Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
01:03 (GMT +7)

Hoa văn trang trí trên rìu đồng Đông Sơn

VNTN - Văn hóa Đông Sơn đã hình thành từ rất lâu đời, dựa trên các giai đoạn tiền Đông Sơn như Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến Gò Mun; đã phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng của cả một quá trình hội tụ lâu dài và được coi là trung tâm phát triển của Đông Nam Á. Đỉnh cao của nền văn hóa kim khí này chính là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn.

Những vật dụng bằng đồng thuộc thời Đông Sơn còn lại đến nay chiếm số lượng tương đối lớn. Do nghệ thuật đúc đồng thời kỳ này rất phát triển, kéo theo đó kỹ thuật chế tác đồ đồng cũng đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Từ cách tạo dáng vật dụng cho đến phong cách trang trí đều rất đa dạng, phong phú và hình thành nên một phong cách riêng không hề bị lẫn với các nền văn hóa khác.

 

Hình người thổi khèn trên rìu xéo (nguồn: Hoa văn Việt Nam - Nguyễn Du Chi)

Qua những hiện vật bằng đồng khai quật được, có thể thấy ở giai đoạn này, nền mỹ thuật ứng dụng đã tương đối phát triển. Trong số những hiện vật khai quật được, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra tương đối nhiều rìu đồng đa dạng cả về kích thước lẫn kiểu dáng và có trang trí hoa văn. Thậm chí, có những chiếc rìu được tạo dáng đẹp, trang trí cầu kì trên bề mặt và gần như còn nguyên vẹn. Ngoài ra, một số rìu được tìm thấy có dấu vết vàng loang lổ trên bề mặt giống như được mạ vàng. Rìu Đông Sơn chủ yếu được làm bằng đồng, có một số ít được làm bằng sắt. So với rìu đá thì chức năng và kiểu dáng của rìu đồng phong phú hơn rất nhiều; được chế tạo với các mục đích sử dụng như: phục vụ trong lao động sản xuất, dùng làm vũ khí sử dụng trong chiến đấu, dùng trong nghi lễ tôn giáo (trong số đó bao gồm cả rìu minh khí). Mặc dù, rìu đồng rất đa dạng về kiểu dáng nhưng nhìn chung sẽ được chế tác dựa theo hai nhóm chính là: rìu lưỡi cân xứng và rìu lưỡi xéo.

Qua nghiên cứu hoa văn trang trí trên bề mặt của một số rìu đồng Đông Sơn, thấy nổi bật lên gồm hoa văn hình học (các đường thẳng song song hoặc đan chéo nhau, hình tam giác, hình tròn, hình xoắn ốc, hình tứ giác… Những hoa văn này không trang trí đơn lẻ mà thường kết hợp với nhau hoặc xuất hiện với tần xuất nhiều tạo thành tổ hợp hình trong một khung hoa văn nhất định) và hoa văn đề tài hiện thực (cảnh người nhảy múa, cảnh chèo thuyền, cảnh đi săn… Các hoa văn đề tài hiện thực phần lớn được trang trí ở phần lưỡi rìu, một số ít trường hợp được trang trí trên phần họng rìu).

 

Rìu gót vuông tại Bảo tàng Quảng Ninh (nguồn Viện Mỹ thuật)

Đa số các mảng hoa văn trang trí trên bề mặt rìu Đông Sơn được phân bổ theo ba dạng chính, tập trung trên họng rìu, hoặc chỉ tập trung ở lưỡi rìu hay gần như trên toàn bộ bề mặt. Có hai kiểu kết hợp các dạng hoa văn với nhau. Đó là sự kết hợp giữa các khung hoa văn hình học; hoa văn đề tài sinh hoạt kết hợp với các dải hoa văn hình học. Thông thường, nếu có mảng hoa văn trang trí ở phần lưỡi rìu thì diện tích chỉ chiếm nhiều nhất là xuống tới 2/3 lưỡi rìu, rất ít trường hợp trang trí xuống hết cả lưỡi rìu. Việc phân bổ hoa văn trang trí trên rìu đồng phụ thuộc vào kiểu dáng và chức năng sử dụng. Đối với rìu dùng trong lao động sản xuất, do phải chịu nhiều lực ma sát trong quá trình sử dụng nên những loại rìu này thường bỏ trống không trang trí hoặc được trang trí đơn giản ở phần họng rìu (đa phần là hoa văn hình học). Với loại rìu khác (rìu chiến, rìu dùng trong nghi lễ tôn giáo) sẽ được trang trí trên bề mặt lưỡi hoặc toàn bộ bề mặt rìu. Hoa văn được sử dụng để trang trí cho loại rìu này cũng tương đối cầu kì và thường là kết hợp hoa văn hình học với hoa văn đề tài hiện thực.

Về kiểu dáng của rìu, sẽ bao gồm có hai kiểu là rìu lưỡi cân xứng hay rìu lưỡi xéo, tùy theo kiểu dáng mà cách bố cục sắp xếp mảng hoa văn trang trí cũng sẽ khác nhau. Rìu cân xứng thì cách bố cục mảng hoa văn trang trí sẽ có tính đăng đối nhiều hơn, thông thường là hoa văn hình học. Với loại rìu lưỡi xéo, các mảng hoa văn sẽ được sắp xếp sao cho phù hợp với khoảng trống trên bề mặt. Các mảng trang trí trên loại rìu này thường thấy nhất là hoa văn đề tài hiện thực (được sử dụng làm nhóm trang trí chính và được đặt ở giữa) kết hợp với băng hoa văn hình học (chạy xung quanh). Các hoa văn hình học trong một dải hoa văn trang trí trên rìu lưỡi xéo cũng được sắp xếp tương tự như trên trống, thạp là xếp nối tiếp nhau, đối xứng, so le hoặc đối đỉnh. Nhìn chung, những rìu có bố cục hoa văn trang trí đẹp và cầu kì thường nằm trong số những chiếc rìu lưỡi xéo này.

Các hoa văn trang trí trên rìu đồng hầu hết được thể hiện hoàn toàn bằng nét và là những đường đúc nổi. So với các hoa văn hình học trang trí trên trống, thạp, thì cách thức thể hiện dạng hoa văn này trên rìu đồng thiếu độ ổn định hơn, đường nét kém trau chuốt, sắc nét, nhiều khi không đồng nhất về kích thước. Có lẽ việc tạo tác hoa văn trong khoảng diện tích quá nhỏ khó có thể làm đẹp được như những vật dụng có diện tích trang trí lớn như trống đồng, thạp đồng….

Đối với hoa văn thuộc đề tài hiện thực, hầu hết những hình người và động vật đều được tạo hình theo kiểu tả nghiêng kết hợp với tả thẳng (phần đầu và bàn chân được mô tả theo hướng nhìn nghiêng, phần thân thể hiện theo hướng nhìn thẳng, thấy được cả hai vai). Cách thể hiện nhân vật như vậy được gọi là phép thấu thị vặn vỏ đỗ (perspective tordue). Việc chọn cách tạo hình với đầu, chân nhìn nghiêng, phần thân người nhìn thẳng, hay cách thể hiện hình nhìn nghiêng hoàn toàn sẽ dễ dàng hơn trong việc đơn giản hóa các hình dáng, đối tượng kết hợp với các động tác của nhân vật được chọn để mô phỏng lại. Ngoài cách tạo hình như trên, một số ít hình người và hình ảnh các loài vật như chó, cá sấu… lại được thể hiện theo lối nhìn nghiêng hoàn toàn (trắc diện). Đặc biệt, ở một số ít trường hợp như trong cảnh đi săn hươu, hình người được tạo tác theo lối nhìn chính diện. Đối với các hoa văn đề tài hiện thực trang trí trên các đồ đồng nói chung, việc tạo hình người và động vật theo lối nhìn chính diện hoàn toàn là rất hiếm gặp.

Tương tự như trên trống, thạp, ở một số rìu hình lưỡi xéo cũng xuất hiện hoa văn trang trí hình người nhảy múa, được thể hiện theo hướng cách điệu cao độ khác hẳn với các hình còn lại. Lối thể hiện này là xu hướng biến thể hóa. Hình người nhảy múa được thể hiện không rõ ràng, gần như bị lẫn vào với những mảng đường thẳng, đường cong ở xung quanh. Theo một số tư liệu nghiên cứu cho rằng, phong cách thể hiện nhân vật như vậy là do trí tưởng tượng, sáng tạo nghệ thuật của người nghệ nhân bị chi phối bởi tính chất huyền bí trong tôn giáo, vì vậy mà họ đã tạo ra những hình thù kỳ quái.

Có một điều tương đối lạ là các hoa văn đề tài hiện thực trang trí trên rìu đồng nói riêng và đồ đồng nói chung khá phong phú về nội dung, nhưng cũng không thấy xuất hiện các đề tài về cây cối, hoa lá, thiên nhiên, sông núi mà chỉ thấy có một số động vật được mô tả riêng hoặc bao quanh môi trường sinh hoạt của con người. Ngay cả những hoa văn mô tả lại cảnh sinh hoạt của con người và động vật rất sinh động, cũng không hề thấy trang trí thêm phần cây cỏ, hoa lá ở xung quanh. Với cảnh chèo thuyền cũng không mô tả thêm sóng nước ở phía dưới dù hoa văn hình sóng nước đã xuất hiện trong giai đoạn này.

Có thể thấy, cách thể hiện hình trong từng hoa văn thuộc đề tài hiện thực trang trí trên rìu đồng đơn giản hơn so với các hoa văn cùng loại trang trí trên trống và thạp đồng. Cách thức mô tả vẫn thường chú trọng vào đường viền, sử dụng nhiều đường nét và thể hiện nhân vật theo phong cách cách điệu cao độ. So với các vật dụng bằng đồng có kích thước lớn hơn thì các đường nét đúc trang trí trên rìu kém trau chuốt hơn, cách tạo hình người và động vật cũng đơn giản hơn.

Thông qua cách thể hiện các dạng hoa văn trang trí trên rìu đồng và các đồ đồng khác, có thể nhận thấy hai xu hướng phát triển của nghệ thuật tạo hình thời kì này chính là cách điệu hóa và đơn giản hóa hoa văn. Chính vì vậy, chỉ bằng một lượng hình ảnh tối thiểu nhất, các nghệ nhân Đông Sơn đã mô tả được những sự kiện lớn, cảnh thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt gắn với cuộc sống hàng ngày một cách sinh động và cô đọng. Họ đã tạo nên phong cách của mỹ thuật Đông Sơn mang bản sắc riêng biệt, đậm chất bản địa khó pha lẫn. Hoa văn trên rìu đồng Đông Sơn còn tồn tại đến ngày nay là những di sản vô cùng quý báu góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nền mỹ thuật Việt Nam.

...............................

Tài liệu tham khảo:

Trần Lâm Biền, (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, tạp chí văn hóa nghệ thuật.

Nguyễn Du Chi, (2003), Hoa văn Việt Nam - Nxb Mỹ Thuật.

Hoàng Xuân Chinh, (2012), Đồ đồng văn hóa Đông Sơn: The bronze artifacts of Dong Son Culture, Nxb Văn hóa Thông tin.

Nguyễn Duy Hinh, (2001), Trống đồng quốc bảo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh, (1963), Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam, Nxb Khoa học.

Trần Mạnh Phú, Khuynh hướng hiện thực biểu hiện trong nghệ thuật tạo hình thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam, Tư liệu Viện mỹ thuật.

Chử Văn Tần, (2003), Văn hóa Đông Sơn văn minh Việt cổ, Nxb Khoa học xã hội.

Nguyễn Việt, Tạp chí nghiên cứu mỹ thuật số 4 (12/2010 và 12/2011): “Năng lực mô tả của nền mỹ thuật Đông Sơn”; “Mỹ thuật Đông Sơn một nền mỹ thuật ứng dụng”.

NGUYỄN PHI YẾN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy