Khai thác âm hưởng dân gian dân tộc vào sáng tác mới của các nhạc sĩ Thái Nguyên
Khai thác chất liệu âm nhạc dân gian dân tộc vào sáng tác nghệ thuật, đã và đang là xu hướng của các nhạc sĩ đương đại của Việt Nam. Việc đón nhận các ca khúc có âm hưởng dân gian dân tộc được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng và thực hành ở nhiều sân chơi khác nhau trong cả nước và xa hơn nữa là quảng bá ở nhiều nơi trên thế giới. Các sáng tác nghệ thuật có âm hưởng dân gian dân tộc của các nhạc sĩ có thể vận dụng cả một hệ thống thang âm, điệu thức, nhưng cũng có thể là 1 nét giai điệu đặc trưng, điều đó cũng làm nên tên tuổi của các nhạc sĩ nổi bật trong những sáng tác của mình, đó có thể là những nhạc sĩ cây đa, cây đề trong nền âm nhạc Việt Nam như: Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Nguyễn Tài Tuệ, Phạm Tuyên… hay các nhạc sĩ trẻ như Lê Minh Sơn, Giáng Son… Thái Nguyên là một trong những nguồn cảm hứng sáng tác nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trong cả nước. Ở đó, nền âm nhạc dân gian của các dân tộc chưa được các nghệ sĩ khai thác triệt để. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nơi đây đang rất cần đến những nghệ sĩ, nhạc sĩ khai thác và phổ biến rộng rãi.
Trong những năm qua, nhiều nhạc sĩ Thái Nguyên đã vận dụng tốt âm hưởng dân gian dân tộc vào những tác phẩm của mình. Các tác phẩm mang âm hưởng dân gian dân tộc đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên, cũng như được giao lưu với nhiều địa phương khác trong cả nước. Đã có nhiều tác phẩm được các Hội đồng Nghệ thuật đánh giá có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Các âm hưởng dân gian dân tộc được các nhạc sĩ khai thác với nhiều tính chất khác nhau, nhưng các bài hát được các nhạc sĩ khai thác nhiều nhất là các bài hát có tính chất ca ngợi, các bài hát giao duyên, các bài hát ca ngợi danh lam thắng cảnh…
Điển hình cho các bài mang tính chất ca ngợi phải kể đến tác phẩm ATK hát mãi tên Người của nhạc sĩ Lê Tú Anh. Tác giả đã khai thác âm hưởng dân gian dân tộc Tày trong toàn bộ tác phẩm của mình, khi nghe nét giai điệu đầu tiên của tác phẩm, tác giả như đã hướng người nghe âm thanh của cây đàn tính, với những thanh âm đặc trưng ấm, vang và tiếng sóc nhạc như thôi thúc, như tìm lại được nét văn hoá vùng chiến khu xưa.
Âm hưởng dân ca dân tộc Mông, luôn là đề tài cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ, đặc biệt trong sáng tác của NSND Nông Xuân Ái, ông đã khai thác triệt để thang âm của âm nhạc dân gian Mông trong tác phẩm Chợ phiên gặp gỡ. Tác phẩm này đã gây tiếng vang khi lần đầu tiên nhạc sĩ ra mắt giới thiệu. Trong tháng 3, 4/ 2024 vừa qua, tại thủ đô Bình Nhưỡng – nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã diễn ra Hội thi “Âm nhạc tháng 4”, tác phẩm Chợ phiên gặp gỡ đã đạt Huy chương Bạc. Miêu tả phiên chợ có đầy đủ chàng trai, cô gái khi trời vẫn còn mờ sáng… thông qua giao lưu những món hàng thổ cẩm, các đôi nam nữ múa khèn, ném pao đã tình cờ gặp nhau và bén duyên với nhau. Tính chất âm nhạc của tác phẩm vui tươi, dí dỏm. Tác phẩm cũng được các nghệ sĩ dàn dựng theo phong cách Acapella và được đông đảo khán giả đón nhận như 1 luồng gió mới trong phong cách khai thác âm nhạc dân gian dân tộc. Ngoài những tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương đất nước, NSND Nông Xuân Ái còn khai thác khía cạnh lao động và sinh hoạt của cư dân bản địa người Dao. Trong tác phẩm Người Dao trồng rừng tác giả đã đề cao vai trò của người Dao trong việc bỏ canh tác theo kiểu du canh, du cư mà trồng rừng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Tác phẩm là bản tình ca hào hùng khi người dân hăng hái trong lao động sản xuất, giai điệu của tác phẩm lấy chất liệu của dân ca Dao và được tác giả khéo léo đẩy lên cao trào thông qua tiết tấu vui nhộn… đã làm cho toàn bộ tác phẩm có tính thống nhất và phù hợp với động tác lao động. Ngoài những tác phẩm NSND Nông Xuân Ái viết theo phương pháp áp dụng nền âm nhạc dân gian, dân tộc cho những sáng tác mới của mình, ông còn đặt lời cho những làn điệu Then mà rất nhiều nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên sử dụng trong các Hội thi, hay các Liên hoan nghệ thuật, trong đó phải kể đến những tác phẩm: Quê em; Đường về bản; Tiếng lượn nhắn người phương xa… đã làm cho tên tuổi của nghệ sĩ trở nên nổi tiếng không chỉ ở Thái Nguyên mà còn cả vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Là 1 nhạc sĩ trẻ mà lại là phụ nữ, nhạc sĩ Ngọc Tuyết được sinh ra tại Thái Nguyên, được tiếp xúc với nền âm nhạc chuyên nghiệp từ nhỏ… nhạc sĩ đã có nhiều kỉ niệm với việc phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nền âm nhạc Thái Nguyên nói riêng. Thông qua bài thơ do 1 doanh nhân viết về Thái Nguyên, trong đó thoáng thấy bóng dáng của mình và những kỉ niệm của nhạc sĩ trong thời gian được gắn bó với Văn hóa Trà tại Thái Nguyên. Chính từ đây nhạc sĩ trẻ đã đặt bút để viết ca khúc “Khúc Tình Xanh”. Ca khúc này thể hiện tinh thần tuổi trẻ năng động và tình yêu của thế hệ 9X đối với mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Nguyên.
Trong tác phẩm của mình, nhạc sĩ đã vận dụng và khéo léo đưa âm hưởng và sử dụng chất liệu âm nhạc của dân tộc Tày, Dao, Cao Lan vào 1 ca khúc. Ngoài ra có kết hợp RAP. Lần đầu tiên, nhạc sĩ Thái Nguyên kết hợp với RAP vào tác phẩm âm nhạc của mình, ngoài ra nhạc sĩ đã sử dụng các loại nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc như Pí lè, Tính Tẩu… vào bản phối khí, đã tạo ra một bản phối với đầy đủ chất liệu, màu sắc âm nhạc dân gian dân tộc từ giai điệu đến nhạc cụ truyền thống. Tác phẩm đã đạt giải B trong giải thưởng Âm nhạc năm 2023 – do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.
Ngoài các nhạc sĩ đã kể ở trên, các nhạc sĩ đương đại của Thái Nguyên đã và đang vận dụng tốt các làn điệu dân ca các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có thể kể đến: nhạc sĩ Phạm Đình Chiến, Vũ Lực, Quản Thắng, Lý Khắc Vịnh... Ngoài khai thác chất liệu của các thể loại âm nhạc như: hát ru, hát thờ, hát giao duyên… các nhạc sĩ đã mạnh dạn pha trộn nền âm nhạc mới với đầy đủ các phương pháp diễn tả của âm nhạc như tiết tấu, hoà thanh, giai điệu…
Bên cạnh sáng tác các ca khúc, các tác phẩm hoà tấu dàn nhạc cũng được các nhạc sĩ, các nghệ nhân, các giảng viên tham gia sưu tầm và bảo tồn. Trong đó, hàng năm các giảng viên và HSSV trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đều tham gia nghiên cứu khoa học. Một trong những đề tài được đông đảo giảng viên tham gia nghiên cứu đó là: Sưu tầm vốn Then cổ trong dân gian, sưu tầm các câu hát Sli, câu lượn; sưu tầm các bài hát ru của các dân tộc; sưu tầm các bài hát giao duyên, tỏ tình của các thanh niên, các bài hát liên quan đến các trò chơi của trẻ con… ngoài việc sưu tầm âm nhạc trong dân gian, thì việc truyền đạt và bảo tồn các tác phẩm âm nhạc này được các giảng viên luôn quan tâm. Các tác phẩm được thu âm, ký âm và được đưa vào giáo trình giảng dạy hàng năm học. Các kỹ thuật của điệu múa cũng được khai thác triệt để, góp phần to lớn vào các giáo trình học tập trong nhà trường. Ngoài ra, các chương trình “Đêm huyền diệu” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc đã được các nghệ sĩ ở đây sử dụng các nhạc cụ của các dân tộc để hoà tấu thành những tích truyện, được đông đảo người dân đón nhận như một món quà tinh thần được khai thác từ dân gian.
Có thể nói, trong những năm qua, các nhạc sĩ Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến sáng tác các ca khúc phục vụ giải trí, phục vụ công tác chính trị, trong đó các yếu tố dân gian dân tộc được áp dụng và đưa vào tác phẩm âm nhạc của mình là một chủ đề được các nhạc sĩ đặt lên hàng đầu. Các nhạc sĩ thấy rằng, việc đưa các âm hưởng dân gian dân tộc vào tác phẩm của mình, một phần gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị văn hoá bản địa, một phần tôn vinh cái hay, cái đẹp của nền nghệ thuật dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Với vốn văn hoá dân gian vô cùng đa dạng và phong phú, hy vọng rằng, các nhạc sĩ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tác, mạnh dạn đưa chất liệu âm nhạc dân gian dân tộc vào những tác phẩm của mình, đặc biệt các tác phẩm mang âm hưởng của các dân tộc ít người, các làn điệu, thể loại âm nhạc của các dân tộc trên địa bàn Thái Nguyên, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy, lan toả nền văn hoá, văn nghệ tỉnh Thái Nguyên đến đông đảo người yêu âm nhạc trong cả nước.
Trần Quang Hưng
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...