Học thêm
Thằng con trai tôi mới xin việc ở thành phố. Nó thuê nhà để ở cùng vợ và con. Hôm vừa rồi về đón tôi xuống giúp nó một thời gian. Quen ở rừng núi, ngần ngừ định không đi nhưng nó bảo:
- Vạn sự khởi đầu nan. Bố còn khỏe, giúp con vài tháng, công việc ổn định thì bố về.
Cái nhà con tôi thuê nằm giữa một chòm nhà khoảng hai chục cái. Sát bên cạnh là nhà riêng một cô giáo dạy tiểu học lớp hai hay ba gì đó. Chiều đó trẻ con người lớn đến có đến mấy chục. Tôi chưa hiểu ngó ra đứng nhìn thì bà hàng xóm mách:
- Ông ở miền ngược đến thấy lạ à? Đây là lớp học thêm đấy. Ông chưa hiểu à? Các cháu học ở trường chưa đủ nên phải đến nhà thầy cô học thêm.
Tôi chưa rõ nên thắc mắc:
- Sao lại phải học thêm. Trên tôi đi học xa nhà mong cho các cháu đến trường học đủ là tốt. Không thấy nói học thêm bao giờ.
- Ối dào, mỗi nơi mỗi khác. Học thêm tràn lan, các kiểu ấy mà. Vài hôm ông sẽ hiểu.
Rất may, mấy hôm sau, đầu giờ chiều, cô giáo sang nhờ tôi:
- Con đi có việc đột xuất, có phụ huynh hay cháu nào đến ông tiếp hộ con, bảo đợi con về dạy ông ạ.
Hào hứng với vai trò như người nhà cô giáo, tôi kê chiếc bàn nhựa và mấy cái ghế, pha ấm chè ngồi đợi. Ngay lập tức có một bà cũng có đến sáu chục tuổi, đèo một cháu gái xinh xắn mặc quần áo sặc sỡ đến, lưng đeo cái gì như cặp sách nặng. Tôi làm quen:
- Dạ, bà đèo cháu đến học thêm à? Mời bà ngồi uống chén nước chờ cô giáo chút, cô có việc đi ra ngoài phố. Cháu đem cả cặp à?
- Vâng, em là bà ngoại. Cháu đem theo máy vi tính đấy. Bố mẹ cháu khá lắm.
- Thông minh nhỉ, có máy nhập bài cơ đấy.
- Đâu có, cháu đến chơi theo sở thích của cháu thôi.
- Thế không học thêm à? Phí thời gian quá.
- Cháu có kém đâu. Đó là thỏa thuận bố mẹ cháu với cô giáo. Để ở nhà em không quản lý được ông ạ.
Tôi ngỡ ngàng với cách gửi con vào lớp học của gia đình này.
Một phụ huynh nam còn trẻ phi xe máy lao vun vút đến gần sát cái bàn uống nước mới phanh kít lại. Nhấc cháu bé bụ bẫm xuống định bảo cháu vào nhà nghe tôi nói nên dừng lại, buột miệng:
- Cũng tốt mà. Học hành thoang thoáng, có cần sách vở gì đâu...
Thấy tôi đang ngố ra, anh ta ba hoa luôn:
- Cụ mới ở trên vùng cao xuống chứ gì? Trông dáng cụ với bộ áo chàm là biết. Cháu cho đứa con đến ngồi nghe cô giảng rồi cầm bảng phô tô về là xong.
- Dạ, phô tô gì thế ạ? - Tôi thắc mắc.
- Cụ thật lạc hậu, bản phô tô ấy phải mua đấy. Nó là trọng tâm buổi học, là cái bùa lấy điểm cụ ạ.
- Thế ai cũng có hả bác?
- Số ít thôi. Ưu tiên đó.
Tôi đứng như trời trồng, chưa hiểu việc học này như thế nào. Một chị phụ huynh thoa phấn son lòe loẹt xuất hiện cắt lời:
- Cụ đừng nghe anh ta ba hoa. Học thêm phải như con gái cháu đây này. Phải tinh phải nhanh. Khi nào cô giáo bảo “chép bài này vào vở ngay” là con em chép nguyên văn. Trúng tủ một trăm phần trăm. Mấy hôm sau cô ra bài kiểm tra nguyên xi. Con cháu nghiêm túc lắm. Toàn được điểm mười và còn được cháu thưởng mười nghìn đấy. Từ đầu năm đến nay cháu mất khối tiền thưởng đấy cụ ạ.
- Cháu giỏi thế cũng mừng cô ạ.
- Giỏi gì đâu cụ, có chăng là giỏi chép bài thôi.
Tôi động viên bừa:
- Chép được chính xác cũng là năng khiếu cô ạ.
Khi lớp học ổn định trên tầng hai, tôi cứ ngẫm: không biết học thêm thì học sinh và phụ huynh được thêm cái gì. Có một điều là học sinh được điểm cao, phụ huynh được thời gian làm ăn kinh tế phải không các bạn. Còn chất lượng thì...
Ôi, giá như trên quê tôi có lớp học thêm như kiểu này khéo mà mù chữ trở lại.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...