Khai báo không trung thực hoặc trốn cách ly y tế sẽ bị xử lý thế nào?
VNTN - Kể từ khi ca dương tính với Covid-19 thứ 17 được xác nhận, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam được đánh giá là bước sang giai đoạn mới. Đáng lưu ý, việc trốn khai báo, khai báo y tế không trung thực của người đi từ vùng dịch hoặc trốn cách ly y tế của một số trường hợp thời gian qua đã làm tình hình diễn biến của dịch bệnh phức tạp và khó lường hơn. Vậy theo quy định của pháp luật, những trường hợp trên sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Bùi Văn Lương - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Thái Dương về vấn đề này.
Luật sư Bùi Văn Lương
Thưa Luật sư, theo các quy định của pháp luật, những trường hợp nào phải khai báo y tế và những trường hợp nào phải thực hiện cách ly y tế?
- Luật sư Bùi Văn Lương: Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007), các trường hợp phải khai báo y tế là các đối tượng thuộc diện kiểm dịch y tế biên giới, bao gồm người, phương tiện, hàng hóa xuất nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam. Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch, hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.
Cũng theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007), người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Cách ly y tế được hiểu là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. Đây là biện pháp đầu tiên nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly y tế là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh, nước ta đã công bố dịch bệnh Covid-19 từ đầu tháng 02 năm 2020, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, bởi vậy, người mắc, người bị nghi ngờ mắc, người mang mầm bệnh dịch và người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch Covid-19 phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Một vấn đề được nhiều người băn khoăn, đó là trong quá trình cách ly y tế có được hưởng chế độ gì không, thưa luật sư?
- Luật sư Bùi Văn Lương: Theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP, trong thời gian áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng chế độ ăn, mặc, ở và không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được miễn viện phí, nếu trong thời gian bị cách ly y tế mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm do ngân sách nhà nước bảo đảm.
- Vậy theo các quy định của pháp luật, đối với các trường hợp trốn khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, thậm chí trốn cách ly y tế sẽ bị xử lý như thế nào?
- Luật sư Bùi Văn Lương: Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007), các hành vi trốn khai báo y tế, khai báo không trung thực, hoặc trốn cách ly y tế đều bị nghiêm cấm.
Cũng theo Nghị định 69/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế:
+ Phạt tiền từ 01 triệu đến 03 triệu đồng đối với hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, người không khai báo, hoặc khai báo y tế không trung thực có thể bị xử phạt hành chính từ 01 triệu đến 03 triệu đồng.
+ Phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Đặc biệt, đối với các trường hợp trốn khai báo, khai báo y tế không trung thực hoặc trốn cách ly y tế có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này!
Bắt đầu từ ngày 10/3/2020, việc khai báo sức khỏe toàn dân đã được triển khai. Người dân có thể khai báo y tế theo 3 kênh. Cụ thể, truy cập vào cổng khai báo điện tử là https://suckhoetoandan.vn/ hoặc http://khaibaoyte.vn/ để điền các thông tin và khai báo qua ứng dụng NCOVI; người nhập cảnh vào Việt Nam có thể quét mã QR qua điện thoại thông minh tại các sân bay để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo.
TRẦN TRANG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...