Họa sĩ Lê Lam và tình yêu với Thái Nguyên
Trong căn phòng nhỏ ngổn ngang giá vẽ và những bức tranh, người họa sỹ già có cái tên gợi nhớ bóng chiều xưa - Lê Lam đã kể về hồi ức tuổi trẻ của ông nơi thủ đô gió ngàn Việt Bắc, bằng cái giọng khàn khàn đứt quãng của người cố vực dậy sau vài lần bị tai biến. Đối với ông, ATK Định Hóa - Thái Nguyên là nơi chất chứa bao điều muôn thương ngàn nhớ.
Họa sĩ Lê Lam kể chuyện về chiến khu Việt Bắc
Từ “chiếc nôi Việt Bắc” (1)
Đó là cuộc tiêu thổ kháng chiến bình tĩnh đến lạ kỳ với những câu chuyện một thời của thế hệ đã từng đi qua “chín mùa xuân sạm lửa” đầy oanh liệt và huy hoàng trong lịch sử cách mạng của dân tộc, đó là sự đùm bọc, chở che đầy yêu thương của đất và người Thái Nguyên, là ánh mắt ám ảnh của người con gái áo chàm sau trận bom đầy chết chóc của giặc Pháp.
Theo sự chỉ dẫn tận tình của Đại tá Nguyễn Huy Văn (bí danh Kim Sơn - là một trong những chiến sĩ của đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái, được thành lập ở Lán Than, xóm Hòa Bình 2, xã Quân Chu, huyện Đại Từ) chúng tôi tới thăm họa sỹ Lê Lam ở một căn hộ nhỏ nơi gác 2 - khu chung cư cũ nhìn ra hồ Thành Công (Hà Nội). Đây chính là một trong những họa sỹ trẻ có mặt ở Thái Nguyên trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Sau chén trà Thái ấm nồng, họa sỹ Lê Lam chia sẻ với chúng tôi câu chuyện đầy màu sắc hồi ức. Mối duyên với mảnh đất An toàn khu bắt đầu từ những ngày mùa xuân năm 1946, khi ông được cử làm thư ký văn phòng cho nhiều cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước. Xứ Thái giữa lòng Việt Bắc khi đó đã khiến tâm hồn người thanh niên miền xuôi ấn tượng sâu sắc. Người dân khẩn trương tháo dỡ, phá bỏ những ngôi nhà kiên cố để sơ tán về vùng nông thôn. Thị xã Thái Nguyên bỗng chốc trở nên vắng lặng với vườn không, nhà trống để thực hiện cuộc tiêu thổ kháng chiến. Những người ở lại đối diện với quân địch thì dựng lều quán bằng tranh tre, nứa lá, vẫn uống cà phê, vẫn ca hát…, tiếp tục sinh hoạt thường ngày. Tất cả, đều mang tâm thế bình tĩnh, sẵn sàng đón đợi, chống trả sự tiến công của giặc Pháp. Trên núi Cô Kê ở trung tâm thị xã, đều đặn theo giờ vang lên tiếng kẻng báo động mỗi khi phát hiện máy bay của giặc Pháp. Mỗi người dân là một chiến sỹ với quy tắc “3 không” để giữ bí mật tuyệt đối cho vùng chiến khu. Và giữa muôn trùng bao vây của quân thù, ATK Thái Nguyên cùng với cả Việt Bắc đã mưu cơ, tần tảo nuôi kháng chiến như thế.
Được rèn luyện giữa “chiến trường chung dầu dãi đạn bom” ấy, mỗi con người từ kháng chiến đã lớn lên. Họa sỹ Lê Lam khẳng định: nhờ những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc mà ông thực sự trưởng thành. 17 tuổi, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa. Dấu mốc quan trọng này giúp ông có thêm sức mạnh để coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng” khi đi sâu vào chiến trường tìm chất liệu sáng tác. Ông bảo rằng, đất nước có chiến tranh người nghệ sỹ không thể đứng từ xa mà nhìn nhân dân đổ máu. Bởi với ông cuộc sống chính là một trường học lớn. Chính hiện thực cuộc sống sẽ dạy cho người nghệ sỹ chân chính biết mình phải làm gì và sáng tác ra sao.
Trong gia tài của họa sỹ Lê Lam, những bức tranh có đề tài từ chiến khu Việt Bắc chiếm một vị trí không nhỏ. Một trong những vinh dự lớn lao của ông chính là việc họa chân dung các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Bức tranh đầu tiên chính là chân dung của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở thị xã Thái Nguyên. Bức tranh ra đời sau chuyến thăm của Thủ tướng sau khi trở về từ hội nghị Giơ - ne - vơ. Tiếp theo là những bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Cu Ba Fidel Castro …
Cũng từ ATK Định Hóa, năm 1950, Lê Lam là một trong những họa sỹ đầu tiên được cử đi học trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam dưới sự dìu dắt của các danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm. Một thời gian sau, ông là một trong số không nhiều tài năng hội họa trẻ được chọn sang học tại trường Đại học Mỹ thuật Matxcova và Kieps (Liên Xô cũ). Sau 5 năm, tốt nghiệp với thành tích xuất sắc ông được cử làm nghiên cứu sinh. Nhưng đất nước có chiến tranh, họa sỹ Lê Lam đã từ chối việc đi học tiếp ở nước ngoài mà khoác ba lô lên đường vào miền Nam, dấn thân trong bom đạn chiến tranh mà sáng tác. Cũng từ đây Mỹ thuật Việt Nam có thêm một họa sỹ với những bức họa nổi tiếng về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam anh dũng trên đủ mọi chất liệu như sơn dầu, sơn khắc, khắc gỗ, khắc kẽm, in lưới, đá nhân tạo, màu nước.
Trong hơn 60 năm hoạt động mỹ thuật, gia tài hội họa của họa sỹ Lê Lam là hơn 7000 bức tranh ở các thể loại, phục vụ nhân dân qua các thời kỳ chiến tranh, hòa bình, kiến thiết. Và sáng tác về ATK Thái Nguyên luôn là một niềm thôi thúc, là món nợ từ thời trai trẻ mà ông nguyện dù còn hơi sức vẫn tiếp tục. Với ông, Việt Bắc, Thái Nguyên là một trong những nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận.
Tác phẩm nổi tiếng “Dừng lại” của họa sĩ Lê Lam
Mắc nợ núi rừng (2)
Mượn những dòng thơ mang hình triền ruộng bậc thang của nhà thơ Trần Dần trong bài “Việt Bắc” (tên cũ là “Đi! Đây Việt Bắc), người họa sỹ lão thành mới diễn tả hết được nỗi niềm của mình: “Ta mắc nợ những rừng sim bát ngát/ Nợ bản Mường heo hút chiều sương/ Nợ củ khoai môn/ Nợ chim muông nương rẫy/ Nợ tre vầu bưng bít rừng sâu/ Nợ con suối dù trong dù đục/ Nợ những người đã ngã không tên!”. Lê Lam bảo, đã đi qua những năm tháng “đạn bom chầu chực bốn bên nhà”, đọng lại là những nỗi đau của sự khốc liệt, sau hơn nửa thế kỷ vẫn ám ảnh cho đến tận bây giờ: “Ngày khu chợ Thái bị Pháp đánh bom chết rất nhiều người. Khi tôi ra thấy người ta khiêng người chết hàng đoàn. Áo quần tả tơi, thịt xương tang tóc. Trong khung cảnh tang thương ấy bỗng nhận ra một cô gái bán chè tôi đã quen và rất có cảm tình. Sau trận bom, cô ấy nằm đó trong chiếc áo chàm rách nát, vấy máu..., ánh mắt cuối cùng nhìn đau đớn khiến tôi không thể nào quên được”. Và người họa sỹ của kháng chiến coi đó là món nợ mà ông phải dùng tâm huyết nghệ thuật cả đời để trả.
Cũng vì đau đáu món nợ ấy mà năm 1998 dù đã bước vào tuổi 70 ông vẫn quyết tâm cùng các đồng nghiệp, bạn hữu của mình là họa sĩ Phan Kế An, họa sỹ Đào Đức trở về vùng chiến khu Định Hóa. Trong chuyến đi, ông tranh thủ mọi lúc để ký họa lại những cảnh vật, con người nơi đây…
Trở về Hà Nội, Lê Lam ngày đêm miệt mài vẽ hàng chục bức tranh tái hiện hình tượng của vùng đất cội nguồn cách mạng. Trong đó có bức tranh lớn “Mùa xuân ở An toàn khu” (1,2 x 3,6m). Hình ảnh vùng chiến khu xưa được tái hiện trong những nét vẽ cô đọng, có sức khái quát và dự báo. Một tác phẩm không thể không nhắc đến là bức tranh “Cảnh khuya” ông vẽ dựa trên cảm hứng về bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ. Bức tranh đã diễn tả thành công phẩm cách thi nhân của vị lãnh tụ và tấm lòng khắc khoải lo cho vận mệnh đất nước của Người. Những bức tranh quý giá ông sáng tác sau chuyến đi này đã được đem tặng và hiện được treo trang trọng trong phòng khách của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư….
Một tác phẩm thể hiện tình quân dân của họa sĩ Lê Lam. (Nguồn: Internet)
Không thể nào quên được những tháng ngày ấy. Quá khứ ở mãi trong người họa sỹ là không gì có thể bôi xóa, dẫu cuộc đời đã sang một chặng khác. Dẫu từ khi hết binh lửa, bao nhiêu điều đã đổi thay. Mong muốn của ông là một ngày gần nhất có một triển lãm tranh cá nhân về ATK Việt Bắc ngay tại Thái Nguyên. Bởi với họa sỹ Lê Lam, không gì tuyệt vời hơn là chia sẻ cảm xúc về ATK Thái Nguyên với người Thái Nguyên… Và cũng bởi tình yêu và khát vọng thể hiện hình tượng dân tộc là nguồn cảm hứng lớn suốt đời ông.
Họa sỹ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại làng Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống Nho học. Dòng họ Vũ của ông từ xưa đã có nhiều người đỗ khoa bảng nổi tiếng. Tiếp tục truyền thống của tổ tiên, lớn lên theo cách mạng, ông cũng như những thanh niên tân tiến thời ấy rời Hà Nội đi kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc (ATK Định Hóa - Thái Nguyên). Năm 1965, Lê Lam là Chủ nhiệm khoa Đồ họa trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam; 1970 ông là Ủy viên ban lãnh đạo ngành Mỹ thuật giải phóng miền Nam; 1978 là giám đốc xưởng Mỹ thuật Quốc gia. Ông từng mở 50 triển lãm mỹ thuật cá nhân trong nước. Tranh của ông cũng có mặt tại các triển lãm quốc tế ở Triều Tiên, Mông Cổ, Trung Quốc, Liên Xô, Bungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Cu Ba, Nhật Bản, Iran. Họa sĩ Lê Lam từng đạt Giải thưởng Mỹ thuật trong nước năm 1955, 1991, 1993; Giải thưởng quốc tế Bruno - Tiệp Khắc năm 1976, NoMa - Nhật Bản 1991; Tibi ở Iran 1993. |
*(1), (2): Phỏng theo ý thơ của Trần Dần
Hoàng Tuyến
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...