Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
10:48 (GMT +7)

Hoa sữa nở tháng Năm và băn khoăn giá điện

VNTN - Quốc hội khóa 14 vừa qua tuần đầu tiên của kỳ họp thứ 7 với thời tiết thất thường, từ nắng nóng trên 40 độ chuyển heo may như giữa Thu.

Ngoài trời, không chỉ có bằng lăng hay phượng, những loài hoa đặc trưng mùa hè khoe sắc mà còn có cả hoa sữa, loại hoa của mùa thu cũng bừng nở. Và cái sự lạ, sự bất thường ấy đã bước vào nghị trường, khi Chính phủ được yêu cầu phải báo cáo Quốc hội về điều hành giá điện, vấn đề khiến dư luận bức xúc thời gian qua.

Sáng 22/5, khi phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra thì không phải đại biểu nào cũng đã có đủ thời gian đọc báo cáo của Chính phủ về điều hành giá điện, vừa hoàn thành trước đó một ngày. Ở báo cáo đó, ngoài việc trình bày quy trình xem xét, quyết định điều chỉnh giá điện, thời điểm tăng giá, chi phí giá thành... Chính phủ còn nêu kết quả xử lý thông tin không chỉ trên báo chí mà còn trên cả mạng xã hội, điều ít thấy ở các báo cáo khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.      Nguồn: báo Thanh tra.

Theo báo cáo, trong thời gian từ ngày 20/3/2019 đến 4/5/2019 có tổng số 11 bài báo trên các báo mạng và báo in, 8 trường hợp đăng trên Facebook nêu thắc mắc, phản ánh của khách hàng về giá điện có địa chỉ cụ thể. Các thắc mắc, phản ánh của khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, báo đài đã được các đơn vị chủ động liên hệ xử lý, giải thích cặn kẽ, các trường hợp khách hàng thắc mắc đã đồng ý với cách giải quyết của đơn vị. Đối với 8 thắc mắc, phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội (Facebook) đã được đơn vị chủ động liên hệ xử lý, sau khi được giải thích khách hàng đã hiểu nguyên nhân và chủ động gỡ bài viết trên mạng xã hội.

Những con số nói trên, tất nhiên chưa thuyết phục được nhiều vị đại biểu Quốc hội. Nhưng, băn khoăn lớn hơn lại nằm ở con số khác. Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố mà cao hơn rất nhiều, có thể gấp đôi. Cũng là đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội) nhưng không cùng tổ thảo luận với đại biểu Lê Thu Hà nên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành không thể trực tiếp phản hồi "cáo buộc" giá điện tăng cao hơn mức 8,36%. Song, trao đổi với báo chí bên hành lang, Chủ tịch EVN quả quyết đại biểu Lê Thu Hà đã tính toán sai và khẳng định con số phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác. Và mức tăng này đã được Chính phủ thông qua chứ không phải tính toán của riêng EVN.

Nhưng không chỉ có tranh luận căng thẳng mà câu chuyện về giá điện còn ngả sang màu sắc "lãng mạn" khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, cũng tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội đã đưa cả... thơ và hoa sữa vào phần lý giải chọn thời điểm để tăng giá vào ngày 20/3.

"20/3 đâu phải mùa hè? Trước 20/3 còn chưa đến rét Nàng Bân. Còn có bài thơ "Tháng Ba đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh", chưa có năm nào thời tiết lại trái như năm nay", Phó thủ tướng phân tích. Mặt khác, theo Phó thủ tướng thì Chính phủ không dự báo được việc tháng Tư nắng như đổ lửa. "Trước đây, đến các bãi biển tháng Tư nhiều nơi còn rét chưa tắm được. Nhưng năm nay, trước 30/4 khoảng 10 ngày còn nắng như đổ lửa, nhưng đầu tháng 5 thì lại như mùa đông. Năm nay hoa sữa lại nở vào tháng 5. Cái này dự báo không được. Chẳng có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5. Cái này phải thông cảm cho Chính phủ".

Sau phát biểu của Phó thủ tướng, "hoa sữa" lập tức trở thành "nhân vật" nổi bần bật trên nhiều title báo điện tử. Song, khi Chủ tịch EVN lên tiếng phủ nhận cách tính của đại biểu Lê Thu Hà thì băn khoăn mới lại đặt ra. Đó là, đại biểu tính toán sai và phát ngôn có phần vội vã thì "trách nhiệm" thế nào, đính chính ra sao để cử tri hiểu đúng vấn đề, liệu đại biểu có nên công bố những con số thiếu tin cậy như thế?... Và lần này thì thật khó thống kê những ý kiến trên mạng xã hội "phê" sự nóng vội của nữ đại biểu. Sức nóng của giá điện tăng đúng ngày nắng nóng dường như đã chuyển bớt sang sự cẩn trọng trong phát ngôn của người đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Sáng hôm sau, phóng viên Quốc hội tiếp tục đi tìm đại biểu Lê Thu Hà với quan điểm các bên đều có cơ hội trao đi đổi lại. Nhưng cố gắng này dường như không đem lại kết quả. Và một kết quả kiểm toán có lẽ sẽ là "trọng tài" thuyết phục hơn cho khẳng định chắc như đinh đóng cột của cả Chủ tịch EVN và đại biểu Lê Thu Hà.

Ngoài đại biểu Lê Thu Hà, còn không ít ý kiến khác "phản biện" báo cáo của Chính phủ và phát biểu của Chủ tịch EVN. Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra rằng Chủ tịch EVN nói có 11 trường hợp kiến nghị về giá điện, nhưng trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ có 14.541 kiến nghị của khách hàng, trong đó có 20% trong số đó thắc mắc về chỉ số công tơ điện, và hóa đơn tiền điện.

Đại biểu Lưu Mai cũng cho rằng nói nguyên nhân do thời tiết nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ tăng cũng chưa thực sự thuyết phục, vì có nắng nóng cũng không đến mức hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi.

Sự quan tâm đặc biệt của nhiều vị đại biểu cho thấy, câu chuyện về giá điện, không chỉ là mức độ và thời điểm tăng giá, mà sâu xa hơn ở chiến lược phát triển ngành điện, năng lực quản trị của EVN, giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả... rất có thể sẽ trở lại vào các phiên chất vấn của kỳ họp này. Và, như thế, dù thời tiết nóng hay không thì giá điện vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề nóng.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy