Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
11:19 (GMT +7)

Hy vọng Giải Búa liềm vàng sẽ được lan tỏa hơn nữa

Nhớ lại ngọn nguồn

Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng đã bước sang năm thứ 2. Giải được phát động lần đầu đúng Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác Hồ (19-5-2016), do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Năm 2017, có thêm Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tham gia Ban tổ chức Giải.

Đây là giải thưởng hằng năm để trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc viết về xây dựng Đảng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thuộc các lĩnh vực công tác tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra, dân vận, đối ngoại, phòng, chống tham nhũng… đã được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây) và Bộ Thông tin - Truyền thông (hiện nay) cấp phép.

Tôi vẫn nhớ thời điểm tháng 5/2016, sau khi Ban Tổ chức Giải phát động cuộc thi, Báo Thái Nguyên là một trong những cơ quan báo chí hưởng ứng sớm và nhiệt tình nhất. Ban Biên tập Báo đã mời một số nhà báo lão luyện viết về xây dựng Đảng của Trung ương đến Tòa soạn trao đổi, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm. Cơ quan thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, chấm và trao giải cấp cơ quan nhằm “lôi kéo” nhiều cây bút tham gia.

Quả thực, đây là Giải báo chí khó “nhằn”. Nhiều người cho rằng viết về Đảng là không thể thiếu các từ: Nâng cao, nỗ lực, tăng cường, nghị quyết, chủ trương… Chỉ nghĩ đến thế đã thấy tắc ở đầu bút, lấy đâu hấp dẫn mà truyền cảm hứng cho người đọc? Hơn nữa, viết về Đảng là phải hiểu ngọn ngành. Muốn viết hay lại càng phải hiểu sâu, hiểu kỹ đến mức độ thấm và ngấm.

Chúng tôi khâm phục nhà báo Hà Đăng, dù 94 tuổi nhưng lửa xây dựng Đảng vẫn cháy rực. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Làm thế nào viết về xây dựng Đảng mà không khô, không bị ảnh hưởng của ngôn ngữ báo cáo, ông nhẹ nhàng khuyên: Viết báo là công việc thận trọng, viết về xây dựng Đảng càng cần thận trọng gấp bội. Bài viết hay là vừa nhẹ tênh, sinh động, vừa có giá trị dự báo. Để viết được những bài như thế phải làm thế nào? Phải đi cơ sở, nghĩ cùng dân, làm cùng dân, phải đưa cuộc sống vào nghị quyết.

Có nền tảng và khí thế xung trận mạnh như thế, nhưng Báo Thái Nguyên chỉ được một giải Khuyến khích của chị Vi Thu Lan (Phòng Bạn đọc - Cộng tác viên) và được Ban Tổ chức Giải trao Bằng khen cho tập thể “Có thành tích xuất sắc trong thực hiện Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ nhất -2016”.

Ngày 3-2-2018, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đại diện nhóm phóng viên của Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính (Báo Thái Nguyên) đã bước lên bục vinh danh, nhận giải thưởng Búa liềm vàng.

Nhóm tác giả Báo Thái Nguyên đoạt giải Ba “Búa liềm vàng” lần thứ II, năm 2017.  Ảnh: Mạnh Hùng

Học ngay ở đồng nghiệp

Mặc dù có thành tích, được khen thưởng, nhưng anh em phòng Xây dựng Đảng - Nội chính chúng tôi vẫn…buồn. Chúng tôi ngồi lại phân tích, tìm nguyên nhân vì sao chưa được giải mặc dù có hàng chục bài gửi đi, trong số đó nhiều bài viết kỳ công, vấn đề khá “nóng”, được cơ quan đánh giá cao. Theo chúng tôi, chính là “góc” tiếp cận hạn chế của một tờ báo địa phương. Vấn đề “khuôn” trong địa phương và viết sao phải “lọt” qua vòng kiểm duyệt. Những bài giải cao (năm 2016) hầu hết đề cập những vấn đề “động trời” toàn quốc của các báo lớn như Báo Nhân dân, VOV, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản… và tác giả là những cây bút khá đình đám. Như vệt 5 bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta” của nhóm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân; vệt 4 bài “Chuyện như đùa ở Hải Dương” của nhóm PV Báo Nhân dân…

Chúng tôi truyền tay nhau “nghiền” 47 tác phẩm đoạt giải từ A đến Khuyến khích, thảo luận và đi đến thống nhất: Phải liên kết sức mạnh, làm loạt bài và đi vào vấn đề khó.

Vào thời điểm tháng 1/2017, dù chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nhưng các tổ chức cơ sở Đảng trong tỉnh đều phải đánh giá và báo cáo về Đảng bộ tỉnh vấn đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, theo yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương, trên tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, phân tích sâu sắc".

Dự khá nhiều cuộc họp để đánh giá nội dung trên, chúng tôi nhận thấy có nhiều hạn chế trong công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xây dựng tổ chức bộ máy. Thực trạng toàn cục là thế, quan trọng là bài báo phải chứng minh được điều đó một cách cụ thể và sinh động nhất.

Là người “đầu têu” đưa ra đề tài khó, đưa mọi người đi vào con đường “khó, khô, khổ”, tôi hiểu các cộng sự của tôi nhiều băn khoăn. Vậy nên, tôi hiểu vai trò của mình lúc này là phải “cày vỡ”, định hình vấn đề cho anh em trong phòng đỡ mông lung. Tôi lập đề cương khái quát báo cáo Ban Biên tập và được đồng chí Tổng Biên tập hết sức ủng hộ. Tôi tiếp tục lập đề cương chi tiết từng bài, dự kiến bao nhiêu tít phụ, các ý chính, phân công ai viết, thời gian nộp bài, dự kiến thời gian đăng báo. “Nhóm kín” phây - búc của Phòng luôn “sáng đèn”. Các phóng viên địa bàn liên tục cập nhật tình hình. Có vấn đề suy nghĩ chủ quan ban đầu khác với thực tế, chúng tôi lại nhanh chóng điều chỉnh. Về cơ sở, nhiều người nhiệt tình cung cấp thông tin, nhiều người từ chối khéo vì sợ “động chạm”, chúng tôi kiên trì thuyết phục hoặc tìm người khác thay thế.

Lúc “thu quân” vừa vui vừa mệt. Sáu người chuyển về sáu “khúc”, lắp vào thành một bài. Chỗ này thừa, chỗ này trùng, chỗ này thiếu, mạch viết bị hẫng, phần mở đầu, phần kết chưa có, tôi lại hì hục lấp, chuyển ý, trám mạch. 5 bài là ba mươi “khúc” đa dạng địa bàn, đa dạng lứa tuổi, dân tộc nhân vật phỏng vấn. Thiếu ảnh, thiếu tư liệu, cần thêm ý này cho bài viết nặng hơn…các phóng viên Văn Hiến, Trần Quyền, Hoàng Anh, Linh Lan, Quỳnh Trang tiếp tục tỏa đi các huyện, thành thị, các xã, xóm, bản, làng; gặp gỡ, chụp ảnh, ghi âm…đưa về. Lúc đầu, ngòi bút còn chông chênh, vướng víu, nhưng càng ngày chúng tôi càng lớn lên về nhận thức và kiến thức, ngòi bút cũng chắc dần lên. Từ đầu tháng 3/2017 đến khi tôi bấm nút “gửi” loạt bài có tên chung là: “Nhìn thẳng sự thật để đổi mới và tinh gọn” lên trang quản lý tin, bài của cơ quan để duyệt đăng, là gần 30 ngày. 5 bài của chúng tôi đăng báo từ ngày 10/4 đến 15/4/2017 gồm: Tổ chức hội, đoàn thể, nhiều nhưng chưa mạnh; Tiêu chuẩn công chức “ngáng” luân chuyển cán bộ; Nhất thể hóa chức danh, không phải tất cả “xuôi chèo mát mái”; Bất cập cơ cấu lãnh đạo UBND cấp huyện; Đã đến lúc cần sắp xếp lại tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh.

Ngay khi bài đầu tiên ra mắt bạn đọc, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khen của đồng nghiệp và bạn đọc. Cũng không ít ý kiến khác: Nặng quá, nhạy cảm quá, thể nào tỉnh cũng “nhắc nhở”. Nhưng không, mọi chuyện đều suôn sẻ. Tuy thế, nhân chứng, vật chứng vẫn được chúng tôi lưu giữ đầy đủ đề phòng khi cần đến.

Vẫn còn tiếc nuối

Giải Búa liềm vàng năm nay có số lượng bài dự thi khổng lồ (gần 2.000 tác phẩm), tăng 813 tác phẩm so với Giải lần thứ nhất (2016), trong khi số lượng giải chỉ tăng 7 (54 tác phẩm so với 47 tác phẩm) cho thấy mức độ ngày càng khó để lọt vào giải. Tác phẩm báo in chiếm số lượng lớn (1.118), 252 tác phẩm báo điện tử, 158 tác phẩm phát thanh, 415 tác phẩm truyền hình, 43 tác phẩm ảnh báo chí. Những con số trên cho thấy, còn khá nhiều “cửa rộng” cho các loại hình báo chí khác tham gia và đoạt giải. Ở tỉnh Thái Nguyên, năm 2016, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đoạt 1 giải Khuyến khích, năm nay không có tác phẩm dự thi. Thể loại báo phát thanh, báo điện tử, ảnh báo chí là thế mạnh của Thái Nguyên nhưng cũng không có tác phẩm nào xuất hiện tại Giải. Theo tôi đánh giá, sức lan tỏa của Giải Búa liềm vàng tại Thái Nguyên chưa mạnh, hầu hết do cơ quan báo chí “tự thân vận động”.

Một bài báo viết về xây dựng Đảng đăng tải không chỉ nhằm mục đích dự thi, mà qua đó, công chúng hiểu hơn những việc Đảng đang làm, từ đó đặt niềm tin hơn vào Đảng. Chính vì thế, nếu cuộc thi này được lan tỏa mạnh mẽ hơn sẽ giúp công tác xây dựng Đảng của tỉnh đạt nhiều kết quả tốt hơn.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy