Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:05 (GMT +7)

Hồi ức về một người thầy

Về một thời xa vắng

Chúng tôi bước chân vào giảng đường đại học vào những ngày tháng khó khăn nhất của đất nước sau chiến tranh, trong cái ngột ngạt, bức bối đến cùng cực của đêm trước Đổi mới. Đó là khóa đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, theo quy định của Bộ, được tuyển thẳng những học sinh tham gia đội tuyển Quốc gia của các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc. Chúng tôi chỉ được lựa chọn quyền vào thẳng để ghi danh một trường duy nhất, đó phải là một trường sư phạm (theo khu vực). Và thế là khóa 20 của chúng tôi trở thành nơi gặp gỡ của hầu hết các tinh hoa đến từ các tỉnh (trừ những người từ chối quyền vào thẳng để dự thi một trường đại học khác). Dĩ nhiên, không chỉ có những sinh viên vào thẳng như chúng tôi, K20 còn có cả các anh chị học dự bị đại học bao gồm dự bị đơn (những người học 1 năm dự bị đại học), dự bị kép (những người bị đúp, phải học 2 năm dự bị đại học), và cả những thí sinh thi đỗ đại học được điểm cao. Vậy là, một lớp học vừa có sự phong phú về tuổi tác vừa có sự phong phú về trải nghiệm nên không khí học tập và sinh hoạt khá thú vị.

Thời đó, tất cả sinh viên đều phải vào ở trong kí túc xá (mà cũng chẳng có nhà trọ trong dân như bây giờ). Ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt tập thể như thời chiến. Sáng, kẻng báo thức dậy tập thể dục. Trưa, kẻng báo giờ cơm, tất cả rồng rắn kéo nhau lên nhà ăn. Bữa cơm sinh viên cũng “bát canh toàn quốc, nước chấm đại dương” không kém gì lính chốt giữa chiến hào. Chiều tối, lại kẻng cơm, rồi kẻng học bài, kẻng ngủ… Chính vì ở tập thể, chính vì không có nhiều thứ để chơi nên quanh đi quẩn lại, thế nào cũng dẫn đến chuyện bàn tán, bình xét xem các thầy các cô ai dễ gần, ai khó tính, ai là “dũng sĩ diệt sinh viên”, ai là “bà đỡ” cho những ca hiểm nghèo mà sinh viên hay mắc phải trong sinh hoạt học đường… Rồi chấm thi, ai chấm đắt, ai ki bo điểm số, cũng trăm thứ bà rằn, ông nọ bà kia ảo ảo thực thực. Trong vô vàn những thông tin đa sự nhiều chiều đó. Tôi thấy các anh chị lớp trên nhắc đến cụm từ “tiếng cười Phạm Luận” chỉ khơi khơi thế thôi mà không có dịp kiểm chứng, cho đến khi thi vấn đáp môn học của thầy.

“Tiếng cười Phạm Luận” là câu thành ngữ của giới sinh viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ngày xưa (bây giờ là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên). Nó có vẻ gắn bó khăng khít và song hành với câu cách ngôn “qua năm thứ hai mới biết tài sư phạm” cũng của giới sinh viên hồi đó. Chắc hẳn thoạt kì thủy, nó phải là phát ngôn cửa miệng của một ai đó, rồi thời gian và đời sống sinh viên đã mang nó gia nhập và trở thành folklore, một thứ “văn hóa dân gian hiện đại” riêng của sinh viên sư phạm. Rồi cùng với thời gian, nó ẩn sâu vào tâm thức để mỗi lần gặp lại nhau trong chu kì đời người gắn liền với chu kì kỉ niệm của mỗi thế hệ sinh viên, chúng tôi lại hồn nhiên nhắc lại những câu nói ấy.

