Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
11:16 (GMT +7)

Hội họa sau song sắt

Hai năm vừa qua, vì đại dịch COVID-19 mà mỗi cá nhân trong số chúng ta dẫu không hề muốn nhưng rồi rốt cuộc đều phải tự tìm cách “nhào nặn” cái vô tướng của cuộc sống hằng ngày trong khi đối mặt với sự cô lập cả về vật chất lẫn tinh thần. Có vẻ như đấy chính là một trong những lý do khiến nhiều người tìm đến nghệ thuật. Đây hoàn toàn không phải hiện tượng mới. Hàng triệu tù nhân trên khắp thế giới đã và đang sáng tạo nghệ thuật như một cách để tự thể hiện hay tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của họ.


Lắng nghe họ nói

Ngược dòng lịch sử, việc đưa nghệ thuật vào nhà tù được khởi đầu vào thập niên 1960 của thế kỷ trước. Khi đó các nhà tâm lý học và xã hội học vừa mới đưa ra những nghiên cứu về tác dụng của nghệ thuật đối với tâm tưởng, tính cách con người. Từ đó ý tưởng dùng nghệ thuật để giúp đỡ tù nhân mới nảy ra và đưa vào hiện thực. Một dự án nổi tiếng khi đó được thực hiện tại nhà tù Barlinnie thuộc vương quốc Anh do nhà văn, họa sỹ và triết gia người Đức Joseph Beuys thực hiện. Ông đã dạy hội họa, thơ, điêu khắc…, cho các tù nhân. Một người trong số đó, Jimmy Boyle, sau này trở thành nhà văn và nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới.

Từ hơn 20 năm nay, giáo sư Janie Paul tại trường đại học Michigan của nước Mỹ đã tự mình đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm thường niên trưng bày những tác phẩm hội họa của các tù nhân. Những cuộc triển lãm vừa giúp tạo ra nguồn thu nhập cho tù nhân, lại vừa như “mở cửa sổ” để người ngoài nhìn vào cuộc sống trong tù.

Bức tranh do một người cha vẽ khi đang trong tù

Giáo sư Janie Paul cho biết: “Điều tôi rút ra khi cộng tác với các tù nhân là sự sáng tạo nghệ thuật nằm trong số những nhu cầu cơ bản của con người. Trong điều kiện bị cách ly hoàn toàn, cái ham muốn ấy chỉ có thể mạnh thêm… Hầu hết tù nhân trước khi vào nhà lao hoàn toàn chưa từng nghĩ đến việc vẽ tranh, nặn tượng,… Họ đến với nghệ thuật vì đó là sự lựa chọn duy nhất của họ ngoài việc “chết dần chết mòn” trong vô nghĩa.”

Đối với nhiều tù nhân, nghệ thuật quả là việc “sinh tử” đối với họ. Wynn Satterlee bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong khi đang ngồi tù tại Chicago (Mỹ). Ông kể lại rằng: “Tôi rơi vào tuyệt vọng, hoàn toàn không muốn sống nữa. Những người bạn tù góp tiền lại mua cho tôi hộp màu nước và tập giấy, rồi bảo tôi cứ vẽ đi. Vậy là tôi ngồi vẽ mỗi ngày mười tiếng đồng hồ trong bảy năm liên tiếp. Nhờ có hội họa mà tôi mới có đủ niềm tin để tiếp tục việc điều trị”.

Oliger Merko sinh ra ở Albania và lớn lên ở Mỹ. Do không nghề nghiệp, lại liên tục phạm tội nên anh bị tòa án bang Michigan kết án tù chung thân. Oliger trải lòng: “Những ngày đầu tiên vào tù, tôi sống như một cái xác chết nửa tỉnh, nửa mơ. Chỉ nhờ có người giới thiệu việc vẽ tranh mà tôi mới “tỉnh lại” được. Bây giờ tôi dành từ ba đến bốn tiếng mỗi ngày cho việc vẽ. Tôi vẽ mà không biết đói bụng hay buồn ngủ. Đôi khi tôi nghĩ mình sống trong tranh của mình nhiều hơn là sống ngoài đời thực”.

Theo một cách nào đó, nhà tù làm “nảy nở” khả năng nghệ thuật của tù nhân. Bất cứ nghệ sỹ nào cũng cần nhìn thấy được cái đẹp trong cái tầm thường. Nhưng với tù nhân, khả năng này quan trọng gấp bội phần. Họ thường không có bất kỳ công cụ nào để sáng tạo nên buộc phải thể hiện tháo vát với những thứ ngay bên cạnh mình.

Ngày nay tại Bảo tàng nghệ thuật Michigan của nước Mỹ lưu giữ bức tượng “Buck/Deer” do một tù nhân tên Robert Sarber sáng tạo nên. Bức tượng con hươu đuôi trắng được tác giả tạo hình ra từ lõi giấy vệ sinh ngâm nước rồi đắp thành hình nhờ keo, sau đó sơn một lượt sơn acrylic.

Buổi trưng bày các bức tranh của họa sỹ Lee Cutter

Cùng ở chung bảo tàng với “Buck/Deer” là bộ sưu tập tranh khắc lên xà - phòng. Loại xà - phòng hiệu Buttermilk thường được tù nhân ở Anh mua từng tá một vì rẻ tiền. Những lúc rảnh rỗi, họ lại lấy xà - phòng ra khắc tranh. Nội dung tranh khắc rất đa dạng, từ những vật dụng trong cuộc sống hằng ngày đến giấc mơ của tù nhân. Theo lời một tù nhân: “Xà - phòng Buttermilk có mùi rất đặc trưng. Đối với nhiều tù nhân, cái mùi đấy trở thành một thứ ám ảnh họ mãi. Vậy nên họ mới khắc tranh lên xà - phòng như một cách giữ lại thật chặt những ký ức trong tù”.

Sự sáng tạo của các tù nhân hoàn toàn có thể đạt tới trình độ hàng bậc thầy. Hoạ sỹ John Bone (Mỹ) trong thời gian ông phải chịu án tù dành 16 tiếng mỗi ngày cho việc vẽ. Ông vẽ hàng trăm bức tranh về mọi ngõ ngách trong nhà tù San Quentin khét tiếng, đến mức khi ra tù nét bút của ông mang một tính cách không ai có. Đến tận ngày nay các nhà phê bình vẫn còn trầm trồ trước “con mắt” phân tích cấu trúc và màu sắc của ông. Khả năng này John Bone luyện được khi ngồi nhiều tiếng đồng hồ trong phòng giam chật chội, ngắm nhìn từng viên gạch lát tường.

Trường hợp của Billy Brown (Canada) cũng đáng ngưỡng mộ không kém. Ông vào tù mà không biết đọc. Một tình nguyện viên vừa dạy chữ, vừa dạy vẽ cho ông. Billy biết mình có khả năng hội họa, nhưng có một điều làm ông nản chí khôn xiết. Đó là, ông không có giấy trắng mà chỉ có giấy đen để vẽ. Rồi một điều bất ngờ xảy ra: Billy Brown nằm mơ ra cách vẽ bút chì màu trên giấy đen sao cho nổi màu. Các bức tranh giấy đen của Billy Brown từ đó mang một cách phối màu kỳ khôi và hiếm thấy. Còn bản thân Billy sau khi ra tù cũng được mời đi dạy ở nhiều nơi để truyền lại kỹ thuật của mình.

Cuộc tìm kiếm danh tính

Họa sỹ người Anh Lee Cutter từng đưa ra nhận xét: “Những nghệ sỹ trong tù đều bị thôi thúc bởi niềm khao khát được khẳng định “danh tính” của mình và thể hiện tình yêu nồng nhiệt với cái đẹp, với tự nhiên, với gia đình. Cảm xúc của họ lúc nào cũng tràn đầy, nên họ có thể tự tin sáng tạo mà không gian dối, không ngượng ngùng như những người ở ngoài tù.”

Kể cả ở trong tù, hội họa vẫn là thứ giúp con người bộc lộ nội tâm mình

Bản thân Lee Cutter cũng bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật khi trên mình mặc chiếc áo sọc đen trắng. Anh từng phải ngồi tù ba năm tại một trại cải tạo thanh thiếu niên. Một ngày của chàng trai trẻ là dành hơn ¾ thời gian ngồi trong phòng giam. Để giết thời gian và không muốn rơi vào tình trạng nghĩ quẩn, Cutter bắt đầu vẽ tranh trên mặt sau những bức thư nhà. Anh vẽ bằng một mẩu bút chì rơi ra từ túi của quản giáo. “Tôi không còn biết nói chuyện với ai nữa ngoài tờ giấy!” - Tom Cutter nhớ lại những ngày tháng đó - “Khi không còn giấy để vẽ nữa, tôi bèn lấy mẩu xà - phòng để vẽ lên cửa hay bên trong bồn chậu rửa.”

Tom Cutter kể, một ngày nọ anh may mắn được chuyển sang nhà tù khác. Nơi này khuyến khích tù nhân vẽ tranh và cho họ giấy vẽ miễn phí. Anh vừa vẽ vừa đọc sách học cách vẽ. Các bạn tù thích tranh của anh nên thường cho gói mì tôm hay chai dầu gội để anh vẽ tranh chân dung họ hay người nhà họ vào thăm. Đấy là lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy tự hào về mình.

Sau khi ra tù, Tom Cutter theo học khoa hội họa tại trường đại học Sunderland. Hiện nay anh vừa sáng tác, vừa làm việc cho tổ chức từ thiện Koestler Arts hỗ trợ các tù nhân sáng tạo nghệ thuật. Hằng năm Koestler tổ chức các cuộc thi vẽ tranh cho tù nhân và đưa các tác phẩm của họ đi trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng gia Anh ở Luân Đôn. Những buổi trưng bày này lại được chính người nhà các tù nhân giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan nhằm giúp họ hiểu thêm về các nghệ sỹ.

Bộ sưu tập tranh khắc trên xà - phòng do tù nhân làm

Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, mô hình nhà tù hiện tại ở các nước phương Tây là không ổn. Nhà tù một mặt làm thui chột khả năng vận động và cảm xúc của tù nhân, mặt khác đeo bám họ đến cả lúc ra tù. Chỉ hai tiếng “cựu tù” thôi cũng có thể khiến một người mất đi biết bao nhiêu cơ hội học tập, làm việc hay thậm chí là bầu bạn. Kết quả là họ như bị “bó buộc” vào chính cái nhà tù, dẫn đến việc tỷ lệ tái phạm rất cao. Một thống kê cho thấy, có tới 3/4 cựu tù sẽ lại vào tù trong vòng 9 năm đầu tiên kể từ ngày họ mãn hạn.

Theo Tom Cutter và những nhà hoạt động khác, nghệ thuật là một “chìa khóa” quan trọng giúp tù nhân tìm ra một danh tính mới cho mình: “Luật pháp không thể và không nên tước hết mọi quyền lợi của người phạm tội. Nhờ nghệ thuật mà họ nhìn bản thân mình, nhìn xã hội, nhìn thế giới xung quanh với con mắt khác. Quyền được tiếp cận với nghệ thuật vì thế là điều tối quan trọng đối với tù nhân. Họ cần nghệ thuật để có thêm hy vọng và động lực tự cải thiện mình”.

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các chương trình hỗ trợ tù nhân tiếp cận nghệ thuật đã gặp khó khăn vì thiếu vốn. Nay thì nguồn tài trợ của các chương trình này gần như cạn kiệt hoàn toàn. Theo giáo sư Janie Paul, đã đến lúc nhà nước và các cơ quan đoàn thể ở phương Tây vào cuộc, vì lẽ: “Việc đưa nghệ thuật đến với tù nhân từ trước đến nay luôn đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đáng tiếc là có nhiều người vẫn còn có tâm lý coi nhà tù là nơi để “làm khổ” tù nhân, chứ không phải một môi trường giúp họ hoàn lương. Tâm lý này cần phải được nhanh chóng thay đổi, và các chương trình nghệ thuật trong tù cần nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp. Đây là tiền đề để nghệ thuật có thể đảm nhận được chức năng của nó ngay cả trong môi trường nhà tù!”.

Lê Công Hội (Tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy