Khái niệm mơ hồ
VNTN - Ở Việt Nam, các nghệ sĩ nhiếp ảnh là những người thường hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh như: ảnh bảo tồn, bảo tàng, ảnh tư liệu báo chí, ảnh thời trang, ảnh đời thường, ảnh phong cảnh, ảnh kiến trúc, ảnh thiên nhiên hoang dã… và cũng phải kể đến cả ảnh ghép, ảnh sắp đặt. Tất cả mọi thể loại nhiếp ảnh, khi đạt đến một ngưỡng nhất định về thẩm mỹ, hoặc chạm tới những hỉ, nộ, ái, ố của con người, chúng ta vẫn quen gọi là “ảnh nghệ thuật” và tác giả của chúng được tôn vinh thành “nghệ sĩ”, được ghi tên vào Hội Nhiếp ảnh địa phương hoặc trung ương.
Có lẽ phải đợi tới một ngưỡng văn hóa nào đó, thì người ta mới biết thỏa mãn và thấy hạnh phúc khi được làm người chép lại một khoảnh khắc diệu kì của cuộc sống, của thiên nhiên… Những người chơi ảnh quốc tế có thâm niên hẳn mới đây đều nhận được email thông báo về cuộc thi ảnh “Lisboa 2021”: 3rd International Exhibition of Photography “Lisboa 2021”, với cả sáu mục (thiên nhiên, du lịch, phụ nữ, chân dung, tự do màu và tự do đen trắng) thậm chí đến cả cái tiêu đề “Triển lãm ảnh quốc tế Lisboa 2021 lần thứ ba” bằng Anh ngữ, người đọc vẫn không bói được ra một từ “nghệ thuật” nào trong đó. Vậy mà đây lại là cuộc triển lãm được FIAP bảo trợ.
Trên thế giới (nước Đức chẳng hạn), thì từ lâu người ta biết thế mạnh của nhiếp ảnh nằm ở đâu và cái gì là quan trọng nhất. Khi đặt ra nhiệm vụ cho nhiếp ảnh luôn phải giải đáp được những câu hỏi: Was - wann - wo - wie (Cái gì - bao giờ - ở đâu - như thế nào). Trong ba câu hỏi: Cái gì, bao giờ, ở đâu là những yêu cầu giải đáp thuần túy về sự kiện, về không gian và thời gian. Chúng là những thành tố cụ thể, giống như vật chất để cấu thành ra một sản phẩm hàng hóa, nó phải chuẩn xác, đúng tiêu chuẩn và đầy đủ. Nhiệm vụ cuối: “Như thế nào” là một câu hỏi mở, nó có thể được nhìn nhận theo đúng như những gì hiện lên trên mặt phẳng của khuôn hình, hay nó được người xem cảm nhận, thêm thắt,… theo logic, theo quan điểm chiều sâu văn hóa của cá nhân mỗi người. Nó hiện diện ở hầu khắp các thể loại nhiếp ảnh. Duy có ảnh trừu tượng, ảnh chắp ghép phải chăng do thiếu căn cứ để trả lời ba câu hỏi: Cái gì, bao giờ, ở đâu, thì lại được người Đức gọi đó là “ảnh nghệ thuật”(?). Thoạt mới nghe thì ta thấy lạ, những người vô thần thậm chí còn cười cợt. Nhưng theo hàm ý rằng chỉ có Chúa Trời mới là Đấng sáng tạo và mọi thứ hiện ra theo sau cái vẩy của cây đũa thần trên tay Chúa mới là nghệ thuật, vì nó luôn luôn đứng trên tột đỉnh của cái đẹp, của sự hòa hợp và logic. Chỉ khi con người tự làm được thứ gì đó ngoài ý Chúa, là đã tham gia vào sự sáng tạo ra cái đẹp cho thế gian, bởi vậy nên sản phẩm ấy sẽ được coi là “nghệ thuật”. Tuy vậy trong thế giới tâm linh, dù người ta theo Đạo Thiên Chúa, Đạo Tin Lành, hay Đạo Phật…, thì những con chiên luôn cố gắng để ngợi ca Đấng tối cao của mình. Người ta tránh làm sao cốt không lấn vào những công việc thuộc địa hạt của Bề trên, bởi làm thế là dễ dẫn đến lối phạm thượng. Và ơn trời! Có lẽ nhờ lòng thành kính cùng nỗi sợ hãi ám ảnh thường trực, đã khiến loài người chưa dám đập nát trái đất này, chỉ để thỏa mãn những thí nghiệm vì tò mò và dục vọng muốn được sáng tạo chăng?
Còn nhớ khoảng chục năm về trước, mọi thành phố lớn, nhỏ nằm trải khắp mảnh đất hình chữ S của Việt Nam, các “Ảnh viện” và “Salon ảnh nghệ thuật”…, mọc lên như nấm sau mưa. Rất nhiều biển hiệu hoạt động nhiếp ảnh lấp lóa ở hầu hết các điểm đẹp nhất và đắt đỏ nhất của các trung tâm đông dân cư. Đại đa số người ta còn chưa cắt nghĩa được cụm từ “ảnh viện” rằng nó có nguồn gốc từ đâu, nó khác một “hiệu ảnh” ở những gì? Chỉ thấy các cô dâu được trang điểm cứ như đã đúc cùng một khuôn mẫu. Có ảnh viện hoạt động “chuyên nghiệp” tới mức cậu học việc mới ở tháng thứ hai, đã biết kiểu ảnh thứ 11 là hình dâu rể dắt tay nhau leo núi và khi ông chủ hiệu ảnh quát mắng qua điện thoại, rằng kiểu thứ 46 không đạt, là cậu hiểu ngay phải chụp lại cảnh cô dâu và chú rể ôm nhau trên giường… Người ta phải trả phí từ hơn chục triệu, đến vài chục triệu đồng một cuốn album ảnh cưới nghệ thuật. Lời lãi của giới ảnh những ngày đó, chắc khiến cả đám buôn bán ma túy còn phải ghen tị. Nhưng rồi bởi thói chơi thường cứ đỏng đảnh; hay tại thời thế luôn đổi thay, hoặc người trong cuộc sinh lòng tham quá độ, đã làm những “ảnh viện” - dù mang cái tên bóng bẩy nhưng mù mờ, nhanh chóng rũ rượi như nấm gặp phải nắng trái mùa. Nhiều “chuyên gia” chụp và trang điểm trong những “ảnh viện” ấy phải tự đổi nghiệp và thấy xuất hiện sớm, khuya trên các chuyến xe bus hướng vào các trung tâm công nghiệp có tên Samsung…
Duy những cuộc triển lãm ảnh tại Việt Nam dù của cá nhân, ở tầm gọn nhẹ của một câu lạc bộ, hoặc cấp huyện; lan đến cấp tỉnh, cấp khu vực, thậm chí đến cả cấp quốc gia…, cũng đều phải gắn mác “nghệ thuật” mới dễ xin được duyệt kinh phí. Và khi ghi vậy người ta mới nghĩ “xứng đồng tiền, bát gạo”!
Gần đây mọi người hay than phiền về những chuyến rồng rắn tập thể đi “sáng tác ảnh nghệ thuật”. Thực ra đây chỉ là cách tiết kiệm chi phí và để học hỏi lẫn nhau thôi. Chắc chắn chẳng ai muốn ảnh của mình và bạn nghề giống nhau, nó luôn tạo ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu cá tính và lãng phí - rồi cuối cùng chẳng sử dụng được vào việc gì hữu ích. Chỉ có điều tính khoa trương “đầu voi - đuôi chuột” ai cũng thấy, mà lại cứ cố lơ đi. Khi gọi một cuộc du di đến thực địa bằng cái tên đẹp, hòng tự phỉnh nịnh mình và làm lóa mắt thiên hạ. Thực tế cảnh quan ở chốn này, chốn kia nhà nhiếp ảnh có vẽ ra ko? Những ngọn núi, dòng sông, mặt trời, các vì sao, đụn mây và mùa màng,… được mấy nhà nhiếp ảnh tạo nên à? Tại sao không nói là đi tìm những góc thiên đàng nơi con người chưa kịp tàn phá để ngợi ca, mà lại cứ muốn tiếm công sáng tạo của Chúa bề trên vậy nhỉ?
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...