“Tiếng cười Phạm Luận” cùng với những hồi ức xưa về một người thầy đã trở thành thiên cổ, mỗi lần nhắc lại sao vẫn thấy khóe mắt cay cay và nghèn nghẹn thế nào. Tôi cũng thế và bạn bè tôi cũng thế. Vì sao ư? Thật khó lí giải. Chỉ biết nó giúp tôi hình dung phần nào cái mà người ta gọi là Nghiệp (khác với nghề), nghiệp làm thầy, như một định mệnh mà chúng tôi tự trói buộc mình, để rồi tự hào vì nó, và cũng xót xa vì nó, đương nhiên.

Phải nói lại một chút về cách học thi hồi ấy. Vì chưa có các công cụ thiết bị in ấn như bây giờ nên sinh viên chỉ có hai cách để học: đọc và nghe giảng, ghi chép. Lên đến lớp là cắm cúi ghi. Bài giảng là kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các thầy nên nhiều khi, chưa kịp có hoặc không có trong sách. Sách lại càng khan hiếm hơn nên chủ yếu vẫn là vở ghi. Lũ sinh viên chúng tôi, được các anh chị lớp trên truyền lại, nhắc nhở, phải “giữ gìn vở ghi như giữ gìn con ngươi của mắt mình” vì sểnh ra là mất. Mất gì chứ mất vở ghi thì chỉ có nước bó tay, lấy đâu ra vở để mà học.

Thi thì căng lắm, cứ thẳng băng “5 qua 4 ở”, thi lại lần hai, lần 3 không qua thì đúp nên được điểm 5 đã là mừng. Gì chứ môn văn học trung đại là khó nhằn nhất, vì có đến “tứ kính” ngồi xăm soi, vấn đáp. Hồi ấy ít người bị cận mà không hiểu sao các thầy bộ môn văn học cổ lại toàn đeo kính. Thôi thì gặp các thầy như va đầu vào đá, trượt như ngả rạ. Cứ nhấp nhổm chờ đến lượt mình lên đoạn đầu đài. Mỗi người từ phòng hỏi thi bước ra, nhìn vào mắt cũng đã biết là qua hay trượt. Có anh thì lắc đầu, ngán ngẩm: “úi giời, cái xương thế kỉ 19 (ám chỉ Tú Xương) không nhai được”.

Ấn tượng bi hài nhất có lẽ là anh Sơn Hà bị thầy Phạm Luận hỏi vấn đáp, truy cho một hồi vãi cả linh hồn. Thầy hỏi về câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Kìa cái diều ai nó lộn lèo”. Thầy: “lộn lèo là gì?”. Trò: “dạ…dạ, thưa thầy, bậy lắm em không dám nói đâu ạ”. Thầy đang lim dim mắt bỗng giật mình, nhổm cả người lên, hướng về phía trò: “hả, anh nói gì?... bậy á? Có mà anh bậy thì có” thế là 4 điểm đi ra. Rồi cô Hương người Cao Bằng bị thầy xoáy vào câu: “Cửa hang đỏ loét tùm hum nóc”. Thầy: “Đỏ loét là gì?, trò: thưa thầy, đỏ loét là đỏ… ươn ướt ạ”. Eo ôi ghê quá. Thế là trượt. Quả thật, đến tận lúc ấy tôi mới để ý đến câu “Tiếng cười Phạm Luận” nó nghĩa là thế nào. Thì ra, ai vào phòng thi mà gặp thầy hỏi, thấy thầy lim dim mắt, không cười, thì có nghĩa là được điểm cao. Khi thấy thầy “hả?... hả?...” càng nhiều mà lại hơi cười nữa, thì có lẽ là đang ở bên lề của ranh giới tử sinh. Và khi thầy cười phá lên: “hả?... Thế à?…” thì có lẽ mọi việc đã an bài, cứ yên tâm mà về học lại. Sau này khi càng được học thầy, tôi mới càng để ý nhiều hơn.

Một người thầy “ẩn sĩ”

Cuối năm thứ hai, chúng tôi học thầy Phạm Luận. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là người nhỏ thó, cặp mắt tinh anh sau gọng kính hơi trễ, lúc nói chuyện, mắt thầy nheo nheo ánh lên như cười. Thầy là chuyên gia văn học trung đại. Nghe nói thầy là giảng viên trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được phân công lên giảng dạy từ khi thành lập trường Đại học Sư phạm Việt Bắc năm 1966. Thầy đã đi qua những ngày tháng chiến tranh ác liệt cùng với khoa Ngữ văn sơ tán ở vùng núi rừng Đại Từ, thiếu thốn trăm bề, đến thời chúng tôi (năm 1985) đã là quá ổn. Cơ mà hồi đó đói khủng khiếp. Chưa bao giờ các thầy cô giáo phải vất vả mưu sinh như những năm trước Đổi mới. Thôi thì trăm thứ nghề: nuôi lợn, bán bánh, buôn rau, quấn thuốc lá… Hồi ấy, có một định nghĩa rất bi hài về nghề thầy giáo: “thầy giáo là người có nghề phụ là nghề dạy học”. Nhưng hình như tất cả những cái đó, đều miễn dịch với thầy thì phải.

Nhà của thầy, ngôi nhà nhỏ nằm nem nép dưới sườn đồi Yên Ngựa, lúc nào cũng tĩnh mịnh. Mọi thứ xô bồ bên ngoài dường như không vọng đến. Thấy mấy anh chị sinh viên lớp trước kháo nhau: thầy còn chẳng biết gạo người ta bán bao nhiêu tiền một ki lô gam nữa. Mà đúng thế thật, mọi việc lo toan gia đình là cô. Thầy cũng không đòi hỏi gì. Ăn gì cũng được, không mấy quan tâm. Thú vui nhất của thầy là đọc sách, là nghiên cứu. Thật lạ, thầy không mấy khi ra ngoài nhưng dường như chuyện gì thầy cũng biết. Thầy quan tâm đến mấy anh chị là cán bộ đi học, tuổi cao, vất vả. Thầy hiểu gia cảnh từng người. Có vẻ thầy rất dị ứng với hội hè, sáo ngữ, ngoa ngôn. Thầy ít khi đi dự các buổi mít tinh, tọa đàm này nọ. 20 - 11 năm nào, Khoa cũng tổ chức tới tặng hoa, thăm hỏi các thầy cô giáo tiền bối. Thầy tránh không đến, thậm chí không tiếp. Về điều này có vẻ thầy hơi cực đoan. Cả Khoa hình như chỉ có một hai thầy gì đó, là có thể được thoải mái đến nhà thầy, được thầy tiếp. Tôi nhớ có một năm ngày 20 tháng 11, chúng tôi đến nhà thầy Liễn, giáo viên chủ nhiệm lớp, được thầy hồ hởi khoe: “Hôm nay thầy lên tặng hoa thầy Luận, được thầy tiếp và nhận hoa”. Câu nói của thầy không giấu được vẻ vui mừng, hãnh diện.

Với sinh viên thì khác. Thầy không dễ dãi, nhưng cũng không quá khắt khe. Môn học của thầy vào loại khó nhằn nhất của 4 năm đại học, nhưng lại mở ra cho chúng tôi khá nhiều điều. Có những điều, phải cần đến sự từng trải và dấn thân với nghề, chúng tôi mới hiểu được. Thầy dạy Truyện Kiều, từ khi vào lớp đến khi tan buổi, là khoảng cách giữa hai lần nhắm mắt và mở mắt của thầy thì phải. Bước vào lớp, thầy ngồi trên bàn giáo viên, mắt lim dim, đầu gật gật. Thầy truy đến từng chữ, từng câu một cách thong thả, tỉ mỉ, ngọn ngành, không vội vã, không hấp tấp. “Trăm năm trong cõi người ta”, câu đầu Truyện Kiều có thế thôi, nhưng mà, với thầy, có quá nhiều điều cần phải nói, phải trao đổi. Thế nào là trăm năm? Sao lại là cõi người? Rồi tài là gì, mệnh là gì? v.v và v.v.. Cứ thế, thong thả và rành rọt, cái gì thầy cũng hiểu sâu, cũng khơi đến tận căn nguyên của nó. Thầy giỏi chữ Hán chữ Nôm, tinh thông đông tây kim cổ. Không cao giọng, không thuyết trình liên hồi kì trận như rất nhiều những giáo viên khác, thầy cứ nhẩn nha nhả chữ như con tằm nhả tơ, sợi tơ nào cũng óng, cũng đẹp.

Những phút thư giãn của Thầy trong ngôi nhà nhỏ trên Đồi Yên Ngựa (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên)

Dường như thầy không mấy quan tâm đến sinh viên, ít nhất là chúng tôi tưởng thế, nên một số anh chị, hễ lẩn được là lẩn, có khi đang học trong giờ, tưởng thầy không nhìn thấy, tranh thủ lẻn ra ngoài, chủ yếu là “cà lê” ở mấy quán nước trước cổng. Một lúc nào đó, khi ngồi nói chuyện với thầy, mới thấy thầy đột nhiên hỏi sao cô ấy, anh nọ mấy buổi nay không thấy lên lớp nhỉ, khiến cho chúng tôi cứ giật mình thon thót. Thì ra thầy biết hết ai học chăm chỉ hay chểnh mảng. Thầy không quảng bá tuyên truyền, ai có nhu cầu muốn hiểu biết thì đến thầy giảng giải, một cách cặn kẽ, chỉn chu. Sau này, khi mới quay trở lại trường làm giảng viên, tôi hay lên nhà thầy chơi, nói chuyện, cốt là để tranh thủ học mót thêm kiến thức của thầy. Thực ra thì những giá trị văn học cổ, ít nhiều đã có tính bền vững, nhưng chính vì thế mà có khi chỉ một câu chữ, một vấn đề hết sức nhỏ nhặt, lại là một tiền đề khơi mào cho một cuộc tranh luận lớn.

Tôi muốn nói đến cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa thầy với một vài vị học giả có tiếng tăm khác, khi bàn về hai chữ “tân thanh” trong nhan đề của Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh). Thầy tranh luận một cách quyết liệt, bằng những nghiên cứu hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ từng li từng tí. Để rồi cuối cùng, khi in cuốn “Văn bản Truyện Kiều”, người ta phải in lại nguyên văn những quan điểm khác nhau trong cuộc tranh luận đó. Và điều đó làm thầy vui, vì thầy ghét nhất tính áp đặt, chủ quan trong nghiên cứu. Mỗi lúc như thế, thầy lại cười, nụ cười hiền khô, chỉ thấy ánh mắt rạng lên, hình như đó là hạnh phúc.

Và giữa đời thường…

Tôi cứ tưởng thầy chỉ nhớ, chỉ quan tâm nhiều đến khóa chúng tôi, nhưng không phải. Hai mươi năm sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đến nhà thầy, thầy hỏi thăm từng người, để tâm đến từng hoàn cảnh. Thầy vui vì trong chúng tôi, đã có khá nhiều người thành đạt, thăng tiến. Thầy ái ngại cho một vài anh chị có gia cảnh và cuộc sống éo le. Thầy vẫn nhớ từng đôi yêu nhau từ thời sinh viên, nay những ai nên vợ nên chồng. Tôi cứ ngỡ là do khóa tôi có nhiều gắn bó, nhiều kỉ niệm với thầy. Song không phải, sau này thấy thầy nhắc tới nhiều những thầy giáo trong khoa, sinh viên các khóa, tôi thấy thầy nhớ nhiều, biết nhiều. Thầy nắm bắt thông tin mới, sốt dẻo như vị tướng ở đại bản doanh luôn cập nhật những tin chiến sự. Điều này ít nhiều chi phối và can hệ đến niềm vui, nỗi buồn ở thầy. Chẳng hạn, có hôm vừa đến chơi, chưa kịp uống xong chén nước, thầy đã bảo: này ông (thầy hay xưng hô với tôi như thế), thế cậu H với cô H ấy bỏ nhau thật à. Thầy bảo, thằng H thế không được, nó bỏ cả quê quán, hy sinh cả tuổi xuân theo mình lên nơi khỉ ho cò gáy, thế mà bây giờ có tuổi rồi, lại nỡ hắt hủi, chia lìa nhau, như thế là không được.

Tôi để ý thầy thường chỉ quan tâm đến hai kiểu loại trò cũ: Người thành đạt (hay có khả năng thành đạt) và người long đong, lận đận trong cuộc đời. Có hôm tôi lên nhà thầy, thấy thầy đang ngồi một mình uống nước, ra chiều suy tư lắm. Tôi hỏi thì được biết, thầy đang nghĩ tới một em sinh viên học sau chúng tôi khá lâu. Em xinh xắn, thông minh, học giỏi, được giữ lại khoa làm giảng viên. Rồi đi du học nước ngoài. Viễn cảnh tương lai đẹp thế, nhưng đời sống tình cảm riêng thì lại rất buồn, lấy đến hai đời chồng, người thì chết, người thì bỏ. Cô chán nản và không thiết tha gì học, cũng chẳng thiết tha gì trở về. Vậy là bỏ nghề, sống lang thang ở nước bạn, làm đủ mọi nghề (trừ dạy học). Giờ lấy một anh chồng bên Tây, cũng chẳng biết sướng khổ thế nào?! Lạ thế, em đó chỉ là một sinh viên cũ, chẳng họ hàng gì, vậy mà thầy buồn ghê gớm. Rồi cả chuyện một cậu học trò cũ mà thầy rất quý, rất có khiếu học văn, nhưng sau này đi du học lại theo đuổi một ngành khác, thầy ái ngại và lo lắng… Cứ thế, thầy lần theo từng bóng dáng học trò cũ, để mà trăn trở, để mà vui, mà buồn.

“Gương báu răn mình”

Nhiều người nghĩ, con người vĩ đại khi họ làm được điều gì vĩ đại. Người ta nói đến những nhân cách lớn, ý chí lớn, nghị lực lớn. Vậy thầy có gì để là gương? Một cuộc đời bình dị đến giản đơn, không học hàm học vị. Thời đó, hình như lãnh đạo cũng đề nghị thầy làm hồ sơ phong giáo sư thì phải (như một số giáo sư bạn thầy cũng được phong ngày đó, không cần học vị tiến sĩ), nhưng thầy chỉ cười. Bạn bè của thầy toàn những người nổi tiếng uyên thâm, tài giỏi, nhưng hình như ai cũng rất trọng thầy. Bằng cớ là mãi sau này, cứ khi nào thầy cô ở Hà Nội có dịp lên giảng dạy trên này, ai cũng dành chút thời gian đến thăm hỏi thầy. Họ nói về thầy với một sự kính trọng thật lòng. Thầy không để lại nhiều công trình ngoài một số sách giáo trình thầy tham gia viết từ trước những năm tám mươi. Một số bài báo tranh luận về những vấn đề nào đó liên quan đến học thuật. công trình đáng kể nhất có lẽ là cuốn chú giải Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Sau ngày thầy mất, con gái thầy là PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái mới cho xuất bản, như một tưởng niệm về người cha thân yêu của mình.

Lạ, thầy không hoạt ngôn, sống như ẩn sĩ, nhưng hầu như tất cả những ai đã sống và sinh hoạt chuyên môn với thầy (các thầy cô giáo), được thầy dạy (dù là môn rất khó nhằn) đều rất yêu quý, kính trọng thầy. Có lẽ là sự cảm phục về tinh thần cẩn trọng, say mê nghiên cứu. Song có lẽ, còn có một khía cạnh khác, đó là sự quan tâm đến người khác, trân trọng người khác, nhất là những người trẻ, những người có tài năng. Thầy hình như không mấy quan tâm vướng bận đến chính bản thân mình, chỉ đau đáu nghĩ về người khác. Sống như thầy, thật khó.

Có lẽ chính vì thế mà thầy trở nên vĩ đại, ít nhất là trong trái tim của các thế hệ học trò, như chúng tôi.

Tháng 11 năm 2022

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

An toàn trong siêu bão

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước