Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:17 (GMT +7)

Hướng tới một sự hoàn thiện

VNTN - Không phải để nổi tiếng, mà để từng cá nhân, gia đình và dòng họ được hoàn thiện hơn. Đó là quan niệm của các dòng họ trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt với những dòng họ có truyền thống học tập, từng thành viên luôn khát vọng vươn tới, hoàn thiện mình bằng sự học suốt đời. 

Từ lâu, khuyến học đã trở thành một phong trào rộng khắp trên cả nước - Thái Nguyên không đứng ngoài cuộc. Ông Lê Duy Vị, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 3.123 chi hội khuyến học, với hơn 374.000 hội viên; có 1.819 cộng đồng (xóm, tổ dân phố) được công nhận Cộng đồng học tập; có 670 dòng họ được công nhận Dòng họ học tập; 176.133 gia đình được công nhận Gia đình học tập. Cuối năm 2018, Hội Khuyến học tỉnh đã khen thưởng cho 27 gia đình học tập tiêu biểu xuất sắc; 19 dòng họ được khen thưởng dòng họ học tập tiêu biểu xuất sắc 3 năm 2016-2018.

Ngày 1-10 âm lịch hằng năm, dòng họ Bàng trên toàn quốc gặp mặt, làm giỗ Tổ tại tổ 16, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên).

Có người bảo: Học để “kiếm cần câu cơm”; học để làm một người có tri thức, có văn hóa; còn tôi thấy ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có khẩu hiệu: “Học để ngày mai lập nghiệp”. Mỗi dòng họ lại có cách riêng để khuyên bảo con, cháu học tập. Nhưng đích đến cuối cùng vẫn là tri thức, là văn hóa, là sự thông hiểu lẽ sống. Chẳng thế mà, năm 1945 khi dân ta giành được độc lập, đất nước có 95% dân số mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Dốt cũng là giặc - “giặc dốt”. Chỉ ít thời gian sau đó nạn mù chữ từng bước được “thanh toán” thông qua các lớp bình dân học vụ. Và bằng cách người biết chữ dạy cho người không biết chữ, chồng dạy cho vợ, chị dạy cho em, trong nhà tự dạy chữ cho nhau. Từ bấy giờ những gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập đã hình thành ở giai đoạn sơ khai.

Cũng vào những năm đầu đất nước có độc lập, lòng người phơi phới mừng vui. Rồi mỗi người đều có một khoảng lặng, hoài cổ về một miền xa nhớ, mong tìm cái gốc hương hỏa để tạ ơn công sinh thành, và bắt đầu cho những chuyến hành hương tìm về nguồn cội, hoặc tìm lại gia phả dòng tộc. Cụ Bàng Bắc Hải, tổ 16, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) là một trường hợp điển hình. Cụ kể: Vì loạn lạc, nên người trong dòng họ Bàng, người dân tộc Sán Dìu chúng tôi phải tứ tán mưu sinh. Năm 2009, tôi đã đi đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… để tìm nhận lại anh em dòng tộc.

Năm 2010, trên khu đất rộng hơn 360m2, các đinh của dòng họ Bàng trên cả nước đã về đây, quyên góp tiền xây dựng được ngôi nhà rộng 200m2. Chỉ lên đôi câu đối bằng chữ Hán bên cửa nhà thờ Tổ, cụ dịch nghĩa: “Bàng gia tiên tổ đức cường thịnh/ Từ tôn hưng vượng đại an khang”. Giây lát dừng lời, cụ tiếp tục câu chuyện: Họ Bàng ở Việt Nam bắt đầu từ Bàng Đức, vì thế trên hoành phi và câu đối đều lấy chữ “Đức” để khởi nguồn cho mọi việc. Vì “Đức” là đức tin vào Đảng, Nhà nước; là đức độ trong ứng xử gia đình, xã hội, muốn thấu đạt điều dạy đó thì mọi người trong dòng họ phải ra sức học tập.

Học tập - không phải là khẩu hiệu, mà cả một sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ người Việt nói chung, của từng dòng họ nói riêng. Nhất là những năm gần đây, Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp. Học tập được coi là một trong những tiêu chí quan trọng của Cuộc vận động. Theo ông Hoàng Việt Dũng, Trưởng dòng họ Hoàng ở huyện Phú Bình (T.P Thái Nguyên): Từ 20 năm nay, Hội đồng gia tộc dòng họ Hoàng được thành lập, với 6 chi họ, hiện có gần 700 hộ, hơn 1.700 nhân khẩu. Mục đích của Hội đồng gia tộc là tập hợp, vận động người trong dòng họ đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đồng thời khuyến khích con cháu tích cực học tập tốt. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 300 con em có thành tích học tập tốt được Hội đồng gia tộc khen thưởng. Hiện dòng họ có gần 30 người có trình độ đại học, 3 người là Tiến sĩ, 5 người là Thạc sĩ và hàng chục con cháu đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

Sự gắn bó giữa các gia đình đã tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần trong dòng họ. Thông qua hoạt động của Hội đồng gia tộc, mọi người trong dòng họ có cơ hội sẻ chia những tâm tư tình cảm, kinh nghiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình, nâng cao kỹ năng nuôi dạy con cháu, động viên, hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống xóa đói, giảm nghèo. Ví như trong dòng họ Hoàng ở huyện Phú Bình, gia đình ông Hoàng Văn Định, do cao tuổi, không có sức lao động, bản thân thường xuyên bị đau ốm nên cuộc sống hết sức khó khăn. Khi thấy nhà ông Định xuống cấp, mưa bão có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hội đồng gia tộc đã thông báo tình hình khó khăn của ông Định đến toàn thể họ mạc, đồng thời vận động các gia đình ủng hộ tiền và ngày công lao động làm lại một ngôi nhà chắc chắn, kín trên, bền dưới để ông Định sống vui lúc về già.

Ông Dũng cho biết thêm: Cái nền gốc đạo đức là sự tích cực học tập văn hóa. Vì học tập là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức mọi mặt, trong đó có hành vi ứng xử, cách làm kinh tế của từng người. Nhiều gia đình dòng họ Hoàng tự hào là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, như ở xã Đồng Liên, gia đình ông Hoàng Văn Nam, với mô hình làm vườn kết hợp xưởng mộc mỹ nghệ; gia đình bà Hoàng Thị Vẽ với mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả đạt thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, người dòng họ Hoàng ngoài việc tự giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, còn tích cực ủng hộ địa phương tiền và công sức lao động trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Điển hình có gia đình ông Hoàng Văn Đồng, ủng hộ gần 100 triệu đồng; gia đình bà Trần Thị Mỹ, ủng hộ 18 triệu đồng cho địa phương làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới.

Các thành viên dòng họ Hoàng (Phú Bình) trong buổi gặp mặt cuối năm

Trên địa bàn của tỉnh có rất nhiều các dòng họ cùng cộng sinh. Nhưng giữa các dòng họ luôn có sự đoàn kết, cùng thi đua, hưởng ứng tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước. Theo bà Hà Mai Hiên, Phó Phòng Xây dựng đời sống Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Sự tự tôn của các dòng họ làm đời sống xã hội thêm phong phú, tình người ấm áp hơn. Giữa các dòng tộc không có sự hiềm khích, cùng vận động nhau hưởng ứng tham gia xây dựng gia đình văn hóa, ủng hộ tiền hoặc hiến đất xây dựng nông thôn mới. Nhiều việc khó, chính quyền địa phương đã gặp gỡ những người có uy tín trong dòng họ vận động, thuyết phục thấu lý, đạt tình thì “dời non, lấp biển” đều không còn là việc khó. Chính vì thế mà cuộc sống trong cộng đồng xã hội được tươi vui, phấn chấn. Nhất là vào dịp lễ, tết và ngày hội đại đoàn kết toàn dân hằng năm, các dòng họ cùng tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao, tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Kết quả năm 2018, trên toàn tỉnh có gần 286.000 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 90,1%; gần 2.500 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 81,99%. Đó là những con số vui, thể hiện rõ ràng về một xã hội ổn định về an ninh, kinh tế và đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có sự nỗ lực đóng góp của các gia đình, dòng họ học tập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Minh Tân, giáo viên nghỉ hưu, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Lý, dân tộc Tày ở 2 xã miền núi Phúc Lương và Đức Lương (Đại Từ) cho biết: Tôi là người được các cụ ủy thác giữ gia phả dòng tộc. Từ bao năm nay, dù “Thương hải, tang điền”, cuộc sống còn khó nghèo nhưng mọi người trong dòng tộc luôn bên nhau, dìu nhau đi qua khó nghèo lạc hậu, vươn lên làm kinh tế ổn định cuộc sống gia đình. Tôi thường nhắc với con cháu trong dòng họ về sự học như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, nên muốn trở thành một quốc gia hùng cường thì dứt khoát phải coi trọng học hành, coi trọng tri thức”. Từ 9 năm nay, ngoài việc mọi người trong dòng họ vận động nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực hiến đất, góp công cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, dòng họ Lý đã thành lập được Ban Khuyến học, từ 30 gia đình trong dòng họ tham gia ban đầu, đến nay đã có 60/64 gia đình họ Lý tham gia phong trào dòng họ khuyến học.

Đang những ngày cuối đông, trời lạnh se sắt da thịt, nhưng tôi vẫn được chứng kiến bao con người trên vùng đất huyện Đại Từ nhọc nhằn bên bãi chè, ruộng ngô và vạt rừng xanh lá. Giữa khung cảnh đầy sương mờ lãng đãng như bụi phấn vương rơi khắp đồng làng thuộc xã Phúc Lương, chúng tôi gặp ông Lý Văn Tuyến, xóm Cỏ Rôm; ông Lý Ngọc Chúc, xóm Khuôn Thủng; bà Lý Thị Hướng, xóm Na Khâm... những người mang họ Lý tất tả với công việc mùa vụ. Nhưng dù bận rộn, song ai nấy cởi mở, chan hòa sẻ chia với chúng tôi về việc làng, việc của dòng họ. Ai cũng cho rằng: Mình nghèo vì còn đói chữ, nên nhiều thứ chưa nhận thức được đầy đủ, vì thế khi các cụ trong dòng họ đưa ra chủ định xây dựng dòng họ học tập, chúng tôi ủng hộ. Vì không học sẽ mãi mãi là người lạc hậu. Trước nhất là các cháu trong gia đình được cho đi học đúng độ tuổi, không để thất học vì khó nghèo. Ông Tân cho biết thêm: Do xác định được giá trị của sự học, nên dòng họ Lý ở Đức Lương, Phúc Lương không chỉ trẻ em trong độ tuổi mới đi học, mà cả người cao tuổi như chúng tôi cũng phải tự học tập hằng ngày để hòa nhập với sự phát triển của thời đại. Còn để con cháu học tập tốt, Ban Khuyến học dòng họ Lý khuyến khích các gia đình trong dòng họ chủ động khắc phục khó khăn, dành cho con em mình góc học tập riêng. Hằng năm, các cháu trong dòng họ có thành tích học tập tốt được khen thưởng, thêm thắt tiền cho các cháu mua sách vở, đồ dùng học tập hoặc mua xe đạp cho các cháu đến trường.

Chia tay dòng họ Lý, chúng tôi về thành phố Sông Công, đến xóm Bài Lài, xã Tân Quang gặp ông Đựng, Trưởng Ban Khuyến học dòng họ Hà. Ông Đựng tự hào: Dòng họ Hà ở Bài Lài có truyền thống yêu nước, hiện có 21 người là đảng viên, 33 người có trình độ đại học và trên đại học. Trong dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội, các gia đình thành viên tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, trong đó có Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Về khuyến học, dòng họ xây dựng quỹ bằng hình thức nuôi lợn nhựa, số tiền quỹ góp được mang giúp đỡ con em các gia đình khó khăn, hoặc làm phần thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập. Năm học 2017-2018, dòng họ Hà có 20 cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến; 30 cháu đạt học sinh giỏi, xuất sắc; 2 cháu thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; 3 cháu thi đỗ đại học.

Cũng bởi nhận thức đầy đủ về sự học, nên những gia đình học tập, dòng họ học tập ngày càng đua nở như hoa mùa xuân. Nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0 - thời đại của văn minh công nghệ. Sự học là cách tốt nhất để mỗi người vươn lên làm chủ chính bản thân mình.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước