Keo kiệt
VNTN - Úi giời, chơi với thằng keo kiệt ý làm gì. Khá nhiều lần tôi nghe người cùng cơ quan nói về anh như thế. Hoàn cảnh để tôi nghe câu ấy thường là ở quán ăn, trong bữa chiêu đãi của ai đó và anh không có mặt.
Vào làm việc ở cơ quan đã ba năm, tôi không thấy anh có gì bất thường. Anh đi làm rất đúng giờ, công việc chu toàn, cư xử với mọi người đúng mực. Nhà anh ở ngoại ô, thỉnh thoảng vợ anh gửi cho chúng tôi mớ rau muống sạch, túm khế chua để nấu cá hay quả mít vừa chín. Những lần cơ quan có người ốm đau anh đều đi thăm, tặng “phong bì” như các đồng nghiệp khác.
- Sao anh ý mang tiếng keo kiệt nhỉ? Tôi hỏi mấy người cùng phòng.
- Chả hiểu nữa. Nhưng ở cơ quan này nhiều người nói thế.
Dường như anh mặc cảm vì tiếng keo kiệt nên hầu hết các buổi ăn uống, nhậu nhẹt, hát hò anh đều tìm cớ chối từ. Sau lưng anh, lời bàn tán càng nặng nề, anh càng xa cách mọi người hơn.
Hôm ấy anh gọi điện cho tôi, bảo bị ốm không đi làm được. Buổi chiều, mấy chị em cùng phòng gọi tắc xi đến nhà thăm anh. Ngoằn ngoèo rẽ trái rẽ phải, chúng tôi đứng trước căn nhà cấp bốn xây chừng 20 - 30 năm trước. Anh là con cả, phụng dưỡng bố mẹ già, vợ làm ruộng, hai con chưa trưởng thành. Thấy chúng tôi đến, anh mừng thì ít mà ngượng ngập thì nhiều. Ôm ngực ho sù sụ nhưng anh cứ chạy ra chạy vào xếp ghế, pha nước, vừa làm vừa luôn miệng:
- Các bạn thông cảm nhà quê nhá. Đấy, gia cảnh tuềnh toàng thế đấy. Mình sống thế này quen rồi.
Vợ anh ngoài ruộng chạy về tay năm tay mười bắt gà cắt tiết, chúng tôi can thế nào chị cũng kiên quyết:
- Các bác phải ở đây ăn cơm với gia đình em. Các bác mà không ở là ông bà em buồn đấy.
Chúng tôi dù ái ngại vẫn phải nán lại ăn cơm. Bố mẹ anh vui lắm, luôn miệng cười móm mém. Anh thật thà:
- Lần đầu tiên có người cơ quan mình đến đây ở lại ăn cơm. Có năm, cả cái tết không có ai ở cơ quan đến nhà mình chơi. Các cụ hỏi, con ăn ở với các bác ngoài ấy thế nào mà mọi người ghét con? Mình không biết trả lời các cụ ra sao.
Ăn cơm xong, bố mẹ, vợ con anh lui ra chỗ khác, chỉ còn chúng tôi quanh ấm trà, anh buồn buồn:
- Mình biết nhiều người ở cơ quan đánh giá mình keo kiệt vì không tham gia ăn uống, bia rượu, đàn đúm. Nhưng hôm nay mọi người đến đây rồi chắc hiểu cho mình. Tất cả cũng là do cuộc sống khó khăn mà ra. Lương mình tổng được gần 6 triệu đồng, có tháng phải đi vay tiêu trước lĩnh lương trả sau. Ruộng đồng chỉ đủ gạo ăn, hai đứa nhỏ đang tuổi đi học. Nhiều lúc mình muốn tham gia với mọi người nhưng lấy đâu mà “trả nợ miệng”? Một bữa chiêu đãi bạn bè có thể nuôi gia đình cả tuần rồi. Cái khó nó bó cái khôn là thế. Mà sao cơ quan mình ăn uống lắm thế, hầu như hôm nào cũng có người mời nhau, thành cái lệ nặng nề. Càng như thế mình càng thấy xa cách mọi người…
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Trong chúng tôi đây cũng có người từng vào hùa chê anh keo kiệt. Nhưng cả người ấy và những người khác ở cơ quan chưa bao giờ biết đến gia cảnh của anh. Họ phán xử chê trách anh theo góc nhìn của người thu nhập cao, không nặng gánh gia đình như anh.
Trên đường trở về, chúng tôi đều im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình, nhưng có lẽ tất cả đều nghĩ về anh. Riêng tôi cứ nghĩ về hai chữ “keo kiệt”. Cái tiếng keo kiệt độc địa kia không biết bao giờ mới hết bám theo anh? Nhưng mà, người keo kiệt đâu phải là anh, mà chính là chúng tôi, những đồng nghiệp của anh. Chúng tôi đã keo kiệt sự cảm thông và thấu hiểu.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...