Hồi ức của người lính đặc công năm xưa
(PV. Anh Thắng lược ghi theo lời kể và hồi ký của thương binh Phạm Hồng Sơn)
Tôi có dịp gặp gỡ với ông Phạm Hồng Sơn, thương binh 2/4, tỉ lệ thương tật 70% ở xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương để nghe ông kể về chuyện chiến đấu năm xưa của mình. Một mắt của ông đã mất do chiến tranh, con mắt còn lại luôn ánh lên rạng rỡ mỗi khi nhắc đến các trận đánh oanh liệt và rồi những dòng lệ cũng bất giác từ đó tuôn ra mỗi khi nhắc đến sự mất mát, hy sinh của các đồng đội…
Hăm hở lên đường chiến đấu
Năm 1966 - 1968, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, tôi dạy học cho lớp vỡ lòng của xã. Lớp gồm cả người già lẫn trẻ nhỏ nhưng ai nấy đều ham học hỏi và rộn rã tiếng cười đùa. Ngày tháng dạy học êm đềm chẳng được bao lâu, chiếc máy bay thứ 1000 mà quân dân Bắc Thái bắn rơi cách lớp học chỉ khoảng 500m. Để bảo vệ quê hương, thanh niên trai tráng trong làng, xã nô nức lên đường nhập ngũ. Lúc ấy tôi 19 tuổi, đã được xét vào “đối tượng kết nạp Đảng” nhưng không đắn đo gì mà viết ngay đơn để xin nhập ngũ. Người tôi nhỏ, chỉ nặng hơn 40 kg sức khỏe loại B1 nên hết đợt tuyển quân, bạn bè trang lứa đã lên đường gần hết mà mình không được gọi nên hụt hẫng lắm. Tôi bèn viết đơn bằng máu để các đồng chí tuyển quân xem xét. Cuối cùng, tôi đã được tuyển đi đợt 2 vào tháng 12/1969. Cầm trên tay giấy báo nhập ngũ, tôi vỡ òa trong niềm vui sướng.
Chân dung thương binh Phạm Hồng Sơn
Tôi được biên chế vào Sư đoàn 304B đóng quân ở Phú Bình, đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội phó, Phó Bí thư Chi đoàn Đại đội 3. Nhiệm vụ của tôi là đốc thúc thay đổi gác, đánh thức đồng đội dậy đúng giờ, dậy tập thể dục, đúng giờ ra thao trường… Trong thời gian nghỉ giải lao giữa giờ tập, tôi tranh thủ dạy võ cho tiểu đội, ai nấy cũng đều hào hứng. Chả là trước khi đi lính tôi đã tốt nghiệp trường Trung cấp Thể thao, được Ty Thể dục Thể thao Bắc Thái điều về huyện Phú Lương làm chuyên viên, giáo viên dạy võ. Thế rồi cả Trung đội cùng đến tập võ, khí thế thật phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, Đại đội 3 D6 đã có quyết định chuyển 1 giờ thể dục buổi sáng thành tập võ. Chẳng bao lâu sau, tôi được tuyển vào đơn vị đặc công của Đoàn 9. Nhiệm vụ mới đang chờ tôi phía trước, được nhập vào đơn vị “Đặc biệt tinh nhuệ” là vinh dự đồng thời là thử thách lớn đối với tôi.
Dù có võ nhưng khi tiếp xúc với đàn anh ở đơn vị mới tôi mới thấy mình vẫn còn thật non kém. Võ của đặc công là để thực chiến còn võ của mình chỉ được xếp vào loại “biểu diễn”. Các chiêu thức, miếng đánh của đặc công nhanh nhẹn, uyển chuyển nhưng cũng thật chính xác và có sát lực lớn. Tôi đứng nhìn các anh hướng dẫn mà lòng cảm phục, lòng tự nhủ: mình phải huấn luyện thật nghiêm túc để nhuần nhuyễn những động tác, chiêu thức mới này để áp dụng vào chiến đấu chứ cứ lơ ngơ như bây giờ thì chết đầu nước. Tôi cố gắng tự rèn luyện và nhờ có nền tảng võ học nên chỉ trong thời gian ngắn tôi đã có thể đấu được tay đôi cùng các đàn anh.
Thương binh Phạm Hồng Sơn kể lại câu chuyện chiến đấu của mình với pv
Đầu năm 1970, đơn vị được lệnh cấp tốc hành quân vào Nam. Cuối cùng cái ngày được vào chiến trường để chiến đấu mà chúng tôi luôn mong ngóng cuối cùng đã đến. Chúng tôi hối hả vượt dãy Trường Sơn để Nam tiến, mặc cho đường dài, khó đi và những con mưa rừng xối xả liên tục ập đến nhưng ai nấy đều háo hức. Để hành quân nhanh, đơn vị phải vượt qua núi cao vực thẳm, có lúc phải leo thang dây vượt qua những vách núi cao trơn trượt, sơ sảy là rơi xuống vực. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những đoàn thương binh từ mặt trận miền Nam chuyển ra. Mọi người tay mắt mặt mừng chào hỏi, động viên nhau, chia nhau rít chung những bi thuốc lào hiệu Ba Ba. Qua lời kể của các đồng chí, chúng tôi hình dung ra chiến trường trong này đang diễn ra ác liệt, rất nhiều anh em đã hy sinh. Đó là động lực thôi thúc chúng tôi nhanh chóng hành quân để chi viện cho miền Nam. Nhưng hành quân được quá nửa đường thì tôi cùng 2 đồng chí lại bị điều về “Trường Quân chính cầu Lầy” để học. Tôi ngán ngẩm kêu lên: 5 tháng trong quân ngũ, 3 lần chuyển đơn vị. Mặt trận đã đến gần, sắp được chiến đấu, tôi muốn mình là anh lính xung kích, băng qua chiến hào, miệng thét xung phong, ấy vậy mà giờ lại phải đi học. Có khi học xong thì hết chiến tranh mất thôi!
Chúng tôi chấp hành nhiệm vụ, đi theo đồng chí giao liên vượt núi băng rừng, sau 5 ngày đêm thì đến nơi gọi là “Trường Quân chính cầu Lầy”. Trường là các ngôi nhà nhỏ dựng dưới các lùm cây, khuất sau các dãy núi cao. Nơi đây đào tạo các cán bộ sơ cấp, sau này về chỉ huy các trung đội, đại đội. Tại buổi học đầu tiên, tôi mới vỡ lẽ ra rằng: Trước giờ chúng tôi vẫn còn bồng bột và ảo tưởng lắm, luôn nghĩ đến viễn cảnh chiến tranh như “trong phim”. Trên thực tế, chiến trường khác hoàn toàn, vô cùng ác liệt. So sánh lực lượng địch hơn ta vũ khí trang bị, đông hơn về quân số. Về phía ta lấy ít đánh nhiều, phải có cái đầu lạnh, phải điều tra nghiên cứu cho kỹ đã đánh là phải chắc thắng thì mới đánh. Nếu chỉ có tinh thần dũng cảm, ngoan cường không sợ hy sinh thôi chưa đủ mà phải chắt chiu từng cơ hội, phải chuẩn bị cho tư tưởng chiến tranh còn lâu dài, phải kiên trì chờ thời cơ. Đồng thời, cũng cần những người quản lý có khả năng tập hợp, đoàn kết, động viên làm tốt công tác trau dồi tư tưởng đạo đức phong cách lối sống hợp với điều kiện chiến trường đối với mọi quân nhân…
Kết thúc khóa học, chúng tôi nhanh chóng đuổi theo đơn vị cũ. Lúc này họ có nhiệm vụ theo đoàn Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào, hiện đang chiến đấu ở khu vực Mường Phìn. Mất nửa tháng mới về đến nơi đơn vị đang đóng quân. Lúc đó, trời đã chạng vạng tối, mọi người đều đã đi chiến đấu hết chỉ còn 3 đồng chí ở lại. Đi đường mệt quá nên chúng tôi lăn ra ngủ. Tờ mờ sáng hôm sau, có tiếng động, tôi choàng tỉnh chạy ra sân và reo lên: A! anh em đã đánh trận về rồi! Tôi phấn khởi bắt tay từng người, nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai vui mừng, nét mặt ai nấy đều buồn rượi. Phía sau, một cảnh tượng vô cùng đau xót hiện ra. Những chiếc cáng khiêng thi thể của 6 đồng chí đã hy sinh được khiêng về. Quá ngỡ ngàng, tôi chạy lại lật mặt từng người, gọi tên họ trong vô vọng: Các anh ơi, thằng Sơn về rồi đây, sao các anh lại bỏ tôi mà đi vậy, chúng ta mới chỉ tập luyện cùng nhau, còn chưa được sát cánh tiêu diệt kẻ thù cùng nhau mà... Tôi và và các đồng đội nước mắt cứ thế tuôn ra. Một lúc sau, chúng tôi cố nén nỗi đau, bắt tay vào đào huyệt, làm lễ tang cho các đồng chí để còn nhanh chóng chấp hành nhiệm vụ. Trước mộ huyệt các đồng chí đã anh dũng hy sinh chúng tôi thề sẽ chiến đấu để trả thù và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả để an ủi vong linh các anh.
Những ký ức không quên
Từ sau đó, tôi được lãnh đạo đại đội phân công nhiệm đảm nhiệm chức vụ Phân đội phó, quyền Phân đội trưởng Phân đội 1. Ngày 3/8/1971, tôi được công nhận là đảng viên chính thức. Điều đó thôi thúc tôi cần phải trách nhiệm, nhiệt huyết hơn nữa trong tập luyện và chiến đấu. Tôi đem bài học, kinh nghiệm đã học từ Trường Quân chính chia sẻ cho anh em và áp dụng vào thực tế chiến đấu. Chúng tôi bắt đầu tập điều tra nghiên cứu, lên sa bàn, mô phỏng lại từng chi tiết nhỏ nhất ở địa điểm sẽ tập kích. Sau đó lại luyện tập nhiều lần y như trận đánh thật cho nhuần nhuyễn rồi mới hành động. Các trận đánh của chúng tôi thường theo kiểu đột kích, đánh nhanh thắng nhanh gây bất ngờ cho địch. Thời gian đưa ra là 3 phút thì trong vòng 3 phút đó sẽ tiêu diệt hết địch rồi rút ngay để bảo toàn lực lượng. Chúng tôi thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh trận nào thắng trận đó, gây nên nỗi khiếp đảm đối với kẻ thù. Cứ thế, đơn vị tôi phối hợp với các lực lượng khác của bộ đội Việt Nam và quân cách mạng Lào đã giành thắng lợi trong nhiều trận chiến quan trọng như: diệt sân bay trên cao nguyên Pô lô ven - sân bay quan trọng của Ngụy khống chế toàn bộ Đông Dương; kết hợp với Sư đoàn 2 của đại tá Nguyễn Chơn giải phóng Pắc Xoòng… Những vùng đất, địa danh mà chúng tôi tham gia tham gia giải phóng cứ thế như vết dầu loang như: Xa va na khét, Xa la van, Tà ven ọc, A tô pơ, Pắc xoòng, Pắc xế, Ê tu, bản Nhích…
Tôi còn nhớ một lần phải đi báo cáo với lãnh đạo Trung đoàn. Đơn vị lúc này đang đóng quân ở bản Nhích. Chúng tôi khoác súng AK báng gấp tay cầm cành cây ngụy trang che đầu, men theo bìa rừng xuống bản Ê Tu để báo cáo. Trên đầu, những chiếc máy bay trinh sát của địch bay lượn liên tục. Anh em chúng tôi đã quá quen thuộc với chúng nên cứ bình tĩnh di chuyển. Bất ngờ một chiếc máy bay bé tý như chiếc qoai xoong Liên Xô đột nhiên bay vụt lên rồi bổ nhào xuống bắn chúng tôi. Tôi hô: Chạy! Cả hai nhảy xổ vào rừng rậm, chạy được hơn chục mét thì một loạt Rốc két từ nó bắn xuống đúng chỗ chúng tôi vừa đứng. Chậm 1 giây thôi là toi đời! Thật ra, những vụ xém chết như vậy cũng thường xuyên xảy ra nên chỉ thoáng một lát là chúng tôi trấn tĩnh lại ngay.
Vào đến bản Ê Tu lại chẳng thấy có ai, chiếc máy bay L19 trinh sát của địch thì cứ vè vè quần đảo rất thấp quanh bản, có vẻ như nó đã phát hiện được điều gì. Tôi chạy lên cầu thang của ngôi nhà gỗ 2 tầng quan sát thấy nó bay thấp, sát nóc nhà và đang lao thẳng về phía tôi. Chẳng suy tính dài dòng, tôi gác súng lên cửa sổ, mở khóa cò, nhắm vào cổ thằng phi công. Khi nó chỉ còn cách khoảng 100m, tôi chuẩn đường ngắm bình tĩnh bóp cò. Tằng tằng 1 điểm xạ 2 viên AK vang lên. Chiếc máy bay vụt qua đầu tôi, chúi xuống và lao xuống ao sau nhà. Ụp 1 cái, tiếng động lớn vang lên rồi chìm ngỉm, không nổ, không khói. Bất ngờ có tiếng quát to: Ai bắn đấy, lộ điểm máy bay địch đến bắn phá thì sao? Tiếng quát là của đồng chí Mịch, Tham mưu trưởng của Trung đoàn. Tôi chưa kịp lên tiếng thì đồng chí đi cùng đã chỉ tay ngay vào tôi. Nhận ra tôi là tên cứng đầu có biệt danh “gặp địch là đánh” của đơn vị, đồng chí bớt “bực” hơn mà chỉ quở trách thêm vài câu.
Mọi người chạy đến chỗ máy bay rơi, lôi tên phi công ra khỏi ghế và hộ nhau đưa lên bờ. Đây là tên phi công Mỹ đeo hàm trung tá, hắn bị trúng một phát đạn của tôi xuyên từ mũi ra sau gáy nên chưa kịp bấm nút pháo khói. Nếu kịp bấm thì ngay lập tức sẽ có pháo bắn hoặc máy bay khác của địch đến ném bom khu vực này ngay… Trên đường trở về nơi đóng quân và cả mấy ngày hôm sau tôi cứ nơm nớp sẽ bị xử lý kỷ luật. Thật bất ngờ là tuần sau, đồng chí trực ban đi báo cáo về vui vẻ thông báo cho tôi: Trung đoàn đã quyết định đề nghị nhà nước tặng thưởng cho tôi Huân chương chiến công hạng 3 và thưởng huy hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay”. Được tin cả đơn vị vui vẻ chúc mừng còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm: “không bị kỷ luật là may”.
Một lần khác, chúng tôi đang luồn sâu vào Pắc xế. Đơn vị C20 đặc công đang đạp góc phương vị đi cắt rừng. Tôi chỉ huy phân đội 1 đi đầu, cả đoàn quân tập trung cao độ vì đây là vùng địch. Tôi đi đầu tiên, súng AK báng gấp, đạn đã lên nòng chỉ cần bật khóa là bắn ngay, 2 băng đạn buộc chéo đầu đuôi, lúc hết băng thứ nhất chỉ cần tháo quay lại là bắn tiếp ngay được. Tôi cẩn thận dẫn đoàn theo con đường mòn lên núi, bất ngờ bụi cây ven đường cách tôi 10m có tiếng động. Tôi lập tức bật khóa nòng bắn mạnh về phía bụi cây, đồng thời 1 loạt đạn AR15 cũng bắn rạt về phía tôi. Một đồng chí đi sau tôi 3m trúng đạn ngã xuống. Tôi sôi máu chạy lên xả đạn liên tục hết 2 băng đạn. Nhoằng 1 cái, trận địa đã im bặt tiếng súng, lúc này có tiếng kêu cứu bằng tiếng Việt: Các anh ơi cứu tôi với! Bên cạnh xác tên địch có một gốc cây to và một người đang bị trói chặt. Anh ta người nhỏ, da ngăm đen mặc quân phục Pa thét Lào. Tôi cởi trói cho anh, ngay lập tức anh nắm tay tôi cảm ơn rối rít. Anh là cán bộ của Neo Lào hắc xạc (Mặt trận Lào yêu nước), ngày trước đã từng học tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên, sau đó về nước làm cán bộ Mặt trận. Anh đang cùng 2 chiến sĩ đi làm nhiệm vụ thì bị phục kích, 2 đồng chí kia đã hy sinh. Vừa rồi tôi bắn chết một tên còn các tên khác thấy hỏa lực rát quá thì chạy mất. Người bạn Lào nói: “Tôi thật sự biết ơn đồng chí. Tôi đang đi thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu hôm nay không được các đồng chí cứu thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn cục diện của Mặt trận. Việc làm của đồng chí là một chiến công. Tôi nhất định sẽ báo cáo với Mặt trận thưởng huân chương cho đồng chí”. Tôi ngại lắm, nhất quyết từ chối nhưng anh ta vẫn khăng khăng và hứa sẽ thực hiện. Bẵng đi, thật bất ngờ sau 37 năm sau tức năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 - 30/10/2009), tôi đã được nhận huân chương “Chiến thắng hạng nhất” (Sa nạ Lột) của nước bạn Lào trao tặng. Người bạn Lào năm nào sau đó cũng đã trở thành cán bộ cao cấp của quân đội Lào và anh đã giữ đúng lời hứa của anh đối với tôi…
Ông Phạm Hồng Sơn (ngoài cùng bên phải) nhận huân chương “Chiến thắng hạng nhất” (Sa nạ Lột) do Nhà nước Lào trao tặng
Chắc tay súng nhé, đồng đội tôi ơi!
Tôi cùng anh em trong phân đội đang chiến đấu hăng say, bằng tất cả nhiệt huyết, nhưng rồi một ngày định mệnh đã đến. Đó là vào đầu tháng 3/1972, Trung đoàn chúng tôi có nhiệm vụ đánh “bãi pháo”. Đây là cứ điểm quan trọng nằm án ngữ đường số 9 dẫn vào Pắc xế nên địch tập trung nhiều hỏa lực mạnh gồm: Pháo 105 ly - 106 ly, cối 81, quân số chắc phải đến tầm một trung đoàn. Sau khi nghiên cứu điều tra lên sa bàn, Ban chỉ huy Trung đoàn quyết định dùng đơn vị C21 công binh vào gần hàng rào đặt mìn 10, tức là 7 quả mìn định hướng ĐH 10 và 3 quả ĐH 7 thổi bay hàng rào, để lực lượng đặc công cùng bộ binh xông lên đánh. Tôi phụ trách kiểm tra xem đã phá thông đường chưa, nếu chưa thông thì dùng bộc phá ống để phá tiếp. Phân đội tôi bí mật vượt qua hàng rào đơn thứ nhất, tiến sát hàng rào đơn thứ 2 (là hàng rào bùng nhùng nên không thể vượt qua). Anh em đào hố cá nhân núp xuống, không để hở đầu. Giờ G đã điểm, đúng 4h sáng, 2 đồng chí công binh điểm hỏa cho mìn nổ, quả mìn trước mặt tôi nổ đúng vào kho nhiên liệu của địch khiến lửa bốc cháy cao bằng ngọn tre. Toàn bộ 7 hàng rào đều đã thông. Ngay lập tức tôi cùng đồng đội xông lên. Lúc này, kẻ địch mới choàng dậy từ trong bắn hỏa lực ra, hỏa lực của ta cũng bắn vào, đạn nổ dày như vãi gạo.
Đang tiến công thì bắt ngờ có tiếng xẹt một cái ngay bên cạnh. Tôi vội cúi xuống thì… người giật lên lạnh toát. Một quả đạn cối 81 của địch nổ ngay sát bên phải tôi choáng váng và ngã gục xuống, máu tươi phun ra như tắm ướt hết bộ quần áo rằn ri. Không muốn để đồng đội bận tâm, tôi gắng sức lết về phía căn hầm của y tá cách đó khoảng 20m. Các đồng chí y tá dìu tôi vào rồi tôi cũng ngất lịm đi không còn biết gì nữa. Phải 16 tiếng sau tôi mới tỉnh lại, lúc này toàn thân ê ẩm, đầu đau buốt. Tôi gắng sờ lên mặt thì thấy “thiếu thiếu” rồi bất giác thốt lên. Trời ơi, mắt phải của tôi! Thế là hết rồi, từ nay chẳng còn được cùng đồng đội chiến đấu, cùng nhau ăn đói nằm sương nữa! Các y bác sỹ bảo tôi bị mất nhãn cầu ở mắt phải kèm theo một số vết thương ở cằm thái dương, trong hộp sọ. Sau đó, đơn vị vẫn hành quân, còn tôi ở phẫu thuật vài ngày rồi được chuyển ra viện, theo xe chuyển ra Bắc. Ngồi trên xe tôi ngán ngẩm và lo lắng cho phân đội của tôi lắm. Bao khó khăn, gian khổ đang chờ họ, còn mình lại đi ra như thằng trốn chạy…
Kể từ ngày ấy đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua. Cứ lúc nào đồng đội có dịp gặp nhau, chúng tôi hàn huyên nhắc lại các kỷ niệm ở chiến trường một thời máu lửa, một thời hào hùng. Và chúng tôi vẫn luôn ngậm ngùi khi nghĩ về các đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đất bạn Lào. Họ vẫn luôn sống trong tâm trí chúng tôi, nhắc nhớ chúng tôi cần luôn cần phải sống tốt để không phụ lại sự hy sinh cao cả của họ.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...