Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:44 (GMT +7)

Hoa Dụ Quỷ

Truyện ngắn. Cao Nguyệt Nguyên

VNTN - Xe chạy hai tiếng rưỡi, tôi chọn ngã rẽ về Quảng Yên để đi bộ men theo con đường xuyên qua sườn núi thời đi học. Cảm giác hẫng hụt khiến tôi lòa mắt, không phải đất sét lầm bụi dưới chân, những cây hoa tuyết trắng mà là con đường bê tông uốn lượn, trơ trụi dưới cái nắng hè không một bóng cây. Tôi khẽ thở dài, thành phố đã vào đến nơi đây. Cảm tưởng như cả thế giới đổi thay riêng tôi là ù ì quá đỗi. Tôi đi, ba lô khoác trên vai mà ngẫm về mình. Hăm bảy tuổi, không mảnh tình dính vai, không tờ tiền dính túi. Tôi đi theo những mơ mộng viển vông của thời tuổi trẻ. Rằng chỉ có cầm bút, sáng tạo mới là sống. Còn vật chất là hư vô biết bao nhiêu cho vừa. Người ta no đủ người ta dư thừa thì tâm hồn càng cằn cỗi, khó có thể sáng tạo.

Bây giờ đây chân tôi bước trên con đường trải nắng, con đường cắt ngang qua dải suối ven rừng, nước đọng lại thành ao đầy lá rừng mục nát. Nửa quả đồi bị phạt mất nửa để làm đường. Mưng mức trong màu đất đỏ.

Nhà tôi mới được quét vôi mới, bờ rào râm bụt được thay bằng bức tường rào gạch gắn sành chai cao gần bằng đầu người. Cả nhà đi vắng, tôi đoán chừng sang đám cưới vì có tiếng nhạc xập xình của đám xá gần đây. Tôi ngả ba lô xuống thềm đi ra bể nước rửa mặt.

Một lúc sau thì Duyên về, dạo này nó lớn quá đã thành thiếu nữ rồi. Chẳng hiểu nó lấy đâu mấy cái hộp phấn xanh đỏ.

- Nhìn mày cứ như mấy cô đồng.

Nó chu môi:

 - Kệ, đấy là mốt. Hôm nay đám cưới chị Sim. Anh có sang một tý không? Bên ấy đang đánh nhạc sống hay lắm.

Hôm nay Sim cưới ư?

Một chặp pháo giấy nổ rát rúa. Tôi ngồi thu mình bên bậc thềm lặng lẽ đếm những hạt nắng nhạt dần. Một năm nay không thư từ liên lạc mà sao lúc này tôi thấy mình bứt rứt, một chút giận hờn, trách cứ trộn lẫn nhau. Người ta làm gì có lỗi. Người ta cũng đã ngỏ lời thương cho mình đấy thôi. Tôi khẽ thở dài. Do duyên số.

Sim trinh bạch, đời thường quá mà tôi thì tâm hồn để nơi chân trời góc bể. Tôi muốn đi thật xa để thỏa chí giang hồ. Cái con bé có làn da trắng sứ ấy thích mùa hoa dẻ. Đến mùa, Sim đi dọc suối tết những bông hoa làm thành chiếc đèn lồng vàng sộm. Nó đưa cho tôi, mắt cúi xuống  “Cho Nam này”. Tôi xì một tiếng, quay ngoắt đi. Tôi thèm vào mấy thứ hoa dụ quỷ. Sim đứng khóc chơ vơ giữa suối, chân ngâm nước lạnh lơi lơi.

Mùa hoa dẻ trong tôi được thêu dệt bằng câu chuyện li kỳ của mọi người trong xóm. Mẹ Sim vốn là người đàn bà không bình thường, không bao giờ nói được tiếng lưu loát, thân hình còm lọm đi mà như lết. Đêm trăng nào cũng bỏ nhà đi vào Thạch Bàn trầm suối, dưới lũng khe sâu bạt ngàn hoa dẻ. Không ai biết vì sao bà ấy hoài thai và đẻ ra Sim. Người ta ngờ rằng con của quỷ, đứa con ấy được ra đời cũng mang khuôn mặt không khác gì mẹ. Thế mà Sim bình thường, nói năng và nô đùa như các bạn. Dù nó học giỏi nhất lớp. Nó âm thầm chịu đựng vô vàn những trò nghịch dại của chúng tôi. Rồi cuối cùng nó cũng nghỉ.

Con bé Duyên cầm bông dẻ xoay xoay trước mặt - Chị Sim bảo tiếc nhất mùa hoa dẻ thôi.

Tôi ậm ừ: Sim còn nói gì không? Duyên cười tinh nghịch: Em hỏi có tiếc anh Nam không? Chị ấy lặng im bảo không dám với.

Sim trách khéo. Rằng chờ đợi, rằng sân si của cô gái quê mùa không đếm được bước chân biền biệt. Rằng bóng chim tăm cá. Không phải tôi không biết, mà là tôi làm ngơ. Là đàn ông tôi ghét chuyện đàn bà thường tình, sống để yêu thôi chưa đủ. Tôi không đủ sức bao bọc Sim. Nàng mong manh quá. Nàng khổ quá mà tôi thì sợ phải trách nhiệm, sợ khổ mình rồi khổ cả người khác. Nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy đàn ông như tôi và đa số những gã viết văn đều hèn cả. Họ và tôi đều cao sang, thánh thiện trong con chữ còn giữa cuộc đời thật chúng tôi mượn chữ để nép vào để chối bỏ trách nhiệm. Không ít lần trong những cuộc gặp gỡ nơi bàn rượu, những gương mặt anh hào đình đám trong trang sách nơi đời thật lại nhồm nhoàm thô tục, sân si cả những tách cà phê. Nói dài kể khổ để biết rằng tôi ngàn lần không xứng với em. Em chân thật, mộc mạc, yêu thật và sống thật chứ không như chúng tôi.

Ngàn lần tôi cầu mong em hạnh phúc. Người đàn ông lấy em sẽ là người bao dung. Chao ôi! Tôi chợt rùng mình ớn lạnh. Đêm đã xuống, sương giăng mùng khắp mọi nơi, sương ở vùng núi này bao năm không đổi khác, nặng và đọng thành giọt trên mi mắt. Con đường đến Thạch Bàn không còn định hình thành đường mòn vẹt, những cành lá um tùm che đậy.

Sim sẽ hạnh phúc, chắc chắn vậy. Sẽ viên mãn như những bông dẻ đẫm sương đêm như đêm nay?

Ngày xưa, có những đêm mùa giếng làng cạn nước, Sim ngồi bên tôi dưới suối. Người hứng nước không còn ai, chỉ còn đôi quang gánh và đôi thùng để bên. Nước dưới khe tí tách từng giọt thử lòng người đợi. Có những đêm mùa hạn như đêm nay tôi và Sim lại sóng bước bên nhau chênh vênh dưới bóng trăng. Tôi của một thời khù khờ xa lạ, và tôi của một mòn vẹt, trầy xướt và từng trải hôm nay. Cứ nhập nhòa ẩn hiện.

“Nam ơi.” Sim lặng lẽ dựa vào vai tôi tóc xõa ra đen nhức. Sim không khóc mà nghe trong giọng nói có nước chẹn ngang cổ. - Sim không muốn về nhà. Không bao giờ muốn về nhà nữa.

Tôi lặng người trước mùi mồ hôi con gái ngai ngái mà lần đầu được ngửi, nó gần quá, vừa xa lạ vừa thân thuộc.  Sao Sim lại không muốn về?

Sim nhìn lên những cây dẻ in bóng đen dưới nước, những bông hoa lóa vào trăng, chờn vờn rung động.

 - Nam hứa với Sim đã. Rằng đến chết cũng không bao giờ nói chuyện này ra.

Tôi gật đầu. Sim im lặng hồi lâu như phân vân, sắp xếp những điều muốn kể.

 - Từ ngày bà mất, mẹ Sim đêm nào cũng phải vào buồng của ông. Ông bị đau chân nên phải vào xoa bóp. Hôm trước ông bảo Sim vào nhưng mẹ không cho. Mọi người tưởng mẹ Sim điên nhưng bà biết nhiều lắm, bà muốn giữ gìn cho Sim. Cứ đến mùa dẻ, ông thường châm một cây nến dưới chùm hoa và gọi mẹ vào. Khi hoa bị nến thiêu khô hết, cánh rã xuống đất là lúc gần rạng sáng. Ông làm thế là để ngăn mùa dụ quỷ. Ông bảo cả Sim và mẹ đều là quỷ. Nam có tin không?

Tôi chợt thấy sống lưng mình gai lạnh. Những lời đồn đoán, những câu chuyện li kỳ, biết đâu là thật? Rằng Sim, đứa con gái có khuôn mặt đẹp trên vai tôi lúc này là quỷ. Và đang là mùa dụ quỷ. Tôi có tin không? Tôi u mê với những câu hỏi chờn vờn trong đầu. Không còn tưởng đến những câu chuyện của Sim.

- Sim muốn đưa mẹ đi trốn, đâu cũng được, miễn là không ở trong ngôi nhà ấy nữa. Sim thấy nhục lắm. Hôm trước đi làm đồng về, Sim thấy… trong buồng của bác Hai có tiếng mẹ khóc. Mẹ đứng trần truồng giữa nhà. Bác bảo vì mẹ ăn cắp. Bác đánh vào chỗ ấy của mẹ, bác bảo quỷ tha ma bắt mày đi đồ điên đồ dại.  Bác bắt mẹ nằm tơ hơ dưới ngọn đèn.

Tiếng Sim nấc lên.

- Để tôi thay thùng nước khác.

Tôi cắt ngang tiếng khóc của Sim bằng câu cọc lốc không ý nghĩa. Thì là nước tràn, có nhất thiết phải vậy không?

- Sau này Sim lấy chồng rồi sẽ không khổ vậy nữa. Sim sẽ sướng thôi.

Tôi cố làm dịu nhưng vụng về chạm vào nỗi đau của nàng. Nàng không nhìn tôi, mà lặng lẽ soi bóng mình trong thùng nước. Bóng nàng thẫm đen.

- Ai lấy Sim đây? Ai dám lấy quỷ làm vợ? Sim sẽ khổ, như mẹ vậy.

Tôi đưa tay bối rối gỡ tóc nàng vương trên sợi cây.

- Đừng bi quan thế? Biết đâu có người yêu Sim thật lòng người ta sẽ cưới.

Sim ngước mắt nhìn tôi, chan chứa hy vọng làm tôi bối rối.

- Nam có lấy mình không?

- Có thể lắm chứ.

Tôi cười vô tư mà lời nói ấy có lẽ thành vô tâm mãi mãi. Có thể tôi đã gieo niềm hi vọng cho Sim mà mãi mãi không bao giờ thành hiện thực. Rằng tôi là của chân trời, không thuộc về ai cả. Tôi của cái chết không nhà không cửa, không tính toán thiệt hơn. Của mọi người nhưng không cứu vớt được một người.

Từ hôm ấy trong mắt Sim khi chạm tôi ánh nhìn đã khác. Điều gì đó khó giải thích bằng lời đã diễn ra. Đêm nào Sim cũng chờ tôi trên dốc Thạch Bàn lấy nước đêm, dù mùa ấy dưới làng giếng đã lưng lưng nước. Tôi trốn mình vào những trang sách và những cuộc chơi cờ ca rô mỗi tối với em. Còn nàng cứ đứng chênh chao trên triền dốc, sương đọng thành giọt trên mi mắt nàng không đưa tay gạt. Sương hòa với nước mắt thành dòng lạnh ngắt. Đôi bàn tay nàng siết chặt lấy đôi thùng nhôm đứng hàng giờ, để sáng hôm sau người làng bảo nàng là con dở, theo mùa quỷ dụ như mẹ nàng.

Tôi làm ngây tất cả, có nghĩa lý gì khi không thi đậu đại học. Tôi sẽ mất những hoài bão tương lai nếu nắm tay nàng bước vào mùa quỷ dụ. Mê mị và cuồng say. Tôi sợ bước vào thế giới đàn ông với những trách nhiệm.

Mẹ nàng lại mang thai lần nữa, chỉ có tôi và nàng biết đó không phải là đứa con của quỷ. Mẹ nàng bị xâm hại một cách âm thầm, và ai làm điều đó. Tôi cũng biết tương lai, nàng có thể cũng sẽ bị như thế. Nàng cầu cứu tôi. Nhưng tôi không biết phải làm cách nào để giải cứu, lời nói của một thằng con trai mới lớn, không thể át được tất cả làng Na. Tôi chỉ biết bảo nàng cẩn thận.

Sau này trong giấc mơ tôi thấy nàng với những giọt nước mắt đọng sương và đôi tay chới với đưa về phía tôi. Nhưng tôi không đưa tay ra níu giữ, nàng trôi dài trong làn nước suối trong veo phủ đầy hoa dẻ vàng sộm. Tóc nàng xõa ra đen nhức.

Bao năm nay, Sim đứng đợi tôi trên dốc Thạch Bàn. Đêm nay còn mình tôi. Tôi tự hỏi lòng mình. Hoài bão của tôi ở đâu? Khi không cứu giúp được một người gần gụi tôi. Tôi cũng như bao người khác đi theo tiếng gọi số đông không bằng cách này thì bằng cách khác. Thế mà tôi tưởng mình cao thượng, từ chối mớm bút cho những kẻ nhiều tiền muốn mua danh. Tất cả những thành tích mà tôi đạt được không so sánh được với tình yêu của Sim, sự hy vọng ấy. Tôi đã dụi tắt, và bây giờ ngồi đây gặm nhấm lại nỗi dằn vặt của mình.

Nam ơi. Tiếng gọi của Sim vẫn tha thiết và nghẹn ngào như thế. Mặc dù rất nhẹ, rất bí mật nhưng vang vọng khôn cùng.

 - Ngày mai Sim phải đi lấy trầm với bác.

Đôi bàn tay run run lạnh ngắt nắm chặt lấy bàn tay tôi.

- Đi với Sim. Làm ơn đi với Sim đi.

Chúng tôi chạy băng trên sườn đồi, Sim nắm tay tôi băng qua những khóm hoa dẻ đẫm sương đêm. Mùi hương vấn vít trên tóc, lớp áo mỏng trên người nàng ướt, dính vào da thịt. Bầu ngực chập chờn trong sương và ánh trăng lạnh.

- Từ từ đã Sim, tôi không thở được nữa.

Tôi cuồng chân, hai đứa nằm vật xuống đám sỏi trắng bên suối. Chỉ có bóng trăng và những tiếng thở cố nén lại. Lần đầu tiên trong đời tôi ở trạng thái căng cứng khó chịu. Sim cầm bàn tay tôi đặt lên ngực. Tôi rụt tay lại, bầu ngực nàng vun cao mờ ảo.

- Chạm vào Sim đi Nam.

Tiếng Sim nhẹ như tiếng gió.

Tôi nửa muốn tháo chạy nửa muốn ở lại bên bầu ngực ấy. Hình như cả hai đứa đều sai. Tôi dằn lòng mình vậy.

- Nếu đêm nay không là Nam, có lẽ ngày mai không kịp nữa. Sim muốn dâng hiến sự trinh trắng đầu đời cho Nam, chứ không phải bất kể một kẻ phàm phu nhơ nhám nào khác. Giúp mình đi Nam.

Những lời van nài loãng dần với vòng tay siết chặt. Tôi thấy mình vội vàng hối hả như leo lên một con dốc cao hơn ngàn vạn lần so với Thạch Bàn, sương, mây và ánh trăng nâng tôi lên cao, cao mãi để cuối cùng thân thể vỡ tan ra vạn mảnh sáng co rút diệu kỳ.

Đàng nào thì Sim cũng khổ, khổ như mẹ là cùng. Nên Sim không thiết nữa. Chỉ có cái chết mới thoát được thôi. Nhưng Sim không chết được vì còn mẹ. Những lời u hoài ấy dội vào tôi luôn luôn. Dù sau này đi xa làng Na đi đến nơi nào tôi vẫn nhớ, một góc trời, có đứa con gái đẹp ngày nào vẫn chờ mong cái chết.

Đi đại học về năm hai, tôi ra dáng một tay sinh viên trường báo rởm đời, với bộ quần áo bụi bặm hầm hố. Tôi nhìn đời bằng cái nhìn khinh bạc. Về quê chớp nhoáng và không còn nhắc đến những bông dẻ vàng, cũng không bao giờ bước chân vào lũng khe ấy nữa. Lần ấy, con bé Duyên đưa cho tôi lá thư của Sim, lá thư viết vội, đôi ba dòng chữ hình như nhòe vì nước. Nói là bức thư nhưng chỉ vỏn vẹn mấy dòng. “Nam còn nhớ Sim không? Đêm nay Sim vẫn trên đồi Thạch Bàn chờ Nam”. Tôi liếc ngang tờ giấy, ghém lại đút vào túi áo. Đêm ấy tôi cũng muốn đi gặp Sim để nói nàng đừng chờ đợi nữa, nhưng vì bữa nhậu lúc chiều làm tôi bải hoải, vừa đặt lưng đã ngủ lịm không hay.

Sáng sớm tôi nhớ ra lời nhắn. Chắc Sim về lâu rồi. Nhưng biết đâu? Tôi choàng chiếc áo khoác lên người đi về phía đồi bạch đàn. Từ xa dáng Sim đứng bất động giữa trời, mắt nàng ngây dại.

- Sim. Sao không về đi?

Cổ tôi nghẹn đắng, một nỗi xót thương tràn ngập.

- Sim dại quá.

Tôi dìu nàng đi xuống núi, hơi...

 thở và bàn tay nàng trở nên xa lạ. Tôi không còn cảm xúc của ngày đầu tiên, chỉ thấy ngượng ngập và day dứt.

- Sim đừng đợi Nam nữa. Nam không xứng để Sim phải chờ đợi, hy sinh vậy đâu. Sim cúi mặt, nàng lờ mờ nhận ra những lời tôi muốn nói. Nàng khẽ gật đầu.

- Mẹ Sim chết rồi. Sim không phải sống vì ai nữa. Sim cũng không vì mẹ mà phải chịu đựng bất kỳ ai. Tấm thân Sim giờ là của Sim. Đêm qua Sim mơ thấy mẹ, mẹ dẫn Sim bước vào rừng hoa dẻ, đi mãi đi mãi không thấy bóng người, chỉ có những bông dẻ nhảy múa. Những vũ điệu mê dại. Mẹ cười khuôn mặt rạng rỡ như hoa. Không còn gương mặt quỷ nữa, cũng trắng trong như sứ vậy. Chỉ ngày một ngày hai thôi, Sim rồi cũng đi theo mẹ. Nam cứ sống với mơ ước của mình, Sim chẳng có mơ ước, hoặc là mơ ước của Sim không có thực. Nam thích thì cứ đi phiêu bạt làm điều mình thích. Mặc Sim. Ngay từ lúc đầu đã biết không chờ mong gì được mà. Sim không khóc đâu. Nam cũng đừng bận tâm nữa.

Tôi kéo nàng lại.

- Đừng làm thế. Tôi không sống được nếu Sim chọn cho mình cái chết. Thời nào rồi mà Sim cứ khổ mãi thế.

Sim cười. Tôi không hiểu được nụ cười ấy, vừa chua cay vừa giễu cợt vừa van nài vừa thách thức.

Sim quệt nước mắt.

- Thế nghề của Nam viết về cái gì? Có khó như leo núi Thạch Bàn không?

Tôi bật cười.

- Hơn nhiều chứ, nghề của Nam là phải đi nhiều biết nhiều, và viết nhiều về những cảnh bất công trong xã hội. Để mang lại niềm vui.

Mắt Sim nhìn chao chao xuống con dốc.

- Nếu mà ngày xưa Nam đã là nhà báo như bây giờ, liệu Nam có viết về mẹ Sim không?

Tôi trả lời rất nhanh:

- Có thể, ở đâu có đề tài hay là Nam sẽ viết liền.

Sim cúi mặt, một giọt nước mắt nữa lăn dài trên má:

- Ừ chuyện của mình và mẹ… chắc cũng hay lắm. Chuyện của người điên.

Lần cuối chúng tôi gặp nhau, mọi sự đều rõ ràng không giấu giếm, tôi nói suy nghĩ của mình, còn Sim lắng nghe. Những lần sau về quê chưa một lần nào tôi gặp lại nàng, có thể nàng tránh mặt.

Người làng bảo nhau có đứa con gái khỏa thân đi dưới trăng đêm lạnh, vừa đi vừa xoay tròn mãi rồi lẩn vào trong những bông dẻ. Đàn ông làng gặp sẽ bị quỷ dẫn đi thâu đêm sáng về phơ phờ như người mất hồn chỉ nói rằng “đẹp lắm”. Người ta thêu dệt lên những tấm áo gai khoác lên người nàng, tấm áo có gai nhọn đâm thấu da thịt nàng rỉ máu. Mỗi lần nàng khoác lên một bộ phục sức của người điên rực rỡ, ma mị, nhưng đau đớn.

Cả đời này tôi cũng không bằng một anh bán thịt lợn. Những con chữ trong tay tôi méo mó vô vị biết nhường nào, những con chữ chỉ biết tô lên cái đẹp, nhưng không giữ được cái đẹp. Đôi khi chiêm ngưỡng cũng là một sự hủy diệt.

Làng Na trở về yên ắng, tôi ngồi ăn cơm với bố mẹ trước hiên nhà. Chiếc bóng điện măng xông sáng chói dội xuống mâm cơm. Bố khề khà chén rượu, lần đầu bố rót rượu cho tôi.

- Anh va chạm nhiều ngoài xã hội, nhưng không đâu ngon bằng rượu nếp lủi quê mình.

- Tôi nhận chén rượu đưa lên uống cạn. Lưỡi đắng dịu một cách đê mê. Mẹ với Duyên thay nhau gắp thức ăn cho tôi như chỉ sợ tôi mải rượu mà quên mất ăn.

- Hôm nay cưới cái Sim đông lắm, anh về mà chẳng sang chơi với nó một lúc, nó vẫn nhắc đến anh.

Mẹ nhìn tôi như đợi ý. Tôi nâng chén rượu lên môi uống cạn lần nữa không đáp lời.

- Tại anh Nam mà chị Sim thành gái ế.

Cái Duyên tủm tỉm cười. Mẹ tôi nghiêm mặt.

 - Đừng nói linh tinh, nó có đẹp nữa chứ đẹp mãi cũng không thằng con trai nào làng này dám lấy đâu.

- Chồng Sim có tốt không?

Tôi buột miệng hỏi. Mẹ tôi thở dài.

 Nó khổ. Người ta bảo thời nay “hồng nhan bạc tỷ” thế mà nó vẫn khổ. Thằng chồng bán thịt lợn ở làng bên. Nhìn nó cứ như thần trùng ấy, rậm râu sâu mắt. Chỉ có nó mới bất chấp cả làng, bất chấp cả quỷ mà lấy con Sim chứ ai dám lấy. Nhưng nhìn dáng người ấy thì vũ phu lắm.

Đêm ấy tôi ngồi uống rượu suông, trăng đi trốn cố tình để tôi lẻ bóng. Còn tôi với vị cay nồng, không còn mùi hoa dẻ và những bước chân với điệu múa xoáy vòng trên đồi Thạch Bàn. Trăng theo nàng về bên ấy, liệu rằng có khoác lên nàng bộ áo mới an bình hay không?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước