Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
04:56 (GMT +7)

Hơn 900 cơ quan báo chí, 23.402 nhà báo đang hoạt động thế nào?

VNTN - Tạm thời không xem xét việc cấp phép mới cơ quan báo chí, yêu cầu không sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử...

Chuẩn bị đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 8/11 tới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề đã được Quốc hội quyết định. Trong đó, quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình cấp, thu hồi thẻ nhà báo là vấn đề đầu tiên.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính đến nay cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in, 24 báo, tạp chí điện tử độc lập 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 279 kênh, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập, biên dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong một phiên họp Quốc hội.    Nguồn: quochoi.vn

Có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong số đó, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chiếm 20/36 doanh nghiệp.

Đang làm việc trong lĩnh vực báo chí có 41.600 người và Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.

Ngoài những con số, bức tranh toàn cảnh báo chí trong báo cáo của người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông còn có những "dấu ấn" của quản lý liên quan đến Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Như, trong trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch này, Bộ Thông tin và truyền thông tạm thời không xem xét việc cấp phép mới cơ quan báo chí, chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt động thực hiện thêm loại hình báo chí, số liệu cơ quan báo chí thay đổi không nhiều.

Hiện nay, Bộ đang đôn đốc, hướng dẫn thủ tục, xem xét việc thu hồi, cấp giấy phép đối với các cơ quan báo chí thực hiện quy hoạch, như chuyển cơ quan chủ quản, chuyển từ cơ quan báo thành cơ quan tạp chí, sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Phần thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí Bộ trưởng cũng nêu nhiều thông tin và con số đáng chú ý.

Theo đó, Bộ đã có văn bản gửi các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chấn chỉnh, yêu cầu quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định của pháp luật về báo chí, không sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Đăng tải công khai tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí (trong đó có tạp chí điện tử) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí.

Bộ cũng thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh trong giao ban hàng tuần với lãnh đạo các cơ quan báo chí; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm về nội dung thông tin trên báo chí; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với hành vi thông tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia cũng như đến tổ chức, cá nhân, cộng đồng; xử lý các trường hợp nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Theo báo cáo, Năm 2018, Bộ đã xử lý vi phạm hành chính 35 trường hợp, với tổng mức phạt bằng tiền là 1,1 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2019, Bộ đã xử lý 24 trường hợp, với số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 3 trường hợp (Báo Tuổi trẻ online, Báo điện tử Người tiêu dùng, Tạp chí điện tử Luật sư). Từ năm 2018 đến nay, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép.

Con số "ấn tượng" tiếp theo là từ năm 2018 đến nay, Bộ đã nhận và xử lý 450 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí. Đến ngày 30/10/2019, chỉ riêng đường dây nóng của Cục Báo chí đã tiếp nhận gần 1.834 cuộc điện thoại và 300 thư điện tử, khoảng 20 trường hợp phản ánh phóng viên sách nhiễu (chiếm khoảng 1%).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, tình trạng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, giật tít, câu views vẫn còn xảy ra nhiều, một số cơ quan báo chí có vi phạm, bị nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.

Đáng chú ý, trong số nguyên nhân của hạn chế, theo Bộ trưởng có nguyên nhân từ việc chưa có giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy kinh tế báo chí, từ đó tạo tiền đề cho cơ quan báo chí vừa chấp hành tốt, vừa phát triển tốt.

Báo cáo Quốc hội giải pháp khắc phục thời gian tới, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho hay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP) để có hành lang pháp lý đủ mạnh xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí.

Bộ cũng sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Báo chí năm 2016, nhằm làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí và tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy