Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
23:39 (GMT +7)

Hội làng

VNTN - Vừa mở cổng bước vào đã thấy cô Tuyết, cô em họ đang ngồi thái chuối cho lợn ở giữa sân. Mái tóc bạc quá nửa, da mặt đen đúa, chân tay gầy gò. Trông thấy tôi, cô vội vứt con dao phay xuống sân, đập đập hai bàn tay vào nhau rũ cho rơi nốt mấy mẩu bẹ chuối, cười ngượng nghịu:

- Bác sang chơi. Em có lỗi, hôm qua nghe ông trưởng thông báo bác về chơi, em định cho lợn ăn xong thì sang nhưng chưa kịp thì bác đã sang em trước.

- Thím cứ vẽ. Tôi về hưu, rỗi rãi chứ đâu bận tối mắt như quê ta.

 

Ảnh minh họa

- Ôi, thế bác về dự hội làng đấy à.

- Thím nói sao, hội làng còn hơn hai tháng nữa mới tới cơ mà. Về từ bây giờ thì ăn cơm hết cả làng à.

- Ấy, bác lâu không về. Cũng rậm rịch từ bây giờ rồi.

Tôi thấy lạ, ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại sớm thế. Đến ngày mở hội thì mở, sao lại phải chuẩn bị lâu vậy?

Đưa cho tôi bát nước vối, cô Tuyết cười như mếu:

- Bác ơi là bác. Ngày xưa làng ta việc làng việc họ nó đeo đẳng bao năm khốn khó, ngừng được vài chục năm êm êm. Nay đời sống đã nâng lên, phú quý sinh lễ nghĩa nên hội làng hồi phục rầm rộ, nói chứ còn to và nặng nề hơn trước kia nhiều.

Định bụng sang chơi hỏi thăm chuyện làm ăn, tự dưng lại sa vào chuyện làng. Tôi lái câu chuyện sang hướng khác:

- Vậy dạo này sức khoẻ của chú ấy thế nào.

- Cảm ơn bác, nhà em cũng vẫn khoẻ.

- Thế thím nuôi mấy con lợn, có lờ lãi gì không.

Thím Tuyết lắc đầu chán nản:

- Lãi gì bác ơi. Em nuôi mỗi hai con. Nếu cứ cám tổng hợp ăn rền thì có mà lỗ chỏng vó. Em phải thái chuối, băm bèo độn thêm vào. Nuôi hai con thì một con để mổ góp hội, còn một con bán gỡ phần nào tiền cám bã cho đỡ đi.

Lại hội. Sao cái gì cũng hội.

- À mà chú ấy còn nuôi gà nữa không. Làng ta có giống gà quý lắm nhỉ.

Thím Tuyết xua xua tay, giọng nhỏ hẳn đi như sợ ai nghe:

- Bác hỏi chuyện nuôi gà làm gì cho thêm bực mình. Một số nhà thì vẫn nuôi loại gà chân to đấy, nhưng nhà em thì khác. Ông ấy nuôi đôi gà chọi để thi đấu ngày hội. Nuôi đôi gà ấy tốn bằng nuôi thêm một người, chăm nó còn hơn chăm con. Hội năm nào chẳng có chọi gà. Thắng thì được thưởng vài trăm, thua thì cay cú lắm.

Nếu cứ ngồi thì chắc vẫn chỉ chuyện về hội làng, tôi xin phép về nhà ông trưởng. Vừa thấy tôi về, ông đã bắt nọn:

- Thế nào, có ai than vãn về chuyện hội làng không?

Tôi thật thà: Cũng có. Hội làng là một sinh hoạt văn hóa, sao có phần nặng nề thế ạ.

Ông kéo tay tôi ngồi xuống, bảo:

- Cháu lâu không về. Đúng là có chút nặng nề. Nhưng hội của làng chứ có phải là của nhà nước đâu. Ai có tiền góp tiền, ai có gạo góp gạo, có thịt góp thịt, cứ theo suất đinh mà làm. Cũng có nhà khó khăn nhưng cũng như góp lễ cúng thành hoàng, ai nỡ trốn.

- Thế sao lại phải chuẩn bị sớm thế ạ.

- Sớm gì nữa. Ăn nhóm gia đình, ăn theo xóm, rồi tổ chức các giải thi đấu, cuối cùng mới là ba ngày hội thì ăn cơm chung ở đình.

Bất giác tôi thở dài, thật lòng:

- Làng ta còn nghèo, cháu nghe cũng kém vui. Ông xem tính toán nên rút gọn đi, chủ yếu cho ngày hội ở khu vực đình xem có được không.

Đăm chiêu giây lát, rồi ông vỗ vai tôi:

- Cháu nói rất chân tình. Để ông sẽ bàn với các chi trưởng, có lẽ từ năm nay hội sẽ chủ yếu tập trung vào sinh hoạt tinh thần, giảm vật chất vậy.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước