Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
19:08 (GMT +7)

Hứa hẹn nhiều hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân hấp dẫn

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024 từ khá sớm, hứa hẹn nhiều đổi mới, sáng tạo, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ngày Thơ Việt Nam đang được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tích cực chuẩn bị sẽ là một trong những
Ngày Thơ Việt Nam đang được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tích cực chuẩn bị hứa hẹn sẽ là một trong các hoạt động văn hóa đặc sắc trong dịp Tết. Trong ảnh: Lễ hội thơ Nguyên tiêu và Hội Báo xuân Thái Nguyên Quý Mão 2023 (ảnh: Quang Khải)

Sẵn sàng cho mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024

Mỗi dịp tết đến xuân về, trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhiều lễ hội, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm. Chỉ tính dịp đầu Xuân, toàn tỉnh có 133 lễ hội truyền thống. Một số lễ hội được tổ chức khai hội sớm như: Lễ hội Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Đình - Đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa); Lễ hội Chùa Hang (TP. Thái Nguyên)... Đây cũng là những lễ hội thu hút được sự quan tâm tìm về của đông đảo người dân, du khách.

Hứa hẹn nhiều hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân hấp dẫn
Toàn cảnh địa điểm tổ chức Lễ hội Đền Đuổm xuân Giáp Thìn 2024

Một trong những lễ hội lớn, tiêu biểu phải kể đến đó là lễ hội đền Đuổm, thuộc huyện Phú Lương. Đây là cụm công trình kiến trúc, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Đền được xây dựng vào thế kỷ 12, dưới triều Lý, với kiến trúc theo kiểu tam cấp gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Đền thờ Dương Tự Minh - Người dân tộc Tày, là một vị tướng tài dưới triều Lý. Qua thời gian, nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, được đông đảo người dân, du khách tới dâng hương, bái lễ. Đền Đuổm được xếp hạng Di tích Lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.

Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017. Theo Kế hoạch của Ban Tổ chức, lễ hội đền Đuổm Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 14 - 15/02/2024 (tức ngày mùng 05 - 06 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương.

Lễ hội diễn ra gồm hai phần. Phần lễ có các hoạt động: Lễ rước đất, rước nước, lễ dâng hương của Hội đồng Họ Dương Việt Nam, lễ dâng hương của các xã, thị trấn, lễ Mộc Dục, lễ Gia Quan, rước lễ vào Đền, Đại Tế lễ. Phần hội có các phần thi: Trưng bày mâm lễ cúng tiến Đức Thánh Đuổm; giã bánh giầy, gói bánh chưng; làm các loại bánh dân tộc, bánh có sử dụng nguyên liệu từ trà xanh; chợ quê ẩm thực; trình diễn trang phục truyền thống; văn nghệ; các trò chơi dân gian tung còn, đẩy gậy, kéo co; trình diễn ánh sáng laser…

Được biết, để công tác chuẩn bị Lễ hội đền Đuổm năm 2024 diễn ra tiết kiệm, đúng mục đích, an toàn và mời gọi được đông đảo du khách đến với Phú Lương, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức và bắt tay vào công tác chuẩn bị. Điểm mới trong công tác tổ chức Lễ hội đền Đuổm năm nay là có hoạt động khai hội Hội báo Xuân tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Đây là dịp để các cơ quan báo chí được gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu những ấn phẩm tiêu biểu của năm.

Hứa hẹn nhiều hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân hấp dẫn
Công tác chuẩn bị cho Lễ hội Đình - Đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình) đã và đang được các cấp, ngành liên quan tích cực triển khai

Cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Phú Bình cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt các lễ hội đầu xuân, như chỉnh trang cơ sở hạ tầng, các tiết mục văn hóa văn nghệ, trò chơi…, sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, khám phá về mảnh đất, con người huyện Phú Bình.

Theo kế hoạch, Lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối sẽ khai hội vào ngày 13/2 (tức mùng 4 tháng Giêng) tại sân chùa Cầu Muối, thuộc Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối, xã Tân Thành. Lễ hội năm nay sẽ bao gồm phần lễ và chương trình nghệ thuật. Trong phần lễ, các thành viên trong Ban Hộ tự sẽ tiến hành rước lễ và tế lễ để dâng lên Thành Hoàng làng tại đình Cầu Muối. Chương trình nghệ thuật sẽ là một điểm nhấn của Lễ hội, quy tụ nhiều nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp. Ngoài phần lễ và chương trình nghệ thuật hấp dẫn, Lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối năm nay sẽ có các gian hàng trưng bày nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương.

Đình - Đền - Chùa Cầu Muối được xây dựng từ thời Hậu Lê. Cụm di tích gồm 1 đình, 2 đền và 1 chùa. Trong đó, đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh); chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, năm 2005, Cụm di tích được công nhận Di tích Lịch sử  - Văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, Đình - Đền - Chùa Cầu Muối thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái, đặc biệt là vào dịp đầu Xuân.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, Trưởng Ban Quản lý Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối, cho biết: Vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, UBND huyện tổ chức Lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của cụm di tích. Trong ngày này, Ban Quản lý sẽ thực hiện nghi lễ rước kiệu, dâng hương, thỉnh chuông cầu an, cầu lộc. Trong mâm lễ, ngoài lễ chay và lễ mặn thì không thể thiếu muối và gạo. Đây chính là nét đẹp văn hóa, nét đặc trưng của lễ hội  này.

Để mùa lễ hội diễn ra văn minh, giàu bản sắc văn hóa, đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, yêu cầu nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; an ninh trật tự và phòng tránh dịch bệnh. Các sự kiện diễn ra đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Qua đó tạo khí thế mới, động lực mới, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vui tết, đón xuân phấn khởi.

Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân đặc sắc

Nhằm tạo không khí mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sổi nổi. Một điểm nhấn trong kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa của một số địa phương dịp tết Nguyên đán sắp tới là các chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân. Trong đó, nhiều chương trình thu hút sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng cả nước, là con em của quê hương. Tiêu biểu trong số đó có chương trình nghệ thuật đặc biệt chào đón năm mới Xuân Giáp Thìn 2024, do Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Phổ Yên sẽ được tổ chức vào tối 09/2/2024 (Tức tối 30 tết). Chương trình có sự góp mặt của nhiều ca sỹ nổi tiếng như: Tùng Dương, Đức Phúc, Đăng Dương, Minh Quân, Bảo Trâm, Nghệ sĩ hài Chí Trung…

Poster chương trình nghệ thuật “Mùa xuân trên thành phố Phổ Yên” sẽ được tổ chức vào tối tối 30 tết tại quảng trường Vạn Xuân
Poster chương trình nghệ thuật “Mùa xuân trên thành phố Phổ Yên” sẽ được tổ chức vào tối tối 30 tết tại quảng trường Vạn Xuân

Chị Nguyễn Thị Huế, phường Ba Hàng thành phố Phổ Yên chia sẻ: Thành phố đang từng ngày phát triển. Nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân cũng ngày một được nâng lên. Năm nào tôi cũng cùng người thân tham dự các chương trình nghệ thuật do thành phố tổ chức. Các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, mang đậm hơi thở mùa xuân, ca ngơi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước và sự đổi thay của quê hương nên thu hút rất đông người đến xem.

Mừng Xuân mới, vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm Quý Mão và năm Giáp Thìn, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh lại rực rỡ, lung linh sắc màu pháo hoa. Năm nay, UBND tỉnh có chủ trương tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp chào đón Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại 7 điểm ở 6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, huyện Đại Từ, huyện Phú Bình, huyện Phú Lương. Riêng TP. Thái Nguyên sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa điểm là Quảng trường Võ Nguyên Giáp và Nhà văn hóa Công nhân Gang thép. Các địa phương còn lại sẽ tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa gồm: Quảng trường Vạn Xuân (TP. Phổ Yên); Quảng trường 1-7 (TP. Sông Công); Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ Đồi Gò Son (huyện Đại Từ); huyện Phú Bình và huyện Phú Lương tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Truyền thông của các huyện.

Màn pháo hoa chào đón Giao thừa Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên
Năm ngoái, màn pháo hoa chào đón Giao thừa Xuân Quý Mão 2023 được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên

Một hoạt động văn hóa lớn được Hội văn học Nghệ thuật các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực chuẩn bị đó là Ngày thơ Việt Nam. Chủ đề được chọn của Lễ hội Thơ năm nay là “Tiếng ca người Việt Bắc”. Với chủ đề này, Lễ hội sẽ trở thành nơi hội tụ và lan tỏa những vẻ đẹp đời sống, văn hóa, tinh thần của các dân tộc vùng Việt Bắc thông qua thơ ca. Điểm nhấn của Lễ hội là chương trình nghệ thuật Thơ - Nhạc với các tiết mục mang đậm bản sắc các dân tộc vùng Việt Bắc, dự kiến được tổ chức vào đêm 24/2/2024, với sự góp mặt giao lưu của các Hội VHNT vùng Việt Bắc. Đây cũng chính là nét mới, nét nổi bật nhất của Lễ hội Thơ năm nay.

Cùng với đó, các hoạt động khác của Lễ hội như giao lưu Thơ - Nhạc - Họa tại các sân thơ: Muôn nhà, Thơ Trẻ, Thi - Họa; trưng bày các ấn phẩm, tác phẩm thư pháp; triển lãm ảnh nghệ thuật và thi “Đề thơ vào ảnh”; trưng bày các câu thơ hay của vùng Việt Bắc; cuộc thi thơ trẻ… sẽ được diễn ra với sự chuẩn bị công phu cùng nhiều điểm đổi mới, hứa hẹn rất thú vị. Chương trình là hoạt động văn hóa - nghệ thuật thiết thực chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời tiếp tục triển khai tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới cũng như các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Cùng với Hội VHNT tỉnh, các Hội VHNT địa phương cũng tích cực chuẩn bị các hoạt động cho ngày thơ Việt Nam tổ chức tại huyện, thành phố. Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội VHNT huyện Định Hóa chia sẻ: Sau khi nhận được kế hoạch tổ chức ngày thơ Việt Nam, Hội VHNT huyện Định Hóa đã họp bàn, lên kế hoạch tổ chức thực hiện bám sát chủ đề ngày thơ Việt Nam năm nay. Các hội viên đều tích cực tham gia và hứa hẹn sẽ có ngày thơ Việt Nam thật ý nghĩa và độc đáo tại mảnh đất chiến khu xưa Định Hóa.

Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà và những sự kiện văn hóa, văn nghệ trong dịp này sẽ là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Các sự kiện được chuẩn bị chu đáo, công phu thể hiện những cố gắng miệt mài không ngừng nghỉ của đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ cơ quan chuyên môn, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm sát sao của các cấp ngành trong việc lan tỏa và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng sung túc, hạnh phúc và thân thiện.

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy