nuôi cùng giám sát đàn lợn; đồng thời vận động, hướng dẫn cho hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn, phải nhanh chóng khai báo với cơ quan thú y, hoặc chính quyền địa phương.

Cán bộ chức năng thực hiện tiêu hủy lợn bệnh.

Chuyện chặn dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Xuân Thạo, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Thái Nguyên cho biết: Cũng như các huyện, thành phố và thị xã trong tỉnh, chúng tôi đang tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi lợn và mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Thú y; chủ động phòng tránh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi bằng cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, sử dụng vôi bột rắc xung quanh khu vực chăn nuôi và không sử dụng thịt động vật tươi sống không rõ nguồn gốc... Các chủ cơ sở giết mổ động vật là ông Nguyễn Văn Ngữ, phường Lương Sơn (thành phố Sông Công); ông Nguyễn Văn Nông, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) và ông Nguyễn Sĩ Nam, phường Ba Hàng (thị xã Phổ Yên)… đều cùng chung quan điểm là chỉ thực hiện giết mổ động vật có nguồn gốc rõ ràng, được cán bộ chức năng kiểm định… Tại chợ Thái, chợ Đồng Quang (thành phố Thái Nguyên) và các chợ huyện, chúng tôi hỏi các chủ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm được chế biến từ thịt lợn về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Hầu hết những người được hỏi đều biết khá đầy đủ về dịch này nhờ đọc báo, xem ti vi và đều có ý thức giữ gìn để không làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Còn bà Đinh Thị Nhài, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết: Công việc của chúng tôi là kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y.

Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ, nên mỗi ngày, khi cơ sở giết mổ động vật làm thủ tục nhập lợn về, chúng tôi có mặt để kiểm tra, bảo đảm lợn có “lý lịch”, không biểu hiện bệnh mới cho giết mổ.

Tại Trạm Kiểm dịch động vật nội địa tỉnh (Sơn Cẩm - thành phố Thái Nguyên), ông Kiều Đức Lục, Trưởng trạm cho biết: Trung bình mỗi ngày có từ 1 đến 2 xe ô tô vận chuyển lợn qua địa bàn. Hầu hết các chủ hàng tự giác dừng xe, phối hợp với cán bộ của Trạm để làm thủ tục kiểm dịch cần thiết. Kể từ ngày 1-3, ngoài nhiệm vụ kiểm tra lâm sàng động vật sống; kiểm tra chất lượng sản phẩm thịt động vật; kiểm tra giấy tờ, phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm thịt động vật, Trạm tăng cường thêm các hoạt động phun thuốc khử trùng tiêu độc cho phương tiện vận chuyển động vật khi dừng lại ở Trạm. “Chúng tôi làm việc hết trách nhiệm, và không thu thêm bất cứ phụ phí gì đối với các xe vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua Trạm”, ông Lục cho biết.

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên) lo lắng về dịch tả lợn châu Phi.

Các hoạt động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đã được triển khai quyết liệt trên toàn tỉnh. Các cấp, ngành nghiêm túc vào cuộc, mọi người dân tích cực chấp hành. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, số lợn mắc bệnh mới tại một số tỉnh, thành còn có khả năng phát sinh. Phương án hành động ứng phó trước diễn biến xấu nhất đã được tỉnh xây dựng, triển khai. Không riêng huyện Phú Bình (địa phương có ổ dịch), mà toàn tỉnh đều tăng cường công tác kiểm tra, phân công cán bộ bám cơ sở, bám hộ chăn nuôi. Hiện các điểm chốt chặn tại khu vực ổ dịch xóm Giữa đã được thành lập. Dọc Tỉnh lộ 266 cũng được thành lập 2 điểm chốt chặn để tổ phòng dịch liên ngành thực hiện kiểm tra các loại phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm được chế biến từ thịt lợn qua địa bàn.

Tập trung cao độ nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất cho hộ chăn nuôi. Hiện 3.600 lít hóa chất đã được cơ quan chức năng cấp phát đến cơ sở - chiến dịch tiêu diệt mầm bệnh từ hộ chăn nuôi được bắt đầu.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước