Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
09:11 (GMT +7)

Hòa giải, hòa hợp dân tộc và văn hóa truyền thống

Hòa giải, hòa hợp dân tộc nhìn từ các sự kiện lịch sử

Thuật ngữ hòa giải mới có từ sau năm 1945, đặc biệt là sau năm 1975. Hòa giải tức là hóa giải mâu thuẫn giữa các cá nhân, tổ chức, cộng đồng người, giữa các quốc gia với nhau.

Lịch sử nước ta từ đầu thế kỷ XX là lịch sử tiếp tục chống quân xâm lược Pháp sau những thất bại của các phong trào: Văn Thân do Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo... Đó là thời kỳ có rất nhiều phong trào và lực lượng chống Pháp xuất hiện ở cả trong và ngoài nước. Mục đích thì giống nhau là đánh đuổi quân xâm lược Pháp nhưng phương tiện thì khác nhau. Các phong trào và lực lượng này tuy có khác nhau về ý thức hệ nhưng có chung một mục đích là giành lại độc lâp dân tộc nên không có mâu thuẫn lớn.

 

Captured French soldiers are marched through the fields after their surrender at Dien Bien Phu in 1954. More than 10,000 French troops were captured after a 55 day siege . The French defeat ended nearly a century of French occupation of Indochina. (AP Photo/Vietnam News Agency)

Hơn 10.000 tù binh của Pháp ở Điện Biên Phủ được ta trao trả (Nguồn: baochinhphu.vn)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” (Hồ Chí Minh). Đó cũng là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 1946 thực dân Pháp đã tổ chức Liên bang Đông Dương chia nước ta làm 3 kỳ có tổ chức hành chính khác nhau. Sau chín năm kháng chiến, năm 1954 với Hiệp định đình chiến Giơnevơ chia cắt nước ta thành hai miền ở vĩ tuyến 17, tồn tại hai thể chế chính trị, văn hóa khác nhau. Từ đó cho đến năm 1975, trên dải đất Việt Nam đã có nhiều chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đế quốc Việt Nam, Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cùng với những chính phủ đó là các tổ chức vũ trang và quân đội của nó.

Theo Hiệp định Giơnevơ (1954), Quân đội nhân dân Việt Nam rút về tập kết ở miền Bắc; Quân đội Liên hiệp Pháp, Quân đội Quốc gia Việt Nam rút về tập kết ở miền Nam, quân đội của Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên vẫn tồn tại ở miền Nam. Năm 1975, Quân đội Việt Nam Cộng hòa (do Mỹ huấn luyện và cung cấp tài chính) bị tiêu diệt hoặc tan rã tại chỗ. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hợp nhất với Quân đội nhân dân Việt Nam của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau năm 1975, tàn quân của chính quyền Sài Gòn còn rất đông tiếp tục lẩn trốn, chôn giấu vũ khí, tập trung nhân lực, xây dựng lực lượng vũ trang và vùng ly khai với mục đích chống phá chính quyền mới nhưng đã thất bại.

Cùng với các chính phủ và quân đội khác nhau là các chính sách của Pháp và Mỹ trong quá trình xâm lược và chiến tranh Việt Nam cũng tạo nên nhiều mâu thuẫn cho người Việt Nam. Đó là chính sách “Da vàng hóa chiến tranh” (Dùng người Việt đánh người Việt) của thực dân Pháp; chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; chủ trương sử dụng Hoa kiều như “Đội quân thứ 5” của chính quyền Trung Quốc trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1979); phong trào ly khai của một số nhóm dân tộc thiểu số như FULRO ở Tây Nguyên và ở Mường Nhé (Lai Châu)…

Những sự kiện lịch sử trên đây đã tạo nên vô vàn mâu thuẫn, giữa các tổ chức với nhau, giữa các chính phủ và các quân đội với nhau, giữa các cá nhân với các tổ chức của chính quyền khác nhau, đặc biệt là cá nhân và gia đình của họ như cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè tham gia hoạt động cho bên này hoặc bên kia… kéo dài nhiều thế hệ, đến cả con cháu bây giờ và có thể còn lâu hơn nữa.

Ba mươi năm chiến tranh (1945 - 1975) đã làm nảy sinh mâu thuẫn về ý thức hệ, quyền lợi nhiều mặt, lập trường chính trị, cách nhìn nhận cuộc chiến… Hơn nữa, cuộc chiến tranh nào cũng có mất mát đau thương, cũng có chia ly, cũng có bên thắng, bên thua cuộc, vẫn âm ỷ trong lòng mỗi người. Dù chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng những người thuộc giai đoạn lịch sử này còn sống nhiều, nhất là số di tản ra nước ngoài vẫn có người còn ấm ức với quá khứ, cho nên vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn được coi là cấp thiết trong đời sống xã hội Việt Nam.

Hòa giải, hòa hợp trong văn hóa Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia thống nhất có nhiều dân tộc anh em với nhiều tôn giáo có sắc thái văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa nhưng có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Quá trình lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc ta đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa dân gian phản ánh tình nghĩa đồng bào sâu đậm tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Trong đó có cả phương thức hòa giải từ quan hệ gia đình: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Ứng xử với mâu thuẫn: “Chín bỏ làm mười”. “Vô phúc mà đáo tụng đình/ Tụng đình mà rình vô phúc”.

Đến Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn nêu lên một cách ứng xử ngay cả khi phải ra tòa án:

Đã đưa nhau đến cửa công

Bề ngoài là lý song trong là tình.

Dâu con trong đạo gia đình,

Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong.

Trong lịch sử chống quân xâm lược các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã ứng xử với phương cách hòa giải khi kẻ thù đầu hàng.

Cuộc kháng chiến 10 năm gian khổ chống quân Minh xâm lược “Độc ác thay, trúc Lam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”, nhưng khi chúng đã thất bại, đầu hàng thì người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã tha cho chúng. Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi cho ta thấy tinh thần hòa giải, xóa bỏ hận thù của cha ông ta:

Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng.

Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc.

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Cũng như trước đó, thời nhà Trần, Hoàng đế Trần Nhân Tông, sau chiến thắng giặc Nguyên đã chủ trương hòa giải trong Hoàng tộc, trong quốc gia để tạo nên sức mạnh, bảo vệ đất nước. Bắt đầu là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng những người đã từng có liên hệ với giặc, kể cả thư từ quan hệ có bằng chứng phản bội của một số quan lại và thân vương. Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên cho biết “Trước kia người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng Hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.

Đến thế kỷ XX thì tinh thần hòa giải giữa người Việt Nam với nhau càng bộc lộ sâu sắc hơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xét trên bình diện chung, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không xảy ra đổ máu. Hoàng tộc nhà Nguyễn được bảo vệ, vua Bảo Đại lại còn được Cụ Hồ mời ra làm cố vấn cho Chính phủ cùng nhiều vị quan lại của đức vua. Kinh thành và lăng tẩm của triều đình nhà Nguyễn được bảo vệ nguyên vẹn.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, binh lính Quân đội Liên hiệp Pháp bị thương được cứu chữa, những người bị bắt làm tù binh được đối xử nhân đạo và trao trả cho chính phủ Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng tàn khốc, ác liệt với bao tang tóc đau thương do Mỹ gây ra cho Việt Nam nhưng đã nhiều lần, trong các bài nói, bài viết và thư từ gửi các Tổng thống Mỹ, bao giờ Bác Hồ cũng để ngỏ khả năng “trải thảm cho quân Mỹ” rút khỏi Việt Nam. Sau này Mỹ và Việt Nam đã lập lại quan hệ ngoại giao và quan hệ đó ngày càng phát triển về mọi mặt kể cả quân sự.

Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, sau đàm phán căng thẳng giữa Chính phủ ta và các bên, cũng đã có điều khoản hòa hợp và hòa giải dân tộc. Sài Gòn và các thành phố ở miền Nam được giải phóng mà không có cuộc “tắm máu” nào xảy ra như có người lo sợ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt xúc động nói rằng: “Ngày chiến thắng, có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn” chính là tinh thần ấy. Gần đây nhất là chiến tranh Biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây ra năm 1979, chính sách hòa giải của Đảng và chính phủ Việt Nam cùng toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn được thực hiện nhất quán…

Tuy còn nhiều khó khăn trong việc hòa giải (cần phải có thời gian) nhưng Việt Nam đã cố gắng và làm được rất nhiều việc để xóa bỏ hận thù, xóa bỏ sự cách ngăn tình cảm của bà con xa quê hương, xa Tổ quốc. Bởi Tổ quốc là của chung mọi người, là người mẹ hiền của mọi con dân. Con cái lúc này lúc khác, vì lý do nào đó mà ra đi nhưng đất mẹ lúc nào cũng bao dung, độ lượng che chở và đón con trở về. Ai có nguyện vọng về thăm quê hương đất mẹ, thăm và nhớ về tuổi thơ đầy kỷ niệm của mình, thắp nén hương cho vong linh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình... đều được chào đón, và thực tế rất nhiều người đã trở về với lòng thanh thản, nhẹ nhõm.

Đặc biệt, hiện nay trong đại dịch COVID-19, đã có hàng nghìn bà con Việt Kiều khắp nơi trên thế giới góp tiền bạc và y cụ phòng chống dịch gửi về giúp đồng bào trong nước và hàng trăm bà con Việt kiều đã về Việt Nam, được Chính phủ và đồng bào cưu mang giúp đỡ, chạy chữa thoát khỏi bệnh dịch. Đó cũng là kết quả của tinh thần hòa giải trong văn hóa Việt Nam!

LÊ ĐÌNH CÚC

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy